Quốc tế

Hậu quả khi Ukraine tấn công tên lửa tầm xa vào lãnh thổ Nga

Mỹ Nga 19/11/2024 08:55

Giới chuyên gia cho rằng, Nga có thể đáp trả bằng cách tấn công phá hủy các trung tâm "đầu não" ở Kiev.

atacms.png
Hệ thống tên lửa tác chiến chiến thuật ATACMS. Ảnh: Quân đội Mỹ

Theo RIA Novosti ngày 19/11, Tổng biên tập tạp chí Quốc phòng của Nga, Igor Korotchenko, cho rằng nếu Ukraine tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa tầm xa vào lãnh thổ Nga, Nga có thể quyết định tấn công phá hủy các trung tâm “đầu não” ở Kiev nhằm đáp trả.

Trước đó, tờ New York Times dẫn lời đại diện giấu tên của chính quyền Mỹ đưa tin Tổng thống Mỹ Joe Biden lần đầu tiên cho phép Ukraine sử dụng tên lửa tầm xa của Mỹ để tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Theo các nguồn tin, các cuộc tấn công đầu tiên vào sâu lãnh thổ Nga rất có thể sẽ được thực hiện bằng tên lửa ATACMS.

Nhà phân tích Korotchenko nói: “Nếu Ukraine tiến hành một hoặc một loạt cuộc tấn công vào lãnh thổ Nga, một quyết định chính trị có thể được đưa ra nhằm phá hủy các trung tâm ra quyết định quan trọng ở Kiev”.

Theo chuyên gia này, cũng nhằm để đáp trả, Nga có thể tấn công bằng tên lửa tầm xa, một cuộc tấn công quy mô lớn sử dụng tên lửa hành trình có thể được tiến hành nhằm vào cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine.

“Điều này có nghĩa là vào đêm trước mùa Đông, tất cả các đối tượng quan trọng khác của cơ sở hạ tầng năng lượng của Ukraine sẽ bị phá hủy hoàn toàn. Thêm vào đó, đường dây năng lượng nối với phương Tây cũng sẽ bị cắt đứt. Điều này sẽ chấm dứt sự phát triển bền vững, sự tồn tại của hệ thống quân sự và chính phủ kiểm soát đất nước bởi bộ máy của chính quyền Zelensky”, chuyên gia Korotchenko lý giải.

Trước đó, thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov cho biết, việc cho phép tiến hành các cuộc tấn công sâu vào Liên bang Nga, nếu nó được chấp nhận và khiến Kiev sớm thực hiện, đồng nghĩa với một đợt leo thang căng thẳng mới. Ông Peskov cũng nhắc lại rằng, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nêu rõ lập trường của Moskva liên quan đến các quyết định tấn công bằng vũ khí tầm xa vào lãnh thổ Nga.

Ông Putin trước đây từng nói rằng các nước NATO không chỉ đang thảo luận về khả năng Ukraine sử dụng vũ khí tầm xa của phương Tây, mà về cơ bản họ đang quyết định xem có nên tham gia trực tiếp vào cuộc xung đột ở Ukraine hay không.

Nhà lãnh đạo Nga nói thêm, sự tham gia trực tiếp của các nước phương Tây vào cuộc xung đột Ukraine sẽ thay đổi bản chất; Nga sẽ buộc phải đưa ra quyết định dựa trên những mối đe dọa được tạo ra theo cách này.

Nhà báo và nhà hoạt động chính trị Mỹ Charlie Kirk viết trên mạng xã hội X ngày 18/11 rằng, quyết định của Tổng thống Joe Biden cho phép Ukraine tấn công sâu vào lãnh thổ Nga bằng tên lửa của Mỹ đưa thế giới đến gần hơn với Thế chiến III, và đòi hỏi phải suy nghĩ về hậu quả của biện pháp đáp trả của Moskva.

"Ông Biden đang cố gắng bắt đầu một cuộc chiến tranh thế giới thứ ba. Điều này thật bất thường. Hãy tưởng tượng nếu Nga cung cấp cho ai đó tên lửa để bắn vào Mỹ!" - nhà hoạt động chính trị Kirk nêu quan điểm.

Mỹ Nga