Phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số ở Nghệ An
Những năm qua, việc triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch về bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã được các ngành liên quan và các địa phương chú trọng, triển khai có hiệu quả.
Những mô hình tiêu biểu
Theo giới thiệu của chị Bùi Thị Lý – Cán bộ văn hóa xã Nghĩa Xuân (Quỳ Hợp), chúng tôi đến thăm Câu lạc bộ Văn nghệ dân gian của xóm Đột Vả - nơi có 239 hộ và 974 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc Thổ chiếm tới 84%. Thu nhập của người dân chủ yếu từ nghề nông, đời sống còn nhiều khó khăn nhưng tình yêu với văn hóa, văn nghệ, đặc biệt là mong muốn bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Thổ luôn cháy bỏng trong mỗi người dân nơi đây. Năm 2012, được sự ủng hộ của Đảng ủy, Ủy ban nhân dân và xã Nghĩa Xuân, Câu lạc bộ Văn nghệ dân gian dân tộc Thổ của xóm ra đời.
Trong 12 năm qua, hoạt động của CLB diễn ra sôi nổi. Đến nay, Câu lạc bộ có 45 thành viên, trong đó 100% thành viên biết đánh cồng chiêng, 50% biết đánh khắc luống, 50% biết hát các làn điệu dân ca Thổ và chơi các loại nhạc cụ dân tộc. Đều đặn mỗi tháng 2 lần, các thành viên CLB và cả người dân tập trung tại nhà văn hóa xóm, cùng nhau hát múa, tập luyện, truyền dạy các làn điệu dân ca, dân vũ. Từ các buổi sinh hoạt, các nghệ nhân trong CLB đã phục dựng và đặt lời mới cho các bài dân ca với các làn điệu “Ên ên ạc ạc”, “Đu đu điềng điềng”, “Tang khang lẻ”, “Xầy eng”, “Dạ ời”...
Không những thế, CLB còn xây dựng được nhiều tiết mục, nhiều chương trình văn nghệ tham gia phục vụ các nhiệm vụ chính trị, văn hóa, xã hội của xã, huyện và tỉnh. Bên cạnh dân ca, dân vũ, CLB cũng tổ chức sưu tầm cách thức chế biến và thực hành một số món ăn dân tộc Thổ như: canh môn nấu với da trâu, chẻo phỉa cá chấm măng và xôi, canh bồi lá giang nấu thịt gà, canh bồi nấu lá bự…
Câu lạc bộ sẽ tiếp tục nuôi dưỡng ngọn lửa đam mê, phát triển thêm nhiều hội viên tham gia sinh hoạt để góp phần bảo tồn giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Thổ.
Bà Trương Thị Tuyến - Chủ nhiệm CLB xóm Đột Vả, xã Nghĩa Xuân.
Được biết, trên địa bàn huyện Quỳ Hợp hiện có 16 CLB văn hóa các dân tộc thiểu số với tổng số hơn 500 thành viên. Ngoài CLB xóm Đột Vả, một số câu lạc bộ khác cũng hoạt động sôi nổi, đóng góp tích cực vào sự phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ của địa phương như CLB Văn hóa tộc Thổ xóm Mo Mới, xã Nghĩa Xuân, Câu lạc bộ Văn hóa dân gian dân tộc Thái xã Châu Cường…
Theo bà Trương Thị Kim Chi - Phó trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Quỳ Hợp, hằng năm, ngành văn hóa huyện cử cán bộ hỗ trợ các tổ, đội, câu lạc bộ văn hóa, văn nghệ dân tộc thiểu số những kiến thức cơ bản về kỹ năng tổ chức sinh hoạt, kỹ năng biểu diễn; phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể tổ chức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ theo từng chủ đề, sự kiện… để tạo điều kiện cho các câu lạc bộ được biểu diễn, từ đó nuôi dưỡng tình yêu văn hóa dân tộc của các thành viên”.
Còn tại xã Thành Sơn (Anh Sơn), năm 2023, Câu lạc bộ Dân ca, dân nhạc, dân vũ bản Bộng, xã Thành Sơn được ngành Văn hóa – Thể thao lựa chọn xây dựng mô hình văn hóa cấp tỉnh.
Chị Lữ Ánh Tuyết - Chủ nhiệm Câu lạc bộ cho biết: “Được thành lập năm 2019, hiện câu lạc bộ có 62 thành viên được chia làm 4 tổ (tổ hát, tổ múa, tổ nhạc cụ và tổ sáng tác). Những năm qua, câu lạc bộ đã tích cực xây dựng các chương trình văn hóa văn nghệ tham gia phục vụ các nhiệm vụ chính trị, văn hóa, xã hội của xã, thôn; tham gia các cuộc liên hoan, hội diễn nghệ thuật quần chúng của xã, huyện và các cuộc giao lưu văn nghệ. Câu lạc bộ còn phối hợp với Đoàn Thanh niên xã Thành Sơn mở các lớp học truyền dạy dân vũ và cách chơi các nhạc cụ dân tộc Thái; mở các lớp dệt thổ cẩm, chế biến các món ăn nhằm phát huy các giá trị văn hóa ẩm thực”.
Cần thêm chính sách đặc thù
Theo bà Quách Thị Cường – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, những năm qua, việc triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh đã được chú trọng, triển khai có hiệu quả, điển hình là Đề án “Bảo tồn và phát huy nghệ thuật trình diễn dân gian các dân tộc thiểu số tỉnh Nghệ An giai đoạn 2018-2025”.
Sau khi đề án được ban hành, từ năm 2018, UBND tỉnh đã cấp kinh phí hỗ trợ xây dựng các mô hình bảo tồn văn hóa truyền thống dân tộc ở các huyện Quế Phong, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Con Cuông, Kỳ Sơn, Anh Sơn, với mức kinh phí bình quân 600 triệu đồng/mô hình/năm. Nội dung hỗ trợ bao gồm loa máy, âm thanh, ánh sáng, nhạc cụ, đạo cụ, trang phục truyền thống, tập huấn hoạt động câu lạc bộ và trình diễn cho cán bộ văn hóa cơ sở, nghệ nhân, già làng, người có uy tín trong cộng đồng. Bên cạnh đó, từ năm 2018 đến nay, Sở Văn hóa và Thể thao tổ chức các lớp tập huấn triển khai các chính sách, pháp luật và hỗ trợ chuyên môn, nâng cao năng lực cho cán bộ văn hóa, nghệ nhân, già làng, trưởng bản, người có uy tín về bảo tồn phát huy văn hóa với hơn 150 người tham gia.
Ngoài ra, thực hiện Dự án 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, Sở Văn hóa và Thể thao đã thực hiện hỗ trợ trang thiết bị phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao cho 105 thiết chế văn hóa - thể thao thôn, bản; phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai các mô hình văn hóa dân tộc thiểu số ở các huyện miền núi.
Cùng với việc triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch của Trung ương và của tỉnh, ngành Văn hóa và Thể thao còn chủ trì tổ chức các hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống các dân tộc tại địa phương như: Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Đêm hội Sắc xuân miền Tây, thành lập các Đoàn nghệ thuật tham gia Ngày hội Văn hóa dân tộc do Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch tổ chức…
Tuy vậy, quá trình triển khai các chương trình, đề án, kế hoạch bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn những khó khăn, bất cập. Trước hết, một số cấp ủy, chính quyền các địa phương chưa nhận thức rõ vai trò của văn hóa trong phát triển kinh tế - xã hội nên thiếu quan tâm đầu tư trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức các nguồn lực cho phát triển văn hóa.
Ngân sách đầu tư, hỗ trợ cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số từ tỉnh đến huyện còn hạn chế, chưa đáp ứng với nhu cầu thực tiễn; cơ sở vật chất, hạ tầng, trang thiết bị dành cho sự nghiệp văn hóa còn thiếu, chưa tương xứng. Các mô hình bảo tồn văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số còn mang nặng tính tự phát, nội dung chưa phong phú, chưa có chiều sâu...
Trong tổng thể chung các chính sách về dân tộc, cần có các chính sách cụ thể tập trung vào lĩnh vực bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, trong đó chú trọng công tác đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ người dân tộc thiểu số, chế độ đãi ngộ đối với các nghệ nhân tổ chức truyền dạy di sản văn hóa và đặc biệt là chính sách đặc thù thu hút các nguồn đầu tư từ xã hội hóa đối với các hoạt động văn hóa, văn nghệ vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Bà Quách Thị Cường – Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao.