Quốc tế

Bầu cử Tổng thống Mỹ 2024: Bà Harris mang 'màu sắc tươi sáng' hơn ông Trump?

Mỹ Nga 05/11/2024 09:09

Cuộc bầu cử đầy biến động năm 2024 ở Mỹ đang dần kết thúc với sự tương phản mạnh mẽ, phản ánh số phận nước Mỹ trong tương lai.

usa vote
Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris và Cựu Tổng thống Donald Trump. Ảnh: ABC News

Những điều chưa có tiền lệ

CNN bình luận, nếu cựu Tổng thống Donald Trump giành chiến thắng vào ngày 5/11, ông sẽ là người đắc cử tổng thống ở 2 nhiệm kỳ không liên tiếp, sau khi thất cử ở lần tranh cử thứ 2 vào năm 2020. Ông Trump sẽ có sự trở lại sự nghiệp chính trị đáng kinh ngạc nhất từ trước đến nay, cố gắng duy trì quyền lực sau cuộc bầu cử năm 2020, dù bị kết án phạm tội và thoát khỏi 2 lần bị ám sát hụt trong năm nay.

Trong khi đó, nếu thắng cử, Phó Tổng thống Kamala Harris có thể phá vỡ chuỗi gần 250 năm của các nam tổng tư lệnh và trở thành nữ tổng thống đầu tiên của nước Mỹ. Đây sẽ là một kỳ tích đáng kinh ngạc sau khi bà thống nhất và giữ vững tinh thần trong đảng của mình, nhất là sau khi Tổng thống đương nhiệm Joe Biden rút khỏi đường đua vào tháng 7.

Vào ngày cuối cùng của chiến dịch, mức độ quan trọng của cuộc bầu cử càng tăng cao, khi không ai có thể nói trước được ai sẽ là người chiến thắng cuối cùng.

Các cuộc thăm dò trên toàn quốc và tại các tiểu bang dao động quan trọng chưa cho thấy người dẫn đầu rõ rệt. Điều này phản ánh một nước Mỹ bị phân cực sâu sắc như khi cuộc đua bắt đầu. Nhưng theo CNN, vẫn có khả năng một ứng cử viên tạo ra lợi thế muộn tại các bang chiến trường bao gồm Pennsylvania, Michigan, Wisconsin, Georgia, Bắc Carolina, Nevada và Arizona, và có thể giành chiến thắng rộng rãi hơn dự kiến.

Đảng Dân chủ được khích lệ bởi tỷ lệ cử tri nữ đi bỏ phiếu sớm cao, khi quyền phá thai có khả năng là vấn đề then chốt. Phó Tổng thống Harris cũng đã nỗ lực hàn gắn những rạn nứt trong liên minh Dân chủ truyền thống, cố gắng thu hút sự chú ý của nam giới da màu và cử tri gốc La-tinh nói riêng.

Cựu Tổng thống Trump đang trông cậy vào những cử tri bất bình trước tình hình giá thực phẩm và nhà ở tăng cao, nền kinh tế lạm phát. Ông đã biến những người di cư không có giấy tờ thành mối nguy hiểm để làm nổi bật cuộc khủng hoảng biên giới phía Nam.

Chính quyền Tổng thống Biden đã vật lộn trong nhiều tháng để nhận ra mức độ nghiêm trọng của từng vấn đề và đưa ra các biện pháp khắc phục. Còn nhóm vận động tranh cử của cựu Tổng thống Trump tin rằng, ông sẽ làm suy yếu các khu vực bầu cử Dân chủ thiểu số truyền thống và một lần nữa đưa những người thường không bỏ phiếu sẽ ra bỏ phiếu cho đảng Cộng hòa.

Nhưng cũng có những dấu hiệu đáng ngại từ phía ông Trump. Cần nhắc lại, sau cuộc bầu cử năm 2020, đã xảy ra cuộc bạo loạn ở Đồi Capitol nhằm cố gắng ngăn cản việc xác nhận chiến thắng của ông Joe Biden.

Bà Harris đã tuyên bố rằng, bà đã sẵn sàng phản ứng nếu cựu tổng thống đưa ra tuyên bố chiến thắng sớm. Và những động thái của ông Trump cho thấy rằng, nếu không có chiến thắng rõ ràng của cả hai bên, sự bất ổn về cuộc bầu cử có thể kéo dài nhiều ngày.

Kết thúc chủ nghĩa Trump — hay khởi đầu một kỷ nguyên cực đoan mới?

CNN cho rằng, đây không phải là cuộc bầu cử bình thường, phần lớn là do sự hiện diện và sức ảnh hưởng của ông Trump với chính trường và công chúng Mỹ, dù ông đã rời Nhà Trắng. Nếu ông thực hiện lời hứa của mình, ứng cử viên của đảng Cộng hòa - người đã bị luận tội 2 lần, sẽ khiến các thể chế quản lý, tư pháp và hiến pháp của Mỹ phải chịu thử thách lớn nhất.

Theo CNN, ông Trump đã phác thảo nên hình ảnh của một nhà lãnh đạo độc đoán nhất của bất kỳ ứng viên tổng thống nào trong lịch sử hiện đại. Ông đang đề xuất lệnh trục xuất hàng loạt người di cư lớn nhất từ ​​trước đến nay - một hoạt động mà theo định nghĩa sẽ liên quan đến lực lượng thực thi pháp luật và thậm chí có thể là quân đội trong một cuộc đàn áp trong nước sẽ thách thức các quyền tự do dân sự. Ông đã công khai cân nhắc sử dụng lực lượng vũ trang Mỹ chống lại các đối thủ chính trị của mình, những người mà ông gọi là "kẻ thù từ bên trong".

Cựu tổng thống cũng đề xuất một cuộc chuyển đổi nền kinh tế, sau khi thấy sinh kế của người dân bị khoét rỗng bởi nhiều thập kỷ toàn cầu hóa. Nhưng chính sách của ông Trump đối với thuế quan có nguy cơ gây ra phản ứng dữ dội khiến nền kinh tế đảo ngược. Ông Trump cũng lên kế hoạch bãi nhiệm các quan chức Washington và phá bỏ các cơ quan như Bộ Tư pháp đã hạn chế ông trong nhiệm kỳ đầu tiên và ông muốn biến chúng thành vũ khí để xóa bỏ các vụ truy tố hình sự.

Năm 2016, ông Trump - một doanh nhân, bước vào chính trường Mỹ, và được xem như "người ngoại đạo". Hơn 9 năm sau, bước vào cuộc đua 2024, ông Trump có thể mạnh mẽ về mặt chính trị hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, Phó Tổng thống Harris bước vào ngày bầu cử với cơ hội chấm dứt "kỷ nguyên Trump" và mang đến thất bại bầu cử thứ hai liên tiếp cho đảng Cộng hòa.

Bà Harris đang cung cấp cho cử tri cơ hội tránh khỏi sự hỗn loạn và nguy hiểm đối với luật pháp mà chính chiến dịch của ông Trump đã cho thấy. Phó tổng thống cũng đề xuất các cải cách để cải thiện cuộc sống của người lao động Mỹ - nhưng cải cách của bà không mang tính cách mạng bằng cải cách của ông Trump. Bà Harris hứa sẽ thực hiện các bước để làm cho giá nhà ở trở nên phải chăng hơn, để trấn áp những gì bà gọi là tình trạng tăng giá của các siêu thị khổng lồ và để đảm bảo chăm sóc sức khỏe tốt hơn với mức giá hợp lý hơn.

Bà Harris đã chấp nhận rủi ro, khi đưa ra sự tiếp nối người tiền nhiệm vào thời điểm bất mãn sâu sắc với thực tế kinh tế và chính trị trong nước. Bà Harris cũng đấu tranh để tách mình khỏi hình bóng một vị tổng thống 81 tuổi, người không được lòng cử tri, mặc dù ông đang điều hành sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ nhất của thế giới công nghiệp hóa kể từ đại dịch Covid-19.

Mỹ Nga