Đồng chí Hồ Tùng Mậu (1896-1951): Sáng tinh thần yêu nước, vững khí tiết người cộng sản
Đồng chí Hồ Tùng Mậu tên thật là Hồ Bá Cự, sinh ngày 15/6/1896 tại làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình và dòng họ có truyền thống yêu nước và khoa bảng, Hồ Bá Cự sớm mang trong mình những khát khao và hoài bão lớn. Sau một thời gian dạy học ở huyện Thanh Chương (Nghệ An), Hồ Bá Cự quyết định bỏ nghề dạy học để có điều kiện hoạt động cách mạng.
Vào mùa Xuân năm 1920, Hồ Bá Cự đổi tên là Hồ Tùng Mậu, cùng Lê Hồng Sơn, Nguyễn Thị Tích, Đặng Quỳnh Anh được sự dẫn đường của Đặng Xuân Thanh, cùng một số thanh niên yêu nước bí mật sang Xiêm. Sau 3 tháng ở Trại Cày, Bản Đông (tỉnh Phì Chịt), Hồ Tùng Mậu được cụ Đặng Thúc Hứa gửi sang Trung Quốc hoạt động cách mạng. Tháng 3/1924, Hồ Tùng Mậu được cụ Phan Bội Châu giao nhiệm vụ mang tài liệu về nước tuyên truyền và vận động thanh niên xuất dương. Năm 1923, Hồ Tùng Mậu cùng Lê Hồng Sơn... thành lập tổ chức “Tâm Tâm xã”.
Tháng 11/1924, Nguyễn Ái Quốc từ Liên Xô về Quảng Châu (Trung Quốc), Người đã gặp mặt những thanh niên Việt Nam yêu nước trong “Tâm Tâm xã”. Trên cơ sở đó, năm 1925, Nguyễn Ái Quốc kết nạp một số thanh niên này vào “Cộng sản đoàn”. Tháng 6/1925, Người thành lập tổ chức “Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội” và mở lớp huấn luyện chính trị cho thanh niên ở trong nước sang. “Ban huấn luyện chính trị đặc biệt” đặt ở ngôi nhà số 13 đường Văn Minh (Quảng Châu). Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn là giảng viên phụ giảng của Nguyễn Ái Quốc.
Tháng 3/1926, do yêu cầu của cách mạng, Nguyễn Ái Quốc đã giới thiệu Hồ Tùng Mậu gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Từ năm 1927-1929, đồng chí Hồ Tùng Mậu đã 3 lần bị bắt giam và chịu đủ mọi cực hình tra tấn của nhà tù đế quốc.
Đầu năm 1930, đồng chí Hồ Tùng Mậu cùng đồng chí Lê Hồng Sơn chuẩn bị tích cực cho Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc triệu tập tại Cửu Long, Hương Cảng (Trung Quốc) ngày 3/2/1930.
Tháng 6/1930, đồng chí Hồ Tùng Mậu bị cảnh sát Anh bắt tại Trung Quốc, chúng giao đồng chí cho thực dân Pháp ở Đông Dương. Ngày 6/2/1931, Tòa án Nam Triều tỉnh Nghệ An kết án Hồ Tùng Mậu khổ sai chung thân đày đi Kon Tum. Trải qua các nhà lao Vinh, Kon Tum, Ban Mê Thuột, Trà Khê (Phú Yên)..., đồng chí vẫn luôn giữ vững khí tiết người cộng sản, biến nhà tù thành trường học cách mạng. Đồng chí viết kịch, sáng tác văn, thơ trong tù với các tác phẩm thơ, văn yêu nước và cách mạng.
Sau ngày Nhật đảo chính Pháp, Hồ Tùng Mậu cùng anh em tù chính trị phá Nhà lao Trà Khê trở về quê hoạt động cách mạng.
Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công, đồng chí Hồ Tùng Mậu được Chủ tịch Hồ Chí Minh ủy thác làm nhiệm vụ tổ chức hệ thống liên lạc giữa Ủy ban nhân dân cách mạng các địa phương từ Bắc vào Nam. Năm 1946, đồng chí được cử làm Giám đốc kiêm Chính ủy Trường Quân chính Trung Bộ. Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, đồng chí được Đảng và Chính phủ giao nhiệm vụ làm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính Trung Bộ và Ủy viên Liên khu ủy Liên khu IV. Năm 1947, đồng chí được giữ chức Tổng Thanh tra Chính phủ.
Năm 1951, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng, đồng chí Hồ Tùng Mậu được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đồng chí là Hội trưởng Hội Việt - Hoa hữu nghị đầu tiên.
Ngày 21/7/1951, đồng chí Hồ Tùng Mậu đã hy sinh tại Thanh Hóa khi trên đường vào Liên khu IV công tác. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết bài điếu đồng chí Hồ Tùng Mậu.
Đồng chí Hồ Tùng Mậu đã được truy tặng Huân chương Hồ Chí Minh. Tên đồng chí được đặt tên đường ở Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Huế, TP. Vinh...