Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Sưu tập hiện vật trong tù của các chiến sĩ cách mạng Nghệ Tĩnh

BTXVNT 03/11/2024 20:44

Sưu tập hiện vật cho chúng ta hiểu được giá trị cao đẹp, rất đáng tự hào về cuộc đời của những người con xứ Nghệ kiên trung bất khuất trong ngục tù đế quốc.

Với chính sách khủng bố trắng của đế quốc Pháp và phong kiến Nam triều năm 1930-1931, đa số cán bộ và đảng viên ở Nghệ An, Hà Tĩnh đã bị bắt giam. Chúng chuyển hàng trăm tù chính trị từ Nhà lao Vinh – Hà Tĩnh vào những ngục tù ở nơi “rừng thiêng nước độc” như: Lao Bảo, Kon Tum, Buôn Ma Thuột, Côn Đảo... Tại đây, tù nhân phải chịu đủ cực hình tra tấn dã man, thêm vào đó là nỗi cực khổ vì đói rét, bệnh tật, lao dịch... Không có con đường nào khác, họ phải vùng lên đấu tranh.

Cảnh tù nhân lao động khổ sai ở nhà đày Lao Bảo
Cảnh tù nhân lao động khổ sai ở Nhà đày Lao Bảo. Ảnh: Tư liệu

Từ năm 1930 đến 1945, tại các nhà tù ở miền Trung, Tây Nguyên, người Nghệ An, Hà Tĩnh chiếm số đông, nhiều đồng chí là hạt nhân nòng cốt của các đấu tranh chống chế độ hà khắc của nhà tù. Tù nhân chính trị đấu tranh đòi tháo bỏ gông xiềng, cải thiện chế độ ăn uống, sinh hoạt, phản đối đánh đập tù nhân không được bắt tù nhân làm việc quá mức... Sau mỗi đợt tranh đấu là sự khủng bố tàn bạo của bọn chúa ngục. Mặc cho máu chảy, đòn roi, các chiến sĩ Xô viết vẫn chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Tiêu biểu như cuộc đấu tranh “lưu huyết” ở Kon Tum do đồng chí Nguyễn Huy Lung (cán bộ Tỉnh ủy Hà Tĩnh) lãnh đạo, bọn cai ngục đã đàn áp dã man cuộc đấu tranh làm 8 chiến sĩ cách mạng hy sinh.

Đồng chí Nguyễn Huy Lung, người đứng đầu Cuộc đấu tranh lưu huyết (ảnh trái); đồng chí Trương Quang Trọng, người đầu tiên ngã xuống trong Cuộc đấu tranh lưu huyết
Đồng chí Nguyễn Huy Lung, người đứng đầu cuộc đấu tranh lưu huyết (ảnh trái) và đồng chí Trương Quang Trọng, người đầu tiên ngã xuống trong cuộc đấu tranh lưu huyết.

Áo tù, chai đựng thuốc, hộp gỗ, mũ... gắn liền với tên tuổi của biết bao chiến sĩ cộng sản kiên trung như: Hồ Tùng Mậu, Trương Vân Lĩnh, Phan Đăng Lưu, Nguyễn Sỹ Sách, Nguyễn Duy Trinh, Chu Huệ, Mai Kính... và còn rất nhiều liệt sĩ Xô viết mãi mãi sáng ngời chất thép cách mạng trong ngục thất quân thù.

Học tập cũng là hình thức hoạt động của tù nhân chính trị. Các lớp học văn hóa, chính trị trong tù thu hút nhiều người tham gia. Khi mới vào tù, nhiều người chưa biết chữ hoặc học ít, nay nhờ sự giúp đỡ của đồng chí mình mà trình độ văn hóa được nâng lên. Một số đồng chí còn được học tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc. Trong sưu tập có tài liệu học tập chính trị tại nhà tù Buôn Ma Thuột của đồng chí Lê Khánh Dư, sổ tay của đồng chí Lê Sỹ Miên...

Không những bị giam cầm, đánh đập tàn bạo, tù chính trị ở Lao Bảo, Buôn Ma Thuột, Kon Tum... còn phải đi lao dịch khổ sai hàng tháng trời trong rừng núi như làm con đường số 14 từ Kon Tum lên Buôn Ma Thuột. Mục đích của bọn địch bắt tù nhân đi lao dịch là làm cho họ bị vắt kiệt sức lực, rã rời ý chí mà từ bỏ lý tưởng cách mạng.

Sưu tập hiện vật trong tù của các chiến sỹ cách mạng Nghệ Tĩnh
Sưu tập hiện vật trong tù của các chiến sĩ cách mạng Nghệ Tĩnh.

Những hiện vật: giỏ mây, đĩa mây, hộp mây, mủng mây... là bằng chứng thể hiện nghị lực phi thường của các chiến sĩ Xô viết đã vượt qua mọi hy sinh, gian khổ với niềm tin chiến thắng.

Sưu tập có 15 hiện vật, đa dạng về chất liệu như vải, gỗ, sứ, mây, tre, giấy...; phong phú về thể loại, hình dáng: áo, sách, hộp, khay, chai... Tuy ít về số lượng, nhưng sưu tập đã phản ánh đầy đủ cuộc sống, hoạt động đấu tranh của hàng trăm chiến sĩ Xô viết Nghệ Tĩnh trong nhà tù đế quốc.

- Áo tù số 2977 tại nhà tù Buôn Ma Thuột.
Chất liệu: Vải, màu xanh chàm
Áo dài tay, dài 0,65 m

- Giỏ mây đan trong nhà tù Lao Bảo.
Đường kính 0,22 m, cao 0,15m
Giỏ hình bầu dục, có khóa, quai xách bằng đồng

- Hộp gỗ trắc làm trong nhà Buôn Ma Thuột.
Hình khối chữ nhật: 0,115m x 0,195m x 0,05m

- Tài liệu học lý luận tại nhà tù Buôn Ma Thuột.

BTXVNT