Công nhân Vinh - Bến Thủy
trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh
Để làm nên kỳ tích Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931 có sự đóng góp của nhiều tầng lớp nhân dân, trong đó có đội ngũ công nhân Vinh - Bến Thủy...
Xô viết Nghệ Tĩnh là cuộc cách mạng rung trời chuyển đất của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng. Lần đầu tiên trong lịch sử nước ta, chính quyền Xô viết được ra đời ở nhiều nơi trong 2 tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh.
Để làm nên kỳ tích đó có sự đóng góp của nhiều tầng lớp nhân dân, trong đó có đội ngũ công nhân Vinh - Bến Thủy, một trong những lực lượng then chốt, đóng vai trò quan trọng quyết định sự thành bại của phong trào.
Sau khi hoàn thành việc xâm lược Việt Nam, thực dân Pháp tiến hành khai thác thuộc địa với quy mô lớn. Nghệ Tĩnh là vùng đất giàu tài nguyên, mạng lưới giao thông thuận lợi nên tư bản Pháp đã tập trung khai thác với tốc độ nhanh chóng.
Từ trước năm 1900 thực dân Pháp đã cướp đất ở các vùng Yên Dũng Thượng, xây dựng hàng loạt các nhà máy ở Vinh- Bến Thủy như Nhà máy Gỗ-Vinh (1900), Nhà máy Cưa Lao Xiên (1903), Nhà máy Diêm Bến Thủy (1908), Nhà máy sửa chữa xe lửa Trường Thi (1908)...
Sự phát triển về công, nông, thương nghiệp tư bản đã làm biến đổi bộ mặt tỉnh lỵ Vinh- Bến Thủy. Hàng chục nhà máy lớn, nhỏ, hàng trăm hiệu buôn của tư sản Pháp, Ấn, Hoa kiều và bản xứ mọc lên.
Sau chiến tranh thế giới lần thứ nhất, thực dân Pháp càng quan tâm đầu tư vào Vinh- Bến Thủy. Các nhà máy lớn lần lượt ra đời như Công ty Sifa, Nhà máy Ca Xatanh, Nhà máy rượu Sôva, Nhà máy Cá hộp…
Những người nông dân bị bần cùng hóa do bị mất ruộng đất phải vào làm việc trong các nhà máy, bán sức lao động nuôi thân. Vô hình trung, chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp đã tạo nên ở Vinh –Bến Thủy một đội ngũ công nhân đông đảo, sống tập trung. Đây chính là một trong những lực lượng nòng cốt, tiên phong làm nên sự thành công của phong trào cách mạng ở Nghệ Tĩnh.
Từ năm 1925, phong trào yêu nước ở Nghệ Tĩnh nói chung, Vinh- Bến Thủy nói riêng có sự chuyển biến rõ rệt thông qua hoạt động của các tổ chức như Tân Việt, Thanh niên. Nhiều cuộc đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm, chống cúp phạt, đánh đập của công nhân liên tiếp nổ ra.
Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào công nhân Vinh - Bến Thủy đã ảnh hưởng đến nông dân, học sinh và các tầng lớp khác, tạo ra một làn sóng đấu tranh có sự phối hợp của nhiều giai tầng. Sau khi Đảng cộng sản Việt Nam ra đời (3/2/1930), Xứ ủy Trung Kỳ cũng nhanh chóng được thành lập, do đồng chí Nguyễn Phong Sắc làm Bí thư.
Dưới ánh sáng nghị quyết của Xứ ủy, các Tỉnh Đảng bộ Nghệ An lần lượt ra đời, từ đây phong trào công nhân chuyển sang một giai đoạn mới, giai đoạn đấu tranh dưới sự lãnh đạo của Đảng. Mở đầu phong trào đấu tranh của công nhân Vinh - Bến Thủy dưới sự lãnh đạo của Đảng là cuộc đấu tranh ngày 1/3/1930 của công nhân Nhà máy Cưa Thái Hợp phản đối tên cai đã đánh đập, đuổi 3 công nhân. Trước áp lực đấu tranh, tên chủ xưởng buộc phải đuổi tên cai và nhận công nhân lại làm việc.
Ngày 15/3/1930, công nhân Nhà máy Rượu và Nhà máy Cưa Lao – Xiên đoàn kết đấu tranh, đòi tăng lương mỗi ngày 3 xu buộc chủ nhà máy phải nhượng bộ. Những cuộc đấu tranh đó là phát pháo báo hiệu mở đầu thời kỳ đấu tranh sôi sục ở Nghệ Tĩnh.
