Vô xứ Nghệ

Giếng quê...một mảnh hồn làng

Tiến Đông 08/11/2024 14:57

"Bao người đã đi xa/Bao người còn ở lại/Giếng vẫn trong xanh mãi/Như tình quê người ơi"... Tôi cứ ngân nga mãi những lời ca đến da diết trong ca khúc "Giếng quê" của cố nhạc sĩ Thuận Yến mỗi khi bắt gặp một chiếc giếng quê trên mảnh đất xứ Nghệ đầy nắng gió...

gieng.jpg

1.

Tôi đã nhiều lần ghé thăm làng Sen (xã Kim Liên, Nam Đàn), lần nào cũng vậy, những cảm xúc thân thuộc, bình dị và đầy lắng đọng lại ùa về khi nép mình bên giếng Cốc, ngay cạnh ngôi nhà của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc.

Giếng Cốc
Giếng Cốc tại Kim Liên. Ảnh: Huy Thư

Tương truyền, giếng này do ông Nguyễn Danh Cốc người làng Phú Đầm (còn gọi là Phụ Đầm), xã Chung Cự, tổng Lâm Thịnh (nay là xóm Sen 2, xã Kim Liên) đào khoảng thời gian sau năm 1708 để lấy nước cho gia đình dùng. Sau đó, trở thành giếng chung của làng.

Khi cụ Nguyễn Sinh Sắc đậu Phó bảng vào năm 1901, cả gia đình từ làng Hoàng Trù chuyển lên làng Sen sinh sống, trong một ngôi nhà được làng dựng cho, như một cách mừng công đối với một người đỗ đạt cao, làm rạng danh cho làng. Ngôi nhà nằm cách giếng Cốc về phía bên phải khoảng 100m.

Ngày còn bé, chị em Chủ tịch Hồ Chí Minh thường ra giếng Cốc lấy nước về cho gia đình dùng. Ngày 16/6/1957, Chủ tịch Hồ Chí Minh trở về thăm quê hương lần đầu. Sau khi đi từ nhà ông Phó bảng ra ngõ, bồi hồi nhớ lại kỷ niệm xưa, Người hỏi bà con: "Giếng Cốc nay còn nữa không? Nước giếng Cốc trong và ngọt, nấu chè xanh và làm tương ngon nổi tiếng cả vùng!”.

Ngay đầu cổng làng Sen 2, có giếng Phụ Đầm (tên làng xưa), cổ kính, được phục dựng vào năm 2013. Làng Phụ Đầm cũng là nơi khởi phát của dòng họ Nguyễn Sinh, việc phục dựng lại giếng cổ, cùng với hệ thống di tích cảnh quan gắn liền với Khu Di tích Kim Liên đã góp phần làm dày thêm những giá trị văn hóa nơi mảnh đất này.

bna_3(5)-f7cfdf834a6f916d550bfae260b87239.jpg
Việc tôn tạo giếng Phụ Đầm đã làm dày thêm những giá trị văn hoá nơi mảnh đất Kim Liên. Ảnh: Tiến Đông

Ở Kim Liên ngày nay cùng với phong trào phục dựng lại cổng làng, những cái giếng quê ở nhiều nơi cũng đã được người dân tôn tạo, bảo tồn, trở thành nơi neo giữ những ký ức. Hiện tại, ở 12 xóm trong toàn xã Kim Liên, hầu như xóm nào cũng có giếng cổ. Có những xóm có đến 2 hay 3 giếng cổ, gắn với làng cũ sau khi sáp nhập. Đó là giếng Phường Đoài; giếng Đình; giếng Chùa; hay giếng Trọt Quan mới được phục dựng năm 2021...

bna_156-e9047954bba65203891c8e52610d3f1b.jpg
Giếng Trọt Quan. Ảnh: Tiến Đông

Ngoài xã Kim Liên, có lẽ xã Trung Phúc Cường là địa phương "sở hữu" nhiều giếng cổ nhất trên mảnh đất Nam Đàn. Mảnh đất này cũng là nơi khởi thủy của nhiều dòng họ văn hóa, với nhiều người đỗ đạt cao dưới thời phong kiến. Trùng hợp thay, các làng Trung Cần, Đông Châu (Nam Trung cũ) và Đông Viên (Nam Phúc cũ), có địa thế gần đối xứng trên trục Bắc - Nam với làng Sen ở xã Kim Liên ngăn cách con sông Lam. Ở mảnh đất này cũng có không ít giếng cổ nổi tiếng, gắn với lịch sử hàng trăm năm lập làng, như giếng Vụng, giếng Chùa, giếng Đường Quan...

