Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Đồng chí Nguyễn Thị Sinh - nữ chiến sĩ Xô viết ưu tú của quê hương Thanh Chương

Ths. Trần Thị Hồng Nhung - P.Giám đốc Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh 05/11/2024 08:01

Thời trẻ, Nguyễn Thị Sinh giúp việc cho nhà cụ Phan Bội Châu đang an trí ở Huế. Trong thời gian này, chị có điều kiện được học hỏi và tiếp thu những áng thơ văn tràn đầy nhiệt huyết về lòng yêu nước của cụ Phan. Đó là hành trang giúp chị làm vũ khí tuyên truyền, cổ vũ nhân dân đấu tranh trong quá trình hoạt động cách mạng sau này.

Đồng chí Nguyễn Thị Sinh (1910-2010).

Đồng chí Nguyễn Thị Sinh tên khai sinh là Nguyễn Thị Văn (còn có tên khác là Nguyễn Thị Em, Nguyễn Thị Vân), sinh năm 1910, trong một gia đình trung nông, đông anh em tại xã Thanh Tường, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Là con út trong gia đình có 9 anh, chị em, nhưng đồng chí vẫn được cha mẹ là ông Nguyễn Quang Phong và bà Nguyễn Thị Nguyệt cho ăn học chu đáo.

Từ nhỏ Nguyễn Thị Sinh được đi học với các thầy giáo trong làng. Vốn có tư chất thông minh, ham học, có năng khiếu thơ văn nên chị đã thuộc rất nhiều bài thơ yêu nước của các chí sĩ lúc bấy giờ.

Năm 1928, khi vừa tròn 18 tám tuổi, chị được cha mẹ tiếp tục cho vào Huế theo học trường “Nữ công gia chánh”. Sau đó, chị đến giúp việc cho nhà cụ Phan Bội Châu đang an trí ở Huế. Trong thời gian này, chị có điều kiện được học hỏi và tiếp thu những áng thơ văn tràn đầy nhiệt huyết về lòng yêu nước của cụ Phan. Những bài thơ đã thấm sâu vào tâm hồn chị, trở thành hành trang đầu đời giúp chị làm vũ khí tuyên truyền, cổ vũ nhân dân đấu tranh trong quá trình hoạt động cách mạng sau này. Đầu năm 1930, rời Huế, Nguyễn Thị Sinh trở về quê hương và tham gia các hoạt động ở địa phương.

Nhân kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930, Trung ương Đảng đã ra lời kêu gọi đấu tranh. Xứ ủy Trung Kỳ và các Tỉnh đảng bộ Nghệ An, Hà Tĩnh tích cực hưởng ứng chủ trương của Đảng. Ngày 24/4/1930, Tỉnh bộ Nghệ An mở Hội nghị kiểm điểm công tác xây dựng Đảng và bàn kế hoạch phát động quần chúng đấu tranh kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động. Thực hiện chủ trương đó, Huyện ủy lâm thời Thanh Chương đã họp tại nhà đồng chí Trần Trạch (xã Võ Liệt) để tiếp thu chủ trương của Hội nghị Tỉnh ủy và bàn kế hoạch vận động quần chúng. Hội nghị đã quyết định tổ chức treo cờ búa liềm và rải truyền đơn trong toàn huyện, nơi có điều kiện thì tổ chức mít tinh, diễn thuyết, đưa yêu sách.

Các Huyện ủy viên và cán bộ được phân công về cơ sở tổ chức thực hiện nghị quyết này. Các cơ quan ấn loát ở tổng Xuân Lâm và tổng Võ Liệt khẩn trương in hàng ngàn truyền đơn để kịp phân phát cho các vùng trong huyện. Vốn thông minh, nhanh nhẹn và tháo vát, chị Nguyễn Thị Sinh đã được giao nhiệm vụ tham gia in ấn tài liệu và rải truyền đơn…

Từ 2 giờ sáng 1/5/1930, sau hồi trống phát lệnh tại đình làng Hạ bỗng rộn lên tiếng trống ngũ liên và tiếng rao làng vang lên dọc vùng sông Giăng: “Những ai con Lạc, cháu Hồng, sáng mai nghe trống ngoài đình ra đi biểu tình cho sớm”.

Sáng 1/5/1930, đồng chí Nguyễn Thị Sinh cùng gần 3.000 nông dân các làng Hạnh Lâm, La Mạc, Nhuận Trạch, Yên Lạc, Đức Nhuận mang theo giáo mác, cuốc cào kéo về đồ điền Ký Viễn đưa yêu sách nhưng y đã hoảng sợ bỏ trốn. Nhân dân đã triệt phá toàn bộ nhà cửa, chuồng trâu, bò và vườn cây ăn quả của hắn, đồn điền Ký Viễn chìm trong khói lửa.

Phát huy thắng lợi của cuộc đấu tranh ngày 1/5/1930, cán bộ, đảng viên, trong đó có đồng chí Nguyễn Thị Sinh đã ngày đêm hăng hái lao vào công tác xây dựng và phát triển cơ sở Đảng, các hội quần chúng và lực lượng tự vệ. Phong trào đấu tranh được phát động rộng khắp ở các làng, xã với các cuộc đấu tranh sôi nổi.

Chị Nguyễn Thị Sinh đã không quản ngày đêm, tích cực tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng và hăng hái tham gia vào các cuộc đấu tranh trực diện với kẻ thù. Với những hoạt động đó, chị đã bị mật thám theo dõi và sa vào tay giặc và đưa về giam tại Nhà lao Vinh ngày 14/6/1930.

