Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Lan tỏa tinh thần Xô viết qua điệu vè dân gian

PGS.Ninh Viết Giao 30/10/2024 20:21

Vè là một loại hình văn học dân gian, hình thức tự sự bằng văn vần. Trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh, vè đã góp phần lan tỏa khí phách, tinh thần Xô viết khi đã vạch trần bộ mặt bè lũ thống trị, những chính sách phản động của kẻ địch, hô hào quần chúng đứng dậy đấu tranh, ghi lại những diễn biến của cách mạng. Đến bây giờ vè đã trở thành những tư liệu lịch sử vô cùng quý giá.

Báo Nghệ An xin lược ghi bài nghiên cứu “Xô viết Nghệ Tĩnh qua vè” của PGS. Ninh Viết Giao - Người được ví là nhà “Nghệ học” và được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập “người có nhiều công trình nghiên cứu nhất về văn hóa dân gian xứ Nghệ”.

uploaded-dataimages-201305-original-_775555_small_74187.jpg

Chân dung PGS Ninh Viết Giao và những cuốn sách sau hàng chục năm ông tận tụy viết nên.

Ảnh tư liệu: Báo Nghệ An

...Vè không những mang tính chiến đấu, tính trào phúng, châm biếm, tính thời sự mà vè cũng đậm đà, sâu sắc tính trữ tình. Vè phản ánh đầy đủ nhân sinh quan, thế giới quan của nhân dân ta. Tuy ngôn ngữ chưa được trau chuốt, tâm lý nhân vật, tính cách nhân vật chưa được khắc họa rõ nét, nhưng đúng về mặt nghiên cứu tìm hiểu xã hội.

Vè ở xứ Nghệ vô cùng phong phú. Có thể nói vè Xô viết Nghệ Tĩnh xuất hiện tại Nghệ Tĩnh trước khi phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh nổ ra. Đó là các bài vè hiệu triệu, tuyên truyền cách mạng, như các bài: " Lời hiệu triệu của Đảng Cộng sản Đông Dương", " Mau mau đòi lại lợi quyền", "Bùng ra, ta đứng dậy", " Bạn cày ta nghĩ lại"," Giới thiệu Liên Xô", "Nói chuyện với cha", " Anh em binh lính ta ơi", "Nào lính khố xanh, khố đỏ"...

Các bài này đều viết theo thể hát dặm vè, nội dung thường phân tích tình hình xã hội, nêu lên cái nhục mất nước, mất tự do, giải thích đường lối chính sách của Đảng và hô hào nhân dân đứng lên làm cách mạng.

Vè nói về tình hình xã hội:

"Tụi Nam triều quan lại

Với đế quốc một phường

Nó đục tủy, đẽo xương

Cũng ra tay tàn tệ

Càng ra tay tàn tệ

Khi thời ăn lễ

Khi kết án tử hình

Khi gia điền gia đinh

Mặc sức quan vơ vét

Dân khổ vì vơ vét"

(Trích bài vè: "Bùng ra ta đứng dậy").

Vè hô hào nhân dân đứng lên làm cách mạng:

"Đảng Cộng sản truyền bá

Thuyết Các Mác, Lê Nin

Nào cổ động thanh niên,

Nào hô hào nữ giới,

Công nông binh một phái,

Anh em phải đồng tình.

Quyết một dạ nhiệt thành,

Để cùng nhau tranh đấu,

Trận cuối cùng chiến đấu".

(Trích bài vè: "Lời hiệu triệu của Đảng Cộng sản Đông Dương")

Nhân dân Thanh Chương vượt sông sang vây phá huyện đường ngày 1.9.1930
Nhân dân Thanh Chương vượt sông sang vây phá huyện đường ngày 1/9/1930. Tranh tư liệu: Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh

Những bài vè có nội dung tuyên truyền cách mạng như vừa nói trên, quý hơn là những bài vè mang tính chất tự sự. Có bài được sáng tác ngay trong những năm 1930-1931, có bài ra đời sau đó ít lâu. Những bài như "Dân Hạnh Lâm phá nhà Ký Viễn", "Kể chuyện tranh đấu ở Nam Đàn”, "Kể chuyện tranh đấu ở Thanh Chương", "Những năm 1930–1931 ở Yên Thành”, “Những năm 1930–1931 ở Diễn Châu", “Biểu tình 12– 9 ở Hưng Nguyên", “Đò Gang trong những năm 1930 - 1931", "Những ngày cuối cùng ở làng Đông Sơn trong hai năm 1930–1931", "Cách mạng bang tá", "Đốt nhà", "Tây đốt hai thôn Phủ, Thọ", "Nhà lao Vinh"... đã giúp ta thấy được nội dung, tính chất của phong trào, diễn biến của một cuộc đấu tranh, sự giác ngộ cách mạng của nhân dân, vai trò quần chúng, sự lãnh đạo của Đảng, âm mưu và sự đối phó của bọn đế quốc và Nam triều phong kiến, sự khủng bố dã man của giặc... một cách rõ ràng, đầy đủ, sinh động.

Tác giả các bài vè này, đa số là nông dân, một số là chiến sĩ cách mạng. Vì đa số tác giả các bài vè mang tính chất tự sự nói về phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh là nông dân, nên nội dung là việc thực, người thực, cách phản ánh rất hồn nhiên. Hồn nhiên nên không tự nhiên chủ nghĩa, nó giúp ta thấy được thực chất diễn biến của cuộc đấu tranh cả không khí của cuộc đấu tranh cùng những ưu, khuyết điểm của nó.

Vè nói lên không khí cách mạng trong hai năm 1930 -1931 ở Nam Đàn:

"Khắp ở chốn quê hương

Xóm làng đã trải, phố phường đã hay

Truyền đơn rải khắp đêm ngày

Trống rung chuông giục mõ lay đôi hồi

Mỗi người một cái thước dài

Dân ra như biển động giời dầm mưa

Ba quân chỉ lối phất cờ

Kéo ra đến tận dinh cơ huyện Đàn"

(Trích bài vè: "Kể chuyện tranh đấu ở Nam Đàn")

Đó là cuộc biểu tình ngày 30-8-1930. Trong cuộc biểu tình ấy 3.000 nông dân Nam Đàn đã biểu tình lên huyện lỵ, phá nhà giam, thả chính trị phạm, bắt tri huyện Lê Khắc Tưởng phải ký vào bản yêu sách với lời cam kết: "Nam Đàn tri huyện quan tự tư dĩ hậu bất đắc nhũng nhiễu nhân dân".

Còn đây là ở Thanh Chương:

"Xuân Lâm, Cát Ngạn, Đại Đồng

Bích Hào, Võ Liệt hội đồng đấu tranh

Búa liềm cờ đỏ tung hoành

Tiếng trống tiếng mõ rập rình bên sông

Thả tù giam, đốt huyện công

Dân đi như nước biển Đông kéo về

Ào ào khắp nẻo đường quê

Thét vang khẩu hiệu quản gì chông gai

Quản gì sống thác hôm mai

Quản gì súng đạn với loài thực dân

Đòi độc lập, đòi lợi quyền

Đòi bỏ các thuế, xây nền công nông"

(Kể chuyện tranh đấu ở Thanh Chương)

Đó là ngày 1-9-1930, hai vạn nông dân Thanh Chương đã rầm rộ biểu tình lên huyện lỵ, phá nhà giam, giải phóng tù chính trị, rồi đốt cả huyện đường. Tri huyện Phan Sỹ Phàng cùng toàn bộ bọn nha lại, lính Lệ đều phải chạy trốn.

Chúng ta chú ý trong đoạn về sau không chỉ có khí thế mà còn có cả khẩu hiệu, yêu cầu của cuộc đấu tranh.

Còn đây là cuộc biểu tình ngày 12-9-1930 ở Hưng Nguyên. Sau các cuộc biểu tình ở Nam Đàn, Thanh Chương, Anh Sơn, Nghi Lộc, Can Lộc, Đức Thọ, Diễn Châu... phong trào cách mạng dâng lên như nước vỡ bờ. Bọn địch sợ phong trào lan rộng hơn nữa, dâng cao hơn nữa, nên ra sức đàn áp khủng bố. Nhưng càng khủng bố, phong trào càng sôi nổi, dữ dội:

“Khốn thay mẻ lưới rách mèm

Ngăn sao sóng đỏ đã lên to rồi

Gạt phăng bọn chúng ra ngoài

Đoàn người rẽ đất, vạch trời tiến ra.

Đuôi đoàn còn ở nhà ga

Đầu đoàn đã sắp kéo ra phủ đường

Truyền đơn trắng xóa đường làng

Tre vươn cao ngọn, cờ càng phất cao

Phủ đường hồn lạc phách xiêu

Bảo cho mà biết, chết vèo đến nơi...”

(Trích bài vè: "Cuộc biểu tình 12-9 ở Hưng Nguyên")

Ba đoạn vè trong trong số nhiều đoạn vè nói lên nhiệt huyết và khí thế mạnh mẽ của những đoàn người đi biểu tình đấu tranh đã dẫn trên, lời lẽ lưu loát, hình ảnh sống động, ít nhiều có âm vang anh hùng ca. Đó là hiện thực cụ thể mà vĩ đại của lịch sử, của cả tâm hồn con người, không khí Nghệ An và Hà Tĩnh mà cả Việt Nam không chỉ trong hai năm 1930-1931.

Trong "Bao tháng trời hỡi hỡi, cờ búa liềm nêu cao, trống mõ đánh xôn xao, bọn Nam triều mất vía, bọn Tây đồn mất vía" (vè “Nghe chi lời quan lại”) ấy "Thấy nón mê áo rách, hô phản đối rầm rầm, trời chuyển động ầm ầm, chộ tàu bay, trái phá. Dân ta coi trời như lá má, cứ cắt tay cho đều, kẻ chết cũng nhiều, người bị thương cũng lắm" (vè “Bốn phía trời chuyển động”). Vè đã cho ta thấy những ngày xã Bộ nông, thôn Bộ nông làm chủ nông thôn, những sinh hoạt mới mẻ, lành mạnh của chính quyền Xô viết.

Ví dụ như ở Thanh Chương:

"Tây đồn, phong kiến phứt đi

Ruộng làng, ruộng bãi gì gì về ta,

Thanh Lâm xuống đến Liễu Nha

Văn Giai, Xuân Bỗng cho qua Trí Tường

Truyền đơn, diễn thuyết đàng hoàng

Biểu tình, đọc báo, họp làng đấu tranh

Rộn ràng bao cuộc mít tinh

Rộn ràng Tự vệ tập tành hôm mai

Phen này ai cũng như ai

Của mình, mình hưởng, giết loài bất nhân

Phen này không thánh không thần

Không giời, không bụt quyền dân thi hành"

(Trích bài vè "Kể chuyện tranh đấu ở Thanh Chương")

Đội tự vệ đỏ ở Hòa Quân - Đông Sớ - Nghệ An trong cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh 1930 - 1931. Ảnh tư liệu Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh
Đội tự vệ đỏ ở Hòa Quân - Đông Sớ - Nghệ An trong cao trào Xô viết Nghệ - Tĩnh 1930 - 1931. Tranh tư liệu: Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh

Đến đây ta có thể rút ra những kết luận như sau:

Trong số nhiều tính chất chủ yếu của vè là tính thế sự và tính lịch sử. Vè nói về Xô viết Nghệ Tĩnh có đủ 2 tính chất ấy. Đương thời nó đã đậm đà, thời gian trôi qua nó càng đậm đà hơn. Bởi những người sáng tác, tức tác giả của những bài vè ấy đã từng trực tiếp tham gia phong trào, lăn lộn với phong trào hoặc chứng kiến.

Vè là một loại hình văn học dân gian. Các tác giả trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh đã dùng loại hình này, một loại hình rất gần gũi với nhân dân Nghệ Tĩnh, cố gắng rất nhiều trong việc học tập di sản văn hóa dân gian về phương diện phô diễn để sáng tác, tác phẩm của mình được phổ biến rộng rãi, công nông dễ hiểu, dễ nhớ. Với hai loại vè nói về Xô viết Nghệ Tĩnh còn lại chính luận và tự sự cho phép chúng ta nghĩ rằng, vè đã là một lợi thế cách mạng.

Vè vạch trần bộ mặt bè lũ thống trị, công kích những chính sách phản động của kẻ địch, hô hào quần chúng đứng dậy đấu tranh, ghi lại những sự kiện, những diễn biến của cách mạng, và đến bây giờ nó đã trở thành những tư liệu lịch sử. Đúng là vè vốn là một loại hình với lời lẽ nôm na thường miêu tả những sự kiện thông thường trong làng xóm qua quá trình lịch sử đã nâng mình lên thành một công cụ đấu tranh, tham gia các phong trào đấu tranh rộng lớn của dân tộc.

Vè trong 2 năm 1930-1931 đã có tác dụng giáo dục lòng yêu nước, giáo dục con đường cách mạng và tinh thần đấu tranh kiên quyết cho nhân dân. Riêng nông dân, trong khí thế ra quân thời kỳ ấy, vè với tính chất là phản ánh trực tiếp đã thể hiện mọi ưu điểm và nhược điểm của nông dân.

Giờ đây trong sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước với cơ chế thị trường mở cửa, những bài vè nói về Xô viết Nghệ Tĩnh ấy cùng với các bài về yêu nước nói chung vẫn giúp ta tìm hiểu những đức tính tốt đẹp của nông dân để phát huy và những nhược điểm để khắc phục.

PGS.Ninh Viết Giao