Giáo dục

Để chất lượng giáo dục miền núi tiến gần đến miền xuôi

Mỹ Hà 04/11/2024 10:53

Rút ngắn khoảng cách vùng miền, nâng cao chất lượng giáo dục miền núi là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành Giáo dục Nghệ An.

Đầu tư nguồn lực cho giáo dục

Chiều cuối tháng 10, cổng trường Trường PT DTNT THCS Quế Phong có rất nhiều phụ huynh đến thăm và đón con về nhà. Dù trên gương mặt còn có nhiều vất vả nhưng khi hỏi đến con, rất nhiều phụ huynh bày tỏ sự tự hào. Chị Vy Thị Hương, nhà ở bản Ná Lãnh (xã Tri Lễ) có 2 người con và chỉ có cậu con trai thứ 2 Lầu A Bảo năm nay mới trúng tuyển và nhập học vào lớp 6A1 của trường nội trú huyện.

Từ ngày con đi học xa nhà, mỗi tháng gia đình chị chỉ đón con về nhà một lần vào cuối tháng. Xa con khi tuổi còn rất nhỏ nhưng chị luôn yên tâm vì ở trường cháu có thầy cô, được chăm sóc, dạy bảo rất tận tụy. "Bản của tôi năm nay chỉ có một học sinh đậu vào trường nội trú của huyện nên gia đình tôi vui lắm. Cháu vào đây học được Nhà nước lo, được học trong môi trường giáo dục nhiều bạn học giỏi nên gia đình tôi rất yên tâm", chị Hương nói thêm.

Ảnh - Mỹ Hà (4)
Học sinh Trường PT DTNT THCS Quế Phong. Ảnh: Mỹ Hà

Trường PT DTNT THCS Quế Phong là ngôi trường có chất lượng giáo dục hàng đầu của huyện và tỉnh. Năm học vừa rồi, trường có 157 học sinh đạt giải cấp huyện, 19 học sinh đạt giải cấp tỉnh (xếp tốp đầu các trường có học sinh giỏi nhiều nhất trong tỉnh, xếp thứ nhất các trường nội trú trong tỉnh), tỷ lệ học sinh xếp loại tốt đạt trên 90%, tỷ lệ học sinh thi đậu vào các trường THPT DTNT của tỉnh chiếm hơn 40%.

Trước đó, dù trường chỉ đi vào hoạt động hơn 10 năm, nhưng việc thành lập trường nội trú của huyện đã cho thấy sự đúng đắn khi đây là nơi ươm mầm, nuôi ước mơ cho học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số. Là ngôi trường PT DTNT THCS duy nhất của huyện, nên những năm qua trường luôn nhận được sự quan tâm của chính quyền, ban, ngành, các địa phương và các lực lượng xã hội. Riêng trong năm học này, trường vừa được huyện đầu tư hơn 24 tỷ đồng từ nguồn Chương trình mục tiêu Quốc gia để xây dựng thêm phòng ký túc xá, phòng học chức năng và khu nhà công vụ cho giáo viên.

"Trường chúng tôi có hơn 400 học sinh, chủ yếu người Thái, người Mông và Khơ Mú. Ngày trước, khi chưa có trường nội trú, các em chủ yếu đều học ở trong các xã vùng sâu, vùng xa và số học sinh có cơ hội để tham gia các kỳ thi học sinh giỏi huyện, học sinh giỏi tỉnh không nhiều. Nhưng ở môi trường nội trú các em có cơ hội phát huy được năng lực, thể hiện bản thân và nhiều em đã đạt thành tích cao trong học tập".

Thầy giáo Nguyễn Văn Hải – Hiệu trưởng Trường PT DTNT THCS Quế Phong

Ảnh - Mỹ Hà (6)
Nhiều hạng mục được xây dựng mới tại Trường PT DTNT THCS Quế Phong. Ảnh: Mỹ Hà

Năm 2021, huyện Quế Phong ban hành Đề án phát triển Giáo dục và Đào tạo gắn với liên kết đào tạo nghề, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực giai đoạn 2021-2025. Trong đó, mục tiêu chính là nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện đi đôi với đẩy mạnh giáo dục mũi nhọn, coi trọng truyền thống, ý thức chấp hành pháp luật nhằm bồi dưỡng cho học sinh phát triển toàn diện về đức, trí, thể, mỹ, đáp ứng xu thế hội nhập và phát triển.

Qua quá trình thực hiện, dù còn nhiều khó khăn nhưng huyện đã triển khai nhiều giải pháp để nâng chất lượng và hiệu quả giáo dục. Chỉ riêng về đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị trường học, trong giai đoạn 2021-2024, UBND huyện đã tham mưu cấp trên và chỉ đạo các phòng, ban lồng ghép các chương trình, dự án để đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị dạy học cho ngành Giáo dục với tổng số kinh phí trên 100 tỷ đồng.

"Năm 2024 là năm chuẩn bị về đích của đại hội nên chúng tôi đang ưu tiên, tập trung cho các công trình giáo dục và dự kiến sẽ có nhiều công trình về đích trước thời hạn từ 3 - 5 tháng, như công trình Trường PT DTNT THCS Quế Phong, PT DTNT THCS Thông Thụ và Trường PT DTNT THCS Tri Lễ.

Quan điểm của huyện trong triển khai là ưu tiên các trường nội trú, bán trú, các trường ở vùng sâu, vùng xa, khó khăn và tập trung đầu tư đồng bộ, tránh chắp vá, nhỏ lẻ".