Đỉnh cao là cuộc đấu tranh vào sáng 1/5, nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động. Dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy Vinh- Bến Thủy, đứng đầu là đồng chí Lê Mao, công nhân các nhà máy ở Vinh- Bến Thủy phối hợp với nông dân các làng Yên Dũng, Lộc Đa, Đức Thịnh, Ân Hậu, Song biểu tình đưa yêu sách đòi tăng lương, giảm sưu, giảm thuế.
Khi quần chúng kéo xuống khu vực Bến Thủy, công nhân trong các nhà máy bỏ việc, nhưng thực dân Pháp đã khóa chặt cửa nhà máy và cắt cử lính cầm súng đứng gác, chỉ có một số công nhân vượt tường nhà máy, phối hợp với nông dân đấu tranh. Hoảng sợ trước sức mạnh của công - nông, tên giám binh Pháp đã chĩa súng bắn vào đoàn biểu tình làm 7 người chết và 18 người bị thương, bắt giam 97 người.
Cuộc đấu tranh này có ý nghĩa: “Lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng xứ ta, công - nông - binh bắt tay nhau giữa trận tiền”.
Tiếp đó, ngày 10,12/5/1930, công nhân Nhà máy Diêm Bến Thủy, Nhà máy Cưa và phu khuân vác ở Cảng Bến Thủy bãi công đòi tăng lương, giảm giờ làm.
Ngày 31/5/1930, công nhân Nhà máy sửa chữa xe lửa Trường Thi biểu tình kéo lên nhà phố trưởng đưa yêu sách đòi tăng lương, thực hiện ngày làm 8 giờ...
Sang tháng 6/1930, phong trào đấu tranh của công nhân tiếp tục phát triển mạnh. Ngày 15/6, công nhân Nhà máy Cưa Thái Hợp biểu tình. Ngày 18/6, chủ các nhà trọ trong thành phố đưa đơn lên đòi công sứ Vinh giảm thuế môn bài.
Ngày 27/6/1930, công nhân các Nhà máy Trường Thi, Nhà máy Điện và Nhà máy cưa Bến Thủy phối hợp với nông dân Yên Lưu đấu tranh đòi hào lý trả lại ruộng đất công chia cho dân nghèo.
Ngày 6/7/1930, công nhân Nhà máy Diêm nhất loạt bãi công đưa ra 4 yêu cầu: (1) Cho công nhân cử 6 người cai và 1 người xếp phụ nữ; (2) Công nhân nam và công nhân nữ phải có chỗ ngồi làm việc riêng biệt; (3) Mua vải xanh che cửa kính lại cho đỡ nóng; (4) Chủ phải đuổi tên cai Chuyên gian ác.
Cuộc bãi công kéo dài, Tổng công hội đỏ Vinh đã gửi “Lời báo cần kíp” kêu gọi nhân dân khắp nơi giúp sức, giúp tiền ủng hộ. Hưởng ứng lời kêu gọi của công hội, các cấp ủy Đảng và các tổ chức quần chúng ở Nghệ Tĩnh đã quyên góp tiền bạc, khoai, gạo đến giúp những gia đình có công nhân tham gia bãi công.
….Từ tháng 6/1930, chính quyền thực dân Pháp ở Trung Kỳ và Nghệ Tĩnh đã nhượng bộ thực hiện một số yêu sách của công nông như: Bỏ lệ tuần canh, cấm đánh đập thợ thuyền, tăng lương cho thợ, thả chị em bị bắt trong các cuộc biểu tình…
Báo Người Lao khổ của Xứ ủy Trung Kỳ đăng tin ngày 13/7/1930
Ngày 28/7/1930, công nhân Nhà máy Rượu Bến Thủy biểu tình đưa yêu sách lên chủ nhà máy. Không được chấp nhận, công nhân tuyên bố bãi công và chỉ thời gian sau đó nhà máy đã phải đóng cửa và ngừng sản xuất.
Ngày 28/7/1930, Tỉnh ủy Vinh rải truyền đơn kêu gọi quần chúng đấu tranh kỷ niệm Ngày Quốc tế phản đối chiến tranh đế quốc. Hưởng ứng lời kêu gọi của Tỉnh ủy, công nhân Nhà máy Diêm, Nhà máy Cưa ở Bến Thủy đã tập trung tổ chức kỷ niệm ngày đế quốc chiến tranh.
Những đợt đấu tranh quyết liệt của công nhân đã đem lại những quyền lợi thiết thực cho họ. Tại Nhà máy Diêm, chủ tư bản đã phải tăng lương nhất loạt 30% cho công nhân. Chúng còn hứa không đánh đập công nhân, mắc quạt máy, thay cai nam bằng cai nữ để tránh những hành vi bỉ ổi.
Ngày 20/8/1930, phụ nữ Yên Dũng và phụ nữ Nhà máy Diêm ở Bến Thủy phối hợp đấu tranh phản đối nhà cầm quyền bắt giam những công nhân tham gia bãi công và đòi trả tự do cho họ.
