Ngành Thông tin và Truyền thông Nghệ An: Dấu ấn 20 năm đổi mới, phát triển
Nhân dịp kỷ niệm 20 năm ngày thành lập (05/11/2004-05/11/2024), vừa qua Sở Thông tin và Truyền thông Nghệ An đã tổ chức Tọa đàm đánh giá lại quá trình 20 năm thành lập và phát triển. Qua đó , cho thấy, với những thành tựu nổi bật, toàn diện trên các lĩnh vực được giao quản lý, ngành Thông tin và Truyền thông Nghệ An đã góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của tỉnh.
ĐẨY MẠNH ỨNG DỤNG CÔNG NGHỆ THÔNG TIN, XÂY DỰNG CHÍNH QUYỀN ĐIỆN TỬ
Nhìn lại từ ngày đầu thành lập, với 5 cán bộ, công chức (Giám đốc và 4 cán bộ), Chi bộ có 3 đảng viên, trải qua 20 năm hoạt động, đến nay Sở TT&TT Nghệ An đã có sự phát triển toàn diện và mạnh mẽ với bộ máy hoàn thiện, 37 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động cơ bản đáp ứng được yêu cầu thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, của ngành trong tình hình mới. Công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực TT&TT từ tỉnh đến cơ sở được tăng cường, phát huy hiệu quả trên các lĩnh vực...
Xác định việc phát triển và ứng dụng CNTT là khâu “then chốt” trong cải cách hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, Sở TT&TT Nghệ An luôn quan tâm phát triển cơ sở hạ tầng bưu chính, viễn thông, CNTT đồng bộ, rộng khắp, cơ bản đáp ứng nhu cầu triển khai ứng dụng CNTT, xây dựng chính quyền điện tử, phát triển chính quyền số của tỉnh.
Chặng đường phát triển với những bước đi thăng trầm, đến nay hạ tầng, dịch vụ thông tin và truyền thông đã có sự phát triển vượt bậc. Mạng lưới, dịch vụ bưu chính phát triển mạnh, duy trì 100% xã có điểm phục vụ bưu chính có người phục vụ đáp ứng yêu cầu phục vụ các dịch vụ bưu chính tối thiểu của nhân dân; tham gia cung ứng dịch vụ hành chính công, thương mại điện tử. Hạ tầng viễn thông được quy hoạch, phát triển bài bản, đến nay đã có trên 8.100 trạm BTS đặt ở 3.616 vị trí, phủ sóng đến 100% các xã, 98% số thôn/bản; hạ tầng cáp đồng đã được quang hóa 100%, phủ cáp đến 100% các xã.
Các nền tảng số phục vụ xây dựng Chính quyền số cơ bản được hoàn thiện, vận hành ổn định, an toàn góp phần dẫn dắt phát triển kinh tế số, xã hội số.
Dữ liệu số được tỉnh quan tâm triển khai, thực hiện từng bước vững chắc. Đưa vào vận hành Hệ thống thu thập, thẩm định và chia sẻ dữ liệu tỉnh Nghệ An để kết nối cơ sở dữ liệu các cơ quan Nhà nước, kết nối liên thông qua các trục kỹ thuật LGSP/NGSP/NDXP.
Nhân lực số tiếp tục được quan tâm đầu tư, phát triển. Mỗi năm, Sở TT&TT tổ chức trên 40 lớp đào tạo, tập huấn, bồi dưỡng chuyển đổi số cho cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh.
HOẠT ĐỘNG QUẢN LÝ BÁO CHÍ NGÀY CÀNG ĐI VÀO CHIỀU SÂU
Trên địa bàn tỉnh Nghệ An hiện có 3 cơ quan báo chí địa phương, 38 văn phòng đại diện và 41 phóng viên thường trú, 02 cơ quan báo chí của cơ quan trung ương có trụ sở trên địa bàn (gồm Báo Quân khu IV và Tạp chí Khoa học Trường Đại học Vinh) với hơn 300 phóng viên, nhà báo hoạt động. Mặc dù là địa phương có số lượng lớn các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú, nhưng nhiều năm qua, Nghệ An được đánh giá là một địa phương thực hiện tốt công tác quản lý báo chí, bắt kịp được xu hướng phát triển của báo chí hiện đại, đồng hành với cơ quan báo chí, tạo điều kiện tốt để phóng viên, Nhà báo hoạt động.
Công tác quản lý hoạt động báo chí được thực hiện bài bản, chuyên nghiệp, có chiều sâu, kịp thời: ngành TT&TT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật theo sát tình hình thực tiễn của báo chí, đồng thời tạo hành lang pháp lý cho các cơ quan báo chí hoạt động đúng luật như các văn bản hướng dẫn việc tiếp xúc và làm việc với báo chí, chấn chỉnh tình trạng lợi dụng danh nghĩa báo chí để sách nhiễu, hoạt động trái pháp luật. Rà soát, đánh giá hoạt động báo chí, những khó khăn, bất cập trong thi hành Luật Báo chí để báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông.
