Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Đồng chí Phùng Chí Kiên (1900-1941): Chiến sỹ cộng sản lỗi lạc, vị tướng đầu tiên của cách mạng

BTXVNT 05/11/2024 20:02

Phùng Chí Kiên có tên khai sinh là Nguyễn Vỹ, sinh năm 1900, tại làng Mỹ Quan Thượng, tổng Vạn Phần (nay là xã Diễn Yên), huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.

Nhà nghèo nhưng Phùng Chí Kiên được cha mẹ cho đi học sớm. Sau khi đỗ sơ học yếu lược, do đời sống gia đình gặp khó khăn, anh nghỉ học ở nhà giúp đỡ cha mẹ. Năm 1925, anh làm thuê cho một thương nhân Hoa kiều ở Ga Yên Lý. Thời gian này, Tổng bộ Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí Hội ở Quảng Châu (Trung Quốc) đã cử người về Nghệ Tĩnh hoạt động. Nhiều thanh niên ở đây được đưa sang Quảng Châu học tập. Dưới sự dìu dắt của Lê Hữu Lập - một cán bộ Hội Thanh niên, Phùng Chí Kiên tham gia tích cực nhóm đọc sách, báo tiến bộ và quyên góp tiền bạc ủng hộ những người xuất dương.

Chân dung đồng chí Phùng Chí Kiên (1900-1941)
Chân dung đồng chí Phùng Chí Kiên (1900-1941).

Tháng 10/1926, Phùng Chí Kiên sang Quảng Châu dự lớp huấn luyện chính trị do đồng chí Nguyễn Ái Quốc giảng dạy. Tại đây, anh gia nhập tổ chức Việt Nam Thanh niên cách mạng đồng chí hội. Sau khóa huấn luyện chính trị 3 tháng, anh được Nguyễn Ái Quốc giới thiệu vào học Trường Quân sự Hoàng Phố của Chính phủ Tôn Trung Sơn với tên là Mạnh Văn Liễu.

Ngày 12/4/1927, Tưởng Giới Thạch bắt đầu phản bội lại đường lối “thân Nga dung cộng phù trợ công nông” của Tôn Trung Sơn, làm đảo chính cách mạng ở Thượng Hải. Ngày 13/4/1927, Lý Tế Thâm (tay sai Tưởng) làm đảo chính ở Quảng Châu, phá hủy Trường Hoàng Phố. Phùng Chí Kiên cùng các đồng chí như Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn, Trương Vân Lĩnh, Lê Thiết Hùng... tham gia với các đảng viên cộng sản Trung Quốc đánh chiếm Quảng Châu. Tháng 1/1928, Phùng Chí Kiên bị quân Tưởng bắt giam 10 tháng ở Quảng Châu. Ra tù năm 1929, đồng chí được kết nạp vào Đảng Cộng sản Trung Quốc và tham gia Hồng quân hoạt động ở vùng Đông Giang.

Tháng 2/1931, đồng chí Phùng Chí Kiên được đồng chí Nguyễn Ái Quốc đổi tên là Can và cử sang Liên Xô học Trường Đại học Phương Đông cùng Trần Văn Diệm, Trương Phước Đạt, nhưng đi đến biên giới Liên Xô - Mãn Châu thì bị cảnh sát Trung Quốc bắt. Tháng Giêng năm 1932, được trả tự do, Phùng Chí Kiên được Đảng Cộng sản Trung Quốc cử sang Liên Xô tham dự Hội nghị toàn thể Ban Chấp hành quốc tế III.

Đầu năm 1934, đồng chí Phùng Chí Kiên về Hương Cảng (Trung Quốc) tham gia “Ban lãnh đạo hải ngoại của Đảng Cộng sản Đông Dương” do đồng chí Lê Hồng Phong đứng đầu. Phùng Chí Kiên cùng với Lê Hồng Phong, Hà Huy Tập bắt liên lạc với tổ chức Đảng trong nước, chuẩn bị cho việc triệu tập Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất của Đảng.

Sau ngày đồng chí Lê Hồng Phong dẫn đầu đoàn đại biểu của Đảng ta đi dự Đại hội lần thứ VII của Quốc tế cộng sản, Phùng Chí Kiên cùng Hà Huy Tập biên soạn dự thảo các văn kiện của Đại hội. Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ nhất họp ở Ma Cao (Trung Quốc) tháng 3/1935, đồng chí Phùng Chí Kiên được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, phụ trách công tác Đảng ở ngoài nước.

