Xô viết Nghệ Tĩnh tiếp nối mạch nguồn yêu nước nồng nàn
Lịch sử còn ghi, từ thuở xa xưa, Nghệ Tĩnh vốn là miền đất của những chiến công trong các cuộc khởi nghĩa chống giặc ngoại xâm, góp phần xứng đáng vào chiến thắng chung của dân tộc. Truyền thống ấy như mạch chảy không ngừng, được tiếp nối đến tận về sau...
Năm 1858, khi thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta, nhân dân Nghệ Tĩnh đã nối tiếp nhau đứng lên đấu tranh chống Pháp. Mở đầu là cuộc khởi nghĩa được quy tụ dưới ngọn cờ của các sỹ phu yêu nước, như cuộc khởi nghĩa của Trần Tấn, Đặng Như Mai (tại các huyện Thanh Chương, Nam Đàn).
Hưởng ứng chiếu Cần Vương của Vua Hàm Nghi (7/1885), phong trào đấu tranh chống Pháp nổ ra sôi nổi khắp Nghệ Tĩnh, tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa Hương Khê với căn cứ địa Vũ Quang do Phan Đình Phùng lãnh đạo (1885 - 1896). Các sỹ phu yêu nước như Nguyễn Xuân Ôn, Lê Doãn Nhã dựng cờ khởi nghĩa ở vùng Bắc Nghệ An như Diễn Châu, Yên Thành.
Về sau, mặc dù các cuộc khởi nghĩa này thất bại nhưng đã chứng minh được truyền thống yêu nước, căm thù giặc của nhân dân Việt Nam nói chung và nhân dân Nghệ Tĩnh nói riêng.
Đó chính là tiền đề tạo nên sức mạnh tổng hợp của các cuộc kháng chiến cứu nước vĩ đại của dân tộc ta sau này.
Khi thực dân Pháp chính thức đặt ách đô hộ tại nước ta, chúng đã ráo riết thực hiện chính sách khai thác thuộc địa dưới nhiều hình thức. Nhân dân Nghệ Tĩnh vốn đã nghèo lại phải chịu sưu cao, thuế nặng nên càng trở nên đói khổ.
Năm 1900, thực dân Pháp đã xây dựng hàng loạt các nhà máy ở Vinh - Bến Thủy: nhà máy gỗ, cưa, sửa chữa xe lửa, diêm, điện, cá hộp, rượu; chiếm đất lập đồn điền ở miền Tây Nghệ An, Hà Tĩnh để trồng chè, cà phê, cao su.
Nghị định của Toàn quyền Đông Dương ngày 15/10/1890 cho phép mỗi nhà tư bản Pháp được chiếm một lúc 500 ha đất. Theo báo cáo của Sở Công chính Trung Kỳ, đến năm 1929, Nghệ An đã có tới 40 đồn điền, với diện tích 19.729 ha.
Cùng với việc mở thêm các nhà máy, đồn điền là chính sách bóc lột lao động thuộc địa. Nhân dân ta phải lao động khổ cực dưới đòn roi của chế độ thực dân.
Tuy nhiên, chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp đã gặp phải ngọn lửa đấu tranh của công - nông Nghệ Tĩnh. Đầu thế kỷ XX, cả nước đã bùng lên phong trào Đông Du và cuộc vận động Duy Tân. Người khởi xướng phong trào Đông Du là nhà chí sỹ yêu nước Phan Bội Châu.
Năm 1908, Nguyễn Hằng Chi (huyện Can Lộc), Trịnh Khắc Lập (huyện Nghi Xuân) và Chu Trạc (huyện Yên Thành) đã đứng ra kêu gọi nhân dân tham gia phong trào chống thuế ở Trung Kỳ.
Từ năm 1909 đến năm 1920, hàng trăm thanh niên Nghệ Tĩnh đã xuất dương đi tìm đường cứu nước, chủ yếu là qua Xiêm để từ đó sang Quảng Châu (Trung Quốc).
Tại Quảng Châu, năm 1924, họ được gặp đồng chí Nguyễn Ái Quốc; từ đấy, một con đường cứu nước mới đầy triển vọng của cách mạng Việt Nam được hình thành. Nguyễn Ái Quốc đã chỉ dẫn cho những người yêu nước Nghệ Tĩnh trong tổ chức “Tâm Tâm xã” con đường cứu nước theo gương Cách mạng Tháng Mười Nga.
Tháng 2/1925, Người tổ chức ra nhóm “Thanh niên cộng sản đoàn” gồm 9 người (trong đó có nhiều người quê ở Nghệ Tĩnh như: Lê Hồng Phong, Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Trương Vân Lĩnh, Lưu Quốc Long...) làm hạt nhân cho một tổ chức cách mạng rộng lớn.
Tháng 6/1925, Nguyễn Ái Quốc lập ra tổ chức “Việt Nam cách mạng thanh niên” (gọi tắt là Hội Thanh niên). Hội Thanh niên có tôn chỉ, mục đích rõ ràng, có Điều lệ chặt chẽ và phương thức hoạt động gần như một đảng.
