Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Đồng chí Nguyễn Huỳnh với dấu ấn làng Xô viết ở huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh)

Nguyễn Vân Anh - Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh 01/11/2024 23:28

Làng Phụng Luyện và xóm Châu Sa ở xã Yên Hòa (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) được Nhà nước công nhận là làng Xô viết. Trong chiến công đó có sự cống hiến sôi nổi của đồng chí Nguyễn Huỳnh.

Đồng chí Nguyễn Huỳnh, sinh năm 1908 trong một gia đình làm nông ở làng Phụng Luyện, tổng Vân Tán, nay là xã Yên Hòa, huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh.

Nguyễn Huỳnh
Đồng chí Nguyễn Huỳnh (1908 - 1992).

Yên Hòa nơi đồng chí Nguyễn Huỳnh sinh ra là một vùng quê giàu truyền thống văn hóa, yêu nước và hiếu học. Từ nhỏ, được gia đình cho đi học chữ Hán, chữ Quốc ngữ đầy đủ, lớn lên lại phải chứng kiến cảnh người dân vốn cần cù lao động, chịu thương chịu khó nhưng cuộc sống vẫn khổ cực vì chế độ áp bức, bóc lột tàn bạo của đế quốc, phong kiến nên Nguyễn Huỳnh luôn nung nấu chí lớn làm cách mạng.

Ngay sau khi Đảng bộ lâm thời Hà Tĩnh được thành lập, tháng 3/1930, tại Cẩm Xuyên đã lập được 4 chi bộ, đó là: Lương Điền, Kim Nặc, Khả Luật, Kiều Mộc. Đến ngày 17/7/1930, tại miếu Cồn Thờ, làng Khả Luật, tổng Thổ Ngoạ (nay là xã Cẩm Hưng), Huyện uỷ Cẩm Xuyên được thành lập do đồng chí Nguyễn Đình Liễn làm Bí thư.

Cuối năm 1930, phong trào cách mạng của quần chúng lớn mạnh, địch tăng cường đàn áp, khủng bố nên nhiều đồng chí trong Huyện ủy Cẩm Xuyên lần lượt bị bắt. Trước tình hình đó, Tỉnh ủy quyết định chuyển trọng tâm hoạt động xuống miền Bắc tổng Vân Tán. Đồng chí Trần Hưng (bí danh là Hoàng) được cử về Yên Hòa hoạt động cách mạng, vừa dạy học vừa tuyên truyền, giác ngộ cách mạng cho lớp thanh niên trong vùng. Một số học sinh vừa học văn hóa, vừa tiếp thu được đạo đức, nhân cách của thầy, sau trở thành những đảng viên cốt cán của Đảng như đồng chí Nguyễn Huỳnh, Trần Đào…

Tháng 11/1930, đồng chí Nguyễn Huỳnh được kết nạp vào Đảng, sau đó được cấp trên phân công nhiệm vụ tuyên truyền, kết nạp thêm đảng viên để thành lập Chi bộ và các tổ chức đoàn thể. Kết quả đạt được là đầu năm 1931, xã Yên Hòa đã thành lập được ba chi bộ. Chi bộ Thạch Khê Hạ gồm đồng chí Nguyễn Huỳnh (Bí thư), Nguyễn Nhuận, Phạm Uyên, Nguyễn Bá Ký. Chi bộ Yên Dượng có đồng chí Trần Đào (Bí thư), Trần Điền, Nguyễn Mân, Trần Bá Túc. Chi bộ Yên Xá gồm có đồng chí Nguyễn Ngự (Bí thư), Nguyễn Trọng Đức, Nguyễn Trọng Biển và các tổ chức quần chúng như Tự vệ đỏ, Nông hộ đỏ, Thanh niên Cộng sản Đoàn, Phụ nữ cứu quốc lần lượt được thành lập.

Tháng 2/1931, tại nhà đồng chí Trần Bá Túc (xóm Châu Sa), Ban cán sự Huyện ủy Cẩm Xuyên được thành lập, thành phần do cấp trên chỉ định gồm 3 đồng chí Trần Đào, Nguyễn Huỳnh, Trần Điền, đồng chí Trần Đào được cử làm Bí thư.

Sau khi thành lập ban cán sự, đồng chí Trần Đào chuyển về hoạt động ở vùng Thạch Khê Trung và Tổng Hạ Nhất (thuộc huyện Thạch Hà), còn đồng chí Nguyễn Huỳnh và Trần Điền trực tiếp xây dựng, củng cố phong trào cách mạng ở Yên Dượng, Phụng Luyện, Yên Xá và rút kinh nghiệm chỉ đạo phong trào chung.

Cũng trong tháng 2/1931, một cuộc mít tinh tại miếu Lớn (Yên Hòa) do đồng chí Trần Đào, Nguyễn Huỳnh, Trần Điền phụ trách đã diễn ra để tuyên truyền cổ vũ nhân dân làm cách mạng.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện Cẩm Xuyên, nhân dân Yên Hòa liên tục nổi dậy đấu tranh. Tiêu biểu là các cuộc mít tinh vào tháng 3/1931 tại chùa nhà Quầy (tổng Hạ Nhất, huyện Thạch Hà) với khoảng 500 người thuộc các làng Yên Dượng, Phụng Luyện, Yên Xá và tổng Hạ Nhất tham gia; gần 600 quần chúng hai tổng Vân Tán và Hạ Nhất biểu tình tuần hành thị uy và hô vang các khẩu hiệu.

Hưởng ứng ngày Quốc tế Lao động 1/5, đồng chí Nguyễn Huỳnh và ban cán sự huyện Cẩm Xuyên chủ trương vận động quần chúng biểu tình kéo lên huyện đưa yêu sách nhằm đòi quyền lợi về kinh tế và biểu dương lực lượng cách mạng. Sáng ngày 1/5/1931, nhân dân các tổng Vân Tán, tổng Hạ Nhất cùng một số đảng viên và nhân dân tổng Mỹ Duệ, Thổ Ngọa kéo về tập trung tại miếu Thượng Tướng (Thị trấn Cẩm Xuyên) để biểu tình. Trong lúc quần chúng đang nghe diễn thuyết thì lính kéo đến bắn vào quần chúng nhân dân làm hai người chết.

Sau cuộc biểu tình đó, đồng chí Nguyễn Huỳnh bị bắt giải về đồn Yên Dượng. Chúng dùng mọi cực hình tra tấn độc ác và dã man, làm đồng chí chết đi sống lại nhiều lần nhưng vẫn không khai thác được gì nên đành thả đồng chí.

Để đáp ứng cầu lãnh đạo trong tình hình mới, ngày 25/6/1931, Đại hội huyện Đảng bộ đã diễn ra tại nhà đồng chí Nguyễn Ký ở làng Yên Nhân (Yên Hòa). Ban Chấp hành Huyện ủy mới được bầu gồm: Trần Đào (Bí thư), Nguyễn Huỳnh, Đặng Trọng Phương, Trần Điềm, Nguyễn Ngữ và Trần Hữu.

Trong lúc này, địch bắt đầu cuộc khủng bố mới, chúng dời đồn từ Yên Dượng về Đình Trung (Phụng Luyện), tập trung lực lượng truy lùng, bắt bớ tra tấn nhân dân hết sức dã man, chúng bắt lại đồng chí Nguyễn Huỳnh, Nguyễn Trọng Phượng và kết án khổ sai các đồng chí.

Năm 1936, đồng chí Nguyễn Huỳnh được ra tù và bắt liên lạc với các đồng chí ở quê nhà, thực hiện các chủ trương của Đảng, thành lập các tổ chức quần chúng như Hội tương tế, Hội ái hữu. Đồng chí Nguyễn Huỳnh còn mở lớp dạy chữ quốc ngữ tại nhà mình và trực tiếp giảng dạy.

Tháng 5/1945, đồng chí Nguyễn Huỳnh cùng với các đồng chí Trần Đào, Phạm Thế Đống, Nguyễn Đắc Thuần họp hội nghị ở làng Cát Khánh (Thị trấn Cẩm Xuyên) thành lập Tổng ủy Việt Minh.

Ngày 14/8/1945, các đồng chí trong Tổng ủy Việt Minh và Ủy ban khởi nghĩa huyện họp tại nhà đồng chí Nguyễn Huỳnh bàn kế hoạch để tổ chức lãnh đạo quần chúng giành chính quyền.

Ngày 16/8/1945, lực lượng cách mạng các làng ở Cẩm Xuyên đã tiến hành tịch thu toàn bộ sổ sách, ấn triện của lý trưởng. Ngay sau khi giành được chính quyền, ngày 20/8/1945 Ban vận động xây dựng Đảng bộ Hà Tĩnh đã chỉ định các đồng chí Nguyễn Huỳnh, Nguyễn Hữu Thái, Trần Đào, Phạm Thế Đống, Nguyễn Đắc Thuần đứng ra xây dựng Đảng bộ huyện Cẩm Xuyên.

Thời gian sau này đồng chí Nguyễn Huỳnh vẫn tiếp tục hoạt động trong các tổ chức như Ban Chấp hành Việt Minh; Ủy ban khởi nghĩa, Ủy viên Ban Chấp hành Tỉnh ủy Hà Tĩnh; Ủy viên Ban Chấp hành Huyện ủy Cẩm Xuyên…

Sau thời gian dài hoạt động cách mạng, đồng chí Nguyễn Huỳnh nghỉ hưu. Năm 1992, vì tuổi cao sức yếu nên đồng chí qua đời, hưởng thọ 84 tuổi. Với những đóng góp to lớn trong thời kỳ 1930-1931 cũng như sau này, đồng chí Nguyễn Huỳnh đã được công nhận là lão thành cách mạng và gia đình đồng chí được Nhà nước tặng kỷ niệm chương, bằng có công với nước.

Xô Viết Nghệ Tĩnh là một mốc son chói lọi của Đảng bộ và nhân dân xã Yên Hòa. Năm 1966, làng Phụng Luyện và xóm Châu Sa ở xã Yên Hòa được Nhà nước công nhận là làng Xô viết, tặng kỷ niệm chương và bằng có công với nước. Cuộc đời chiến đấu cách mạng sôi nổi của đồng chí Nguyễn Huỳnh là một trong những tấm gương chiến sỹ cộng sản tiêu biểu, tô thắm thêm truyền thống yêu nước và tinh thần quật cường của nhân dân xã Yên Hòa, huyện Cẩm Xuyên trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930-1931.

-----

Tài liệu tham khảo:

- Lịch sử Đảng bộ xã Cẩm Hòa, tập 1 (1930 - 2005), xuất bản năm 2006.

Nguyễn Vân Anh -  Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh