Thời sự

Thống nhất trình Quốc hội chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam

Phạm Bằng 06/11/2024 20:19

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam tại Kỳ họp thứ 8 này.

Chiều tối 6/11, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp cho ý kiến về chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp.

Tham dự phiên họp, lãnh đạo tỉnh Nghệ An có đồng chí Nguyễn Đức Trung - Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh.

bna_toan-canh-7260.jpg
Toàn cảnh phiên họp. Ảnh: Khánh Quang

Phấn đấu cơ bản hoàn thành tuyến trong năm 2035

Ngày 19/10/2024, Chính phủ có Tờ trình số 685/TTr-CP về việc chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam gửi Quốc hội.

Trình bày tóm tắt Tờ trình, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nêu rõ, dự án có điểm đầu tại Thành phố Hà Nội (ga Ngọc Hồi), điểm cuối tại Thành phố Hồ Chí Minh (ga Thủ Thiêm) với tổng chiều dài tuyến khoảng 1.541 km.

bna_fe50ac71fad642881bc7.jpg
Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn chủ trì phiên họp. Ảnh: Khánh Quang

Dự án đi qua địa phận 20 tỉnh, thành phố, gồm: Hà Nội, Hà Nam, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, Bình Thuận, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh.

Quy mô đầu tư: Xây dựng mới tuyến đường sắt đôi, khổ 1.435 mm, tốc độ thiết kế 350 km/h, tải trọng 22,5 tấn/trục; xây dựng 23 ga khách, 5 ga hàng; đường sắt tốc độ cao vận chuyển hành khách, đáp ứng yêu cầu lưỡng dụng phục vụ quốc phòng, an ninh, có thể vận tải hàng hóa khi cần thiết.

bna_5358bca8eb0f53510a1e.jpg
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng trình bày Tờ trình của Chính phủ. Ảnh: Khánh Quang

Sơ bộ nhu cầu sử dụng đất khoảng 10.827 ha. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 1.713.594 tỷ đồng (khoảng 67,34 tỷ USD). Dự kiến nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí vốn trong khoảng 12 năm, bình quân mỗi năm khoảng 5,6 tỷ USD, tương đương khoảng 1,3% GDP năm 2023, khoảng 1% GDP năm 2027 (khởi công dự án). Quá trình triển khai sẽ huy động đa dạng các nguồn vốn hợp pháp để đầu tư.

Chính phủ đề xuất thực hiện lập báo cáo nghiên cứu khả thi dự án trong năm 2025-2026; khởi công cuối năm 2027 và phấn đấu cơ bản hoàn thành tuyến trong năm 2035.

bna_3ce808ea5e4de613bf5c.jpg
Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An Nguyễn Đức Trung tham dự phiên họp. Ảnh: Khánh Quang

Tại Nghệ An, dự án có chiều dài qua tỉnh khoảng 85km từ Km210 - Km295; đi qua 5 huyện, thị: Hoàng Mai, Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên.

Ga đường sắt đặt tại xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, phía Tây đường tránh Vinh, phía Đông đường bộ cao tốc Bắc - Nam, thuận lợi cho việc kết nối trung tâm hành chính tỉnh Nghệ An thông qua tuyến đường 72m Vinh - Cửa Lò.

Dự kiến ga Vinh đặt tại xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, phía Tây đường tránh Vinh, phía Đông đường bộ cao tốc Bắc - Nam.
Dự kiến ga Vinh đặt tại xã Hưng Tây, huyện Hưng Nguyên, phía Tây đường tránh Vinh, phía Đông đường bộ cao tốc Bắc - Nam.

Báo cáo thẩm tra chủ trương đầu tư dự án, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, Thường trực Ủy ban Kinh tế thống nhất sự cần thiết đầu tư dự án.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế đề nghị làm rõ hơn phương án kết nối tuyến đường sắt tốc độ cao với mạng lưới đường sắt quốc gia, đường sắt đô thị và hệ thống giao thông khác; kết nối liên thông với mạng lưới đường sắt trong khu vực và quốc tế.

2e8cde80882730796936.jpg
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh báo cáo thẩm tra chủ trương đầu tư dự án. Ảnh: Khánh Quang

Bên cạnh đó, rà soát kỹ lưỡng để đánh giá đúng thực tế hiệu quả tài chính của dự án và khả năng ngân sách nhà nước phải bù lỗ trong tương lai cho hoạt động kinh doanh vận tải.

Trình Quốc hội chủ trương đầu tư dự án tại Kỳ họp thứ 8

Kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất trình Quốc hội chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam tại Kỳ họp thứ 8 này.

bna_a9120d065ba1e3ffbab0.jpg
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải kết luận phiên họp. Ảnh: Khánh Quang

Nhấn mạnh đây là dự án có quy mô chưa từng có ở nước ta, chưa có tiền lệ thực hiện, có tác động nhiều mặt đến đời sống kinh tế - xã hội, tài chính, ngân sách và nợ công..., Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến thẩm tra hoàn thiện hồ sơ dự án.

Trong đó, tiếp tục rà soát để tính toán sơ bộ tổng mức đầu tư và phương án thiết kế sơ bộ bảo đảm tiết kiệm, hiệu quả. Bổ sung thuyết minh về phương án so sánh để làm rõ cơ sở lựa chọn hướng tuyến của dự án theo đề xuất của Chính phủ; đánh giá kỹ tác động của dự án đến môi trường…

ab5cdb618dc635986cd7.jpg
Lãnh đạo Chính phủ và Bộ GTVT tham dự phiên họp. Ảnh: Khánh Quang

Về nguồn vốn thực hiện dự án, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị đánh giá kỹ lưỡng hơn, đặt trong điều kiện đất nước đang triển khai nhiều dự án hạ tầng cấp thiết, cấp bách trên lĩnh vực giao thông vận tải, năng lượng để có giải pháp kiểm soát rủi ro.

Chính phủ rà soát lại 19 chính sách vượt trội, đặc biệt, thuyết minh cụ thể hơn, đánh giá tác động kỹ lưỡng, chỉ đưa vào Nghị quyết những chính sách thực sự cần thiết, tác động tiêu cực ít, bảo đảm cơ chế phân công, phối hợp, kiểm soát quyền lực giữa các cơ quan, đơn vị cũng như cơ chế kiểm tra, giám sát, không để xảy ra thất thoát, lãng phí, tiêu cực.

c9bafba4ad03155d4c12.jpg
Các đại biểu tham dự phiên họp. Ảnh: Khánh Quang

Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần làm rõ cơ sở tính toán, dự báo về nhu cầu vận tải của dự án. Rà soát, thuyết minh thêm về hiệu quả kinh tế - xã hội, hiệu quả tài chính của dự án.

Nghiên cứu kỹ lưỡng ý kiến của cơ quan thẩm tra để hoàn thiện hồ sơ dự án và dự thảo Nghị quyết về sự phù hợp với các quy hoạch, kế hoạch có liên quan, phạm vi, quy mô đầu tư, phương án thiết kế sơ bộ, lựa chọn công nghệ, tiêu chuẩn kỹ thuật, hình thức đầu tư, lựa chọn nhà đầu tư….

Phạm Bằng