Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Đóng góp của đồng chí Lê Ngân trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh ở Nghi Xuân (Hà Tĩnh)

Phan Thị Thảo - Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh 01/11/2024 23:26

Chứng kiến cuộc sống khổ cực vì chế độ áp bức, bóc lột tàn bạo của đế quốc, phong kiến, Lê Ngân đã sớm hình thành tư tưởng nuôi chí lớn cùng nhân dân đấu tranh cách mạng...

Tiên Cầu xưa (nay là xã Xuân Giang) - vùng đất trung tâm nằm bên dòng sông Lam thơ mộng thuộc huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Nơi đây được xem là mảnh đất “Long Trung Lạc” nên được nhiều nhà chính trị, quân sự như: Uy Minh Vương Lý Nhật Quang khi được biệt phái vào trấn thủ Hoan Châu, hay Phó ty Án sát Giao Chi kiêm tri phủ Nghệ An chọn để đặt bản doanh… Vì thế, các thế hệ con em Xuân Giang luôn phát huy truyền thống yêu nước, tích cực tham gia các trận chiến chống quân xâm lược, bảo vệ bờ cõi Tổ quốc.

Đồng chí Lê Ngân (bí danh Kim Cửu) sinh năm 1910, trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Tiên Cầu, tổng Xuân Viên (nay là xã Xuân Giang), huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Là con trai duy nhất trong gia đình có 3 chị gái, cha mẹ mất sớm, lên 10 tuổi Lê Ngân đã phải đi làm thuê cuốc mướn khắp nơi… Hàng ngày, phải chứng kiến cảnh người dân vốn cần cù lao động, chịu thương, chịu khó nhưng cuộc sống vẫn khổ cực vì chế độ áp bức, bóc lột tàn bạo của đế quốc, phong kiến, Lê Ngân đã sớm hình thành tư tưởng nuôi chí lớn làm cách mạng để cứu dân, cứu nước.

Xô Viết

Sau khi Hội Phục Việt ra đời năm 1925, đồng chí Lê Ngân được giác ngộ và tích cực tham gia các phong trào tại địa phương như: mít tinh, biểu tình, rải truyền đơn…

Cuối tháng 3 năm 1930, đồng chí Trần Hữu Thiều thay mặt Tỉnh ủy lâm thời Hà Tĩnh ra Nghi Xuân tổ chức Hội nghị thành lập Huyện ủy Nghi Xuân. Sau khi ra đời, Đảng bộ huyện rất chú trọng công tác phát triển Đảng. Tháng 7 năm 1930, thôn Tiên Cầu đã thành lập được chi bộ, với những hoạt động yêu nước tích cực từ trước. Đồng chí Lê Ngân đã được kết nạp Đảng, sinh hoạt trong Chi bộ Tiên Cầu cùng với các đồng chí Đặng Táo, Bùi Chức, Lê Đáo, Nguyễn Học Lân và Trần Đình Luyện, do đồng chí Trần Đình Luyện làm Bí thư.

Chi bộ đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, giáo dục quần chúng bằng những hình thức như: họp quần chúng theo các đoàn thể, tổ chức mít tinh toàn xã, phổ biến đường lối, chính sách của Đảng, rải truyền đơn, treo cờ búa liềm tại đỉnh núi Thông… Vì vậy, phong trào cách mạng ở Tiên Cầu ngày càng lan rộng và lên cao. Các tổ chức Nông hội, Tự vệ đỏ, Hội Cứu tế đỏ, Hội Phụ nữ giải phóng… sớm được ra đời.

Dưới sự chỉ đạo của Chi bộ Đảng, toàn xã dấy lên phong trào đấu tranh đòi giảm sưu cao thuế nặng, chống áp bức bóc lột.... Phong trào diễn ra sôi nổi và rộng khắp, tiêu biểu như cuộc đấu tranh, biểu tình ngày 1/8/1930. Theo chủ trương chung của toàn huyện, Chi bộ Tiên Cầu đã phát động quần chúng nhân dân toàn xã tham gia mít tinh kỷ niệm Ngày Quốc tế chống chiến tranh và ủng hộ phong trào đấu tranh của công nhân Vinh - Bến Thủy.

Từ mờ sáng, dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Trần Đình Luyện - Bí thư chi bộ, đồng chí Lê Ngân đã cùng với nhân dân các làng Tiên Cầu, Tả Ao, Uy Viễn kéo về tập trung hàng ngũ chỉnh tề tại Bãi Rộng (Xuân Hoa) để dự lễ. Cuộc mít tinh đã thu hút hơn 500 quần chúng, đảng viên tham gia với băng cờ, tiếng trống mõ, tiếng hô khẩu hiệu rền vang:

- Phản đối đế quốc, chiến tranh!

- Ruộng đất cho dân cày, nhà máy cho thợ thuyền!

- Ngày làm 8 tiếng, giảm sưu cao, thuế nặng!

- Phản đối khủng bố trắng…

Sau khi nghe diễn thuyết, quần chúng đã chia nhau đi tuần hành thị uy trong các xã. Cuộc mít tinh kéo dài hàng tiếng đồng hồ, đây được xem là cuộc biểu tình mở đầu của cao trào cách mạng 1930 – 1931 ở Nghi Xuân.

Thấm nhuần đường lối của Đảng, mỗi ngày phong trào cách mạng tại Tiên Cầu dâng cao, lực lượng quần chúng càng được mở rộng và củng cố thêm, các hoạt động như: mở lớp dạy chữ quốc ngữ, đọc sách, báo Đảng… ngày càng tăng. Toàn huyện có 22/23 làng, xã tổ chức mít tinh, biểu tình và đấu tranh với bọn hào lý trong vụ thu sưu cuối năm.

Nhằm dập tắt phong trào đấu tranh mạnh mẽ của nhân dân, thực dân Pháp đã tăng cường lục soát và đàn áp. Trước tình hình đó, Huyện ủy quyết định rút một số đồng chí đảng viên vào hoạt động bí mật tại Can Lộc và cử một số đồng chí đi học văn hóa...

Đầu tháng 12/1930, đồng chí Lê Ngân được Huyện ủy cử đi học lớp văn hóa tại Can Lộc, gồm 15 thành viên, với thời gian 3 tháng do thầy giáo Đinh Long (Ban Chấp hành Huyện ủy) làm chủ nhiệm. Sau khi học xong, đồng chí được Huyện ủy tin tưởng giao phụ trách các xã gồm: Tiên Cầu, Xuân Viên, Tả Ao.

Với tinh thần hăng hái, vượt qua mọi khó khăn, đồng chí Lê Ngân đã về các làng, xã để tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân tham gia mít tinh, biểu tình, về nỗi thống khổ do thực dân Pháp gây nên, để từ đó thúc đẩy phong trào toàn huyện đòi giảm sưu cao, thuế nặng…

Ngày 1/5/1931, hòa chung không khí đấu tranh của nhân dân các huyện để phản đối cuộc khủng bố trắng của thực dân Pháp và tay sai, dưới sự chỉ đạo của Chi bộ Tiên Cầu, đồng chí Lê Ngân đã cùng với nhân dân làng Tiên Cầu hòa vào dòng người của 3 tổng (Cổ Đạm, Phan Xá, Đan Hải) tập trung tại Trại Cổ Lam rồi cùng nhau kéo về huyện lỵ, vừa đi vừa hô vang khẩu hiệu.

Trước khí thế đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng cách mạng, hào lý, bang tá, phu đoàn không dám hành động. Tri huyện Nguyễn Viết Kháng hốt hoảng ôm triện đồng, sổ sách, tiền bạc bỏ trốn… Cuộc đấu tranh thành công, với quy mô diễn ra trên diện rộng, tổ chức chặt chẽ và thu được nhiều thắng lợi có ý nghĩa to lớn, tạo điều kiện để Ban Nông hội đỏ (còn gọi là Xã bộ nông, Thôn bộ nông) đứng ra lãnh đạo nhân dân.

Từ cuối năm 1931, phong trào cách mạng tại địa phương bắt đầu bước vào thời kỳ hết sức khó khăn, các làng Tiên Cầu, Tả Ao, Xuân Viên được địch coi là nơi “làm loạn”, “cứng đầu”. Thực hiện các chính sách khủng bố mới, với chiến dịch truy lùng cán bộ Đảng hết sức ráo riết, chúng cho lính đến đốt cháy nhà đồng chí Trần Đình Luyện - Bí thư Chi bộ Tiên Cầu, phá bỏ miếu mạo, đền, chùa, cướp phá tài sản, bí mật bao vây Huyện ủy, bắn chết đồng chí Lê Duy Đại - Bí thư Huyện ủy, bắn gãy chân đồng chí Trần Hoành - Huyện ủy viên.

Các đồng chí Lê Ngân, Phan Nam Tuyết, Lê Nhân Tông, Nguyễn Như Cương bị bắt khi đang họp bàn về kế hoạch bắt nối lại tổ chức Đảng và khấy động phong trào. Các đồng chí bị đem về giam tại Huyện đường và tra tấn 3 tháng với đủ loại cực hình, tra khảo của địch nhưng vẫn giữ vững khí tiết, chỉ trả lời “Không biết!”. Không khai thác được thông tin gì, thực dân Pháp và Tòa án Nam Triều Hà Tĩnh đã đày Lê Ngân vào Nhà lao Quảng Nam. Trong lao tù đế quốc, đồng chí vẫn luôn nêu cao khí tiết của người cộng sản, bắt mối liên lạc, tham gia vào chi bộ nhà lao, là thành viên tích cực trong các phong trào đấu tranh chống lại chế độ hà khắc của nhà tù thực dân.

Đầu năm 1939, đồng chí Lê Ngân và một số đồng chí đảng viên Nghi Xuân được trả tự do, trở về quê hương bắt mối liên lạc tiếp tục hoạt động cách mạng tại địa phương, như rải truyền đơn, mít tinh, biểu tình…

Đầu năm 1940, đồng chí Lê Ngân lại bị địch bắt lần thứ 2 và đày đi Nhà tù Buôn Ma Thuột cùng với 40 người khác.

Trong những năm tháng bị giam cầm, đồng chí Lê Ngân vẫn luôn giữ vững bản lĩnh, ý chí của người chiến sĩ cộng sản, với niềm tin sắt son vào sự nghiệp cách mạng do Đảng lãnh đạo.

Tháng 5/1945, đồng chí Lê Ngân và các đồng chí cộng sản bị giam ở các nhà tù trong cả nước lần lượt được trả tự do. Sau khi ra tù, được cử về tỉnh Khánh Hòa hoạt động, đồng chí Lê Ngân đã tìm bắt mối liên lạc với đồng chí Nguyễn Văn Chi (người Khánh Hòa - bạn tù) và Bùi Đức Giáo (Thạch Hà), Ngô Đức Đệ (Can Lộc) tham gia vào Ban Lãnh đạo Việt Minh, trực tiếp vận động nhân dân đấu tranh giành chính quyền.

Khi nước nhà giành độc lập, đồng chí Lê Ngân được bầu vào Ban Chấp hành huyện Vĩnh Xương, tỉnh Khánh Hòa. Đồng chí tiếp tục về các vùng nông thôn và tích cực hoạt động cách mạng, vận động quần chúng tham gia thành lập Ban Mặt trận Việt Minh.

Năm 1947, đồng chí Lê Ngân lại được trở về quê hương tiếp tục hoạt động cách mạng tại địa phương…

-----

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

- Sách LSĐB huyện Nghi Xuân, NXB- Hà Tĩnh năm 1971.

- Sách LSĐB xã Xuân Giang, NXB - Hà Nội 2015.

- Hồi ký Đồng chí Lê Ngân ( lưu tại Bảo tàng XVNT)

Phan Thị Thảo - Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh