Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Đồng chí Lê Viết Thuật (1902-1932): Lăn lộn với phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh

BTXVNT 05/11/2024 16:38

Đồng chí Lê Viết Thuật trở thành đảng viên và là Bí thư Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Nhà máy Trường Thi năm 1929. Sau Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương (3/2/1930), Tỉnh bộ Vinh được hình thành do đồng chí Lê Mao làm Bí thư, đồng chí Lê Viết Thuật là Ủy viên Tỉnh ủy lâm thời Vinh.

Vào tối mùa Thu năm 1930, trên bờ sông Lam vùng Bến Thủy, anh em phu khuân vác phát hiện có bộ quần áo của Lê Viết Thuật mà không thấy người. Họ tri hô "Thuật bị chết đuối" và thuê người mò nhưng không tìm thấy xác. Gia đình anh làm lễ tang cho người con trai "bị chết một cách oan uổng".

Nhưng lúc bấy giờ cả vùng Bến Thủy chỉ có Lê Mao và Nguyễn Lợi là biết anh Thuật không chết mà tạo hiện trường giả để dễ hoạt động cách mạng.

Chân dung đồng chí Lê Viết Thuật (1902-1932)
Chân dung đồng chí Lê Viết Thuật (1902-1932).

Lê Viết Thuật sinh năm 1902 trong gia đình nghèo ở phố Đệ Thập (nay là phường Bến Thủy), thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An. Năm 14 tuổi, anh theo người lớn vào làm thợ trong Nhà máy Diêm. Cùng làng và làm việc với anh có Lê Mao, Nguyễn Phúc, Nguyễn Lợi, Nguyễn Thị Duệ... Hàng ngày chứng kiến cảnh lao động khổ cực và chịu bao đòn vọt của chủ Nhà máy Diêm, anh vô cùng căm tức và anh bắt đầu được giác ngộ được ý thức giai cấp và dân tộc.

Sau khi Hội Phục Việt ra đời, anh được kết nạp vào Hội và là hội viên của tổ chức Công hội. Anh hăng hái đi đầu trong các cuộc đấu tranh đòi quyền lợi thiết thực hàng ngày của anh em công nhân Nhà máy Diêm. Ngoài ra, anh còn cùng Lê Mao, Nguyễn Phúc vận động nhân dân phố Đệ Thập đấu tranh chống bọn hào lý phụ thu lạm bổ; đưa người tiến bộ làm phố trưởng. Sau đó, lần lượt anh được Công hội bố trí sang làm việc tại Nhà máy Cưa, Nhà máy Xe lửa Trường Thi để xây dựng cơ sở cách mạng.

Phân xưởng mộc đóng toa xe của Nhà máy xe lửa Trường Thi. Ảnh Tư liệu
Công nhân tại xưởng mộc đóng toa xe của Nhà máy xe lửa Trường Thi, Vinh. Ảnh: Tư liệu

Ngày 17/6/1929, Đông Dương Cộng sản Đảng được thành lập ở Bắc Kỳ và phát triển tổ chức vào Trung Kỳ. Các đồng chí Trần Văn Cung, Nguyễn Phong Sắc đã vào Nghệ An cùng Võ Mai thành lập Kỳ bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Trung Kỳ, đặt trụ sở tại Làng Vang (nay thuộc phường Đông Vĩnh), thành phố Vinh. Đồng chí Nguyễn Phong Sắc đặc biệt chú ý phong trào công nhân Vinh - Bến Thủy và gặp gỡ, đưa Lê Viết Thuật, Lê Mao, Lê Doãn Sửu làm nòng cốt để tổ chức cơ sở Đông Dương Cộng sản Đảng trong giai cấp công nhân.

Từ một đảng viên Tân Việt, Lê Viết Thuật đã trở thành đảng viên và là Bí thư Chi bộ Đông Dương Cộng sản Đảng Nhà máy xe lửa Trường Thi vào năm 1929. Sau Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Đông Dương (3/2/1930), Tỉnh bộ Vinh được hình thành do Lê Mao làm Bí thư, Lê Viết Thuật là Ủy viên Tỉnh ủy lâm thời Vinh.

“Lần đầu tiên trong lịch sử xứ ta, công - nông - binh bắt tay nhau giữa trận tiền”.

Lê Viết Thuật cùng Lê Mao, Lê Doãn Sửu chỉ đạo cuộc biểu tình kỷ niệm Ngày Quốc tế Lao động 1/5/1930. Các đồng chí Nguyễn Lợi, Hoàng Trọng Trì được phân công trực tiếp chỉ huy đội ngũ công nhân và nông dân tham gia biểu tình. Dưới sự lãnh đạo của Đảng “Lần đầu tiên trong lịch sử xứ ta, công - nông - binh bắt tay nhau giữa trận tiền”. Sau sự việc giả chết đuối để dễ bề hoạt động cách mạng, Lê Viết Thuật được Xứ ủy phân công vào xây dựng phong trào ở Hà Tĩnh. Tháng 12/1930, đồng chí được bầu là Ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ. Trong thời gian các đồng chí Nguyễn Phong Sắc, Lê Mao đi dự Hội nghị toàn quốc của Đảng ở Hồng Kông, Lê Viết Thuật trở về cơ quan Xứ ủy cùng đồng chí Lê Doãn Sửu (Bí thư Khu ủy Bến Thủy), Nguyễn Phúc... chỉ đạo phong trào 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, nhằm duy trì thành quả Xô viết và đối phó với những âm mưu thủ đoạn mới của địch.

Từ tháng 4/1931, cán bộ lãnh đạo của Xứ ủy lần lượt bị hy sinh và bị sa lưới địch. Trước sự khủng bố tàn khốc và âm mưu thủ đoạn xảo quyệt của địch như rước cờ vàng, phát thẻ quy thuận, lập hội đồng tộc biểu, đoàn thể luân lý... đồng chí Lê Viết Thuật là người đứng đầu Xứ ủy đã tìm mọi cách để hạn chế thiệt hại về tính mạng và tài sản của quần chúng, bảo vệ tổ chức Đảng, tổ chức, đoàn thể cách mạng.

Địch treo giải thưởng cao cho người nào bắt được Lê Viết Thuật và Nguyễn Lợi. Từ khi đồng chí Nguyễn Phong Sắc bị bắt (3/5/1931), Lê Mao bị bắn chết, đường dây liên lạc với Trung ương bị đứt, Lê Viết Thuật lo củng cố lại tổ chức Xứ ủy Trung Kỳ. Cuối tháng 6/1931, Xứ ủy họp mở rộng và bầu bổ sung thêm 3 ủy viên là Phan Thái Ất, Lê Xuân Đào, Nguyễn Xuân Thanh. Như vậy, cùng 4 ủy viên cũ: Lê Viết Thuật, Nguyễn Tiềm, Nguyễn Lợi, Mai Kính, Xứ ủy có 7 đồng chí ủy viên chỉ đạo phong trào 2 tỉnh. Nhưng đến tháng 12/1931, đồng chí Phan Thái Ất, Nguyễn Xuân Thanh, Nguyễn Lợi, Nguyễn Tiềm đều bị bắt. Đầu năm 1932, cơ quan Xứ ủy Trung Kỳ bị lộ, đồng chí Lê Viết Thuật, người Bí thư Xứ ủy cuối cùng bị sa vào tay địch.

Sau một thời gian chịu đựng tra tấn của kẻ thù tại Nhà lao Vinh, đồng chí Lê Viết Thuật hy sinh tháng 3/1932.

BTXVNT