Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Nhiệt huyết cách mạng trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh của đồng chí Nguyễn Thị Năm

Phan Thị Thảo - Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh 04/11/2024 08:45

Trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931, đồng chí Nguyễn Thị Năm là tấm gương sáng về nhiệt tình cách mạng, về tính sáng tạo, về năng lực và phương pháp tuyên truyền cổ động, vận động quần chúng nhân dân.

Trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc ta, xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn là vùng đất giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Trải qua nhiều thế hệ, con em Nam Thanh luôn kiên cường đấu tranh chống lại các thế lực thù địch, kiên quyết bảo vệ xóm làng, bảo vệ nền độc lập, tự do của Tổ quốc, sẵn sàng hy sinh trọn tuổi thanh xuân cho lý tưởng cộng sản.

Trong số những chiến sĩ cách mạng tiêu biểu ấy, lấp lánh hình ảnh và tên tuổi của đồng chí Nguyễn Thị Năm - nữ chiến sĩ cộng sản của quê hương Nam Thanh trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh năm 1930 - 1931.

Đồng chí Nguyễn Thị Năm (bí danh là Thủy) sinh năm 1909 trong một gia đình nông dân nghèo, tại xã Thanh Thủy (nay là xã Nam Thanh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An). Tuổi thơ của chị phải sống trong cảnh bị áp bức bóc lột dã man do chính sách khai thác thuộc địa của thực dân Pháp cùng những quy định hà khắc của chính quyền phong kiến.

Phong trào nhân dân vùng lên đấu tranh cách mạng trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh diễn ra ở nhiều vùng miền.
Phong trào nhân dân vùng lên đấu tranh cách mạng trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh diễn ra ở nhiều vùng miền.

Những năm 1927, cơ sở của tổ chức Việt Nam Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội được xây dựng tại các tỉnh ở Trung Kỳ. Tiểu tổ Hội ở Kim Liên, huyện Nam Đàn là một trong những tiểu tổ được thành lập sớm của Tỉnh bộ Hội ở Nghệ An. Từ đây, cơ sở Hội được phát triển rộng khắp các xã trong huyện như: Thanh Thủy ( Nam Thanh), Thanh Đàm ( Nam Tân)…. Các tổ chức cơ sở đã phổ biến tài liệu “Đường Kách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc và Chủ nghĩa Mác-LêNin, vận động quần chúng làm cách mạng. Đồng chí Nguyễn Thị Năm đã tham gia tích cực trong các phong trào tại địa phương như: tuyên truyền, mít tinh, biểu tình, rải truyền đơn...

Ngày 3/2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam được thành lập đã mở ra bước ngoặt lớn cho phong trào cách mạng Việt Nam. Ngày 16/5/1930, Chi bộ xã Thanh Thủy được thành lập, lấy tên là Chi bộ Băng Trà, do đồng chí Bùi Danh Toản làm Bí thư. Sau khi ra đời, Chi bộ Băng Trà đặc biệt quan tâm đến công tác tuyên truyền, giáo dục quần chúng bằng những hình thức như: họp quần chúng theo các đoàn thể, tổ chức mít tinh toàn xã, phổ biến đường lối chính sách của Đảng, rải truyền đơn, treo cờ búa liềm ở những nơi công cộng…Phong trào cách mạng ở Thanh Thủy ngày càng lan rộng và lên cao. Các tổ chức Nông hội, Tự vệ đỏ, Hội Cứu tế đỏ, Hội Phụ nữ giải phóng… sớm được ra đời.

Ngày 1/5/1930, thực hiện chủ trương phát động phong trào đấu tranh kỷ niệm ngày Quốc tế Lao động của Trung ương Đảng, công nhân Nhà máy Trường Thi - Bến Thủy đã tổ chức biểu tình, đưa yêu sách đòi tăng lương, giảm giờ làm cho công nhân.