Tại các diễn đàn do Bộ TT&TT, Ban Tuyên giáo Trung ương và Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, Sở TT&TT Nghệ An đã có nhiều ý kiến đóng góp, phản biện, đề xuất sửa đổi đối với các văn bản quy phạm pháp luật về Báo chí. Đặc biệt nêu rõ những khó khăn, bất cập, vướng mắc trong công tác quản lý báo chí tại địa phương, đây không chỉ là khó khăn của riêng tỉnh Nghệ An mà là khó khăn chung của nhiều địa phương xuất phát từ việc chậm sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật và những yếu tố khách quan như tính chất hoạt động của các văn phòng đại diện, phóng viên thường trú… được các cơ quan quản lý cấp trên ghi nhận.
Công tác chỉ đạo, điều hành thường xuyên đổi mới, linh hoạt, qua nhiều hình thức đảm bảo nhanh chóng, thuận lợi, tiết kiệm, phù hợp với tính chất hoạt động của phóng viên, nhà báo, như qua hệ thống IOffice, qua các nhóm Zalo, nhóm Facebook… Nhờ đó các chủ trương lớn, các nhiệm vụ tuyên truyền trọng tâm được các cơ quan báo chí, hệ thống truyền thanh triển khai kịp thời, đúng thời điểm. Không để phóng viên, nhà báo phải bị động tìm kiếm thông tin.
Đặc biệt, ngày 06/11/2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 29/2023/QĐ-UBND ban hành Quy định về phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí và xử lý thông tin đăng, phát trên báo chí, thông tin phản ánh trên mạng xã hội của các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh Nghệ An. Theo đó, Nghệ An là địa phương đầu tiên đưa quy định trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước, của cán bộ, công chức, viên chức trong việc xử lý “thông tin phản ánh trên mạng xã hội” về việc thực thi nhiệm vụ, công vụ của chính cơ quan, cá nhân, cán bộ, công chức.
Quy định này vừa nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thực thi nhiệm vụ, công vụ của cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn Nghệ An; giúp các cơ quan chức năng chủ động trong việc xử lý những đối tượng lợi dụng mạng xã hội để đăng phát thông tin sai sự thật, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân. Quy định này thực sự cần thiết và kịp thời nhất là trong giai đoạn mạng xã hội phát triển như vũ bão và ngày càng chi phối nhiều đến đời sống, xã hội.
TĂNG CƯỜNG THÔNG TIN, TRUYỀN THÔNG QUẢNG BÁ HÌNH ẢNH VÙNG ĐẤT, CON NGƯỜI NGHỆ AN
Vượt lên những khó khăn của ngày đầu thành lập, đến nay Sở TT&TT Nghệ An đã đạt được những thành tựu đáng tự hào trên lĩnh vực truyền thông. Ngoài 21 Trung tâm Văn hóa Thể thao và Truyền thông các huyện, thành phố, thị xã và hệ thống Cổng/ Trang thông tin điện tử, lực lượng làm công tác chí, truyền thông trên địa bàn tỉnh hết sức hùng hậu.
Với tinh thần “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, các cơ quan báo chí, hệ thống Đài Truyền thanh cơ sở, các Cổng/Trang Thông tin điện tử đã góp phần đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch, chủ động đăng tải, lan tỏa các thông tin tốt, thông tin tích cực nhằm định hướng dư luận xã hội. Đưa thông tin khách quan, đúng đắn về tình hình đất nước và tỉnh nhà đến với người dân cả nước và người Việt ở nước ngoài, cộng đồng quốc tế. Tích cực tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng; pháp luật của nhà nước về công tác thông tin đối ngoại, tuyên truyền quảng bá hình ảnh quê hương, đất nước; mở rộng mối quan hệ hợp tác, thu hút đầu tư thương mại, du lịch, quản lý biên giới đất liền, biển đảo.
Công tác tuyên truyền, quảng bá về hình ảnh, con người, lịch sử văn hóa, tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư, các ngành dịch vụ đặc trưng của tỉnh gắn với các sự kiện của tỉnh, của đất nước được đẩy mạnh trên các cơ quan báo chí, truyền thông; đồng thời cũng được đẩy mạnh trên các nền tảng mạng xã hội để đến bạn bè trong nước và nước ngoài một cách nhanh chóng. Tham mưu xây dựng kế hoạch và triển khai có hiệu quả công tác truyền thông chính sách, từ đó tạo sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của tỉnh...
Phát huy những thành tựu đạt được qua 20 năm xây dựng và phát triển, Sở TT&TT tỉnh Nghệ An tiếp tục “Đoàn kết - trí tuệ - đổi mới” quyết tâm thực hiện hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Nghệ An lần thứ XIX, nhiệm kỳ 2020 – 2025 và Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.