Cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh

Đồng chí Vi Văn Lâm - người đảng viên ưu tú của nhân dân Môn Sơn (Con Cuông) trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh

Trần Thị Hồng Nhung 13/11/2024 06:50

Đồng chí Vi Văn Lâm (bí danh Cảnh), sinh năm 1910, trong một gia đình hiếu học tại Đồng Khùa (bản Thái Hòa), xã môn Sơn, huyện Con Cuông. Năm 13 tuổi, Vi Văn Lâm được bố mời thầy về dạy học chữ Nho, chính vì thế, ông là một trong số ít những người có học vấn trong bản. Với tài năng vượt trội, khéo tay, đan lát giỏi, cắt tóc đẹp… chàng trai trẻ Vi Văn Lâm nổi tiếng khắp các bản làng ở Môn Sơn - Lục Dạ.

Môn Sơn - Lục Dạ là mảnh đất có truyền thống lịch sử yêu nước từ lâu đời và truyền thống văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc. Từ những tấm gương tham gia nghĩa binh chống Pháp như Cai Lang, Lang Văn Út, Quản Thế… cùng với rất nhiều câu chuyện cổ tích, truyền thuyết, điệu dân ca về tình đoàn kết, tình yêu lao động, sự tích anh hùng… như nguồn sữa mát nuôi dưỡng biết bao tâm hồn những người con yêu nước của quê hương trong đó có đồng chí Vi Văn Lâm.

Khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, với ách áp bức bóc lột tàn bạo đã đẩy nhân dân từ miền xuôi lên miền ngược, từ thành thị tới nông thôn vào cảnh bần cùng không lối thoát. Tại Môn Sơn - Lục Dạ, từ năm 1899 đã có 16 gia đình phải nộp thuế đinh và nhiều thứ thuế vô lý khác cho thực dân Pháp. Đến năm 1930, số thuế dân làng ở đây phải nộp càng tăng lên gấp bội. Cảnh binh lính Pháp cùng bọn bang tá, tay sai vào làng bản Môn Sơn mị dân, ức hiếp phụ nữ diễn ra thường xuyên… đã khắc sâu vào tâm trí của đồng chí Vi Văn Lâm, nhen nhóm trong anh ngọn lửa yêu nước, chờ thời cơ khi được giác ngộ sẽ bùng lên mạnh mẽ.

Chân dung đồng chí Vi Văn Lâm.
Chân dung đồng chí Vi Văn Lâm.

Đầu năm 1931, để duy trì phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh đang bị thực dân Pháp đàn áp đẫm máu, Xứ ủy Trung Kỳ và Tỉnh ủy Nghệ An quyết định phát triển lực lượng và chuyển phong trào cách mạng lên các huyện vùng núi miền Tây. Đồng chí Lê Xuân Đào (Phụ trách Ban Tài chính của Xứ ủy) và các đồng chí Lê Mạnh Duyệt, Nguyễn Hữu Bình là đặc phái viên của Tỉnh ủy từ Vinh lên Đồng Khùa, làng Bàu, Môn Sơn xây dựng cơ sở và phát triển phong cách mạng địa phương. Nhiều người con yêu nước tại đây đã được giác ngộ cách mạng, trong đó có đồng chí Vi Văn Lâm. Đồng chí đã trở thành một trong những quần chúng tích cực, hạt nhân của phong trào với những hoạt động sôi nổi như giao thông liên lạc, rải truyền đơn, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng và giác ngộ thêm nhiều quần chúng khác.

Tháng 4/1931, Chi bộ xã Môn Sơn được thành lập gồm 6 đảng viên: Vi Văn Khang, Lê Mạnh Duyệt, Vi Văn Quý, Vi Văn Hanh, Vi Văn Lâm, Trần Ngân. Đồng chí Vi Văn Khang được bầu làm Bí thư chi bộ. Được đứng vào hàng ngũ của Đảng, đồng chí Vi Văn Lâm đã ra sức hoạt động tích cực không kể ngày đêm góp sức vào những thắng lợi của phong trào cách mạng tại mảnh đất Môn Sơn giàu truyền thống yêu nước.

Chỉ sau một thời gian ngắn, Chi bộ Đảng Môn Sơn mặc dù chỉ có 6 đảng viên nhưng đã xây dựng được các tổ Nông Hội đỏ, Tự vệ đỏ, Phụ nữ đoàn… tại làng Môn, làng Bàu, Đồng Khùa, Cửa Rào, Kẻ Tại, làng Yên, Lục Dạ. Với những đóng góp tích cực của đồng chí Vi Văn Lâm, Chi bộ Đảng Môn Sơn đã trực tiếp chỉ đạo xây dựng 3 đội Tự vệ đỏ gồm 20 hội viên để bảo vệ cơ sở Đảng và quần chúng đấu tranh. Các tổ chức Nông hội đã tiến hành những hoạt động thiết thực, vận động nhân dân quyên góp lương thực ủng hộ đồng bào Phúc Sơn (Anh Sơn) đang lánh nạn, tránh sự đàn áp của thực dân Pháp.

Trong quá trình hoạt động, đồng chí Vi Văn Lâm đã dùng nhà mình làm cơ sở liên lạc, hội họp, nuôi giấu cán bộ Đảng và cất giấu truyền đơn, tài liệu. Đồng chí cũng đã giác ngộ vợ mình là bà Phạm Thị Châu tham gia hoạt động cách mạng. Mỗi khi các đồng chí Lê Xuân Đào, Nguyễn Hữu Bình, Lê Mạnh Duyệt cùng Chi bộ Đảng Môn Sơn đến nhà đồng chí Vi Văn Lâm hội họp để triển khai kế hoạch đi biểu tình, vay thóc của nhà giàu cứu đói cho dân, bà Phạm Thị Châu lại đón tiếp, phục vụ chu đáo đồng thời canh gác, bảo vệ, đảm bảo an toàn, bí mật.

Dưới dự chỉ đạo của đồng chí Lê Xuân Đào, Chi bộ Đảng Môn Sơn đã tổ chức in ấn truyền đơn, tài liệu tại hòn đá chụm Khe Bẩm. Với bản tính ít nói, kín đáo, làm việc gì cũng cẩn thận nên các đồng chí: Vi Văn Lâm, Vi Văn Quý, Vi Văn Hanh được Chi bộ Đảng giao phó nhiệm vụ quan trọng này. Đồng chí Vi Văn Lâm khéo tay lại có học nên khi được hướng dẫn, đồng chí tiếp thu nhanh kỹ thuật in trên đá, làm vừa nhanh, vừa đẹp. Mỗi lần các đồng chí in được hàng trăm tờ truyền đơn để kêu gọi nhân dân đoàn kết đấu tranh, biểu tình chống sưu cao, thuế nặng, chống tạp dịch… Truyền đơn in xong, khi chưa kịp đi rải trong các bản làng, đồng chí Vi Văn Lâm đã bí mật mang về nhà trao cho vợ cất giấu trong cà bèm để tránh sự truy lùng, khám xét của kẻ thù.

Chính quyền thực dân, phong kiến cũng không ngờ rằng, đồng chí Vi Văn Lâm trong vai một chàng đồ sinh đã nhiều lần mang thống đồ nghề cắt tóc để trên, truyền đơn, tài liệu để dưới đã đi khắp các bản làng xa xôi ở Môn Sơn, Lục Dạ để gieo mầm cách mạng. Dù nhiều lần bị khám xét nhưng đồng chí đã nhanh trí, khôn khéo qua mặt được bọn mật thám, tay sai.

Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của cán bộ Xứ ủy Trung Kỳ, ngày 9/8/1931, Chi bộ Môn Sơn đã tổ chức cuộc tuần hành, thị uy quanh xã với sự tham gia của khoảng 300 quần chúng. Để chuẩn bị cho cuộc biểu tình này, đồng chí Vi Văn Lâm và Vi Văn Quý đã bí mật trèo lên cây đa Cồn Chùa treo cờ đỏ búa liềm, dán khẩu hiệu và treo cờ ở Lục Dạ, Cửa Rào, Bến Chợ. Trong tiếng trống liên hồi cổ vũ, đoàn biểu tình xuất phát từ làng Bãi Cánh đến làng Nậm Bơ, lên Cửa Rào, đền Cả, đến cây đa Cồn Chùa, qua bản Hủa Nà kéo đến nhà Chánh đoàn Ba Uôn gian ác. Trước khí thế sôi nổi của quần chúng nhân dân Ba Uôn hoảng sợ chạy lên huyện báo cáo, người nhà hắn đưa 5 tạ lúa, tiền bạc nộp cho cách mạng. Nông hội đỏ đã phân phát lúa, tiền cho những gia đình nghèo đói. Cuộc đấu tranh giành thắng lợi bước đầu, quần chúng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Đóng góp vào thắng lợi của cuộc đấu tranh này có một phần vai trò của đồng chí Vi Văn Lâm. Đồng chí là người hướng dẫn quần chúng nhân dân thực hiện đúng nội dung chi bộ đề ra, cuộc biểu tình diễn ra sôi nổi nhưng có tổ chức, kỷ luật, kết quả đạt được theo kế hoạch.

Trước phong trào đấu tranh của nhân dân Môn Sơn (Con Cuông), thực dân Pháp đã tiến hành đàn áp hòng dập tắt phong trào. Tri huyện đã cho lính vào nhà đồng chí Vi Văn Lâm bắt đưa tới nhà đồng chí Vi Văn Khang. Tại đây, khi thấy đồng chí Vi Văn Khang bị treo lên hạ nhà, đồng chí Vi Văn Lâm hết sức lo lắng cho đồng chí của mình nhưng vẫn giữ nét mặt bình thản, bình tĩnh trả lời câu hỏi của chúng: Có phải thằng Ích này là đầu sỏ của bọn cộng sản ở đây không ? Nếu không khai tao bắn. Đồng chí đáp lại đanh thép: Tôi không biết gì cả, tùy các ông, các ông giết ông Khang, bắn tôi, có người sẽ cầm dao quắm chém bể đầu các ông ra. Bọn giặc sợ hãi thả đồng chí Vi Văn Khang xuống, bắt cả 2 đồng chí ra huyện, giam giữ một thời gian không khai thác được gì chúng phải thả đồng chí Vi Văn Lâm trở về.

Di tích lịch sử Quốc gia Nhà cụ Vi Văn Khang tại xã Môn Sơn, huyện Con Cuông. Ảnh tư liệu: Hoài Thu

Với tinh thần cách mạng kiên trung của một người đảng viên gương mẫu, đồng chí Vi Văn Lâm tiếp tục hoạt động cách mạng tại quê nhà và giữ nhiều chức vụ khác nhau từ năm 1945-1960 như: Làm giao thông trong Ban khởi nghĩa xã Môn Sơn, Ủy viên BCH Nông dân, Chủ tịch Ủy ban hành chính xã Môn Sơn, Bí thư Huyện ủy Con Cuông. Đồng chí cũng vinh dự được cử sang tham quan, học tập ở Liên Xô. Năm 1965, đồng chí nghỉ hưu tại quê nhà cùng với người vợ hiền đã cùng ông hoạt động cống hiến cho sự phát triển của Chi bộ Đảng và phong trào cách mạng ở Môn Sơn.

Từ một chàng thanh niên tài hoa khéo léo của mảnh đất Môn Sơn, giàu truyền thống văn hóa và cách mạng, đồng chí Vi Văn Lâm đã trở thành một trong những đảng viên đầu tiên của mảnh đất này. Với những đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, đồng chí Vi Văn Lâm và gia đình xứng đáng là những tấm gương điển hình cho tinh thần, nhiệt huyết, lòng yêu nước của đồng bào các dân tộc miền Tây Nghệ Tĩnh trong phong trào cách mạng 1930-1931.

Trần Thị Hồng Nhung