Tại xã Thanh Thủy, dưới sự chỉ đạo của Chi bộ Băng Trà, nhân dân đã tổ chức rải truyền đơn, treo cờ đỏ búa liềm ở Cồn; treo Bảng và tổ chức mít tinh ở chợ Hôm để nghe đồng chí Nguyễn Thị Năm - cán bộ huyện diễn thuyết. Trước hàng trăm người dân, đồng chí Năm bước lên trên một mô đất cao, mặc bộ quần áo bà ba màu nâu cũ, đầu trần, chân đất. Với chất giọng truyền cảm, đanh thép, hùng hồn, đồng chí đọc lời kêu gọi nhân dân đứng lên đấu tranh chống áp bức, bóc lột của chính quyền thực dân, phong kiến.

Lời kêu gọi của đồng chí đã tiếp thêm sức mạnh cho nhân dân vững bước đi lên. Hàng trăm cánh tay của các chị, các mẹ đứng giữa chợ Hôm giơ cao xin thề, các khẩu hiệu vang lên rộn ràng theo dòng người đi khắp các nẻo đường.

Trước những hình thức đấu tranh mạnh mẽ và mới lạ của nhân dân, thực dân Pháp lúng túng, chúng buộc phải nới lỏng chính sách cai trị và giải quyết một số chính sách của bà con. Khâm Sứ Trung Kỳ ra lệnh cho binh lính và quan lại không được dùng vũ khí đàn áp quần chúng biểu tình. Chúng bỏ thuế vãng lai, bỏ lệ tuần canh, cấm đánh đập thợ thuyền, tăng lương cho thợ, đuổi những tên gian ác, thả những người bị bắt trong các cuộc biểu tình…

Tháng 8/1930, làn sóng đấu tranh của quần chúng nhân dân bước sang thời kỳ quyết liệt. Tổng Công hội Vinh phát đi “Lời báo cần kíp” kêu gọi các tầng lớp nhân dân hưởng ứng và ủng hộ phong trào tổng đình công. Nhận được lời kêu gọi này, Chi bộ Băng Trà đã lĩnh hội và tổ chức tập hợp quần chúng tại ngã ba Chiềng Cơ để mít tinh, biểu tình đưa yêu sách, đòi thực dân Pháp và phong kiến phải: “ Xóa bỏ các thứ sưu thuế, thả hết những người bị bắt trong đấu tranh, không được đàn áp bắn giết dân biểu tình, bồi thường cho gia đình những người bị nạn, tự do bãi công, biểu tình, hội họp…” và nghe đồng chí Nguyễn Thị Năm diễn thuyết về chủ nghĩa cộng sản và đường lối, phương pháp đấu tranh đòi quyền lợi dân sinh dân chủ.

Mở đầu bằng những câu ca dao sau, đồng chí Nguyễn Thị Năm đã kêu gọi quần chúng nhân dân cùng nhau đứng lên đấu tranh:

Tổng này xã nọ kết liên

Ta hò ta hét thét lên mau nào

Trên gió cả cờ đào phấp phới

Giới đất bằng giấy trắng tung ra

Giữa thành một trận xông pha

Bên kia đạn sắt bên ta gan vàng.

Vừa dứt lời, đoàn biểu tình đã hô vang các khẩu hiệu: “Đả đảo cường hào gian ác”, “Đả đảo đế quốc phong kiến”, “Công - nông vùng lên”, “Đảng Cộng sản muôn năm”… Hàng trăm người dân với băng cờ khẩu hiệu, tay cầm gậy gộc, giáo mác, cờ đỏ búa liềm phất cao tung bay trong gió. Dòng người cuồn cuộn như thác tiến thẳng lên chợ Sa Nam (nay thuộc Thị trấn Nam Đàn). Trước khí thế của quần chúng, tri huyện Lê Khắc Tưởng phải ký giấy, đóng dấu vào lá cờ búa liềm với khẩu hiệu: Tri huyện Nam Đàn từ nay không được nhũng nhiễu nhân dân.