Trong nhà lao, kẻ thù đã dùng mọi thủ đoạn để hành hạ chị cả thân xác và tinh thần. Chết đi sống lại nhiều lần, chị vẫn kiên tâm vững dạ một lòng trung thành với Đảng. Bất lực không khai thác được gì từ Nguyễn Thị Sinh, thực dân Pháp đã kết án chị 3 năm tù giam và 3 năm quản thúc. Những ngày trong lao tù chị được bọn lính giao nhiệm vụ gánh cơm từ nhà chủ thầu vào nhà lao cho anh em hoặc đi làm vệ sinh.

Tháng 6/1930, Chi bộ Đảng Nhà lao Vinh đã được thành lập do đồng chí Hoàng Trọng Trì làm Bí thư. Chi bộ đã kết nối với cơ sở Đảng bên ngoài và lãnh đạo anh em trong tù đấu tranh, cảm hóa nhiều lính gác, tạo niềm tin cho tù chính trị trong những thời khắc sinh tử với kẻ thù. Đồng chí Nguyễn Thị Sinh đã được các đồng chí đảng viên giác ngộ và giao nhiệm vụ làm giao thông liên lạc bí mật nối liền mạch máu giao liên của Đảng từ trong lao ra ngoài và ngược lại. Cùng với Chi bộ Đảng nhà lao, chị đã tham gia tổ chức nhiều cuộc đấu tranh như tuyệt thực, làm reo, phản đối chế độ lao tù hà khắc; lên án tội ác của thực dân Pháp...

Những hoạt động tích cực của chị Sinh góp phần không nhỏ vào thắng lợi trong các cuộc đấu tranh, đồng thời, củng cố niềm tin, tạo động lực cho anh em tù chính trị vượt qua những âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù. Tháng 8/1930, chị vinh dự được kết nạp vào Đảng tại Chi bộ Xích (Đề lao Vinh). Để thuận lợi cho việc sinh hoạt, đấu tranh trong tù, Chi bộ Nhà lao Vinh đã thành lập thêm một chi bộ nữ do đồng chí Nguyễn Thị Phúc làm Bí thư.

Thực hiện Chỉ thị của Trung ương Đảng, từ tháng 10 năm 1930, công tác binh vận được phối hợp chặt chẽ giữa các đồng chí bên trong và bên ngoài nhà lao. Các đồng chí Nguyễn Thị Sinh, Phan Phúc Tường và một số đồng chí khác có điều kiện tiếp xúc với binh lính đã được giao nhiệm vụ làm công tác binh vận, nối liền con đường tiếp tế và tin tức từ ngoài vào nhà lao. Chị Sinh đã tranh thủ những lúc rảnh rỗi thăm anh, chị em trong lao và thông báo những tin tức quan trọng.

Trong hồi ký của đồng chí Nguyễn Thị Nhuận đã kể lại rằng: “Công việc chuyển thuốc men, quần áo vào Nhà lao Vinh cho tù chính trị được Đảng giao cho đồng chí Văn (tức Sinh)… Chị Văn là cán bộ tuyên truyền có tài, đã tuyên truyền giác ngộ binh lính, tạo được một đường dây liên lạc an toàn, kín đáo. Thông qua các anh lính gác giúp đỡ, số quà được gói cẩn thận, theo đường dây chuyển vào nhà lao trót lọt”.

Cuối năm 1931, đồng chí Nguyễn Thị Sinh được tha và bị quản thúc tại quê nhà. Cuối năm 1933, chị rời Thanh Chương xuống thành phố Vinh buôn bán, bị địch theo dõi vì nghi thoát ly để tiếp tục hoạt động. Từ giữa năm 1935 đến năm 1937, chị bị mật thám Vinh truy lùng vì nghi vào Ninh Hòa hoạt động sau đó vận chuyển tài liệu cộng sản giữa 3 vùng ở Nghệ An.

Từ năm 1940 đến năm 1947, đồng chí hoạt động bí mật và tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở địa phương. Năm 1948 đến năm 1951, chị là cán bộ kinh tài của Hội Phụ nữ tỉnh Nghệ An. Từ năm 1952 đến năm 1968, đồng chí tích cực tham gia nhiều hoạt động như giữ trẻ tại trại trẻ Dục Anh Viện, tham gia Ban Chấp hành phụ nữ xã Kim Liên...

Đến năm 1987, đồng chí nghỉ dưỡng tại Nhà an dưỡng Tỉnh ủy Nghệ Tĩnh, làm Bí thư chi bộ các đồng chí lão thành cách mạng 2 nhiệm kỳ (1995-1997). Năm 2010, do tuổi cao sức yếu, đồng chí đã từ trần tại Nhà an dưỡng.

Với những đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và Nhân dân, đồng chí Nguyễn Thị Sinh đã được Đảng và Nhà nước trao tặng: Huân chương Độc lập hạng Ba; Huân chương Kháng chiến hạng Ba; Huy hiệu 60, 70, 80 năm tuổi Đảng; Kỷ niệm chương Chiến sĩ bị địch bắt, tù đày. Đó là những phần thưởng cao quý cho nữ chiến sĩ ưu tú của quê hương Thanh Chương giàu truyền thống yêu nước và cách mạng.

-----

Tài liệu tham khảo:

- Ban Chấp hành Đảng bộ huyện Thanh Chương: Lịch sử Đảng bộ huyện Thanh Chương (1930-1975), Nxb Chính trị Quốc gia, 2005, tr.57,58.

- Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Nghệ An: Nghệ An những tấm gương Cộng sản, Tập 5, Nxb Nghệ An, 2015, tr.164-174.

Ths. Trần Thị Hồng Nhung - P.Giám đốc Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh