Quốc tế

Nga nói Ukraine muốn kéo phương Tây lún sâu vào xung đột

Mỹ Nga 01/11/2024 12:14

Ukraine muốn kéo phương Tây lún sâu vào cuộc xung đột bằng các bản "kế hoạch hòa bình" và "kế hoạch chiến thắng".

ramstein.jpg
Cuộc họp ở Ukraine theo hình thức “Ramstein”. Ảnh: Getty

Theo Đài RT ngày 1/11, Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, Dmitry Peskov cho biết, tất cả những cái gọi là "kế hoạch hòa bình" và "kế hoạch chiến thắng" của chính quyền Kiev đều nhằm mục đích nhanh chóng lôi kéo các nước phương Tây lún sâu vào cuộc xung đột ở Ukraine.

“Rõ ràng, tất cả các “kế hoạch hòa bình”, “kế hoạch chiến thắng”, cả những điều khoản bí mật đều nhằm lôi kéo các nước phương Tây vào cuộc xung đột càng sớm càng tốt, và hợp pháp hóa nó. Thực ra mọi kế hoạch đều có mục đích cuối cùng này. Đây là cách chúng tôi đánh giá nó”, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov nói với các phóng viên.

Trước đó, tờ New York Times dẫn lời các quan chức Mỹ đưa tin rằng, điều khoản bí mật trong “kế hoạch chiến thắng” của Tổng thống Zelensky về gói “răn đe phi hạt nhân” liên quan đến yêu cầu chuyển giao tên lửa tầm xa Tomahawk cho Kiev. Tuy nhiên, New York Times lưu ý, yêu cầu này là điều hoàn toàn không thể thực hiện được. Tầm bắn của tên lửa Tomahawk lớn hơn 7 lần so với tầm bắn của ATACMS mà Kiev đã nhận được. Ấn phẩm nhấn mạnh rằng, Ukraine “chưa đưa ra được những lập luận thuyết phục ủng hộ cách nước này sẽ sử dụng vũ khí tầm xa”.

Tổng thống Ukraine Zelensky sau đó xác nhận rằng, phần bí mật trong “kế hoạch chiến thắng” của ông thực sự bao gồm một điều khoản về việc cung cấp tên lửa hành trình Tomahawk của Mỹ.

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng, yêu cầu của ông Zelensky về tên lửa Tomahawk "đã khiến Washington kinh ngạc". Nhà ngoại giao Nga cũng bày tỏ tin tưởng rằng, để đảm bảo an ninh cho Mỹ, chính quyền Washington sẽ "vỗ vào tay ông Zelensky" khi nhà lãnh đạo Ukraine tiếp tục tìm cách lôi kéo Mỹ vào cuộc xung đột chống Nga.

Trong cuộc trò chuyện với các phóng viên, phát ngôn viên Điện Kremlin Peskov cũng lưu ý rằng, Kiev đang tỏ ra “khá lo lắng” cho tình hình ở mặt trận hiện tại.

Trước đó, Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine, Alexander Syrsky đã khẩn trương đến khu vực Zaporozhye, nơi quân đội Ukraine kiểm soát, nhằm cố gắng xoa dịu sự hoảng loạn, bất bình trong hàng ngũ lực lượng vũ trang Ukraine, trong bối cảnh ngày càng hứng chịu nhiều tổn thất to lớn, và những thành công về mặt chiến thuật ngày càng tiến bộ của quân đội Nga.

capture(2).jpg
Viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine. Ảnh: AP

Vào giữa tháng 10/2024, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã trình bày trước Quốc hội bản "kế hoạch chiến thắng", trong đó, công khai 5 điểm, và 3 điểm bổ sung cần giữ bí mật.

Ở phần công khai, kế hoạch của ông Zelensky đề cập việc mời Ukraine gia nhập NATO, dỡ bỏ các hạn chế tấn công bằng vũ khí tầm xa của phương Tây vào sâu bên trong lãnh thổ Nga và đề ra "gói phi hạt nhân toàn diện" đối với Nga.

Oleg Nemensky -chuyên gia hàng đầu tại Viện Nghiên cứu chiến lược Nga, trong cuộc trò chuyện với RT cho rằng, để các nước phương Tây can dự sâu hơn vào cuộc xung đột Ukraine, cần phải có một quyết định thống nhất của toàn bộ phương Tây, nhưng sự nhất trí như vậy không dễ gì tìm kiếm. Hơn nữa, kế hoạch “chiến thắng” và “hòa bình” của Kiev là những văn bản "khá kỳ lạ". Theo ông Nemensky, chúng không chứa đựng kế hoạch hành động dành cho Ukraine, mà là một danh sách các yêu cầu dành cho các đồng minh phương Tây. Chưa kể đến thực tế là tất cả các điểm của “kế hoạch chiến thắng” đó bắt đầu từ điểm đầu tiên - mời Ukraine gia nhập NATO, là điều phi thực tế”, chuyên gia Nemensky đánh giá.

Theo ông, nhờ những sáng kiến ​​​​này, Kiev cũng đẩy trách nhiệm về những thất bại của Ukraine trên mặt trận cho các đồng minh phương Tây.

Giới quan sát cho rằng, trong bối cảnh nhiều khó khăn của Lực lượng Vũ trang Ukraine, Kiev đang tiến hành “các hoạt động mạnh mẽ” trên trường quốc tế, bao gồm cả những hoạt động liên quan đến cái gọi là hội nghị thượng đỉnh hòa bình, bởi vì Ukraine không muốn thua trên mặt trận ngoại giao. Hơn nữa, bởi đơn giản nước này dường như không có lựa chọn nào khác. Nếu ở hội nghị thượng đỉnh bàn về hòa bình sắp tới, Ukraine tập hợp được vài chục quốc gia, thì hội nghị sẽ được xem là một thành công của Kiev.

Tuy nhiên, giới quan sát cũng tin rằng, không có "hội nghị thượng đỉnh hòa bình" nào có thể giúp Ukraine nhận được nhiều hỗ trợ quân sự nhiều hơn từ các đối tác phương Tây.

Mỹ Nga