Kinh tế

Tiết kiệm năng lượng tại Nhà máy Xi măng Đô Lương

Thu Huyền 16/11/2024 11:31

Xi măng là ngành tiêu thụ nhiều năng lượng. Tại Nhà máy Xi măng Đô lương, hàng năm, lượng điện năng tiêu thụ trung bình rất lớn, với 268.770.410 kWh tương đương 412 tỷ đồng, chiếm 35% giá thành sản xuất của mỗi sản phẩm.

Đầu tư công nghệ phát điện nhiệt dư

Với lượng tiêu thụ điện năng rất lớn, việc đưa ra giải pháp nhằm tối ưu hóa điện năng, giảm giá thành, nâng tính cạnh tranh của sản phẩm luôn là trăn trở của Tập đoàn Xi măng The Vissai. Trong đó, đầu tư công nghệ phát điện nhiệt dư được doanh nghiệp lựa chọn.

Hệ thống phát điện nhiệt khí dư là giải pháp công nghệ mới tiên tiến của châu Âu được nhiều nước ứng dụng trong các ngành công nghiệp. Công nghệ này hiện tại cũng được Tập đoàn Xi măng The Vissai ứng dụng và lắp đặt đồng bộ với quá trình xây dựng Nhà máy Xi măng Đô Lương và đã đi vào hoạt động ổn định từ đầu năm 2017.

Hệ thống phát điện nhiệt khí dư hoạt động dựa trên nguyên lý thu nhiệt từ khí thải và khí dư của dây chuyền sản xuất clinker để lấy hơi nước chạy turbine máy phát và phát điện lên hệ thống lưới điện của nhà máy phục vụ quá trình sản xuất, góp phần làm giảm giá thành sản phẩm và bảo vệ môi trường. Khí thải và khí dư sau khi đi qua hệ thống phát điện khí dư sẽ sạch bụi và được làm nguội trước khi thải ra môi trường.

Xưởng phát điện nhiệt dư tại nhà máy xi măng Sông Lam
Xưởng phát điện nhiệt dư tại Nhà máy xi măng Sông Lam. Ảnh: TH

Đây là giải pháp bảo vệ môi trường tốt nhất, hiện đại nhất trong công nghệ sản xuất xi măng hiện nay. Theo thống kê, mỗi năm hệ thống này sản xuất được trên 100 triệu kWh, cung cấp đến 39% tổng lượng điện tiêu thụ của Nhà máy Xi măng Đô Lương.

Để giảm điện năng tiêu thụ, hệ thống nhiệt dư được lắp đặt và vận hành nhằm mục đích thu hồi lượng nhiệt thải ra của hệ thống lò nung để phát điện năng phục vụ lại cho nhà máy. Qua đó, thu hồi nhiệt tại hai vị trí, khí nóng thải ra khi làm mát Clinker (lò AQC) và gió nóng từ tháp trao đổi nhiệt (lò SP) trên cả hai dây chuyền. Với giải pháp này, năm 2023, hệ thống nhiệt dư đã tiết kiệm được 159 tỷ đồng.

Nhà máy cũng lắp biến tần điều khiển động cơ 2 quạt hút ID (6.0 KV-3150 Kw). Điều khiển lưu lượng hút gió của quạt bằng cách thay đổi tốc độ quay của quạt gió so với cách thay đổi van tiết lưu và khớp nối thủy lực như trước. Điện năng tiêu thụ của quạt nghiền liệu sau khi lắp biến tần giảm 25%.

hệ thống lò sản xuất tại nhà máy xi măng Sông Lam
Hệ thống lò sản xuất tại Nhà máy Xi măng Sông Lam. Ảnh: TH

Theo tính toán, trong năm 2024 với sản lượng Clinker dự kiến là 4.460.000 tấn thì lượng điện năng tiết kiệm được (so với không lắp biến tần) là 8.920.000 Kwh, tương đương 26,7 tỷ đồng.

Ngoài ra, điện năng tiêu thụ của quạt nghiền than sau khi lắp biến tần giảm 41%. Tính trong năm 2024 với sản lượng Clinker dự kiến là 4.460.000 tấn thì lượng điện năng tiết kiệm được (so với không lắp biến tần) là 1.962.400 Kwh, tương đương 2,94 tỷ đồng.

Đồng bộ nhiều giải pháp

Cùng với đầu tư công nghệ phát điện nhiệt dư, tháng 5/2024, Nhà máy Xi măng Đô Lương đưa vào khai thác hệ thống phát điện năng lượng mặt trời, tận dụng lắp đặt trên các mái kho nguyên liệu. Nhờ đó, bình quân 1 tháng phát được 170 MWh, chiếm khoảng 0.8% tổng điện năng sử dụng của nhà máy.

Ông Phạm Xuân Khánh - Phó Giám đốc sản xuất, Công ty CP Xi măng Sông Lam cho biết: Chúng tôi cũng tối ưu hóa vận hành thiết bị, dừng luân phiên các thiết bị trong giờ cao điểm để giảm chi phí tiền điện và chi phí sản xuất trên đầu sản phẩm clinker. Nhờ đó, giảm chi phí sản xuất do chênh lệch giá điện giữa giờ cao điểm, giờ thấp điểm so với giờ bình thường, đồng thời giảm tải điện năng ở giờ cao điểm cho điện lưới quốc gia. Giải pháp này giúp tiết kiệm chi phí 14.5 tỷ đồng (là chi phí chênh lệch giá mua điện giữa giờ cao điểm và giờ bình thường). Kiểm soát hoạt động các thiết bị chiếu sáng, thay thế các bóng đèn có hiệu suất làm việc thấp bằng các bóng đèn có hiệu suất làm việc cao hơn. Khi lắp đặt mới hoặc thay thế đèn hỏng thì sử dụng đèn LED. Quy định khung giờ bật đèn chiếu sáng đối với các khu vực chiếu sáng trong nhà máy.

nhà máy xi măng Sông Lam
Tất cả quy trình sản xuất, tiết kiệm năng lượng được Nhà máy Xi măng Sông Lam kiểm soát chặt chẽ. Ảnh: TH

Về giải pháp kiểm soát hoạt động của điều hòa không khí, các trạm điện và khu vực hành chính quy định mức nhiệt độ điều hòa cài đặt ở mức từ 26 độ C đến 28 độ C. Làm kín tất cả các phòng có điều hòa, tận dụng nguồn gió tự nhiên, chỉ sử dụng điều hòa sau 8h và tắt trước khi về 15 phút đối với khu vực làm việc giờ hành chính. Tắt điều hòa khi không sử dụng và thường xuyên bảo dưỡng điều hòa không khí, thay thế các thiết bị hoạt động kém hiệu quả.

Doanh nghiệp cũng cải tiến quy trình sản xuất theo hướng tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải khí nhà kính. Thành lập ban quản lý năng lượng để theo dõi tình trạng tiêu thụ năng lượng của nhà máy. 3 năm 1 lần nhà máy thuê đơn vị kiểm toán năng lượng để kiểm toán lại mức tiêu thụ năng lượng của nhà máy. Qua đó, phát hiện những điểm còn thiếu sót trong công tác quản lý năng lượng và sẽ xử lý để giảm tiêu hao điện năng.

Đồng thời, tối ưu hóa vận hành thiết bị bằng các biện pháp: bảo dưỡng định kỳ các thiết bị, thay thế các các thiết bị cũ kỹ tiêu hao năng lượng lớn bằng các thiết bị tiên tiến tiêu hao ít năng lượng hơn. Dừng giờ cao điểm các thiết bị để giảm giá thành điện và tránh quá tải lưới điện. Rà soát các vị trí rò rỉ điện năng và nhiệt năng trong nhà máy và tiến hành khắc phục. Liên tục cải tiến thiết bị và quy trình sản xuất mục tiêu làm giảm điện năng.

Thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng và hiệu quả, Công ty cổ phần Xi măng Sông Lam đã triển khai các biện pháp, qua đó mang lại hiệu quả kinh tế cho công ty và tiết kiệm năng lượng cho xã hội. Theo Phó Giám đốc sản xuất Phạm Xuân Khánh: Bằng cách áp dụng công nghệ và phương pháp quản lý mới, năm 2023 đến nay, nhà máy đã tiết kiệm được 131.533.255 kWh, tương đương 195 tỷ đồng.

Hiện nay, Nhà máy đã xây dựng hệ thống quản lý năng lượng: Ban hành chính sách năng lượng của nhà máy; Thành lập ban quản lý năng lượng bao gồm nhiều thành viên của các phòng ban phân xưởng. Có người quản lý năng lượng được cấp chứng chỉ của Bộ Công Thương. Ban hành kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, và chính sách thưởng phạt đối với công nhân viên trong vấn đề sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Hằng năm, báo cáo tình trạng sử dụng năng lượng và kế hoạch sử dụng năng lượng gửi Sở Công Thương, cũng như định kỳ kiểm toán năng lượng 3 năm/lần theo luật định...

Thu Huyền