Quốc tế

Thủ tướng Đức điện đàm với Tổng thống Nga, chấm dứt sự cô lập của phương Tây với Moskva

Hoàng Bách 16/11/2024 06:41

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã lần đầu tiên sau gần 2 năm có cuộc trao đổi với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào ngày 15/11, trong bối cảnh nhà lãnh đạo Đức chuẩn bị cho một cuộc bầu cử sớm và châu Âu đang chờ đợi kế hoạch chấm dứt chiến tranh ở Ukraine của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump.

Kêu gọi hòa bình công bằng và bền vững

ywgb2aqfznozbdxewhylvtd4ha.jpg
Thủ tướng Đức Olaf Scholz đang điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong lúc cố vấn chính sách đối ngoại và an ninh Jens Ploetner cùng người phát ngôn chính phủ Steffen Hebestreit dõi theo cuộc trao đổi tại Berlin, Đức. Ảnh: BPA

Theo thông báo của Chính phủ Đức, trong cuộc điện đàm mà sau đó bị Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhanh chóng chỉ trích, ông Scholz kêu gọi ông Putin rút lực lượng khỏi Ukraine và bắt đầu đàm phán với Kiev nhằm mở đường cho một "nền hòa bình công bằng và bền vững”.

Điện Kremlin cho biết, cuộc hội thoại diễn ra theo đề nghị của Berlin và ông Putin đã nói với ông Scholz rằng bất kỳ thỏa thuận nào để chấm dứt chiến tranh ở Ukraine cũng phải tính đến các lợi ích an ninh của Nga và phản ánh "những thực tế lãnh thổ mới”.

Ông Zelensky nhận định cuộc gọi đã mở ra một "chiếc hộp Pandora" khi phá hoại các nỗ lực cô lập nhà lãnh đạo Nga. Theo các nguồn thạo tin, ông cùng các quan chức châu Âu khác đã cảnh báo ông Scholz chớ có hành động này, đồng thời cho rằng đây là bước đi phục vụ lợi ích trong nước.

Đối mặt với cuộc bầu cử sớm vào ngày 23/2, Đảng Dân chủ Xã hội (SPD) của ông Scholz đang chịu sức ép từ các đảng dân túy thân Nga thuộc cả hai phe chính trị, họ cho rằng chính phủ chưa triển khai đủ các nỗ lực ngoại giao để kết thúc chiến tranh.

"Thủ tướng đã kêu gọi Nga thể hiện thiện chí tham gia đàm phán với Ukraine nhằm đạt được một nền hòa bình công bằng và bền vững", người phát ngôn Chính phủ Đức tuyên bố.

"Ông nhấn mạnh, quyết tâm không lay chuyển của Đức trong việc ủng hộ Ukraine phòng vệ trước sự gây hấn của Nga chừng nào còn cần thiết", phát ngôn viên nói thêm.

Tuy nhiên, Ukraine cho rằng các cuộc trao đổi qua điện thoại với ông Putin không mang lại giá trị gì thêm trên con đường đạt được "hòa bình công bằng" ở Ukraine, mà chỉ giúp ông giảm bớt thế cô lập.

"Giờ đây có thể sẽ có thêm những cuộc trò chuyện, những cuộc gọi khác. Chỉ toàn lời nói", ông Zelensky cho biết trong bài phát biểu tối của mình. "Và đây chính là điều mà ông Putin từ lâu đã mong muốn: việc làm suy yếu thế cô lập và tiến hành các cuộc đàm phán bình thường là rất quan trọng đối với ông ấy”.

Cuộc gọi diễn ra trong tuần sau khi ông Trump đắc cử làm Tổng thống Mỹ kế nhiệm. Ông Trump đã gợi ý rằng có thể chấm dứt chiến tranh một cách nhanh chóng mà không giải thích cách thức, đồng thời nhiều lần chỉ trích quy mô viện trợ tài chính và quân sự của phương Tây cho Kiev.

"Điều này phát đi một tín hiệu xấu, đặc biệt là sau khi ông Trump đắc cử", một nhà ngoại giao phương Tây nhận định, lưu ý rằng đất nước của ông đã nói với Berlin rằng đó không phải ý tưởng tốt. "Tôi hy vọng ông Scholz có thể nói với cử tri rằng 'hãy nhìn xem, tôi đã làm điều đó và thấy rằng nó chỉ lãng phí thời gian vì ông Putin không sẵn sàng cho bất cứ điều gì'. Nhưng tất nhiên, vẫn còn câu hỏi về cách Nga sẽ diễn giải điều này".

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hiện không có kế hoạch đối thoại với Putin, một nguồn tin từ đội ngũ của ông cho biết.

Thủ tướng Scholz sẽ thông tin đến các đồng minh

Thủ tướng Đức Olaf Scholz đang trò chuyện qua điện thoại với Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong khi cố vấn chính sách đối ngoại và an ninh Jens Ploetner và người phát ngôn chính phủ Steffen Hebestreit theo dõi tại Berlin, Đức.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz tham dự cuộc họp báo chung với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại Moskva, Nga ngày 15/2/2022. Ảnh: Sputnik

Điện Kremlin cho biết, ông Putin đã nói với ông Scholz rằng Nga sẵn sàng xem xét các thỏa thuận năng lượng nếu Đức quan tâm. Đức từng phụ thuộc nhiều vào khí đốt của Nga trước chiến tranh nhưng các chuyến hàng trực tiếp đã ngừng lại khi các đường ống dưới biển Baltic bị nổ tung vào năm 2022.

Các quan chức Đức cho biết, ông Scholz dự định thông tin đến ông Zelensky, các đồng minh của Đức, các đối tác, và các lãnh đạo của Liên minh châu Âu (EU) và NATO về kết quả của cuộc điện đàm hôm 15/11. Họ nói thêm rằng, ông Putin và ông Scholz đã đồng ý giữ liên lạc.

Ukraine hiện đang đối mặt với những điều kiện ngày càng khó khăn ở tiền tuyến phía Đông nước này trong bối cảnh thiếu vũ khí và nhân lực, trong khi lực lượng Nga tiếp tục có những bước tiến ổn định.

Một quan chức Chính phủ Đức khác cho biết, Thủ tướng Scholz đã nói với Tổng thống Nga Putin rằng việc triển khai binh lính Triều Tiên tới Nga để thực hiện nhiệm vụ chiến đấu chống Ukraine được xem là sự leo thang nghiêm trọng và mở rộng xung đột.

Ông Zelensky cho biết, Triều Tiên có 11.000 binh sĩ ở Nga và một số đã thương vong trong các trận chiến với lực lượng Ukraine hiện đang chiếm giữ vùng lãnh thổ ở khu vực Kursk phía Nam nước Nga.

Đức đã cung cấp cho Ukraine tổng cộng 15 tỷ euro hỗ trợ tài chính, nhân đạo và quân sự kể từ khi chiến tranh toàn diện nổ ra, khiến nước này trở thành nhà tài trợ lớn thứ hai của Kiev sau Mỹ.

Tương lai khoản viện trợ của Mỹ dành cho Ukraine vẫn chưa rõ ràng sau chiến thắng bầu cử của ông Trump.

Trước đó, ông Scholz và ông Putin lần cuối nói chuyện vào tháng 12/2022, tức 10 tháng sau khi xung đột Nga-Ukraine bùng phát, đẩy mối quan hệ giữa Moskva với phương Tây vào tình trạng đóng băng sâu nhất kể từ Chiến tranh Lạnh.

Hoàng Bách