Quốc tế

Phương Tây đang cân nhắc ‘đổi đất lấy hòa bình’ ở Ukraine?

Hoàng Bách 14/11/2024 11:52

Những thất bại trên chiến trường cùng các cuộc bầu cử ở Mỹ được cho là đã thúc đẩy sự thay đổi, chuyển hướng sang các cuộc đàm phán.

6734f7bd203027654e182fd7.jpg
Một quân nhân Ukraine. Ảnh: Getty

Theo tờ Washington Post, mặc dù Kiev vẫn giữ thái độ phản đối, các thành viên châu Âu của liên minh NATO ngày càng tin vào việc kết thúc xung đột Nga-Ukraine bằng con đường đàm phán, và điều này có thể liên quan đến những nhượng bộ về lãnh thổ.

Mỹ cùng các đồng minh của họ đã chuyển tiền mặt, vũ khí, trang thiết bị và đạn dược có tổng trị giá hàng trăm tỷ USD tới Ukraine kể từ năm 2022, trong khi vẫn khẳng định họ không phải là bên trực tiếp tham gia vào các cuộc giao tranh.

Theo thông tin đăng tải trên Washington Post vào ngày 13/11, một số quốc gia châu Âu hiện đang trải qua một sự “thay đổi âm thầm nhưng ngày càng rõ rệt” hướng tới một lệnh ngừng bắn, theo đó sẽ để Nga kiểm soát một phần lãnh thổ mà Ukraine tuyên bố chủ quyền, trong khi vẫn cung cấp cho Kiev một số đảm bảo về an ninh.

Nguồn tin trên cho biết, các cuộc thảo luận bí mật được thúc đẩy bởi tình hình chiến trường “ảm đạm” cho Ukraine và viễn cảnh tài trợ từ Mỹ có thể cạn kiệt khi Tổng thống đắc cử Donald Trump nhậm chức vào tháng 1/2025. Theo đó, dù các tuyên bố công khai ủng hộ Kiev vẫn tiếp tục được đưa ra, 10 nhà ngoại giao đương nhiệm và cựu nhà ngoại giao của EU và NATO nói với Washington Post rằng, một số quốc gia đang tìm cách “đặt nền móng” cho các cuộc hòa đàm.

Một trong những ý tưởng đang được đưa ra là để Nga nắm các vùng lãnh thổ mà họ đang kiểm soát, trong khi đó Ukraine sẽ nhận được sự hiện diện của lực lượng gìn giữ hòa bình phương Tây hoặc những sự đảm bảo an ninh khác, chứ không phải tư cách thành viên NATO.

“Đây chắc chắn không còn là một ý tưởng bên lề nữa”, một quan chức phương Tây giấu tên nói với tờ Washington Post, trong khi một quan chức cấp cao của NATO cho biết, những người đưa ra đề xuất “đổi đất lấy hòa bình” giờ đây không còn bị coi là “dị giáo” như trước.

Chuyên gia Camille Grand của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại châu Âu nói với tờ Post rằng, trong số các thành viên NATO ở châu Âu, “có 50 sắc thái” về hình dung của thỏa thuận hòa bình. Trong khi đó, không ai biết ông Trump sẽ đề xuất gì khi ông nhậm chức.

6734c81085f54035b54ef1c3.jpg
Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump. Ảnh: Getty

Theo tờ Post, chính quyền Mỹ đương nhiệm đã và đang “vội vã cung cấp càng nhiều viện trợ quân sự càng tốt” cho Ukraine trước khi điều này diễn ra. Ngoại trưởng Antony Blinken đã đến Brussels vào ngày 13/11 để thảo luận về chiến lược với các quan chức cấp cao của NATO, EU và Ukraine.

Trước đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố rằng “khi đến thời điểm, không được phép quyết định gì về Ukraine mà không có người Ukraine, cũng như về châu Âu mà không có người châu Âu”.

Điều này đặt ra vấn đề đối với NATO, vì Tổng thống Vladimir Zelensky của Ukraine đã từ chối bất kỳ đề xuất nào về việc từ bỏ các tuyên bố chủ quyền lãnh thổ hoặc cái gọi là nền tảng hòa bình của ông, theo đó kêu gọi Nga đầu hàng.

Ngày 13/11, cố vấn của ông Zelensky, Mikhail Podoliak, đã đăng trên mạng xã hội X rằng các đề xuất hòa bình từ phương Tây đồng nghĩa với “hòa bình bằng cách hy sinh nạn nhân” và không đưa ra bất kỳ “kịch bản thực tế nào buộc Nga phải ngừng gây hấn”.

Thách thức lớn nhất đối với phương Tây, theo Post, sẽ là “điều chỉnh thông điệp công khai về các cuộc đàm phán sau hơn 2 năm cảnh báo về một mối đe dọa mang tính sống còn đối với châu Âu” vốn đã đòi hỏi chi tiêu hàng tỷ USD cho Ukraine.

Một quan chức giấu tên nói với Washington Post: “Đó là một điều quan trọng trong bất kỳ thỏa thuận nào mà chúng tôi thực hiện. Nó không bao giờ được coi là một chiến thắng cho Nga”.

Moskva đã công bố các điều kiện để chấm dứt xung đột vào đầu năm nay, trong đó bao gồm việc Ukraine rút khỏi tất cả các khu vực đã bỏ phiếu sáp nhập vào Nga, “phi phát xít hóa” chính quyền ở Kiev, cũng như duy trì tính trung lập về quân sự và chính trị vĩnh viễn.

Hoàng Bách