Ngày 21/8/1930, công nhân thất nghiệp trong thành phố, trong đó có nhiều người là đảng viên và hội viên của Công hội đỏ đoàn kết đấu tranh đòi nhà cầm quyền kiếm việc làm cho những người thất nghiệp, cấp cơm gạo cho những người bị đói, không được sa thải thợ.
Sang tháng 9, phong trào đấu tranh của công nhân vẫn tiếp tục dâng cao. Báo “Người lao khổ” ra số đặc biệt ngày 6/9/1930 cổ động phong trào đấu tranh “...Cuộc tổng bãi công ở Bến Thủy là một thời kỳ mới, thời kỳ đấu tranh kịch liệt, làm cho đế quốc chủ nghĩa Pháp phải khiếp sợ lực lượng quần chúng!... Công nhân ở Bến Thủy đã mở đường tranh đấu! Cờ đỏ phấp phới khắp tỉnh Nghệ An! Thời kỳ tranh đấu kịch liệt đã đến!”.
Nắm vững mối quan hệ chặt chẽ của công – nông Nghệ Tĩnh, Đảng bộ Vinh - Bến Thủy đã đưa người bạn đồng minh mạnh nhất của giai cấp vô sản là dân cày tham gia đấu tranh. Ở Vinh - Bến Thủy, theo lời kêu gọi của Tỉnh ủy, dân cày vừa quyên góp tiền ủng hộ các cuộc bãi công, vừa tổ chức biểu tình phản đối bọn chủ hạ tiền công và giãn thợ thuyền, đòi thực hiện ngày làm 8 giờ và tăng tiền lương cho công nhân.
Giữa công nhân Bến Thủy và nông dân Yên Dũng, Lộc Đa hầu như không có hàng rào ngăn cách về quyền lợi và tình cảm. Khi công nhân Nhà máy Diêm bãi công, thực dân Pháp đem lính đến đàn áp thì công nhân kéo về bãi Yên Dũng để tiếp tục biểu tình, diễn thuyết và tuyên bố đình công.
Ngày 27/6/1930, khi công nhân Nhà máy Diêm, Trường Thi, Thái Hợp, Cưa- Lao Xiên phối hợp biểu tình thì nông dân xã Yên Lưu tập trung đấu tranh đòi quyền lợi ruộng đất. Quy mô và sự kết hợp hoạt động giữa công nhân và nông dân ngày càng mở rộng.
Những thành quả của công – nông đạt được trong quá trình đấu tranh gian khổ không chỉ có kinh tế mà cao hơn đó tình đoàn kết công – nông Nghệ Tĩnh, yếu tố có ý nghĩa quyết định đến sự thành công của cách mạng.
Sự phát triển mạnh mẽ của phong trào cách mạng đã làm cho thực dân Pháp vô cùng hoảng sợ. Chúng điên cuồng sử dụng các chính sách thâm độc nhất nhằm dìm Xô viết Nghệ Tĩnh vào biển máu.
Mở đầu chiến dịch khủng bố trắng là hành động ném bom vào đoàn người biểu tình ngày 12/9/1930 tại Thái Lão (Hưng Nguyên). Sau cuộc đấu tranh này nhiều cán bộ, đảng viên bị bắt bớ, tù đày, công nhân trong các nhà máy cũng bị sa thải nên không còn đủ lực lượng để tổ chức những đợt đình công, bãi công rầm rộ như trước nữa mà chỉ tập trung bảo vệ tổ chức Đảng và Công hội đỏ để tuyên truyền cách mạng.
Chỉ trong 2 năm (1930-1931), riêng ở Vinh - Bến Thủy đã có hàng trăm cán bộ, đảng viên và quần chúng bị bắt bớ, tù đày. Để tránh sự khủng bố trắng của thực dân Pháp, Đảng đã chủ trương rút lui vào hoạt động bí mật, bảo toàn lực lượng. Phong trào cách mạng của nhân dân Nghệ Tĩnh nói chung, của công nhân Vinh- Bến Thủy nói riêng cũng tạm thời lắng xuống.
Như vậy, qua cao trào cách mạng 1930-1931 mà đỉnh cao là Xô viết Nghệ Tĩnh, công nhân Vinh - Bến Thủy đã thể hiện được vai trò tiên phong của mình trong các cuộc đấu tranh chống thực dân và phong kiến.
... không có những trận chiến đấu giai cấp rung trời chuyển đất những năm 1930-1931, trong đó, công - nông đã vung ra nghị lực phi thường của mình, thì không thể có cao trào trong những năm 1936-1939...
Tổng Bí thư Lê Duẩn