Ông Lô Văn Chiến - Trưởng ban Quản lý dự án đầu tư xây của huyện Quế Phong

Ảnh - Mỹ Hà (7)
Nhiệm kỳ này, huyện Quế Phong đầu tư hơn 100 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các cơ sở giáo dục. Ảnh: Mỹ Hà

Tại Trường PT DTBT THCS Châu Phong (huyện Quỳ Châu), thời điểm này hàng loạt công trình của nhà trường cũng đang được thi công và hứa hẹn sẽ làm thay đổi bộ mặt của một trong những ngôi trường khó khăn nhất của huyện.

Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia, đây cũng là ngôi trường được đầu tư đồng bộ nhất với nhà đa chức năng, nhà ở ký túc xá, nhà học, nhà ăn... với tổng giá trị hơn 20 tỷ đồng.

Thầy giáo Vy Hữu Tú - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: "Hơn 60 học sinh ở trường chúng tôi thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo nên điều kiện của các em học sinh rất khó khăn. Nhưng nhờ có mô hình trường bán trú, phụ huynh đã yên tâm khi con em đi học xa nhà, được hưởng đầy đủ chính sách của Nhà nước.

Đây cũng là cơ sở để nhà trường duy trì ổn định sĩ số, tránh tình trạng học sinh bỏ học và nâng cao chất lượng giáo dục. Năm học vừa qua, trường chúng tôi có gần 80% học sinh thi đậu vào lớp 10 công lập, có 2 học sinh đậu vào trường nội trú của tỉnh, chất lượng học sinh đứng thứ 6 toàn huyện".

Tập trung nâng cao chất lượng

Nghệ An là tỉnh có số lượng học sinh là người dân tộc chiếm tỷ lệ khá cao, khi có đến 11/21 huyện là huyện miền núi. Do có những đặc thù và khó khăn riêng, nên so với các vùng khác, chất lượng giáo dục các huyện miền núi còn thấp so với mặt bằng chung và không đều giữa các vùng. Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, thiết bị trường học ở vùng đặc biệt khó khăn, dân tộc thiểu số đang còn thiếu, nhiều nơi chưa đáp ứng yêu cầu dạy học, nhất là điều kiện đảm bảo để dạy học theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

bna_anh-my-ha-2-.jpg
Giờ học của học sinh Trường PT DTBT THCS Châu Phong - Quỳ Châu. Ảnh: Mỹ Hà

Để nâng cao chất lượng giáo dục miền núi, thời gian qua, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết, chỉ thị, đề án quan trọng nhằm phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo cho miền núi như Nghị quyết số 03-NQ/TU, ngày 19/11/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên tỉnh Nghệ An giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng năm 2030.

Nghệ An cũng đã có đề án phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2022 - 2025, định hướng đến năm 2030.

Ảnh - Mỹ Hà (1)
Giờ học của học sinh Trường PT DTBT THCS Châu Phong - Quỳ Châu. Ảnh: Mỹ Hà

Thực hiện theo đề án này, nhiều địa phương cũng đã xây dựng các đề án với nhiều giải pháp cụ thể để nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn. Ông Lê Thanh An – Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Con Cuông cho biết: "Trong 2 năm qua, công tác quy hoạch mạng lưới trường lớp được thực hiện quyết liệt với việc sáp nhập 5 trường (cao nhất tỉnh). Bên cạnh đó, chúng tôi cố gắng giữ vững đội ngũ giáo viên, không còn hiện tượng thừa giáo viên ở các bậc học, quan tâm đến chế độ chính sách cho người dạy học. Huyện cũng có nhiều giải pháp để nâng cao chất lượng dạy học ở cả chất lượng đại trà và chất lượng mũi nhọn".

Trong khi đó, tại huyện Quỳ Châu việc triển khai đề án nâng cao chất lượng giáo dục được gắn với xây dựng cơ sở vật chất, trường chuẩn quốc gia, trường đạt tiêu chuẩn chất lượng giáo dục. Đến cuối tháng 5/2024, toàn huyện đã có 34/36 trường đạt chuẩn Quốc gia mức độ 1, tỷ lệ 94,4%.

Ảnh - Mỹ Hà (3)
Trường học hạnh phúc của thầy và trò Trường PT DTBT THCS Châu Phong - Quỳ Châu. Ảnh: Mỹ Hà

Để giáo dục miền núi phát triển, Nghệ An cũng đã tiếp tục tham mưu và làm tốt các chính sách đặc thù với nhiều nhóm đối tượng học sinh, sinh viên, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục.

Tỉnh cũng tiếp tục chỉ đạo ngành Giáo dục và các ban, ngành liên quan tiếp tục chú trọng đầu tư các nguồn lực cho sự nghiệp phát triển giáo dục đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; rà soát, quy hoạch hệ thống mạng lưới trường, lớp, cơ sở giáo dục phù hợp với điều kiện của từng vùng miền, trong đó quan tâm đến việc xây dựng các trường nội trú, bán trú ở bậc tiểu học và THCS; phát triển và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý đảm bảo đủ về số lượng, chuẩn về nghề nghiệp, hợp lý về cơ cấu, tăng cường giáo viên là người đồng bào dân tộc thiểu số, có trình độ cả về sư phạm và kiến thức cho từng vùng, từng dân tộc; xây dựng chế độ đãi ngộ và sử dụng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục phù hợp với yêu cầu thực tiễn để họ yên tâm với nghề nghiệp, gắn bó với địa phương...

Ngành Giáo dục luôn quan tâm, ưu tiên đầu tư cho giáo dục miền núi và tiếp tục rà soát, tham mưu các chính sách để đảm bảo quyền lợi cho giáo viên, học sinh và cho các trường.

Mục tiêu của ngành là tập trung nguồn lực, tạo đột phá, hướng đến mục tiêu nâng cao chất lượng, rút ngắn khoảng cách giữa các vùng miền.

Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội, ổn định chính trị, quốc phòng, an ninh...

Ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An

Mỹ Hà