Nguyễn Ái Quốc đã mở lớp đào tạo, huấn luyện cách mạng cho hội viên Hội Thanh niên và cử họ về nước xây dựng cơ sở của hội. Tác phẩm “Đường Kách Mệnh”, “Nhật ký chìm tàu” và báo “Thanh niên” được bí mật chuyển về nước nhằm truyền bá chủ nghĩa Mác Lê nin vào phong trào công nhân và các tầng lớp nhân dân.
Nghệ An và Hà Tĩnh là 2 tỉnh có phong trào công nhân và phong trào yêu nước phát triển tạo điều kiện thuận lợi cho chủ nghĩa Mác - Lê nin gieo mầm nhanh và phát triển mạnh. Đó là tiền đề cho sự ra đời của các tổ chức cộng sản ở Nghệ Tĩnh.
Ngày 14/7/1925, tại núi Con Mèo (Bến Thủy), Hội Phục Việt ra đời do các nhà trí thức yêu nước sáng lập như: Lê Văn Huân, Trần Mộng Bạch, Trần Phú, Tôn Quang Phiệt. Hội đã phân công cán bộ đi khắp 2 tỉnh để xây dựng các tổ chức cơ sở và cử người sang Trung Quốc và Xiêm liên lạc với những người Việt Nam yêu nước đang hoạt động tại đó.
Đồng thời, hội tổ chức nhiều hoạt động: rải truyền đơn kêu gọi học sinh, sinh viên và các tầng lớp trí thức tham gia phong trào đấu tranh đòi ân xá cụ Phan Bội Châu, đám tang cụ Phan Chu Trinh. Trong quá trình hoạt động, hội có nhiều lần đổi tên và cuối cùng, vào ngày 14/7/1928, hội lấy tên “Tân Việt cách mạng Đảng” (gọi tắt là Đảng Tân Việt).
Tháng 01/1927, tiểu tổ “Hội Thanh niên” đầu tiên ở Nghệ Tĩnh được thành lập. Đồng chí Nguyễn Sỹ Sách (quê ở Thanh Chương) được bầu làm Bí thư Kỳ bộ. Cán bộ hội đã đi khắp địa bàn 2 tỉnh để gây dựng cơ sở và phổ biến tác phẩm “Đường Kách Mệnh” vào các tổ chức yêu nước.
Hai tổ chức Thanh niên và Tân Việt đã có nhiều hoạt động hợp pháp và nửa hợp pháp như: tổ chức các phường tương tế, ái hữu, hội đọc sách, giảng báo, lớp dạy chữ Quốc ngữ, hợp tác xã dệt vải, trại cày, hiệu buôn.... được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia. Nhờ sự hoạt động tích cực của 1 tổ chức, chủ nghĩa Mác - Lê nin đã được truyền bá sâu rộng trên đất Nghệ Tĩnh, mở đường cho phong trào cách mạng ở 2 tỉnh tiến lên theo xu hướng mới.
Từ giữa năm 1929, đồng chí Nguyễn Phong Sắc và Trần Văn Cung đã được Trung ương Đảng cử vào Nghệ Tĩnh lập Kỳ bộ Trung Kỳ của Đông Dương Cộng sản Đảng thu hút đông đảo nhân dân tham gia và phát động một phong trào đấu tranh rộng lớn trong 2 tỉnh. Cuối năm 1929, các tổ chức quần chúng như Tổng Công hội, Tổng Nông hội và Tổng Sinh hội ra đời.
Trước ảnh hưởng to lớn của Đông Dương Cộng sản Đảng, tháng 9/1929, các thành viên tiên tiến trong Đảng Tân Việt đã đứng ra thành lập tổ chức Đông Dương Cộng sản Liên đoàn tại bến Đò Trai, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh).
Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, hệ thống tổ chức Đảng ở Nghệ Tĩnh cũng nhanh chóng được thành lập. Phân cục Trung ương lâm thời ở Trung Kỳ được thành lập vào tháng 3/1930, đặt trụ sở chính tại Vinh và một trụ sở ở Đà Nẵng, do đồng chí Nguyễn Phong Sắc (quê ở phố Bạch Mai - Hà Nội) làm Bí thư.
Phân cục Trung ương lâm thời chỉ định ra 2 Ban Chấp hành lâm thời Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam tại Nghệ An gồm:
Một, Tỉnh bộ Vinh (bao gồm Vinh - Bến Thủy, Nghi Lộc, Hưng Nguyên và Thị xã Thanh Hóa) ra đời tháng 3/1930, do đồng chí Lê Mao - Ủy viên Thường trực Phân cục phụ trách (tương đương Ủy viên Trung ương Đảng sau này).
Hai, Tỉnh bộ Nghệ An (gồm toàn bộ các huyện trong tỉnh, trừ các nơi thuộc Tỉnh bộ Vinh). Tỉnh bộ Nghệ An tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ nhất (tháng 10/1930) tại nhà ông Nguyễn Đình Kình (Xã Xuân Tường, huyện Thanh Chương), đồng chí Nguyễn Tiềm được bầu làm Bí thư.
Tháng 3/1930, Tỉnh ủy lâm thời Hà Tĩnh được thành lập, đồng chí Trần Hữu Thiều được cử làm Bí thư lâm thời.
Tháng 9/1930, Tỉnh ủy Hà Tĩnh tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ nhất tại nhà ông Mai Kính (xã Thạch Việt, huyện Thạch Hà), đồng chí Nguyễn Châu được bầu làm Bí thư.