Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Đồng chí Nguyễn Sỹ Sách (1907-1929): Ý chí kiên cường trong đấu tranh cách mạng

BTXVNT 05/11/2024 19:48

Nguyễn Sỹ Sách sinh ngày 20/1/1907, trong một gia đình nhà Nho nghèo ở làng Tú Viên, tổng Xuân Lâm (nay là xã Thanh Lương), huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An.

Năm 1924, sau khi đỗ bằng Thành chung tại Trường Trung học thành phố Vinh, Nguyễn Sỹ Sách được bổ dụng làm trợ giảng Trường Tiểu học Pháp - Việt thị xã Hà Tĩnh. Anh bước vào nghề dạy học giữa lúc tiếng bom Phạm Hồng Thái đang làm phấn chấn tinh thần yêu nước những người cách mạng Việt Nam. Anh vô cùng thán phục hành động anh hùng của người thanh niên họ Phạm. Anh tìm đọc sách, báo tiến bộ, thăm dò hoạt động cứu nước của các bậc sĩ phu. Nhiệt tình cách mạng ấy đã thúc đẩy Nguyễn Sỹ Sách sớm đi vào hoạt động cứu nước.

Chân dung đồng chí Nguyễn Sỹ Sách (1907-1929)
Chân dung đồng chí Nguyễn Sỹ Sách (1907-1929).

Tháng 7/1925, Nguyễn Sỹ Sách gia nhập Hội Phục Việt, một tổ chức cách mạng quốc gia do các phần tử trí thức sáng lập. Anh phụ trách việc xây dựng tổ chức và truyền bá tư tưởng yêu nước trong trường học và thị xã Hà Tĩnh.

Biết được những hoạt động yêu nước của Nguyễn Sỹ Sách, công sứ Pháp báo cáo lên Nha học chính Trung Kỳ và đổi anh vào dạy Trường Tiểu học Pháp - Việt Phú Vang, một huyện gần Kinh đô Huế. Lòng anh nhức nhối khi chứng kiến những hành động ngang ngược, bỉ ổi của quan chức và binh lính Pháp đối với người Việt Nam; một thời gian sau anh bỏ nghề dạy học trở về quê hoạt động cách mạng.

Giữa năm 1926, anh bắt được liên lạc với số cán bộ Hội Thanh niên vừa ở Quảng Châu (Trung Quốc) về. Nhận trách nhiệm trước Hội Phục Việt, anh sang Trung Quốc để tìm gặp Nguyễn Ái Quốc, nhưng đến Hải Phòng phải trở lại do bị mật thám Pháp theo dõi gắt gao.

Tháng 8/1927, Nguyễn Sỹ Sách được Hội Hưng Nam cử sang Trung Quốc dự lớp huấn luyện chính trị của Hội Thanh niên. Về nước, anh được cử làm Bí thư Kỳ bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội ở Trung Kỳ. Dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Sỹ Sách, chưa đầy 1 năm tổ chức và uy tín của hội đã lan rộng,

Ngày 18/3/1928, được sự ủy nhiệm của Tổng bộ Thanh niên, Nguyễn Sỹ Sách triệu tập Hội nghị đại biểu để hợp nhất 2 tổ chức Hội Hưng Nam và Hội Thanh niên tại làng Kim Liên (huyện Nam Đàn). Nhưng hội nghị không thành vì do một số đại biểu thành kiến cá nhân và cục bộ.

Tháng 1/1929, thay mặt Kỳ bộ Trung Kỳ, Nguyễn Sỹ Sách đi Hương Cảng (Trung Quốc) dự Hội nghị trù bị Đại hội đại biểu toàn quốc của Hội Thanh niên. Trở về Trung Kỳ, đồng chí lãnh đạo các cấp mở hội nghị bầu đại biểu đi dự Đại hội. Tại Đại hội đại biểu Thanh niên họp ngày 1/5/1929, Nguyễn Sỹ Sách được bầu làm Ủy viên Ban Chấp hành Tổng bộ, đặc trách công tác trong nước.

Ngày 28/7/1929, Nguyễn Sỹ Sách bị sa vào tay giặc. Ngày 30/10/1929, Tòa án Nam Triều tỉnh Nghệ An đã kết án đồng chí khổ sai chung thân đày đi Lao Bảo.

Cảnh tù nhân lao động khổ sai ở Nhà đày Lao Bảo. Ảnh: Tư liệu
Cảnh tù nhân lao động khổ sai ở Nhà đày Lao Bảo. Ảnh: Tư liệu

Nhà tù Lao Bảo nằm sâu trong vùng rừng núi hiểm trở thuộc huyện Hương Hóa (tỉnh Quảng Trị). Để quản lý tù nhân chính trị, bên đêm chúng bắt người tù ngậm thẻ “cấm nói chuyện”, ban ngày đi lao động khổ sai mỗi người phải mang 3 chiếc xiềng sắt ở cổ, ở chân và ở tay. Bọn lính dùng dây xích nối 3 xiềng đó lại để dắt tù đi như súc vật.

Không thể chịu nổi cảnh ngục tù ấy, Nguyễn Sỹ Sách đã lãnh đạo các đồng chí tù cộng sản đấu tranh với hình thức tuyệt thực vào ngày 19/12/1929 đưa các yêu sách: Bỏ gông cùm, xiềng xích; trả về nhà lao tỉnh; cho đọc sách, báo; cho gửi thư về gia đình và nhận quần, áo của gia đình gửi đến; cải thiện chế độ ăn uống; không được bắt làm việc nặng nhọc.

Bọn chúa ngục đàn áp cuộc đấu tranh rất dã man và bắt giam 3 người. Nguyễn Sỹ Sách động viên anh em giữ vững tinh thần đấu tranh và đòi thả những người vừa bị bắt. Tên chúa ngục đã bắn chết anh vào lúc 17 giờ ngày 19/12/1929.

Nguyễn Sỹ Sách đã hy sinh; nhưng tinh thần chiến đấu bất khuất của đồng chí đã cổ vũ mạnh mẽ anh em tù chính trị tiếp tục đấu tranh cho đến ngày thắng lợi.

BTXVNT