Giá gạo neo cao, cơ sở sản xuất bún, bánh ở Nghệ An gặp khó
Giá gạo liên tục tăng và neo cao không chỉ gây sức ép lên người tiêu dùng mà khiến nhiều cơ sở sản xuất lương thực, thực phẩm ở Nghệ An gặp nhiều áp lực...
Theo khảo sát, đầu tháng 11, tại nhiều cửa hàng bán lẻ trên địa bàn tỉnh, giá gạo thường/gạo trắng thông dụng đang ở ngưỡng 17.000 - 19.000 đồng/kg; gạo thơm Thái hạt dài 21.000 - 23.000 đồng/kg; gạo thơm Jasmine giá 19.000 - 22.500 đồng/kg; gạo Hương Lài giữ mức 22.000 - 23.500 đồng/kg...
Ông Trần Công Hoà – chủ một đại lý lương thực ở TP.Vinh cho biết: “Đại lý chúng tôi chủ yếu phục vụ tiêu dùng của người dân và các cơ sở chế biến bún, bánh trong tỉnh… Giá gạo Nghệ An chịu tác động chính từ hoạt động xuất khẩu, ngoài ra còn chịu ảnh hưởng các yếu tố như chi phí vận chuyển, nguồn cung. Khi giá nhập vào tăng thì chúng tôi cũng phải điều chỉnh giá bán ra tăng theo. Chỉ tính riêng năm 2024 này, giá các loại gạo tại cửa hàng cũng đã tăng khoảng 1.000 - 4.000 đồng/kg”.
Giá gạo tăng, không chỉ người tiêu dùng gặp khó mà các xưởng sản xuất, kinh doanh bún, phở cũng “chật vật”, sản xuất cầm chừng để giữ khách.
Sản xuất bún sạch đã 7 năm nay, nhưng chưa bao giờ anh Nguyễn Xuân Hùng, chủ một cơ sở làm bún sạch ở Nghi Phú (TP.Vinh) thấy giá gạo tăng nhanh, mức giá neo cao kéo dài như thời điểm này. Gạo là nguyên liệu đầu vào để sản xuất bún, giá gạo tăng, giá điện tăng khiến anh gặp không ít khó khăn.
“Trung bình mỗi ngày cơ sở chúng tôi cung ứng ra thị trường 200kg bún tươi, mỗi tháng tiêu thụ hết 4 tấn gạo nguyên liệu. Trước đây, giá gạo chỉ ở mức 12.000 đồng – 13.000 đồng/kg nhưng nay đã lên mức 15.000 -16.000 đồng/kg. Giá nguyên liệu đầu vào tăng nhưng chúng tôi chưa dám tăng giá bún thành phẩm vì lượng khách hàng của chúng tôi hẹp, kênh phân phối chủ yếu là siêu thị và trường học. Do đó, việc tăng giá rất khó khăn”, anh Hùng cho biết.
Để ứng phó với chi phí đầu vào tăng, không còn cách nào khác, anh đành phải cắt giảm nhân công để tiết kiệm chi phí.
Là cơ sở sản xuất bánh đa lớn nhất ở Nghệ An, mỗi năm, Công ty TNHH Lương Sơn tiêu thụ đến 40 tấn gạo nguyên liệu. Lượng gạo chủ yếu mua lại từ các đại lý thu mua của dân sản xuất, giá gạo khang dân trước đó chỉ 11.000-12.000 đồng/kg nay đã tăng lên 16.000 đồng/kg. Giá gạo tăng cao, tăng nhanh và kéo dài trong 1 năm qua khiến công ty gặp không ít khó khăn.
Anh Tôn Công Thắng, đại diện công ty cho biết: “Những sản phẩm như bún, mì, bánh tráng... thông dụng hiện sử dụng 90-95% nguyên liệu là gạo. Để ứng phó với việc giá gạo tăng, chúng tôi phải tự xoay xở như tiết kiệm tối đa các khâu để giảm chi phí sản xuất, đàm phán với khách về giá bán để giành được đơn hàng.
Đối với trường hợp khách lẻ, cơ sở thỏa thuận tăng giá bán sản phẩm lên vài phần trăm nhưng phải có độ trễ nhất định, không thể tăng đột ngột theo giá gạo. Trường hợp có tăng giá bán cũng là điều bất khả kháng. Do đó, mặc dù giá gạo nguyên liệu tăng thêm 30% nhưng giá bánh đa thành phẩm chỉ tăng 100 đồng/chiếc để giữ khách hàng”.
Theo anh Thắng cho biết, nếu giá gạo tiếp tục neo cao thì công ty sẽ phải đàm phán với các đối tác để tăng giá bánh thành phẩm. Bởi hiện tại, để duy trì sản xuất công ty gặp rất nhiều khó khăn, phải tiết giảm tối đa chi phí đầu vào nhưng lợi nhuận gần như không có do giá nguyên liệu tăng, giá điện tăng.
“Dù có nguồn hàng dự trữ nhưng việc giá gạo neo cao kéo dài đã gây áp lực cho các cơ sở sản xuất, đặc biệt vào thời điểm phải tăng lượng sản xuất để đáp ứng đơn hàng cuối năm”, anh Thắng bày tỏ.
Mặc dù đã ở những tháng cuối năm, cao điểm sản xuất miến gạo, thế nhưng, thời điểm này, ở làng nghề miến Quy Chính (Thị trấn Nam Đàn, Nam Đàn), không khí có vẻ trầm lắng hơn các năm trước. Theo các chủ cơ sở, giá nguyên liệu đầu vào tăng vọt, trong khi thành phẩm bán ra phải giữ mức giá cạnh tranh với thị trường để “giữ khách” nên không thể tăng, hoặc nếu tăng cũng chỉ tăng nhẹ, có lộ trình chứ không thể tăng ồ ạt theo giá nguyên liệu.
Do đó, các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất phải xoay xở ứng phó, tiết giảm chi phí đầu vào, chấp nhận giảm lợi nhuận để giữ ổn định sản xuất. Nhiều cơ sở không dám sản xuất ồ ạt, chỉ duy trì cầm chừng để ứng phó với thua lỗ.