Giữ vững ngọn lửa Xô Viết trên “Thành phố Đỏ” kiên cường
Thành phố Vinh được mệnh danh Thành phố Đỏ - cái tên gắn liền với truyền thống yêu nước và tinh thần đấu tranh cách mạng quật cường trong suốt chiều dài lịch sử. Đặc biệt, trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh điều đó lại càng thể hiện rõ nét. Bao năm qua, tiếp nối truyền thống của thế hệ cha anh đi trước, người dân nơi đây luôn nỗ lực hết mình để xây dựng Thành phố Đỏ năm nào trở thành một đô thị hiện đại, văn minh, trẻ trung và đáng sống.
Thanh Quỳnh • 31/10/2024 22:18
Thành phố Vinh được mệnh danh Thành phố Đỏ - cái tên gắn liền với truyền thống yêu nước và tinh thần đấu tranh cách mạng quật cường trong suốt chiều dài lịch sử. Đặc biệt, trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh điều đó lại càng thể hiện rõ nét. Bao năm qua, tiếp nối truyền thống của thế hệ cha anh đi trước, người dân nơi đây luôn nỗ lực hết mình để xây dựng Thành phố Đỏ năm nào trở thành một đô thị hiện đại, văn minh, trẻ trung và đáng sống.
Quá khứ hào hùng
"Kìa Bến Thủy đứng đầu dậy trước
Nọ Thanh Chương tiếp bước đứng lên.
Nam Đàn, Nghi Lộc, Hưng Nguyên,
Anh Sơn, Hà Tĩnh một phen dậy rồi…”
Những câu thơ đầy xúc động đó trong “Bài ca cách mạng" của đồng chí Đặng Chánh Kỷ đã được đánh máy và treo trang trọng trong khuôn viên Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh nhiều năm qua. Bài thơ như dấu gạch nối đưa du khách quay trở về một giai đoạn lịch sử đầy hào hùng của xứ Nghệ nói chung, thành Vinh nói riêng.
Gắn bó với bảo tàng trong nhiều năm, ông Nguyễn Xuân Thuỷ - Nguyên là Giám đốc Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh vẫn luôn dành một tình cảm lớn lao với những công trình nghiên cứu liên quan tới cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Và trong hệ thống tư liệu mà ông đã dày công sưu tầm, nghiên cứu đó, đã cho thấy một tinh thần "đi đầu dậy trước ấy" của Đảng bộ và nhân dân thành phố Vinh trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Tinh thần ấy đã góp phần làm nên một cuộc cách mạng long trời lở đất, tạo nên một Nghệ Tĩnh Đỏ anh hùng.
Theo các tài liệu lưu trữ của Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh, kể từ năm 1900, trong quá trình khai thác thuộc địa, thực dân Pháp đã quy hoạch Thành phố Vinh là trung tâm công nghiệp ở khu vực Bắc miền Trung. Chúng đã xây dựng rất nhiều nhà máy ở khu vực Bến Thủy: Nhà máy Cưa Lao Xiên, Nhà máy Diêm, Nhà máy Sửa chữa xe lửa, nhà máy đóng tàu… ở đây hình thành một số lượng công nhân đông đảo, sống tập trung. Đây là một trong những lực lượng chủ chốt của phong trào đấu tranh theo xu hướng mới.
Với đặc điểm là trung tâm kinh tế, chính trị, xã hội của khu vực bắc Trung bộ, thành phố Vinh là cái nôi ra đời của nhiều tổ chức yêu nước và cách mạng tiêu biểu. Trong quá trình vận động thành lập Đảng từ 1925-1930 đã có nhiều tổ chức yêu nước và cách mạng được thành lập như: Hội Việt Nam Cách mạng Thanh Niên, các chi bộ Đông Dương cộng sản Đảng, các tổ chức quần chúng của Đảng như Công hội, Nông hội, Sinh hội…
Đặc biệt là sự ra đời của Xứ uỷ Trung kỳ (tháng 3/1930) và các Tỉnh uỷ Vinh- Bến Thủy (tháng 3 /1930), Tỉnh uỷ Nghệ An (tháng 10/1930), Tỉnh uỷ Hà Tĩnh (tháng 3 /1930)…
Cũng như ở các làng quê khác, người dân ở thành phố Vinh bị bóc lột nặng nề bởi hàng trăm loại thuế như thuế muối, thuế chợ, thuế thân… Những người công nhân làm việc trong các nhà máy thì bị cai ký đánh đập, cúp phạt tiền lương. Tại Nhà máy Diêm Bến Thủy, trẻ em và phụ nữ phải làm việc quần quật dưới làn roi vọt của bọn chủ từ 12-17 tiếng mỗi ngày mà cơm vẫn không đủ ăn, áo không đủ mặc… Vì vậy, họ đã liên minh với nông dân vùng dậy đấu tranh.
Cuộc đấu tranh được xem là mở màn cho phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh là cuộc đấu tranh vào sáng ngày 1/5, nhân kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động của công nhân và nông dân Vinh - Bến Thuỷ.
Dưới sự lãnh đạo của các đồng chí Hoàng Trọng Trì, Nguyễn Lợi, Nguyễn Phúc, 1.200 nông dân các làng Yên Dũng, Lộc Đa, Đức Thịnh, Ân Hậu, Song Lộc hàng ngũ chỉnh tề, kéo vào thành phố phối hợp cùng công nhân đưa yêu sách đòi tăng lương, giảm sưu, giảm thuế. Đến ngã ba Quán Lau, địch huy động 10 xe ô tô chở đầy lính khố xanh ra đàn áp. Quần chúng tay không gạt lưỡi lê, báng súng của kẻ thù tiến thẳng xuống khu vực Bến Thủy. Công nhân trong các nhà máy bỏ việc, tràn ra cổng phối hợp với nông dân đấu tranh. Hoảng sợ trước khí thế đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng nhân dân, giám binh Pháp đã chĩa súng bắn vào đoàn biểu tình làm 7 người chết và 18 người bị thương, bắt giam 97 người.
Cuộc biểu tình ngày 1/5 /1930 là sự kiện mở đầu của cao trào cách mạng 1930-1931 ở Nghệ Tĩnh. “Lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng nước ta công-nông-binh bắt tay nhau giữa trận tiền”.
Sang tháng 6/1930, phong trào đấu tranh của công nhân vẫn phát triển mạnh. Tiêu biểu, ngày 6/7/1930, công nhân Nhà máy Diêm nhất loạt bãi công đưa ra 4 yêu cầu:
1. Cho công nhân cử 6 người cai và 1 người xếp phụ nữ.
2. Công nhân nam và công nhân nữ phải có chỗ ngồi làm việc riêng biệt.
3. Mua vải xanh che cửa kính lại cho đỡ nóng.
4. Chủ phải đuổi tên cai Chuyên gian ác.
Ngày 13/7/1930, Báo Lao Khổ của Xứ ủy Trung kỳ đăng tin thắng lợi của những cuộc biểu tình ở Nghệ Tĩnh trong đó có đoạn viết: "….Từ tháng 6/1930 chính quyền thực dân Pháp ở Trung kỳ và Nghệ Tĩnh đã nhượng bộ thực hiện một số yêu sách của công nông như: bỏ lệ tuần canh, cấm đánh đập thợ thuyền, tăng lương cho thợ, thả chị em bị bắt trong các cuộc biểu tình…”.
Đặc biệt, sau vụ thảm sát ngày 12/9/1930 ở Hưng Nguyên, công nhân trong các nhà máy ở Vinh – Bến Thủy nhất loạt đình công biểu tình phản đối thực dân Pháp tàn sát nhân dân. Cuộc mít tinh của 300 công nhân thất nghiệp ở La –pic ngày 18/9, cuộc biểu tình của 100 công nhân Nhà máy cưa Lao-Xiên… Phong trào đấu tranh không chỉ phát triển mạnh mẽ trong các nhà máy mà lan rộng ra các trường học ở Vinh.
Sang năm 1931, khi phong trào ở một số huyện tạm thời lắng xuống thì tại thành phố Vinh phong trào vẫn phát triển. Càng về sau phong trào công nhân càng phối hợp chặt chẽ với phong trào nông dân, hỗ trợ nhau để chống trả sự khủng bố dữ dội của kẻ thù.
Điển hình là một số cuộc đấu tranh của hơn 500 công nhân thành phố Vinh, phản đối thực dân Pháp tàn sát nhân dân làng Quảng Cư ở Mỹ Thành (Yên Thành) và cuộc đấu tranh ủng hộ nông dân làng Tân Hợp và Song Lộc (Nghi Lộc) ngày 4/1, ngày 15/1 nhân dân Vinh - Bến Thủy kỷ niệm tuần lễ đỏ…
Dưới sự chỉ đạo của Xứ ủy Trung kỳ mà trực tiếp là Tỉnh ủy Vinh, nhân dân thành phố Vinh đã liên tục tổ chức các cuộc mit tinh, biểu tình kêu gọi quần chúng đấu tranh chống lại chính sách bóc lột và khủng bố của thực dân Pháp. Tại vùng Vinh-Bến Thủy đã có một làng Đỏ Yên Dũng kiên cường bất khuất trụ vững trước sào huyệt của kẻ thù, nơi tập trung cơ quan đầu não chính quyền cấp tỉnh của thực dân phong kiến. Chính vì lẽ đó mà thành phố Vinh được nhân dân cả nước gọi là “Thành phố Đỏ”. Đó là để khắc ghi truyền thống “kìa Bến Thủy đứng đầu dậy trước” trong sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc.
Vươn mình trong dòng chảy thời đại
Nếu như trước đây, nghĩ đến thành phố Vinh là người ta thường nhớ đến một tinh thần cách mạng quật cường, một hào khí sục sôi trong những giai đoạn lịch sử đầy cam go. Thì nay, trên mọi ngả đường dẫn về các xã, phường của thành phố, người ta cũng dễ dàng cảm nhận được không khí lao động, sản xuất vô cùng sôi nổi.