Tháng 8/1936, đồng chí Phùng Chí Kiên được cử về Sài Gòn cùng đồng chí Hà Huy Tập trực tiếp chỉ đạo phong trào cách mạng theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ VII của Quốc tế cộng sản và Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 26/7/1936. 1 năm sau, theo yêu cầu của cách mạng, Lê Hồng Phong về Sài Gòn hoạt động, còn Phùng Chí Kiên trở lại Trung Quốc chỉ đạo công tác Đảng ở ngoài nước.

Ngày 23/10/1936, đồng chí Phùng Chí Kiên bị cảnh sát Anh bắt giam 2 tháng ở Hương Cảng và sau đó bị chúng trục xuất khỏi Hương Cảng. Đồng chí sang thị trấn Sơn Đầu (tỉnh Quảng Đông) và qua Côn Minh (thủ phủ tỉnh Vân Nam). Tại đây, Phùng Chí Kiên cùng các đồng chí khác củng cố lại Ban lãnh đạo Đảng ở ngoài nước xuất bản Báo “Đồng Thanh” và lập Hội Việt Nam ủng hộ nhân dân Trung Hoa đánh Nhật. Đầu năm 1940, đồng chí Nguyễn Ái Quốc đến Côn Minh, Phùng Chí Kiên báo cáo với Người về tình hình và hoạt động của Đảng ta ở ngoài nước. Đồng chí Phùng Chí Kiên thường đưa đồng chí Nguyễn Ái Quốc đến công tác nhiều nơi như Mông Tự, Nghi Lương, Khai Viễn, Chi Thôn... thuộc tỉnh Vân Nam.

Tháng 6/1940, tình hình thế giới thay đổi có lợi cho cách mạng Việt Nam, đồng chí Phùng Chí Kiên khẩn trương chuẩn bị cho lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về nước và cùng với Người chuyển tới thị trấn Tĩnh Tây (tỉnh Quảng Tây) giáp biên giới nước ta. Tại Tĩnh Tây, dưới sự chỉ đạo của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc, đồng chí Phùng Chí Kiên cùng các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp đã tổ chức huấn luyện cho 40 thanh niên Việt Nam để đưa về Cao Bằng xây dựng cơ sở cách mạng.

Ngày 8/2/1941, Phùng Chí Kiên cùng đi với Nguyễn Ái Quốc về Pắc Pó (tỉnh Cao Bằng). Đến Hội nghị lần thứ 8 của Trung ương Đảng tháng 5/1941, đồng chí Phùng Chí Kiên được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng, trực tiếp chỉ đạo khu căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai.

Lễ thành lập đội Cứu quốc quân Bắc Sơn. Ảnh tư liệu
Lễ thành lập Đội Cứu quốc quân Bắc Sơn. Ảnh tư liệu

Cuối tháng 6/1941, thực dân Pháp huy động hơn 4.000 quân bao vây khu căn cứ Bắc Sơn - Võ Nhai nhằm tiêu diệt Đội Cứu quốc quân và cơ quan đầu não của Đảng, trấn áp phong trào cách mạng Bắc Sơn. Đồng chí Phùng Chí Kiên đã lãnh đạo Trung đội Cứu quốc quân bảo vệ an toàn các đồng chí Ủy viên Trung ương và chuẩn bị chống địch khủng bố. Trong trận chiến đấu không cân sức với kẻ thù tại châu Ngân Sơn (Bắc Cạn), đồng chí Phùng Chí Kiên sa vào tay giặc sau khi bắn đến viên đạn cuối cùng.

Đồng chí hy sinh anh dũng vào ngày 21/8/1941.

Sự hy sinh của đồng chí Phùng Chí Kiên là một tổn thất lớn cho cách mạng lúc bấy giờ. Ngày 23/7/1947, đánh giá công lao của Phùng Chí Kiên, trong phiên họp Hội đồng Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 89/SL truy phong cấp Tướng cho đồng chí. Đây là sắc lệnh phong tướng đầu tiên của Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

BTXVNT