Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Những hoạt động sôi nổi của đồng chí Nguyễn Danh Đoan ở Kim Liên

Đoàn Cẩm Tú - Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh 04/11/2024 16:13

Nguyễn Danh Đoan sớm được học hành cũng như tiếp thu những tư tưởng tiến bộ; đi theo con đường yêu nước của các bậc tiền bối. Đồng chí tham gia vào các phong trào tại địa phương như chống cường quyền và đòi quyền lợi cho nhân dân.

Trong suốt chiều dài hàng ngàn năm lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước, mảnh đất Kim Liên đã sản sinh ra biết bao người con ưu tú - những chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất làm rạng danh cho quê hương, đất nước. Nhiều đồng chí đã trưởng thành và giữ nhiều chức vụ quan trọng của tỉnh, huyện, trong đó có đồng chí Nguyễn Danh Đoan.

Đồng chí Nguyễn Danh Đoan (1897-1986).

Đồng chí Nguyễn Danh Đoan sinh năm 1897 tại làng Chung Cự, Kim Liên, Nam Đàn. Sinh trưởng trên mảnh đất và trong một gia đình có truyền thống yêu nước và cách mạng, cha đồng chí là một nhà nho làm nghề bốc thuốc bắc nên Nguyễn Danh Đoan sớm được học hành cũng như tiếp thu những tư tưởng tiến bộ; đi theo con đường yêu nước của các bậc tiền bối, tham gia vào các phong trào tại địa phương như chống cường quyền và đòi quyền lợi cho nhân dân.

Những năm 1927-1928, ở Chung Cự các tổ chức Thanh niên Cách mạng Đồng chí Hội và Tân Việt đã được thành lập sớm và phát triển ra nhiều xã xung quanh của Tổng Lâm Thịnh và Tổng Xuân Liễu. Các tổ chức cơ sở đã phổ biến tài liệu “Đường Kách mệnh” của Nguyễn Ái Quốc và Chủ nghĩa Mác-Lênin, vận động quần chúng làm cách mạng. Đồng chí Nguyễn Danh Đoan đã tham gia tích cực trong các phong trào yêu nước tại địa phương.

Sau khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, ngày 25/4/1930 tại làng Kim Liên, đồng chí Nguyễn Xuân Thanh (Chắt Bảy) – công nhân Nhà máy Trường Thi, phái viên của Xứ ủy Trung Kỳ được cử về chủ trì thành lập Đảng bộ Nam Đàn và cử ra một Ban Chấp hành Huyện ủy lâm thời tại nhà ông Vương Thúc Đàm. Từ đó, một số chi bộ của xã Chung Cự (Kim Liên) cũng được ra đời.

Trong các phong trào yêu nước tại địa phương, đồng chí Nguyễn Danh Đoan luôn phát huy được vai trò và thể hiện là người có tư tưởng tiến bộ, có năng lực tổ chức, lãnh đạo nên được tổ chức kết nạp vào Đảng và được giao nhiệm vụ làm cán bộ tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân làm cách mạng.

Đầu tháng 5/1930, xã Kim Liên được thành lập, có hai chi bộ: đó là Chi bộ Sơn Hà và Chi bộ Trung Bình. Đồng chí Nguyễn Danh Đoan vinh dự được bầu làm Bí thư Chi bộ Sơn Hà, phụ trách các làng: Ngọc Đình, Tính Lý, Hoàng Trù, Vân Hội. Phát huy vai trò của mình, trong các cuộc đấu tranh, biểu tình, đồng chí Nguyễn Danh Đoan luôn là người đi đầu dậy trước, tạo niềm tin cho quần chúng nhân dân phát huy tinh thần cách mạng.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào cách mạng ở Kim Liên có bước chuyển biến lớn, các cuộc đấu tranh biểu tình diễn ra sôi nổi. Tiêu biểu như cuộc biểu tình ngày 18/6/1930 được tổ chức tại Núi Chung. Để hưởng ứng cuộc vận động đấu tranh toàn huyện, đồng chí Nguyễn Danh Đoan cùng với các đảng viên trong chi bộ như đồng chí Nguyễn Chương, Nguyễn Danh Bình, Vương Thúc Cơ… đã chỉ đạo, vận động quần chúng nhân dân trong toàn xã tham gia.

Để chuẩn bị cho cuộc biểu tình, từ tối ngày 17/6/1930 đồng chí Nguyễn Danh Đoan cùng các đồng chí trong Ban Chấp hành chi bộ xã đã truyền đạt tinh thần cho các đảng viên và vận động quần chúng chuẩn bị lực lượng.

Mờ sáng 18/6/1930, Tự vệ đỏ đã tập trung tại Núi Chung cùng với các đoàn biểu tình từ các tổng Xuân Khoa, Xuân Liễu phất cao lá cờ đỏ búa liềm rầm rập kéo ra Tỉnh lộ 46 vừa đi, vừa hô vang khẩu hiệu và nghe cán bộ diễn thuyết. Sau đó, đoàn biểu tình kéo về chợ Đồn đưa yêu sách, tri huyện Lê Khắc Tưởng phải hứa nhận bản yêu sách của nhân dân chuyển lên cấp trên.

Cuộc biểu tình thắng lợi, uy tín của Đảng được nâng cao, khí thế đấu tranh của quần chúng càng phát triển sâu rộng trong toàn huyện, cờ đỏ búa liềm xuất hiện nhiều nơi như trên đỉnh núi Chung, núi Tán...; truyền đơn được chuyền tay nhau đọc thuộc lòng, những bài vè, bài thơ kêu gọi quần chúng được phổ biến rộng rãi.

