Quốc tế

Tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu sớm là dấu hiệu cảnh báo cho Phó Tổng thống Mỹ Harris?

Mỹ Nga 31/10/2024 09:47

Đảng Dân chủ cần số lượng lớn cử tri da màu đi bỏ phiếu ở Bắc Carolina, nhưng tỷ lệ này lại đang giảm.

USA vote
Cử tri Mỹ đi bỏ phiếu sớm. Ảnh: Politico

Theo Politico, số phiếu bầu sớm ở Bắc Carolina cho thấy cử tri chủ yếu là người lớn tuổi và da trắng. Đây được cho là một dấu hiệu cảnh báo sớm đối với đảng Dân chủ vì họ cần số lượng lớn cử tri da màu đi bỏ phiếu, nếu Phó Tổng thống Kamala Harris muốn lật ngược thế cờ ở tiểu bang này.

Tính đến ngày 30/10, cử tri da màu chiếm 18% cử tri trong cuộc bỏ phiếu sớm. Một số nhân viên của đảng Dân chủ cho biết, họ phải tăng con số đó lên khoảng 20% để bà Harris có thể cạnh tranh trên toàn tiểu bang.

Năm 2020, cử tri da màu chiếm 19%, khi cựu Tổng thống Donald Trump giành chiến thắng sít sao ở Bắc Carolina. Đảng Dân chủ thừa nhận rằng, nếu không có sự thay đổi có lợi cho họ trong những ngày cuối cùng của cuộc bỏ phiếu sớm hoặc vào Ngày Bầu cử chính thức, thì có thể kết quả sẽ không mấy khả năng.

Vào thời điểm này năm 2020, có khoảng 36.000 người Mỹ gốc Phi đã bỏ phiếu trực tiếp so với năm 2024. Theo Thomas Mills, một chiến lược gia của đảng Dân chủ tại bang Bắc Carolina cho biết, khoảng cách đó phải được thu hẹp trong số người Mỹ gốc Phi để đảng Dân chủ giành chiến thắng.

Thừa nhận rằng số phiếu bầu của người da màu đang đà giảm, cựu Dân biểu GK Butterfield tin rằng đảng Dân chủ sẽ thu hẹp khoảng cách, đồng thời dự đoán "tuần này sẽ rất ấn tượng" về tỷ lệ cử tri người Mỹ gốc Phi đi bỏ phiếu. Người này cho rằng, cử tri da màu đã biết “hậu quả của một nhiệm kỳ tổng thống nữa của ông Trump”, và tin rằng sẽ có một tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu giống như ủng hộ ông Barack Obama.

Dữ liệu cử tri bỏ phiếu sớm cũng cho thấy tỷ lệ cử tri phụ nữ và cử tri vùng ngoại ô đang có lượng bỏ phiếu vượt trội cho đến nay – điều mà đảng Dân chủ xem là một dấu hiệu tích cực cho Phó Tổng thống Kamala Harris. Cùng với đó, số lượng cử tri dưới 40 tuổi đi bỏ phiếu đang cải thiện trong những ngày gần đây.

Các ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ đã phải đối mặt với những thách thức trong việc thu hút cử tri da màu, kể từ năm 2008. Và đối với Phó Tổng thống Harris, đó không chỉ là vấn đề về tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu, mà còn là dấu hiệu của sự xói mòn ủng hộ bà ở Bắc Carolina trong số những nam giới da màu, đặc biệt là nhóm trẻ tuổi, theo các cuộc thăm dò công khai. Bà Harris được kỳ vọng sẽ giành được đa số phiếu từ cử tri người Mỹ gốc Phi ở Bắc Carolina và trên toàn quốc, nhưng bất kỳ sự sụt giảm nào với nhóm này cũng sẽ là một đòn giáng mạnh với Phó Tổng thống Mỹ.

“Chúng ta phải tăng cường tập trung và thông điệp của mình” tới các cử tri da màu “từ bây giờ cho đến Ngày Bầu cử”, Quản trị viên Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ Michael Regan, người đã vận động cho bà Harris trên khắp miền Đông Bắc Carolina, cho biết.

Mỹ Nga