Đầu tháng 9/1930, nhận thấy năng lực vượt trội của đồng chí Nguyễn Thị Năm, một hạt nhân tích cực của phong trào, đồng chí Vương Thúc Cơ - Bí thư Huyện ủy Nam Đàn đã tổ chức kết nạp Đảng cho đồng chí vào sinh hoạt tại Chi bộ Băng Trà thuộc xã Thanh Thủy. Đồng chí được giao nhiệm vụ phụ trách công tác tuyên truyền, ấn loát, in ấn truyền đơn, tài liệu cùng với các đồng chí Bùi Danh Toản, Nguyễn Hữu Thái, Bùi Danh Sênh... Được đứng vào hàng ngũ của Đảng, đồng chí luôn phát huy tốt vai trò, trách nhiệm được giao.

Tối ngày 12/9/1930, thực hiện Chỉ thị của Xứ ủy, nhân dân Thanh Thủy đã cùng với nhân dân các xã trong toàn huyện Nam Đàn tổ chức lễ truy điệu cho các đồng chí hy sinh trong cuộc biểu tình tại Hưng Nguyên trọng thể và để tang 3 ngày. Nhằm cổ vũ tinh thần đấu tranh của quần chúng, Chi bộ Băng Trà lại tiếp tục tổ chức mít tinh tại nhà các đồng chí Nguyễn Bá Lựu, Nguyễn Bá Sự, Nguyễn Hữu Kỳ để nghe đồng chí Nguyễn Thị Năm nói về âm mưu, thủ đoạn của thực dân Pháp và ý nghĩa của cuộc cách mạng này. Nhờ vậy mà tinh thần và ý chí đấu tranh của quần chúng ngày càng được nung nấu, phong trào đấu tranh ở Thanh Thủy phát triển vô cùng mạnh mẽ.

Trước khí thế đấu tranh của quần chúng cách mạng, binh lính địch dao động, lý trưởng hoang mang, đem trả ấn, triện cho tri huyện. Thừa thắng, phong trào đấu tranh của nhân dân Thanh Thủy vùng lên như vũ bão. Đêm đêm, các cuộc biểu tình, mít tinh, diễn thuyết diễn ra tại các ngã ba, đình làng, khu chợ, lôi cuốn hàng trăm người tham gia. Trống, mõ liên tục kêu vang khắp các thôn xóm…

Sau các cuộc đấu tranh trên, tình hình cách mạng tại địa phương bắt đầu bước vào thời kỳ khó khăn, phức tạp. Tháng 10/1930, thực dân Pháp điều động một số lính khố xanh đến đóng đồn tại chùa Viên Quang và đình Đức Nam. Xã Thanh Thủy nơi được coi địa phương có phong trào cách mạng tiêu biểu của huyện Nam Đàn nên đã trực tiếp giao cho do tên Anne chỉ huy cuộc đàn áp. Chúng tổ chức lùng sục vây bắt cán bộ đảng viên, uy hiếp tinh thần của nhân dân, hễ gặp người là chúng đánh và bắt bỏ tù, với phương châm bắt nhầm còn hơn bỏ sót.

Nắm bắt được âm mưu và hành động của địch, các đồng chí trong Chi bộ Băng Trà gồm Bùi Danh Toản, Nguyễn Hữu Ngơn, Nguyễn Thị Năm… đã thực hiện chủ trương: “Giặc đến ta đi, giặc đi ta về”, “Vườn không nhà trống”… Chi bộ rút vào hoạt động bí mật; vận động nhân dân ngày sơ tán vào núi, đêm trở về cày cấy, lao động; bố trí người già ở lại làng trông coi nhà cửa, nuôi dấu cán bộ…