Tôi không thể ngăn bước chân mình lần tìm đến giếng Vụng. Đây là một trong những giếng cổ nhất ở xóm Vụng, làng Trung Cần. Được người dân đào từ xa xưa để lấy nước sinh hoạt. Năm 2020, giếng này được con em quê hương phục dựng, trở thành biểu tượng gắn kết tình làng, nghĩa xóm và giữa con em đi xa với mảnh đất quê hương.

bna_41(1).jpg
Giếng Vụng ở xóm Vụng Chùa, xã Trung Phúc Cường (Nam Đàn). Ảnh: Tiến Đông

Ông Nguyễn Duy Sơn - một người dân xóm Vụng Chùa (xã Trung Phúc Cường) chia sẻ: Từ thời cố, can trước đây đã nghe kể về giếng Vụng. Trước giếng được làm bằng đất có thành đất cao để chắn nước từ ngoài đồng tràn vào, bên bờ có 1 chiếc cầu làm bằng gỗ lim để người dân xuống múc nước. Nay khôi phục lại, giếng Vụng được xây, ghép bằng nhiều loại đá khác nhau với kích thước khá lớn. Trong đó, quanh bờ giếng được ghép bằng đá ong từ Hà Tây, thành giếng được làm từ đá xanh Ninh Bình. Đường kính thành giếng 14m, đường kính đáy giếng hơn 7m, chiều sâu 5,5m. Giếng có 1 cửa ở phía Đông với nhiều bậc lên xuống, nằm nép mình bên gốc đa cổ thụ.

Từ ngày được phục dựng, giếng Vụng đã trở thành địa chỉ để người dân trong làng sinh hoạt văn hóa, là nơi con em xa quê quây quần mỗi khi tụ họp. Là nơi bùng lên ánh lửa mỗi khi bước qua thời khắc Giao thừa giữa năm cũ và năm mới.

2.

Một người bạn làm công tác văn hóa tại huyện Diễn Châu khoe với tôi rằng, nói về giếng cổ thì ở huyện Diễn Châu có lẽ còn tồn tại nhiều nhất. Trong đó, có khoảng 85 giếng còn... đếm được. Trung bình mỗi xã có từ 5 đến 7 giếng có tuổi đời hàng trăm năm. Nói vậy có nghĩa là có những giếng cổ chỉ còn lại trong ký ức sau những biến thiên của lịch sử, đã bị vùi lấp dưới những mảng trầm tích của thời cuộc.

dji_0953.jpg
Giếng làng Trung Hậu, xã Diễn Hoa (Diễn Châu). Ảnh: Tiến Đông

Tôi về làng Trung Hậu, xã Diễn Hoa (Diễn Châu), như là một cách để kiểm chứng cho lời bạn mình nói. Ở đây vẫn còn giếng cổ được Tiến sĩ Thái Doãn Nguyên xây dựng từ giữa thế kỷ XVIII, khi ông đến đây khai ấp, lập làng. Trải qua gần 300 năm, giếng chưa bao giờ cạn, trở thành nguồn nước mát cho sinh hoạt của người dân trong vùng.

Cách đây khoảng 10 năm, người dân trong làng đã góp công, góp của tôn tạo lại giếng. Nhiều gia đình còn dùng nguồn nước giếng làng để ăn uống, nấu rượu, làm bún ngon nức tiếng một vùng. Trân trọng mạch nguồn mà người xưa để lại, mỗi dịp Tết đến, bà con lại ra giếng lấy nước về nhà lau rửa đồ thờ cúng với mong muốn tẩy rửa hết những điều không may mắn và đón chào một năm mới an lành.

Ông Nguyễn Quốc Cường bên giếng cổ. Ảnh: Tiến Đông

Giếng cổ này rất linh thiêng, chưa bao giờ cạn, dù là những trưa Hè tháng Sáu. Ngày trước, khi giặc Mỹ đánh phá ác liệt miền Bắc, xung quanh chi chít hố bom, nhưng giếng làng vẫn không bị đánh trúng...

Ông Nguyễn Quốc Cường - sống cạnh giếng làng Trung Hậu

Ngày nay ở xã Diễn Hoa, làng Trung Hậu đã nhập với làng Trường Khê nơi sinh ra thi sĩ đa tài Nguyễn Trọng Tạo để thành làng Trung Trường. Tôi cũng không dám chắc rằng, có phải ký ức từ những đêm trăng hò hẹn bên giếng làng đã khiến Nguyễn thi sĩ viết nên những lời thơ đầy mộng mị trong bài "Trăng" ra đời năm 1968.

bna_109.jpg

Đêm Rằm em gánh nước
Đáy giếng vầng trăng bơi
Trăng cười rung nước biếc
Gật đầu như muốn mời

Em gánh đôi thùng nước
A! Gánh cả trăng trời
Chỉ một vầng trăng mọc
Sao trong thùng một đôi?

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo

Lạ thay, ở mảnh đất Diễn Châu, những vùng quê có nhiều giếng cổ mà tôi đặt chân đến, ít nhiều cũng thấp thoáng những cây đại thụ trong văn chương. Cách xã Diễn Hoa không xa về phía Tây Nam là làng Trung Phường, xã Diễn Minh cũ, nay là xã Minh Châu, quê hương của nhà thơ "Thăm lúa" - Trần Hữu Thung.

Ngay từ đầu làng Trung Phường, tôi đã thấy một cái giếng cổ tên là giếng Vang, mới được tôn tạo lại gần đây. Giếng có miệng rộng hơn 20m, bên cạnh có một cái giếng nhỏ giúp nước lắng vào để bà con nhân dân thuận tiện hơn mỗi khi đi gánh nước.

dji_0913.jpg
Giếng Vang nhìn từ trên cao. Ảnh: Tiến Đông

Từ trên cao, giếng Vang cùng với lèn Hai Vai và lèn Hổ Lĩnh (nơi có chùa Cổ Am), tạo thành hình tam giác cân xứng. Xã Diễn Minh "xưa" có 2 làng Trung Phường và Phú Lâm, nằm về hai phía của lèn Hổ Lĩnh.

Người dân làng Trung Phường còn kể lại, tương truyền ngày xa xưa có 2 ông từ phương Bắc đến vùng đất này lập nghiệp, cùng nhau gây dựng lên xóm làng đông đúc, trù phú. Sau khi đến lập làng, họ góp công, góp của đào 1 cái giếng ngay con đường dẫn vào làng vừa lấy nước sinh hoạt, vừa trấn yểm long mạch. Sau đó, 2 ông được tôn là Thành Hoàng làng. Họ tương thân, tương ái cùng dân làng "chống thù trong, giặc ngoài", nên gọi là "Tương phùng" sau nói lái thành "Trung Phường". Có người thì cho rằng, nơi đây xưa có chợ Lèn là trung tâm giao thương của vùng, nhiều phường, hội buôn bán tụ họp nên gọi là "Trung Phường".

dji_0919.jpg
Giếng Vang cùng với lèn Hai Vai (bên phải) và lèn Hổ Lĩnh (bên trái) tạo thành một tam giác cân xứng. Ảnh: Tiến Đông

Ông Thái Huy Toản - Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Trung Phường cho biết: Theo các bậc cao niên trong làng kể lại, thì giếng Vang ở làng Trung Phường có từ hơn 700 năm trước. Mạch nước ở đây luôn trong vắt và đầy bất kể mùa nào. Do nằm ở đầu làng nên con em đi xa hay người dân địa phương khi đi làm đồng về lại đến bên giếng, lấy gàu múc nước rửa mặt.

"Khi xã hội phát triển, phong trào làm giếng khơi, giếng khoan của từng hộ gia đình rộ lên, giếng làng lùi vào dĩ vãng, có thời điểm bị hư hỏng, bồi lắng. Cách đây 5 năm, cùng với phong trào xây dựng nông thôn mới, con em địa phương đã đóng góp tiền của để tôn tạo lại giếng Vang. Giúp giếng Vang trở thành biểu tượng của làng. Để ai đi xa cũng luôn nhớ về", ông Toản chia sẻ.

bna_165.jpg
Giếng Vang giờ đây đã trở thành biểu tượng của làng Trung Phường. Ảnh: Tiến Đông

3.

Ngày trước làng tôi cũng có một cái giếng chung. Ban đầu giếng được đào đắp bằng đất, có hình lòng chảo nằm gần phía ngoài đồng, nơi có mạch nước sạch nhất. Sau dần thì người dân trong làng góp đá ghép xung quanh giếng để khỏi bị xói lở và dễ dàng "khảo giếng" - nạo vét, sau vài ba năm. Ngày tôi còn bé, cứ chiều chiều lại theo bà, theo mẹ ra giếng gánh nước. Bên đôi móc thép là 2 chiếc thùng nhôm được gò chế từ vỏ quả pháo sáng mà giặc Mỹ ném xuống. Mỗi buổi chiều gánh đầy 2 chum đầy bên góc nhà là đủ dùng cho 1 ngày. Dần dà mỗi nhà cũng đào được 1 cái giếng, rồi có nước giếng khoan, có nơi còn có cả đường ống nước sạch đấu nối về dùng. Dẫu vậy, nước giếng làng vẫn là thứ nước ngọt, mát, cuộn chảy trong ký ức.

bna_158.jpg
Nhiều thế hệ cùng tham gia giữ gìn giếng quê. Ảnh: Tiến Đông

Người xưa quan niệm, đào giếng là đào vào long mạch, nên mỗi cái giếng đều có một vị thần cai quản, bảo vệ cho sự bình yên của dân làng. Nhiều giếng làng còn được người dân đặt bên cạnh bát hương, bàn thờ để phối thờ thành hoàng và thổ địa. Thường vào ngày đầu tháng, ngày Rằm hay những lúc làng có việc cần cầu khấn thì dân làng đều đến thắp hương, đặt lễ tại các ban thờ này. Ý thức về sự linh thiêng của giếng, về mạch nguồn mà tổ tiên đã để lại, các thế hệ người dân trong làng luôn có ý thức giữ gìn giếng làng.

dji_0019.jpg
Vẻ đẹp tròn trịa của giếng quê nhìn từ trên cao. Ảnh: Tiến Đông

Cụ Nguyễn Đình Sáu (86 tuổi), tại làng Trung Phường, xã Minh Châu (Diễn Châu) chia sẻ: Người xưa quan niệm, mỗi giếng có hình dáng khác nhau. Giếng hình vuông tượng trưng cho đất mẹ, giếng hình tròn tượng trưng cho trời và giếng bầu dục tượng trưng cho con người. Ngày xưa, để đào giếng làng, thường những người có chức sắc trong làng đứng ra huy động dân đinh làm. Người được chọn đào giếng cũng phải là những thanh niên trai tráng, gia đình êm ấm, hòa thuận. Việc chọn vị trí đào giếng cũng phải hợp long mạch phong thủy.

ntt.jpg

Cùng với cây đa, sân đình, giếng nước đã trở thành biểu tượng văn hóa của mỗi làng quê không chỉ ở xứ Nghệ mà còn của chung của cả đất Việt. Giếng làng là địa điểm sinh hoạt văn hóa của người dân địa phương. Là nơi trai gái kết duyên. Nơi chứng kiến bao kỷ niệm buồn vui, thăng trầm của dân làng từ thế hệ này qua thế hệ khác. Là chứng tích của lịch sử, văn hóa.

Về với những chiếc giếng cổ trên quê Nghệ, mới cảm nhận hết tâm sự của nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo trong "Mảnh hồn làng" rằng: "Tôi gọi giếng là mảnh hồn làng. Mảnh hồn làng không bao giờ cạn, nó mãi mãi đầy để chia về mọi nhà trong mùa nắng hạn. Tôi ước hồn tôi mãi trong mát, ngọt ngào và đầy ắp như nước giếng làng tôi...".

Tiến Đông