Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Đồng chí Lê Hồng Sơn (1899-1933): Ngã xuống oanh liệt trên quê hương vì sự nghiệp cách mạng vẻ vang

BTXVNT 05/11/2024 17:56

Đồng chí Lê Hồng Sơn tên thật là Lê Văn Phan quê ở làng Xuân Hồ, tổng Xuân Liễu (nay xã Xuân Hòa), huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An.

Lê Hồng Sơn sinh ngày 29/6/1899, trong một gia đình nhà Nho có tinh thần yêu nước chống pháp. Bố là Lê Văn Hành, đỗ tú tài Hán học nhưng ở nhà dạy chữ Nho; mẹ là Đinh Thị Chút, con gia đình nông dân cùng làng.

Chân dung đồng chí Lê Hồng Sơn (1899-1933)
Chân dung đồng chí Lê Hồng Sơn (1899-1933).

Bí danh của đồng chí Lê Hồng Sơn: Chu Bội Trinh, Hà Thiệu Đông, Đỗ, Tản Anh, Lê Thiệu Tổ, Vũ Hồng Anh, Vũ Nguyên Trinh, Đỗ Trí Phương, Đậu, Độ, Lý Hưng Quốc, Tinh An.

Đầu năm 1920, theo kêu gọi của Đặng Thúc Hứa, Lê Hồng Sơn sang Xiêm cùng Hồ Tùng Mậu, Lý Phương Thuận, Đặng Quỳnh Anh, Đặng Xuân Thanh. Anh được Đặng Thúc Hứa gửi sang Hải Nam (Trung Quốc) học tập. Cuối năm 1920, Lê Hồng Sơn đến Quảng Châu. Tháng 3/1921, anh lên Hàng Châu gặp Phan Bội Châu và Hồ Học Lãm.

Năm 1923, Lê Hồng Sơn cùng Hồ Tùng Mậu và một số thanh niên yêu nước ở Quảng Châu thành lập tổ chức “Tâm Tâm xã”. Tháng 6/1924, Trường Quân sự Hoàng Phố của Chính phủ cách mạng Tôn Trung Sơn được thành lập theo mẫu hình của Hồng quân Liên Xô. Lê Hồng Sơn, Lê Hồng Phong và Trương Văn Lĩnh đã trúng tuyển vào học khóa đầu tiên của trường.

Cuối năm 1924, sau khi được tiếp xúc với đồng chí Nguyễn Ái Quốc, Lê Hồng Sơn đã hiểu thế nào là Chủ nghĩa cộng sản. Năm 1925, Lê Hồng Sơn cùng 8 thanh niên ưu tú được Nguyễn Ái Quốc chọn vào tổ chức Thanh niên Cộng sản đoàn; và anh được kết nạp Đảng. Tốt nghiệp Trường Quân sự Hoàng Phố, Lê Hồng Sơn gia nhập Đảng Cộng sản Trung Quốc. Anh trở thành trợ thủ đắc lực của đồng chí Nguyễn Ái Quốc trong việc đào tạo, huấn luyện cán bộ để truyền bá chủ nghĩa Mác - Lê nin vào Việt Nam. Anh là thành viên trong “Hội Liên hiệp các dân tộc bị áp bức ở Á Đông” thuộc Đông Phương bộ của Quốc tế Cộng sản.

Tháng 4/1927, Tưởng Giới Thạch phản bội lại đường lối liên cộng của Tôn Trung Sơn và thẳng tay đàn áp Đảng Cộng sản Trung Quốc. Lê Hồng Sơn và một số cán bộ cách mạng Việt Nam bị tay sai Tưởng bắt giam. Trước áp lực đấu tranh của nhân dân trong nước và nhân dân Trung Quốc, tháng 10/1927, bọn chúng phải trả tự do cho Lê Hồng Sơn và các đồng chí khác. Sau khởi nghĩa Quảng Châu thất bại, Lê Hồng Sơn cùng một số cán bộ trong Tổng bộ Thanh niên lánh sang Hương Cảng.

Được sự ủy nhiệm của Quốc tế Cộng sản, đồng chí Nguyễn Ái Quốc từ Xiêm sang Cửu Long gần Hương Cảng (Trung Quốc) triệu tập Hội nghị hợp nhất các tổ chức cộng sản, thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam vào ngày 3/2/1930. Lê Hồng Sơn là một trong những người tích cực giúp đỡ đồng chí Nguyễn Ái Quốc trong việc tổ chức Hội nghị lịch sử này.

Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930. Tranh vẽ minh họa
Hội nghị thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 3/2/1930. Tranh vẽ minh họa

Tháng 1/1931, đồng chí Lê Hồng Sơn bị Chính phủ Tưởng Giới Thạch bắt giam. Được sự giúp đỡ của cụ Hồ Học Lãm, đồng chí được trả tự do nhưng bị trục xuất khỏi Trung Quốc. Đồng chí qua Miến Điện, rồi sang Xiêm hoạt động. Lúc này phong trào cách mạng trong nước (1931-1932) đang bị thực dân Pháp khủng bố dữ dội, tổ chức Đảng từ Trung ương đến cơ sở đã bị phá vỡ. Lê Hồng Sơn bàn với một số cán bộ Nghệ Tĩnh vừa ở trong nước qua bàn việc liên lạc với đảng bạn thành lập một Ban Viện trợ cách mạng Đông Dương để chuẩn bị cho việc phục hồi phong trào cách mạng trong nước. Thực dân Pháp vô cùng hoảng sợ, chúng tìm mọi cách vây bắt đồng chí, nhưng với 25 lần thay đổi tên tuổi nên chúng không lần mò ra. Ngày 25/9/1932, chúng mới bắt được Lê Hồng Sơn và Trần Ngọc Danh tại khách sạn “Bình Giang lữ Quán" ở Thượng Hải (Trung Quốc).

Thực dân Pháp vội vàng chuyển đồng chí Lê Hồng Sơn về Hà Nội ngày 24/10/1932 và chuyển về Vinh ngày 9/11/1932.

Ngày 24/12/1932, Tòa án Nam Triều tỉnh Nghệ An mở phiên tòa đặc biệt kết án tử hình đồng chí Lê Hồng Sơn với Bản án số 276. Và thực dân Pháp đã thi hành án vào ngày 20/2/1933 (tức ngày 26 tháng Giêng năm Quý Dậu) tại Chợ Tro (làng Xuân Hồ), quê hương của đồng chí.

BTXVNT