Thành phố Vinh giờ đây còn biết đến là thành phố của doanh nghiệp khi chỉ tính riêng năm 2023 đã có 3.048 doanh nghiệp, hộ kinh doanh thành lập mới và thành phố cũng đã thành lập được “Hội doanh nghiệp” cho riêng mình.
Để minh chứng cho sự vươn dậy mạnh mẽ của các doanh nghiệp trên địa bàn, ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Nghệ An dẫn chúng tôi đến với con đường Phan Bội Châu của thành phố Vinh, thăm công ty may mặc của chàng thanh niên chỉ mới sinh năm 1995 Nguyễn Văn Tài.
Dù tuổi đời còn rất trẻ nhưng Tài đã được vinh danh là top 100 Doanh nhân trẻ khởi nghiệp xuất sắc Việt Nam năm 2023 cùng nhiều giải thưởng của Hội Doanh nhân trẻ tỉnh, Hội Liên hiệp Thanh niên tỉnh và Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam. Học tập, lập nghiệp và sinh sống tại thành phố Vinh đã giúp cho Tài tiếp cận với một thị trường sôi động để hiện thực hóa ước mơ khởi sự của mình. Từ hai bàn tay trắng, đến nay đã là chủ doanh nghiệp của một công ty có hơn 50 lao động thường xuyên, với lãi ròng hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Cùng với Tài, hàng trăm doanh nghiệp lớn, nhỏ của thành Vinh đang cùng nhau lớn mạnh, chung lòng góp sức mình vào sự phát triển toàn diện của quê hương, đất nước.
Phát huy các giá trị lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng, những năm qua, cấp ủy, chính quyền thành phố đã đồng lòng làm nên diện mạo thành phố Vinh ngày càng khang trang, hiện đại. Hạ tầng giao thông của thành phố được kiến thiết quy củ, khoa học, có tính đồng bộ cao với các nhà ga, bến cảng, sân bay quốc tế... tạo nên sự thuận lợi lớn cho việc di chuyển, lưu thông hàng hóa.
Với định hướng phát triển dịch vụ, du lịch rõ ràng, trong những năm gần đây, hệ thống cơ sở lưu trú khách sạn, nhà hàng, trung tâm giải trí, trung tâm thương mại trên địa bàn thành phố được đầu tư ngày càng hiện đại, sang trọng, đáp ứng tốt nhu cầu của khách du lịch. Nhờ đó, lượng khách du lịch đến thành phố hàng năm đạt khoảng 1,9 triệu lượt, trong đó có khoảng 1,5 triệu lượt khách lưu trú, doanh thu dịch vụ du lịch đạt hơn 1.000 tỷ đồng.
Cùng với việc triển khai giai đoạn 2 mô hình đô thị thông minh và xây dựng Đề án thành phố ánh sáng, Vinh còn phấn đấu là đô thị xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu. Bên cạnh đó, sau một thời gian chuẩn bị, từ năm 2024 sẽ bắt đầu triển khai thực hiện dự án nâng cấp hạ tầng đô thị Vinh giai đoạn 2, nhằm góp phần cải thiện và nâng cấp hạ tầng đô thị khu vực phía Đông - Nam thành phố Vinh lên tầm cao mới.
Năm 2024 đã gần kết thúc, có thể khẳng định đây là một năm khá thành công khi tổng thu ngân sách 9 tháng của thành phố đạt 4.019 tỷ đồng, tăng 114,5% so với cùng kỳ năm trước.
Trước đó, năm 2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thành phố đạt 9,27% cao so với tỉnh và cả nước. Những nỗ lực này là bản lề để mở ra một thời kỳ phát triển mới trong giai đoạn tiếp theo.
Dạo quanh một vòng thành phố, về với Ngã ba Bến Thủy mới thấy, đây đã trở thành điểm giao hòa của quá khứ và hiện tại. Nhằm tưởng nhớ thời kỳ cách mạng oanh liệt năm 1930-1931 tỉnh Nghệ An đã xây dựng ở đây tượng đài công, nông hùng vĩ. Vui hơn, vào ngày 16/11/1988 Bộ Văn hóa ra Quyết định số: 1288-VH/QĐ công nhận Ngã ba Bến Thủy là di tích lịch sử văn hóa để bảo tồn lâu dài và phát triển truyền thống cách mạng.
Từ đó đến nay, đây vẫn luôn là “địa chỉ đỏ” cho những người con thành phố và du khách gần xa hướng về, bày tỏ lòng tri ân và niềm tự hào về một thời quá khứ hào hùng. Có thể nói, hào khí Xô viết vẫn còn hiện diện vẹn nguyên trên mảnh đất thành Vinh, là ngọn lửa tiếp thêm sức mạnh để người dân vượt qua mọi lực cản, từng bước xây dựng thành phố ngày một phát triển giàu đẹp.