Trước tình hình đấu tranh mạnh mẽ mới lạ, thực dân Pháp và bọn tay sai lúng túng buộc phải đối phó với thủ đoạn mềm dẻo hơn như không dùng súng ống bắn giết vào các đoàn biểu tình, bỏ thuế vãng lai, bỏ lễ tuần canh, cấm đánh đập thợ, tăng lương thợ…

Phát huy những thắng lợi đã đạt được nhằm đưa phong trào tiến lên một bước mới, vào ngày 30/8/1930 nhân dân các làng thuộc Chi bộ Sơn Hà dưới sự lãnh đạo của đồng chí Nguyễn Danh Đoan, tay cầm gậy gộc, dây thừng, dương cao cờ đỏ, búa liềm hòa vào dòng người của tổng Lâm Thịnh kéo về huyện đường cùng với nhân dân toàn huyện đòi quyền lợi. Tri huyện Lê Khắc Tưởng buộc phải đóng dấu vào lá cờ búa liềm có viết các khẩu hiệu đấu tranh và ký tên vào bản yêu sách của quần chúng, trong đó có câu: “Từ nay về sau không được nhũng nhiễu nhân dân nữa”.

Tiếp đến, ngày 28/9/1930, hai ngàn nông dân Nam Đàn tập trung tại Rú Tán kéo lên huyện lỵ biểu tình đấu tranh phản đối vụ thảm sát ở Hưng Nguyên và Nam Đàn. Đồng chí Nguyễn Danh Đoan đã lãnh đạo nhân dân các làng mình, tập trung tại Núi Chung rồi kéo sang Rú Tán để lắng nghe đồng chí Đặng Chánh Kỷ cầm cờ đứng lên diễn thuyết; sau đó cùng với các làng trong xã theo đoàn người kéo về huyện biểu tình.

Với vai trò là Bí thư Chi bộ, đồng chí Nguyễn Danh Đoan luôn tích cực phát huy vai trò nòng cốt, luôn có mặt và dẫn đầu trong các cuộc biểu tình. Tháng 10/ 1930, Ban Chấp hành Huyện ủy Nam Đàn được bầu chính thức. Toàn huyện có 4 tổng thì mỗi tổng đều có một Ban Chấp hành liên chi gọi là Tổng ủy. Đồng chí Nguyễn Danh Đoan được bầu làm Bí thư Ban Chấp hành liên chi tổng Lâm Thịnh, phụ trách 27 đơn vị hành chính.

Đầu năm 1931, hoảng sợ trước phong trào nổi dậy của quần chúng nhân dân, chính quyền thực dân phong kiến ra sức khủng bố, tăng cường lính khố xanh, nhân viên mật thám, những tên quan lại khét tiếng gian ác về đàn áp hòng dìm phong trào Xô viết trong biển máu. Chúng cho đóng đồn ngay trong xã và lập ra một bộ phận bang tá, phó đoàn, phu đoàn, ngày đêm canh gác, tạo ra mạng lưới bao vây truy lùng ráo riết, khiến nhiều đảng viên cộng sản và quần chúng yêu nước bị bắn giết hoặc tù đày, một số đồng chí khác lui vào hoạt động bí mật.

Riêng xã Kim Liên có 75 chiến sĩ bị bắt giam ở các nhà lao, 10 đồng chí là liệt sĩ, nhiều gia đình có cha con, anh em ruột đều tham gia hoạt động cách mạng bị địch bắt, tra tấn, tù đày, nhiều ngôi nhà bị đốt trụi (trong đó ông Nguyễn Danh Ước - em trai đồng chí Nguyễn Danh Đoan cũng bị bắn chết). Đồng chí Nguyễn Danh Đoan đã bị địch bắt giam tại bốt Xuân La vào tháng 6/1931.

Trong lao tù đế quốc, mặc dù bị bị bọn địch tra tấn rất dã man với nhiều cực hình nhưng đồng chí vẫn luôn nêu cao khí phách của người chiến sĩ cộng sản, biến nhà tù thành trường học để nâng cao lý luận, nhận thức về Đảng. Đồng chí vẫn tìm hiểu những chuyển biến về thời cuộc, giữ trọn một niềm tin bất diệt vào cách mạng do Đảng lãnh đạo.

Năm 1932, đồng chí ra tù trở về tiếp tục hoạt động trong phong trào cách mạng tại địa phương như tham gia vào các phường hội ái hữu, tổ chức đọc sách báo, vận động nhân dân đấu tranh chống tệ nạn tham nhũng ức hiếp nhân dân của bọn hào lý...

Năm 1943, đồng chí Nguyễn Danh Đoan được cử ra làm lý trưởng làng để có điều kiện hoạt động và bảo vệ cơ sở Đảng.

Cách mạng tháng Tám bùng nổ, đồng chí Nguyễn Danh Đoan trở thành cán bộ Việt Minh tham gia tích cực trong phong trào cướp chính quyền tại huyện nhà.

Sau Cách mạng tháng Tám thành công, đồng chí Nguyễn Danh Đoan tiếp tục hoạt động trong các phong trào tại địa phương như: Nông hội đỏ, Ban Chấp hành xã, Hợp tác xã…

Năm 1986 do tuổi cao, sức yếu, đồng chí từ trần ở tuổi 89. Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, đồng chí được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Ba; Huân chương Độc lập hạng Ba và nhiều phần thưởng cao quý khác./.

Đoàn Cẩm Tú - Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh