Tâm tình ví, giặm
Nghĩ về ví, giặm thì nghĩ vào thời điểm nào cũng hợp, như nghe ví, giặm thì nghe vào lúc nào cũng hay. Nhưng những ngày này, khi đang náo nức đợi chờ sự kiện Kỷ niệm 10 năm Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, chợt dâng lên bao tâm tình ví, giặm.
Giờ bỗng dưng ai hỏi ví, giặm hay ở chỗ nào mà mê đắm đến thế, thì khó trả lời lắm. Dân ca nói chung, ví, giặm nói riêng, không hay như kiểu hay của các thể loại nhạc trẻ, người hát có khi cũng chẳng trẻ trung, xinh đẹp như những ca sĩ đương thời, không gian hát giản dị, mộc mạc, không chuộng lấp lánh cầu kỳ đèn hoa… Ấy nhưng, ai nghe ví, giặm một thời gian cũng “say” ví, giặm, bởi ví, giặm là tinh hoa cốt tuỷ được chắt chiu từ đời sống nhọc nhằn, vì vậy, nghe ví, giặm luôn đậm đà thật đã, thật đời.
Nghe ví, giặm rất thật: ngợi ca thật, chê trách thật, yêu thương thật, nhớ nhung và hờn dỗi cũng rất thật. Thật mà duyên dáng, ý nhị, tinh tế, sâu kín, chứ không phô. Ai nghe câu ví ghẹo này mà chẳng xao lòng: “Anh đến giàn hoa thì hoa kia đã nở/ Anh đến bến đò thì đò đã sang sông/ Anh đến tìm em thì em đã lấy chồng…”. Ai nghe lời ví giận thương này mà chẳng giận rồi thương: “Giận thì giận, mà thương thì thương/ Anh sai đường thì em không chịu nổi/ Anh yêu ơi xin đừng có giận vội/ Mà trước tiên anh phải tự trách mình”…
Ví, giặm hiếm khi có ví von ước lệ xa vời, mà luôn là những ẩn dụ mộc mạc, những đẩy đưa liên tưởng xuất phát từ hiện thực cuộc sống. Một chuyến đò đưa cũng thành câu ví, một buổi cấy đêm cũng thành lời giặm. Trong ví, giặm có non cao, có sông sâu, có dòng suối mát trong, có biển cả mênh mông, có anh và có em… Ví, giặm chuyên chở cái tình, cái nghĩa, cái giận, cái thương, cái hờn, cái ghét… Ví, giặm day dứt chuyện vợ, chuyện chồng, việc nhà, việc nước… Ví, giặm trong như nước, ấm nồng như đất… Nghe ví, giặm mà cười, mà khóc, mà reo lên, mà lặng đi…
Càng nghe ví, giặm lại càng mê ví, giặm. Chắc có lẽ chẳng có loại hình âm nhạc nào mà thể hiện trọn vẹn tính cách người Nghệ như ví, giặm: Vừa chất phác vừa lãng mạn, vừa thô tháp vừa kiêu hãnh, vừa gàn dở vừa thông minh, vừa bộc trực vừa phóng khoáng… Ví, giặm không kế thừa của ai, không dựa vào ai, ví, giặm đơn thuần là của người xứ Nghệ, chắt chiu từ xiết bao lam lũ cực nhọc bần hàn mà cất lên, lấy thì thầm của đồng lúa thơm hương làm nhịp, lấy tiếng vỗ ì oạp vào mạn đò làm phách, lấy trời lấy mây lấy trăng lấy cỏ dệt thành những ca từ mộc mạc thuần chất, gửi gắm bao nghĩa tình sâu đậm.
Tôi đã đi đến một số câu lạc bộ dân ca ví, giặm ở Nghệ An, chưa hẳn nhiều nhưng đã đủ để tin vào cảm nhận rằng nghe ví, giặm hay nhất là phải nghe ở không gian diễn xướng làng quê, nơi có ruộng đồng, bãi bờ, sông nước, nơi những người nông dân xắn quần lội ruộng, người chèo đò rướn sức đẩy thuyền… Ví, giặm được hình thành và phát triển trong môi trường văn hóa nông nghiệp lúa nước, mang đậm hơi thở thiên nhiên và tâm hồn điệu sống, lao động sinh hoạt của cư dân, sinh quyển của ví, giặm được tạo nên từ đất và người xứ Nghệ, nên dễ hiểu, chỉ khi gắn với môi trường này, điệu ví câu giặm mới thuần chất đặm đà khiến người ta mê đắm.
Năm 2015, truyền thông đưa tin nhiều về sự kiện vinh danh dân ca ví giặm là di sản phi vật thể của nhân loại, trong đó có các bài báo phỏng vấn NSND Hồng Lựu. Tôi nhớ trong một bài viết, nữ nghệ sĩ của hồn quê xứ Nghệ ấy đã bộc bạch tâm huyết rằng, để giữ ví, giặm đúng chất ví, giặm thì phải làm thế nào đặt ví, giặm sống trong không gian diễn xướng nguyên thuỷ của nó.
NSND Hồng Lựu kể chuyện làm hồ sơ gửi UNESCO, trong đó đề cập đến hành trình nhiều năm cùng các đồng nghiệp tâm huyết lặn lội về các miền quê Nam Đàn, Thanh Chương, Đô Lương, Nghi Lộc… để tìm gặp nghệ nhân ví, giặm cao tuổi, thâu nhặt, sưu tầm, ghi âm, ghi hình những điệu ví, lời giặm cổ. Chị nói, hát ví, giặm thì nhiều nghệ sĩ chuyên nghiệp hát hay, nhưng cái hay lắng đọng từ cái thật - nghĩa là lao động chân tay thật, môi trường sinh hoạt thật, không gian diễn xướng thật, tâm tình của con người làng quê thật - thì nhất thiết chỉ có các nghệ nhân dân gian mới hát “ra” được.
Chị kể những cụ bà tuổi ngoài 90, già yếu ốm đau nằm liệt giường, nhưng khi nghe khách đến hỏi chuyện ví, giặm, lại lần mò dựa lưng để hát, và hát rành rọt tỏ tường, ngữ âm đặc trưng của ví, của giặm, mắt mờ đục mà thoảng ánh hồi ức về không gian đồng bãi nương dâu năm nao.
Ví, giặm có sức sống bền bỉ đến thế, bởi nó thực sự phản ánh quá trình lao động và nỗi niềm, mong mỏi của người lao động. Người lao động xưa chắt chiu nên điệu ví lời giặm mà đến bây giờ thế hệ hậu sinh hát lại, nghe lại vẫn hay, vẫn đúng, vẫn hợp thời sự. Còn chúng ta ngày nay, nhịp sống hiện đại chảy trôi, thời gian dành cho ví, giặm ngày càng ít đi, mỗi năm được bao nhiêu sáng tác ví, giặm mới ra đời? Những sáng tác ấy đã thực sự giãi bày đúng, trúng tâm tình của người lao động thời nay hay chưa? Chất ví, giặm đã đặm đà, lời ví, giặm đã sâu sắc, làn điệu ví, giặm đã đủ mộc mạc để dễ nhớ, dễ thuộc, dễ đi vào lòng người hay chưa?
Đồng bãi sông hồ nay còn nhiều, nhưng nhiều nơi chủ yếu phục vụ cho sản xuất công nghệ cao, sự khoáng đạt của thiên nhiên đất trời ngày càng ít đi, không gian diễn xướng ví, giặm ngày càng bị thu hẹp, người trẻ đi học tập, làm ăn xa quê, chẳng còn mấy nhân lực để giữ lửa di sản. Đó là những thách thức lớn trong công tác bảo tồn, phát huy di sản ví, giặm mà ngành Văn hoá đã có những nỗ lực đáng ghi nhận để khắc phục phần nào.
Tôi đã từng đến các CLB dân ca ví, giặm Châu Nhân (Hưng Nguyên); Nam Nghĩa (Nam Đàn); Ngọc Sơn, Đại Đồng (Thanh Chương); Lạc Sơn (Đô Lương); Diễn Đồng (Diễn Châu)… nghe các hội viên là nông dân, lao động tự do, công chức văn hoá xã… hát và nói chuyện về ví, giặm. Mỗi người một lý do đến với CLB, có thể vì yêu thích thể loại dân ca này từ bé, có thể vì bẩm sinh hát hay và hay hát nên được mời đến, cũng có thể vì trách nhiệm được giao… nhưng rồi qua thời gian gắn bó, những nguyên cớ ban đầu chẳng còn quan trọng nữa, chỉ đọng lại một niềm đam mê sâu nặng với ví, giặm.
“Hát nhiều rồi say ví, giặm từ khi nào không biết!” - một nghệ nhân ở CLB Ngọc Sơn đã nói với tôi như thế. Chính vì say, vì yêu nên họ mới bám trụ gắn bó với CLB từ năm này qua tháng khác, nhưng bám trụ bằng tinh thần mãi cũng có lúc chạnh lòng, bởi kinh phí dành cho hoạt động CLB ví, giặm còn hạn chế!
Với ví, giặm, yêu bao nhiêu thì nặng lòng bấy nhiêu. Bao năm nay, người yêu ví, giặm vẫn ấp ủ mãi một câu hỏi: Tương lai nào cho ví, giặm? Mấy năm rồi Trường Cao đẳng VHNT tỉnh khó tuyển được sinh viên nào đăng ký học dòng nhạc dân ca; phong trào ví, giặm trong trường học gặp nhiều chuyện khó gỡ; liên kết tour, tuyến kết hợp giới thiệu dân ca ví, giặm chưa thấy mô hình, điểm sáng nào nổi bật… Ai cũng nói tâm huyết, trăn trở, nhưng từ nỗi lòng ấy bật ra thành hành động, việc làm thiết thực, hiệu quả thì còn khó lắm thay. Đó là thực tế cần nhìn thẳng, không phải vì khó mà bỏ qua, không phải vì nói nhiều rồi mà thôi nói, vì ví, giặm sẽ chẳng bao giờ mất đi, vì người Nghệ còn thì ví, giặm còn, nhưng còn được chừng nào, còn chất lượng thế nào, câu trả lời thuộc về mỗi chúng ta!