Quốc tế

Giới phân tích Nga đánh giá ông Donald Trump là 'nhà lãnh đạo tỉnh táo'

Mỹ Nga 08/11/2024 15:21

Các chuyên gia Nga cho rằng, ứng viên đắc cử Donald Trump là một “nhân vật tỉnh táo hơn”, với tư cách là Tổng thống Mỹ.

Donald trump
Cựu Tổng thống Donald Trump đã tái đắc cử, trở thành Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ. Ảnh: Getty

Theo đài RT, các nhà khoa học chính trị Nga cho biết, trong xã hội Nga, ứng cử viên đắc cử Tổng thống Donald Trump được coi là một “nhân vật tỉnh táo hơn”, với tư cách là Tổng thống Mỹ. Điều này dựa trên tiêu chí đánh giá là thái độ của một chính trị gia Mỹ đối với Nga và tình hình xung quanh Ukraine.

Giáo sư, ứng cử viên khoa học chính trị Dmitry Evstafiev nhận định: “Ông Trump vẫn giữ quan điểm theo chủ nghĩa hiện thực chính trị, mặc dù có những quyết định khá hung hăng. Ông lấy ý tưởng đưa Mỹ ra khỏi một cuộc chiến lớn có thể nổ ra giữa Nga và NATO về Ukraine là trọng tâm trong chiến dịch tranh cử của mình. Ở nhiệm kỳ đầu của mình, Ông Trump vẫn cố gắng suy nghĩ về hậu quả từ những quyết định của mình. Điều này không giống như chính quyền Tổng thống Joe Biden, duy trì quan điểm cứng rắn “kỳ lạ” đối với Nga”.

Ngược lại, nhà khoa học chính trị người Mỹ Malek Dudkov tin rằng, nhiều người Nga có thể bị ông Donald Trump thu hút bởi “hình ảnh một nhà tư bản Mỹ cổ điển” của ông.

“Bất chấp sự khác biệt, hình ảnh của ông Trump trông hấp dẫn hơn, so với bối cảnh của các chính trị gia trong đảng Dân chủ, bao gồm cả Phó Tổng thống Kamala Harris – người được xem chịu ảnh hưởng lớn từ “cái bóng” của Tổng thống Joe Biden”, chuyên gia Dudkov nói trong cuộc trò chuyện với RT.

Theo RT, trước đó, tại một cuộc vận động lớn ở New York, ông Donald Trump nhiều lần đề cập đến vấn đề Nga. Bình luận về cuộc xung đột Ukraine, cựu Tổng thống Mỹ đã hai lần đưa ra những tuyên bố về Tổng thống Vladimir Putin, nhắc lại rằng ông rất hợp tác với nhà lãnh đạo Nga.

“Tôi biết cách hòa hợp với họ. Tôi rất hợp với ông Putin. Và hy vọng có thể hòa hợp tốt hơn với ông ấy trong tương lai” - ông Trump nói.

Cựu Tổng thống Mỹ cũng nhắc về mối quan hệ cá nhân tốt đẹp của mình với nhà lãnh đạo Nga trong cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Ông Trump hứa sẽ tìm ra giải pháp giải quyết xung đột ở Ukraine ngay cả trước khi ông nhậm chức. Ông Trump nhấn mạnh rằng, không nên mong đợi sự thất bại của Nga, và cảnh báo “hãy ghi nhớ số phận của Hitler và Napoléon”. Ý tưởng này một lần nữa lặp lại trong cuộc phỏng vấn với tỷ phú Elon Musk: “Nga đã đánh bại Đức, và đánh bại Napoléon. Nga có nhiều kinh nghiệm và sức mạnh chiến đấu tuyệt vời”, ông Trump nói.

Sau chiến thắng của ứng viên Donald Trump trong cuộc bầu cử Mỹ, Điện Kremlin cho biết, khả năng ông Trump sẽ sớm liên lạc với Tổng thống Nga Putin, trước lễ nhậm chức ở Mỹ. Phát ngôn viên Điện Kremlin nói rằng, hiện chưa có kế hoạch gì gọi là chuẩn bị cho cuộc gặp có thể xảy ra giữa Tổng thống Putin và ông Donald Trump.

Bộ Ngoại giao Nga khẳng định, Moskva chưa bao giờ từ chối liên lạc với Mỹ. Tuyên bố này được Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đưa ra, trả lời câu hỏi về triển vọng đối thoại với các đại diện của chính quyền tương lai ở Mỹ. Theo ông Lavrov, “đối thoại luôn tốt hơn là đối đầu, cô lập nhau”.

Nhà phân tích Malek Dudkov cho rằng, mặc dù thực tế rằng Donald Trump không phải là một chính trị gia “thân thiện với Nga” và trong mọi trường hợp sẽ bảo vệ lợi ích của Mỹ trên hết, nhưng ông Trump vẫn là một người theo chủ nghĩa thực dụng và với tư cách là người đứng đầu Nhà Trắng, “điều đó sẽ giúp Washington và Moskva dễ dàng tìm thấy một số lợi ích chung hơn”.

“Ông Trump, với tư cách là một người thực tế, nếu nhận thấy tình hình ở Ukraine bất lợi, thì ông ấy sẽ bắt đầu gây áp lực lên Kiev và đàm phán với Nga. Ông ấy sẽ cố gắng chuyển trách nhiệm gắn với Ukraine sang châu Âu, chuyển trọng tâm chính sách đối ngoại của Mỹ sang các lĩnh vực khác mà ông ấy ưu tiên hơn, chẳng hạn như châu Á để cạnh tranh với Trung Quốc hay Trung Đông”, nhà phân tích Dudkov lập luận.

Vì vậy, đối với chính quyền Kiev, hiện tại chiến thắng của ứng viên Donald Trump thực sự là một “câu chuyện tiêu cực”, chuyên gia Dudkov tin tưởng.

“Khối lượng viện trợ quân sự từ Mỹ dưới thời ông Trump có thể sẽ giảm, Mỹ sẽ ít chú ý hơn đến Ukraine, điều này khá logic, vì chương trình nghị sự này hiện không phải là nền tảng của toàn bộ chính sách đối ngoại của Mỹ trong thế kỷ 21” – chuyên gia Dudkov dự đoán.

Tuy nhiên, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Dự báo Chiến lược của Đại học Hữu nghị các dân tộc Nga, Evgeniy Semibratov, lại có quan điểm trái ngược. Ông tin rằng, cựu Tổng thống Trump sẽ muốn “kết thúc một cách tốt đẹp” cuộc xung đột ở Ukraine, nhưng điều này hoàn toàn không có nghĩa là kế hoạch của ông sẽ có lợi cho Nga.

“Phương châm chính là ông ấy sẽ làm cho nước Mỹ vĩ đại. Và chiến thắng trọn vẹn, rực rỡ của Nga trong một chiến dịch quân sự đặc biệt không thể cản trở được điều này. Và ông Trump hiểu điều này. Ông nói rằng, nếu Tổng thống Putin không chấp nhận kế hoạch của ông thì ông sẽ tăng cường hỗ trợ đáng kể cho chế độ Kiev. Nhưng câu hỏi liệu ngành công nghiệp Mỹ và phương Tây nói chung có khả năng làm được điều này hay không vẫn còn bỏ ngỏ. Rốt cuộc, đây là lý do tại sao lực lượng vũ trang Ukraine đang thiếu hụt đáng kể vũ khí. Và làm thế nào ông Trump sẽ thoát khỏi tình trạng này vẫn chưa rõ ràng” – chuyên gia Semibratov lập luận.

Mỹ Nga