Ngày 20/2/1931, trước sự khủng bố đàn áp của địch, Huyện ủy quyết định điều động đồng chí Bùi Danh Bích - Huyện ủy viên, Bí thư Liên chi Tổng Xuân Liễu, phụ trách công tác giao thông liên lạc về xã Thanh Thủy để cùng Chi bộ Băng Trà bàn về việc củng cố lại Chi bộ và phát triển phong trào cách mạng tại địa phương. Để che mắt địch, các đồng chí Nguyễn Thị Năm, Bùi Danh Trứ, Ngô Công Chưu, Đình Hữu Liêu, Đinh Hữu Bốn, Đinh Văn Cờn… đã đóng làm người đi mua gạch. Khoảng 4 giờ chiều cùng ngày mọi người tập trung tại lò gạch Lò Chứa để họp hội nghị. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Bùi Danh Bích, Hội nghị quyết định đổi Chi bộ Băng Trà thành Chi bộ Cao Man do đồng chí Ngô Công Chưu làm Bí thư. Chi bộ vừa ra sức tuyên truyền, cổ động, củng cố lực lượng cách mạng, lãnh đạo quần chúng nhân dân chống địch và khôi phục lại chính quyền. Vì vậy, khí thế đấu tranh của nhân dân Thanh Thủy không ngừng nâng cao.

Từ giữa năm 1931, phong trào cách mạng của nhân dân ta gặp muôn vàn khó khăn do chính sách khủng bố trắng của thực dân Pháp. Chúng đã thẳng tay đàn áp, truy lùng ráo riết, các cán bộ chủ chốt của huyện, xã lần lượt bị bắt và sát hại (tại xã Thanh Thủy gồm 30 người: trong đó có đồng chí Bùi Danh Bích - Huyện ủy viên, Bí thư Liên chi Tổng Xuân Liễu; đồng chí Ngô Công Chưu - Bí thư Chi bộ Cao Man; đồng chí Nguyễn Đình Trân - Ủy viên BCH Nông hội…) và hàng loạt cơ sở Đảng, cơ sở quần chúng bị phá.

Đồng chí Nguyễn Thị Năm trong chiều ngày 16/10/1931 khi đi tuyên truyền trong các hội xóm thì gặp địch. Hôm đó, đồng chí mặc bộ quần áo màu nâu cũ, quần ống thấp, ống cao, chân đất, tay xách cuốc, đóng giả làm người nông dân đi thăm ruộng, đang men theo triền đê vừa đến xóm Gia Lao thì gặp bọn mật thám đi tuần. Đồng chí đang tìm cách thoát thân, thì bất ngờ bị tên việt gian Nguyễn Khắc Lương đón đầu và ra lệnh cho bọn lính nổ súng bắn bị thương và bắt giam tại đồn Xuân La.

Trong lao tù đế quốc đồng chí Nguyễn Thị Năm bị bọn địch dùng nhiều cực hình để tra tấn ép cung, nhưng đồng chí vẫn một lòng trung thành với Đảng với cách mạng, không hé răng nửa lời và luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Sau một thời gian giam giữ nhưng không khai thác được gì, không có bằng chứng phạm tội, chúng đành phải trả lại tự do cho đồng chí.

Giữ vững tinh thần yêu nước và cách mạng, trở về đồng chí lại tiếp tục hăng say tham gia vào các phong trào tại địa phương.

Cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của đồng chí Nguyễn Thị Năm là tấm gương sáng về nhiệt tình cách mạng, về tính sáng tạo, về năng lực và phương pháp tuyên truyền cổ động, vận động quần chúng nhân dân./.

-----

Tài liệu tham khảo:

  • Sách lịch sử Đảng bộ xã Nam Thanh - NXB Nghệ An, năm 2014.
  • Sách những tấm gương cộng sản - NXB Chính trị Quốc gia, năm 2010.
  • Sách lịch sử Đảng bộ Nghệ An - NXB Chính trị Quốc gia HN, năm 1998.
  • Theo lời kể của gia đình đồng chí Nguyễn Thị Năm.

Phan Thị Thảo - Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh