Xã hội

Nghệ An lan tỏa phong trào thi đua 'Cựu chiến binh gương mẫu'

Hoàng Nghĩa Hiếu (Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An) 31/10/2024 07:50

Thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua…”, 5 năm qua (2019 - 2024), phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” đã được các cấp Hội Cựu chiến binh (CCB) của tỉnh Nghệ An phát động, triển khai đồng bộ, toàn diện và đạt hiệu quả thiết thực.

Điểm nổi bật của phong trào thi đua ở Hội CCB là đã giữ gìn và phát huy cao độ bản chất, truyền thống “Bộ đội Cụ Hồ”, tạo động lực thúc đẩy mạnh mẽ việc thu hút, tập hợp các thế hệ CCB vào hội, xây dựng hội vững mạnh toàn diện.

Phó Bí thư Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu và đoàn đại biểu Tỉnh ủy chúc mừng Hội Cựu chiến binh tỉnh
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hoàng Nghĩa Hiếu và đoàn đại biểu Tỉnh ủy chúc mừng Hội Cựu chiến binh tỉnh. Ảnh tư liệu: Thành Duy

Theo thống kê, 5 năm qua, toàn hội CCB tỉnh Nghệ An kết nạp gần 13 ngàn hội viên, tỷ lệ tập hợp đạt 98,8%. Hiện nay toàn hội có 172.486 hội viên, với 22 tổ chức hội cấp trên cơ sở và 4 hội khối 487 trực thuộc; 542 cấp cơ sở, 3.793 chi hội, trong đó có 3.769 chi hội (khối, thôn, bản), 24 chi hội là cơ quan hành chính, sự nghiệp. Chế độ sinh hoạt, học tập của các cấp hội ngày càng có nền nếp, thường xuyên đổi mới phương pháp, tác phong công tác, hướng về cơ sở.

Công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng được thực hiện bằng nhiều hình thức phong phú, sinh động, phù hợp với các thế hệ CCB, góp phần nâng cao nhận thức tình hình, nhiệm vụ, củng cố niềm tin, lập trường, quan điểm của cán bộ, hội viên; tích cực đấu tranh chống các quan điểm sai trái và âm mưu “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch; tệ nạn tham nhũng, tiêu cực trong xã hội. Qua bình xét hàng năm, có 96,5% tổ chức hội đạt tiêu chuẩn Trong sạch vững mạnh, có từ 96,1% trở lên đạt tiêu chuẩn “Cựu chiến binh gương mẫu” và “Gia đình cựu chiến binh văn hóa”.

Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Hội - Ủy viên Ban hường vụ Trung ương Hội CCB Việt Nam, Chủ tịch Hội CCB tỉnh Nghệ An, trao quà hỗ trợ cho các gia đình hội viên bị thiệt hại do lũ quét tại bản Hòa Sơn, xã Cà Tạ, huyện Kỳ Sơn. Ảnh Ngọc Đại
Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Hội - Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội CCB Việt Nam, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh tỉnh Nghệ An, trao quà hỗ trợ cho các gia đình hội viên bị thiệt hại do lũ quét tại bản Hòa Sơn, xã Cà Tạ (Kỳ Sơn). Ảnh: Ngọc Đại

Hiện nay, toàn Hội CCB tỉnh Nghệ An có gần 1,2 vạn cán bộ, hội viên CCB đang công tác trong các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến thôn, xóm, làng, bản, khối phố. Nhiều đồng chí có năng lực, phẩm chất tốt, tín nhiệm cao, đảm nhiệm các cương vị lãnh đạo chủ chốt trong hệ thống chính trị của tỉnh. Đây là lực lượng quan trọng, trực tiếp góp phần lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh và công tác xây dựng, bảo vệ Đảng, chính quyền, bảo vệ nhân dân.

Cán bộ, hội viên CCB dù ở cương vị công tác nào cũng luôn giữ vững bản lĩnh chính trị, đoàn kết, kỷ luật, gương mẫu thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao; là những hạt nhân nòng cốt giúp cấp ủy, chính quyền các cấp quán triệt và triển khai thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước, nhiệm vụ của địa phương.

Lãnh đạo Hội CCB huyện Kỳ Sơn tham quan cơ sở chế biến gừng xuất khẩu của HTX Dịch vụ nông nghiệp và TTCN Hương Sơn do CCB Nguyễn Văn Luân làm Giám đốc. Ảnh: Trần Đức
Lãnh đạo Hội Cựu chiến binh huyện Kỳ Sơn tham quan cơ sở chế biến gừng xuất khẩu của Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp và Tiểu thủ công nghiệp Hương Sơn do cựu chiến binh Nguyễn Văn Luân làm giám đốc. Ảnh: Trần Đức

Cùng với đó, giai đoạn 2019 - 2024, toàn hội đã nhạy bén chủ động đẩy mạnh phong trào thi đua “Cựu chiến binh giúp nhau giảm nghèo, làm kinh tế giỏi”, phát huy được giá trị cao đẹp của “Bộ đội Cụ Hồ”, khơi dậy tình cảm đồng chí, đồng đội, tấm lòng tương thân, tương ái; ý thức tự lực, tự cường và tính năng động, sáng tạo của CCB đã phát triển rộng khắp các vùng, miền.

Bên cạnh công tác sản xuất, kinh doanh, toàn hội đã vận động quyên góp được hàng trăm tỷ đồng để xây dựng, sửa chữa, nâng cấp 2.529 nhà tạm bợ, dột nát cho các CCB có hoàn cảnh khó khăn. Những nét đặc trưng nổi bật của phong trào là với ý chí, nghị lực đã được tôi luyện trong môi trường quân đội, biết vượt qua mọi khó khăn thách thức, thương tật, sức khỏe, với niềm tin mãnh liệt, không cam chịu đói nghèo, làm giàu theo cách riêng của người lính Cụ Hồ. Lòng yêu nước, tình nghĩa đồng đội dựa trên sự kết hợp hài hòa các lợi ích, thắm đượm tình nhân ái, mang bản chất nhân văn cao đẹp của dân tộc, quân đội và “Bộ đội Cụ Hồ” trong thời kỳ mới.

Hội CCB cơ sở huyện Nghi Lộc giúp đỡ hỗ trợ ngày công và kinh phí xây nhà “Nghĩa tình đồng đội” cho hội viên gặp hoàn cảnh khó khăn. Ảnh Trần Hoa
Hội Cựu chiến binh huyện Nghi Lộc hỗ trợ ngày công và kinh phí xây nhà “Nghĩa tình đồng đội” cho hội viên gặp hoàn cảnh khó khăn. Ảnh: Trần Hoa

Trong hoạt động giáo dục truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí tự lực, tự cường cho thế hệ trẻ, đã xuất hiện nhiều cách làm sáng tạo, phong phú. Hàng nghìn CCB được tổ chức Đoàn mời làm báo cáo viên trong chương trình giáo dục truyền thống; hàng trăm Chi hội trưởng CCB được suy tôn “Bí thư Chi đoàn danh dự”. Nhiều nơi thực hiện tốt phương châm “Nơi nào Chi đoàn Thanh niên còn yếu, thì Chi hội CCB nơi ấy không được công nhận trong sạch vững mạnh” đã góp phần xây dựng tổ chức Đoàn vững mạnh. Các phong trào và cách làm sáng tạo trên đã có tác dụng giáo dục và sức lan tỏa rộng lớn, không những trong đoàn viên, thanh niên, mà còn đối với thế hệ trẻ và toàn xã hội.

Trong 5 năm, toàn hội đã phối hợp bồi dưỡng, giới thiệu kết nạp 4.335 đoàn viên ưu tú vào Đảng; kiện toàn, củng cố 678 tổ chức Đoàn và tổ chức Đội Thiếu niên tiền phong.

Cựu chiến binh xã Nghi Long (Nghi Lộc) thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an toàn tại tuyến đường ngang giao với đường sắt. Ảnh: Công Kiên
Cựu chiến binh xã Nghi Long (Nghi Lộc) thực hiện nhiệm vụ đảm bảo an toàn tại tuyến đường ngang giao với đường sắt. Ảnh: Công Kiên

Các cấp hội còn gắn phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” với các phong trào, cuộc vận động và các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng của địa phương, như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, phong trào “Ngày vì người nghèo”, “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Các phong trào đền ơn đáp nghĩa, ủng hộ nạn nhân chất độc da cam/dioxin, tiếp tục được đẩy mạnh. Nhiều cấp hội, hội viên tích cực tìm kiếm, cất bốc, quy tập được hàng trăm hài cốt liệt sĩ về các nghĩa trang.

Đặc biệt, các cấp Hội Cựu chiến binh đã hưởng ứng tích cực phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”, gắn với phương châm “Cựu chiến binh hiến kế, hiến công xây dựng quê hương đất nước”, từ đó có gần 2 vạn gia đình hội viên CCB hiến hàng trăm nghìn mét vuông đất; hơn 111 nghìn hội viên đóng góp hàng triệu ngày công và hiến các tài sản khác trị giá hơn 36 tỷ đồng… để góp phần xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.

Lễ ký kết Quy chế phối hợp giữa Hội CCB với Công an, Ban Công tác Mặt trận xóm 6 với HĐMV Giáo xứ Đông Kiều trong công tác bảo đảm ANTT trên địa bàn xã Diễn Mỹ, huyện Diễn Châu. Ảnh Ngọc Đại
Lễ ký kết Quy chế phối hợp giữa Hội Cựu chiến binh với Công an, Ban Công tác Mặt trận xóm 6 với Hội đồng mục vụ Giáo xứ Đông Kiều trong công tác bảo đảm ANTT trên địa bàn xã Diễn Mỹ, huyện Diễn Châu. Ảnh: Ngọc Đại

Ghi nhận những thành tích, kết quả đạt được trong phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” giai đoạn 2019 - 2024, Hội Cựu chiến binh tỉnh Nghệ An đã vinh dự được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen, 5 lần được các bộ, ban, ngành Trung ương tặng Cờ, Bằng khen trong các phong trào thi đua. Toàn hội có 125 lượt tập thể và 367 cá nhân được Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban ngành Trung ương, Hội Cựu chiến binh Việt Nam và UBND tỉnh tặng Bằng khen. Hội Cựu chiến binh tỉnh khen thưởng 405 tập thể, 1.025 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu”.

Nhìn chung, 5 năm qua, phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” của Hội CCB tỉnh Nghệ An đã phát triển cả diện rộng và chiều sâu, mang tính bền vững. Công tác thi đua, khen thưởng từng bước được đổi mới, từ nội dung, hình thức, biện pháp tổ chức, đến xây dựng mô hình điểm, phát hiện, bồi dưỡng và nhân rộng điển hình phù hợp với nhiệm vụ chính trị của hội, của địa phương trong giai đoạn mới.

Hiện nay, toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Nghệ An đang đẩy mạnh thi đua, quyết tâm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 19; đặc biệt, tập trung mọi nguồn lực để thực hiện Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Để hoàn thành tốt các nhiệm vụ đề ra, đòi hỏi toàn hệ thống chính trị, từng tập thể, từng cá nhân phải thống nhất cao trong hành động, đoàn kết, có ý chí tự lực, khát vọng vươn lên mạnh mẽ, trong đó có vai trò quan trọng của Hội Cựu chiến binh, cựu quân nhân và các hội viên.

Để phát huy kết quả, thành tích đã đạt được, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ của phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu” giai đoạn 2024 - 2029, đóng góp tích cực, mạnh mẽ, thiết thực vào sự phát triển chung của tỉnh, các cấp Hội CCB cần tập trung vào một số nhiệm vụ sau:

1. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, Ban Thường vụ, BCH các cấp hội, sự phối hợp đồng bộ của các cơ quan, đơn vị trong việc nâng cao chất lượng, hoạt động của phong trào thi đua, khẳng định công tác thi đua, khen thưởng có vai trò, vị trí quan trọng trong việc xây dựng và phát triển của hội. Đây được xem là giải pháp then chốt, quan trọng nhất và mang tính quyết định đến hiệu quả phong trào thi đua “Cựu chiến binh gương mẫu”. Người đứng đầu các cấp hội, phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về chất lượng, hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng. Cán bộ, hội viên cần xác định rõ công tác thi đua, khen thưởng là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên, hằng ngày, trực tiếp góp phần vào hoàn thành các nhiệm vụ của hội.

2. Xây dựng kế hoạch và có biện pháp cụ thể để tạo bước chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng trong công tác thi đua, khen thưởng. Phong trào thi đua phải thực sự thiết thực, hiệu quả; khơi dậy tinh thần tự giác, ý thức trách nhiệm, tính tích cực chính trị - xã hội, ý chí, quyết tâm, tình cảm và hành động của cán bộ, hội viên; tạo động lực tinh thần mới trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN.

3. Tăng cường việc kiểm tra, đánh giá, sơ kết, tổng kết, lấy kết quả thực hiện nhiệm vụ làm thước đo. Quan tâm phát hiện, bồi dưỡng, tuyên truyền về những tấm gương tập thể, cá nhân tiêu biểu, nhất là các nhân tố mới, để cổ vũ, nêu gương, nhân rộng trong toàn xã hội, tạo động lực phát triển và lan tỏa sâu rộng trong toàn hội.

4. Nâng cao chất lượng công tác khen thưởng bảo đảm chính xác, kịp thời, công khai, minh bạch. Tăng cường phát hiện các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu xuất sắc trong các phong trào thi đua, những cán bộ có sáng kiến trong khi thực thi nhiệm vụ nhất là cán bộ, hội viên ở cơ sở. Kịp thời động viên CCB, cựu quân nhân đoàn kết một lòng, giữ vững ý chí và niềm tin ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của hội, của địa phương, cơ quan, đơn vị.

5. Tập trung xây dựng tổ chức hội vững mạnh toàn diện; phát huy vai trò của hội trong thực hiện các cuộc vận động, các phong trào thi đua của địa phương, gắn với việc đẩy mạnh “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong công tác xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở; giữ vững vai trò nòng cốt trong phong trào giữ gìn an ninh chính trị; trật tự an toàn xã hội; thực hiện tốt chức năng giám sát, phản biện xã hội, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN./.

Hoàng Nghĩa Hiếu (Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Nghệ An)