Pháp luật

Dự án kè sông ở Kỳ Sơn có nguy cơ lỡ hẹn

Tiến Đông 07/11/2024 12:23

Là công trình cấp thiết nhằm bảo đảm an toàn tài sản và tính mạng cho khoảng 400 hộ dân tại thị trấn Mường Xén nhưng Dự án kè sông Nậm Mộ có nguy cơ bị lỡ hẹn.

Dự án cấp thiết

Ngày 22/3/2022, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đồng ý cho phép UBND tỉnh Nghệ An được sử dụng 100 tỷ đồng, trong tổng số 150 tỷ đồng đã được hỗ trợ từ nguồn dự phòng ngân sách Trung ương năm 2021 theo Quyết định số 2266/QĐ-TTg để thực hiện Dự án kè sông Nậm Mộ, đoạn qua khối 4, khối 5, thị trấn Mường Xén, huyện Kỳ Sơn. Theo báo cáo nghiên cứu khả thi, tuyến kè bờ sông Nậm Mộ có tổng chiều dài 2.420m.

Đây là dự án hết sức cần thiết và cấp bách để hạn chế hậu quả của thiên tai lũ lụt, góp phần quan trọng trong việc bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho các hộ dân, bảo vệ các công trình hạ tầng kinh tế, xã hội trên địa bàn; đồng thời, góp phần thực hiện thành công 3 chương trình mục tiêu Quốc gia trên địa bàn huyện miền núi nghèo Kỳ Sơn.

ke song
Dự án kè sông Nậm Mộ có điểm đầu từ cầu Mường Xén. Ảnh: Tiến Đông

Với tầm quan trọng đó, tháng 8/2022, HĐND tỉnh Nghệ An đã ra quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án này, thời gian thực hiện là trong vòng 2 năm, từ năm 2022 đến 2023. Ngay sau đó, dự án này đã được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt tại Quyết định số 4161/QĐ-UBND ngày 26/12/2022, giao cho UBND huyện Kỳ Sơn làm chủ đầu tư, với số vốn khoảng 100 tỷ đồng.

Tuy vậy, trong cuối tháng 9 đến đầu tháng 10/2022, trên địa bàn huyện Kỳ Sơn đã xảy ra lũ quét, gây thiệt hại lớn về người và tài sản cho người dân địa phương. Hậu quả của trận lũ quét đã dẫn đến thay đổi lưu vực lòng sông Nậm Mộ nên phương án thiết kế khả thi do UBND huyện Kỳ Sơn trình thẩm định trước đó không còn phù hợp với hiện trạng hai bên bờ sông nơi triển khai dự án.

Chính vì vậy, đến ngày 15/3/2024, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 567/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh dự án và điều chỉnh kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án: Kè sông Nậm Mộ đoạn qua khối 4, khối 5, thị trấn Mường Xén. Trong đó, chuyển dự án từ UBND huyện Kỳ Sơn làm chủ đầu tư sang Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, thuộc Sở NN&PTNT tỉnh Nghệ An.

Thi công
Máy móc đang thi công tuyến kè sông Nậm Mộ. Ảnh: Tiến Đông

Theo đó, dự án này có 4 gói thầu, gồm: Gói thầu 5A đoạn 1 từ K0 đến K0+520; Gói thầu 5B đoạn 2 từ K0+961,1 đến K1+559,1; Gói thầu 5C đoạn 1 từ K0 đến K0+584; Gói thầu 5D đoạn 2 từ K0+742,4 đến K1+460,4. Sau khi có quyết định chuyển đổi chủ đầu tư, cả 4 gói thầu mới được triển khai vào tháng 5/2024.

Với đặc điểm địa hình không ổn định tại khu vực lòng sông Nậm Mộ, theo thiết kế phần kè phía thượng lưu cầu Mường Xén sẽ bố trí kết cấu mái nghiêng bằng tấm lát bê tông cốt thép, nối liền từ kè hiện trạng vào đúng mố cầu. Phần kè hạ lưu có kết cấu dạng tường đứng kết hợp mái nghiêng. Bề mặt đỉnh kè nối tiếp bờ được gia cố bằng đá cuội, đá hộc, lưng kè được đắp đất, đầm chặt. Chân tường gia cố bằng rọ đá chắc chắn nhằm chống sạt lở, xói mòn... Dự kiến, dự án này sẽ hoàn thành và bàn giao đưa vào hoạt động vào cuối năm 2024.

thi công kè
Đơn vị thi công đang triển khai tuyến kè bên phía hữu ngạn sông Nậm Mộ. Ảnh: Tiến Đông

Nguy cơ chậm tiến độ

Mặc dù là công trình cấp thiết, đảm bảo an toàn cho rất nhiều hộ dân khu vực thị trấn Mường Xén và cơ sở hạ tầng cho hai bên bờ sông. Tuy nhiên, việc chuyển đổi chủ đầu tư từ UBND huyện Kỳ Sơn sang Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn, cùng những tác động từ điều kiện thời tiết cực đoan đã khiến dự án phải điều chỉnh tiến độ.

Thực tế tại khu vực thực hiện dự án này chúng tôi nhận thấy, mực nước trên sông Nậm Mộ thời gian gần đây còn ở mức cao. Để đảm bảo việc thi công tuyến kè an toàn, các đơn vị thi công đã phải tiến hành đắp đê bao chắn nước không cho ngập vào phần bê tông cốt thép của thân kè. Dù vậy, thời gian gần đây, khi tình hình mưa lũ ở khu vực miền Trung còn diễn biến phức tạp, nguy cơ các đơn vị phải dừng thi công là rất cao.

Ngoài việc lo ngại dự án sẽ bị chậm tiến độ, người dân địa phương cũng khá lo lắng khi để thi công dự án này, các đơn vị thi công đã phải đắp đê bao, làm thu hẹp dòng chảy, ảnh hưởng đến việc tiêu thoát lũ.

Nước sông lên cao
Thời gian gần đây, nước sông Nậm Mộ lên cao, đã ảnh hưởng đến tiến độ thi công của công trình. Ảnh: Tiến Đông

Ông Nguyễn Đình Hưng - Giám đốc Ban Quản lý dự án Đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Nghệ An cho biết: Sau khi điều chỉnh dự án và khởi công từ tháng 5/2024, Ban Quản lý dự án đã yêu cầu các đơn vị thi công tập trung nhân lực, vật tư, máy móc đẩy nhanh tiến độ thi công nhằm đảm bảo hoàn thành giải ngân kế hoạch vốn được giao.

Dù thời điểm triển khai thi công vào mùa Hè, nhưng chỉ trong thời gian ngắn đã bước vào mùa mưa lũ nên việc thi công gặp rất nhiều khó khăn. Đặc biệt, chỉ trong vòng 4 tháng, do vùng thượng nguồn mưa nhiều các nhà máy thủy điện đã có đến 7 lần xả lũ, làm mực nước trên sông dâng cao, khiến nhà thầu không thể triển khai thi công theo kế hoạch đề ra. Có những thời điểm, mưa lũ gây sạt lở bờ sông, khiến các nhà thầu buộc phải gia cố các điểm sạt lở, làm ảnh hưởng đến tiến độ.

Chưa kể, phần lớn tuyến kè này thi công gần với nhà dân và một số đơn vị, khi đưa máy móc vào thi công đã tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro sạt lở. Thực tế, trong quá trình thi công, các nhà thầu đã phải thực hiện các biện pháp gia cố, xử lý, đảm bảo an toàn, cho một số khu vực.

hút nước
Đơn vị thi công phải hút nước khỏi khu vực móng kè để thi công. Ảnh: Tiến Đông

Cũng theo ông Hưng, sau khi khởi công, đơn vị đã chỉ đạo các mũi thi công chủ động đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án; chỉ đạo các nhà thầu lập kế hoạch thi công cụ thể, và báo cáo chi tiết tiến độ theo từng thời điểm cụ thể. Phía chủ đầu tư cũng đã yêu cầu các đơn vị thi công tăng cường thêm máy móc thiết bị, tranh thủ điều kiện thời tiết thuận lợi tăng ca, tăng kíp đảm bảo tiến độ thi công dự án.

Đồng thời chỉ đạo đơn vị thi công xây dựng phương án phòng chống thiên tai, các biện pháp triển khai thi công cuốn chiếu, để kịp thời thanh thải dòng chảy khi xảy ra mưa lũ bất thường.

Chúng tôi đặt câu hỏi, theo kế hoạch, đến cuối năm 2024 dự án này phải hoàn thành và đưa vào sử dụng, với điều kiện thời tiết như hiện nay, liệu rằng các đơn vị thi công có thể hoàn thành nhiệm vụ hay không?

Ông Hưng cho biết: Đơn vị cũng đã chỉ đạo nhà thầu quyết tâm đến cuối năm 2024 sẽ hoàn thành và bàn giao dự án. Tuy nhiên, trong trường hợp bất khả kháng do các nguyên nhân khách quan như tình hình thời tiết, mưa lũ làm chậm tiến độ, thì có thể sẽ phải kiến nghị đến HĐND để đề xuất với Quốc hội cho phép điều chỉnh thời gian, đảm bảo hoàn thành mục tiêu dự án đề ra.

Tiến Đông