Kinh tế

Vì sao dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp ở các huyện miền núi?

Quang An 30/10/2024 15:23

Khác với các đợt dịch tả lợn châu Phi trước đây, hiện nay, dịch bệnh này đang bùng phát mạnh ở các huyện miền núi Nghệ An, số lợn bệnh buộc phải tiêu hủy gấp nhiều lần so với vùng miền xuôi.

Chênh lệch giữa các vùng

Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Nghệ An, đến cuối tháng 10/2024, trên địa bàn tỉnh hiện có trên 60 ổ dịch tả lợn châu Phi chưa qua 21 ngày tại 16 huyện; thành, thị. Số con lợn tiêu hủy trên 4.000 con, tổng trọng lượng trên 210 tấn. Dịch bệnh này vẫn đang diễn biến phức tạp, nhất là sau các đợt mưa lũ vừa qua. Lũy kế từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã tiêu hủy trên 7.600 con, tổng trọng lượng gần 400 tấn.

Toàn tỉnh hiện có trên 60 ổ dịch tả lợn châu Phi chưa qua 21 ngày. Ảnh: Q.A
Toàn tỉnh hiện có trên 60 ổ dịch tả lợn châu Phi chưa qua 21 ngày. Ảnh: Q.A

Điều đáng nói, các số liệu cho thấy, trong đợt dịch lần này (từ tháng 8 – 10/2024), số lượng lợn nhiễm bệnh và tổng trọng lượng tiêu hủy có sự chênh lệch rõ ràng giữa các huyện miền núi và huyện miền xuôi.

Cụ thể, hiện nay huyện Anh Sơn là địa phương có dịch diễn biến phức tạp nhất trên địa bàn tỉnh với 12 ổ dịch, tổng số lợn tiêu hủy trên 1.700 con và tổng trọng lượng hơn 94 tấn. Tiếp đến là huyện Tương Dương, dù chỉ có 4 ổ dịch tại 4 xã, nhưng phải tiêu hủy trên 1.000 con, tổng trọng lượng hơn 46 tấn. Huyện Quỳ Hợp và Quế Phong có tổng cộng 7 ổ dịch, số lợn tiêu hủy trên 800 con với tổng trọng lợn trên 30 tấn. Ngoài ra còn xuất hiện ở các huyện như Kỳ Sơn, Quỳ Châu, Tân Kỳ… Với số lượng lợn tiêu hủy lớn như vậy, đây là thiệt hại không hề nhỏ đối với đồng bào vùng cao.

Chốt kiểm soát dịch tại xã Vĩnh Sơn, huyện Anh Sơn. Ảnh: Q.An
Chốt kiểm soát dịch tại xã Vĩnh Sơn, huyện Anh Sơn. Ảnh: Q.An

Ngược lại, tại các huyện miền xuôi, dịch tả lợn châu Phi có dấu hiệu chững lại, một số địa phương đã không để dịch lây lan. Cụ thể, tại huyện Yên Thành, dù có 10 ổ dịch, tuy nhiên tổng số lợn tiêu hủy chỉ 180 con, trọng lượng 11 tấn. Tại huyện Diễn Châu có 3 ổ dịch, số lợn tiêu hủy 24 con, trọng lượng 4 tạ. Các huyện Quỳnh Lưu, Nghi Lộc, Nam Đàn, TP. Vinh có tổng 5 ổ dịch, số lợn tiêu hủy 25 con và tổng trọng lượng lợn tiêu hủy của cả 4 địa phương này hơn 3 tấn. Các số liệu đã chỉ rõ sự chênh lệch về tính phức tạp của dịch tả lợn châu Phi của các huyện miền núi và vùng xuôi.

Khu vực tiêu hủy lợn bệnh trên địa bàn xã Vĩnh Sơn, huyện Anh Sơn. Ảnh: Q.A
Khu vực tiêu hủy lợn bệnh trên địa bàn xã Vĩnh Sơn, huyện Anh Sơn. Ảnh: Q.A

Bất cập trong phòng, chống dịch ở miền núi

Xã Yên Na là một trong những địa phương có dịch diễn biến phức tạp trên địa bàn huyện Tương Dương. Dịch xuất hiện đầu tiên vào cuối tháng 8/2024 tại hộ anh Lương Văn Dậu, bản Xiêng Nứa với 7 con lợn thịt bị nhiễm. Tính đến cuối tháng 10/2024, dịch đã lây lan ra 86 hộ ở hai bản Xiêng Nứa và Na Bón, làm chết và tiêu hủy 279 con, tổng trọng lượng tiêu hủy trên 17 tấn, ước thiệt hại khoảng 1 tỷ đồng.

Tập quán chăn nuôi của người vùng cao còn nhiều bất cập. Ảnh: Q.A
Tập quán chăn nuôi của người vùng cao còn nhiều bất cập. Ảnh: Q.A

Ông Vi Thanh Tùng - Chủ tịch UBND xã Yên Na cho biết: Đồng bào nơi đây sống phụ thuộc vào chăn nuôi, do đó, khi lợn bị nhiễm bệnh và chết hàng loạt đã gây thiệt hại nặng nề. Nhiệm vụ phòng chống dịch lây lan cũng được xã đặt lên hàng đầu. Hiện nay, địa phương đã lập 3 chốt kiểm soát dịch, tiến hành kiểm tra, cách ly, khoanh vùng đối với những gia súc mắc bệnh, tiến hành tiêu hủy số gia súc mắc bệnh, chết theo đúng quy định. Cùng với đó, tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi nhằm hạn chế dịch bệnh lây lan.

Lập chốt kiểm soát dịch bệnh tại xã Yên Na, huyện Tương Dương. Ảnh: Q.A
Lập chốt kiểm soát dịch bệnh tại xã Yên Na, huyện Tương Dương. Ảnh: Q.A

“Mặc dù vậy, nhìn vào thực tế việc phòng chống dịch vẫn còn rất nhiều khó khăn. Một số đồng bào nơi đây vẫn chưa nhận thức được sự nguy hiểm của dịch bệnh nên vẫn còn tính chủ quan, lơ là trong công tác phòng chống. Chưa thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch như rắc vôi bột, phun hóa chất tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi. Ban cán sự một số bản chưa thật sự vào cuộc quyết liệt. Địa bàn rộng, số hộ chăn nuôi nhiều, tổng đàn lớn trong khi lực lượng tham gia phòng chống dịch mỏng, chủ yếu là kiêm nghiệm nhiều việc nên công tác triển khai các biện pháp phòng chống dịch còn hạn chế và chưa kịp thời...”, ông Vi Thanh Tùng cho biết.

Chi cục Chăn nuôi & Thú y làm việc với UBND huyện Tương Dương về phòng chống dịch tả lợn châu Phi trong tháng 10/2024. Ảnh: P.V
Chi cục Chăn nuôi và Thú y làm việc với UBND huyện Tương Dương về phòng chống dịch tả lợn châu Phi trong tháng 10/2024. Ảnh: P.V

Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi, đặc biệt tại các huyện như Tương Dương, Anh Sơn, vào giữa tháng 10/2024, đoàn công tác của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh đã trực tiếp làm việc với huyện Tương Dương, nắm bắt tình hình tại các xã có dịch bao gồm Nga My, Yên Na và Lưu Kiền.

Qua kiểm tra thực tế tại các hộ gia đình, tại các bản bị dịch, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã nhận định các nguyên nhân khiến dịch tả lợn châu Phi lây lan và khó kiểm soát tại các địa phương này.

cảnh báo
Các biển cảnh báo được chính quyền địa phương tuyên truyền. Ảnh: Q.A

Cụ thể, hình thức chăn nuôi tại đây tuy nhỏ lẻ nhưng mật độ lớn, chuồng sát chuồng, chạy dọc khe suối; nước, rác thải của quá trình chăn nuôi xả trực tiếp ra môi trường. Chính quyền một số xã còn chủ quan trong phòng, chống dịch bệnh; chưa rà soát, quản lý được đàn vật nuôi. Công tác tiêu hủy lợn chết, lợn bị bệnh chưa đảm bảo yêu cầu kỹ thuật; một số nơi còn giao cho hộ gia đình tự tiêu hủy làm phát tán mầm bệnh.

Công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng tại hộ bị dịch, vùng dịch chưa triệt để. Người chăn nuôi chưa thực hiện tốt “6 không” trong phòng, chống dịch bệnh. Vẫn còn hiện tượng giấu dịch, bán chạy, giết mổ lợn bị bệnh, vứt xác lợn ra môi trường; sử dụng thức ăn thừa, chưa nấu chín cho lợn ăn; dùng nước khe suối tắm lợn, cho lợn uống...

lấy mẫu xét nghiệm_ảnh Quang An
Giá vắc-xin cao là một trong những rào cản đối với người chăn nuôi ở miền núi. Ảnh: Quang An

Ngoài ra, dịch tả lợn châu Phi hiện là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, vắc-xin chưa được phổ biến để tiêm phòng cho đàn lợn trên các loại đối tượng (mới có vắc-xin tiêm phòng cho lợn thịt), giá thành vắc-xin cao (trên 65 nghìn đồng/liều). Mức giá này rất khó để đồng bào vùng cao tiếp cận, nhất là những hộ tổng đàn lớn phải tốn tiền triệu để tiêm phòng.

Ông Trần Võ Ba - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết: Hiện nay, thời tiết diễn biến thất thường, mưa ẩm tạo điều kiện cho mầm bệnh phát sinh, phát triển lây lan nhanh. Do đó, các địa phương, đặc biệt là các huyện miền núi cần thực hiện nghiêm các biện pháp phòng chống dịch, hạn chế tối đa tình trạng lây lan như hiện nay.

chốt đêm
Các chốt trực tại các huyện Anh Sơn, Tương Dương duy trì xuyên đêm để ngăn chặn dịch lây lan. Ảnh: Q.A

Các địa phương cần tăng cường công tác giám sát, phát hiện sớm, báo cáo xử lý kịp thời các ổ dịch mới phát sinh, tuyệt đối không được chủ quan lơ là trong công tác phòng, chống dịch. Thực hiện nghiêm quy trình tiêu hủy lợn đảm bảo an toàn sinh học, không làm phát tán mầm bệnh ra môi trường; ưu tiên tiêu hủy ngay tại vườn của hộ gia đình/trang trại chăn nuôi có lợn bị bệnh, trong bản có dịch nếu có nơi chôn lấp phù hợp. Tuyên truyền người dân thực hiện “6 không” trong phòng, chống dịch. Thực hiện tốt công tác vệ sinh, tiêu độc khử trùng; kiểm soát việc giết mổ, vận chuyển lợn ra vào vùng dịch...

Ông Trần Võ Ba - Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y

Quang An