Kinh tế

‘Cao thủ’ bẫy chuột đồng ở Nghệ An

Thanh Phúc 20/11/2024 14:44

Ở các vùng nông thôn của Nghệ An, có rất nhiều người săn chuột đồng, nhưng coi đó là nghề mưu sinh như ông Cao Văn Năm thì không nhiều.

bna_pha.jpg
Nạn chuột phá hoại mùa màng diễn ra khắp các cánh đồng. Ảnh: T.P

Đầu Đông, tiết trời se lạnh, sau khi ăn vội bát cơm trưa, ông Cao Văn Năm (xóm 1, xã Diễn An, huyện Diễn Châu) khoác thêm áo, bỏ lồng bẫy chuột vào bao tải, cùng chiếc xe máy cà tàng tiến thẳng ra những cánh đồng. Gạt qua đám cỏ dại cao ngang đầu gối và đất bãi xập xệ dưới chân, chỉ một loáng, cả trăm cái bẫy chuột đã được ông đặt xong.

Ông Năm được coi là “cao thủ” bẫy chuột ở huyện Diễn Châu, gắn bó với nghề cũng đã được 5 năm nay. Sản xuất nông nghiệp, hơn nửa đời người gắn bó với ruộng đồng, nhìn thấy cảnh chuột phá hoại mùa màng mà xót xa. Những ruộng ngô đang kỳ ngậm sữa bị cắn nát bắp, gãy cây; những thửa lạc đang chắc hạt cũng bị đào xới tan hoang…

bna_duong-chay-d3877809022b9eb59f27bd88c359f1a2(1).jpg
Tạo luồng đi để đặt bẫy lồng. Ảnh: T.P

Bà con đặt thuốc diệt chuột, đặt bẫy, địa phương phát động phong trào ra quân diệt chuột bảo vệ mùa màng nhưng cũng không ăn thua. Trong vùng, có đại lý thu mua chuột sống, thịt chuột, ông nghĩ, sao mình không đi bẫy chuột để bán, vừa bảo vệ ruộng đồng khỏi phá hoại, vừa có thêm thu nhập.

Hang chuột rất dễ phát hiện bởi ngoài cửa hang có đống đất nhỏ do chuột đùn ra nên có thể dùng thuổng đào sâu vào hang để bắt. Thế nhưng, cách này đạt kết quả thấp bởi chuột rất tinh nhanh, có nhiều đường thoát và lại dễ làm hư hỏng bờ vùng, bở thửa. Hoặc có thể dùng rơm rạ đốt và lùa khói để hun, đổ nước vào hang để bắt chuột, cách này phải đông người, tốn sức và kém hiệu quả.

Sau khi lên mạng tìm hiểu cách bắt chuột hiệu quả nhất, ít tốn sức, không gây hại cho cho cộng đồng, ông Năm chọn cách săn chuột bằng bẫy lồng.

đặt lồng
12h trưa hàng ngày, ông Năm đi đặt bẫy. Ảnh: T.P

Hàng ngày, cứ 12h trưa thì ông bắt đầu khảo sát điểm để đặt bẫy. Theo kinh nghiệm của ông, quan sát bằng mắt thường những chân ruộng có dấu chân chuột, những bờ thửa có đống đất nhỏ đùn ra thì ở đó sẽ nhiều chuột. Đầu tiên, ông gạt cỏ để tạo luồng, làm đường đi cho chuột. Sau đó là rải lồng với khoảng cách đã được tính toán từ trước, cách đặt lồng cũng tuỳ vào kinh nghiệm của từng người.

Ông Năm cho biết: “Chuột đồng thường trú ngụ ở những nơi rậm rạp, nhiều cây cối và vào ban đêm mới ra đồng tìm kiếm thức ăn. Trung bình mỗi ngày tôi đặt khoảng 150 chiếc bẫy lồng.

Công việc đặt bẫy bắt đầu từ trưa đến khi xong xuôi cũng là khi trời đã xẩm tối, nghỉ ngơi ăn uống xong lại đi thu bẫy đã đặt hồi chiều. Bọn chuột rất tinh khôn, do đó, phải tạo luồng mới hàng ngày để đặt bẫy. Nghề săn chuột với mỗi người có một kinh nghiệm riêng, phải hiểu đặc tính của từng loại để có những mẹo bắt được chuột”.

tháo 21
Khoảng 18h chiều thì đi thu bẫy, gom chuột. Ảnh: T.P

Ở các vùng nông thôn của Nghệ An, những người săn chuột rất nhiều nhưng coi đó là nghề mưu sinh như ông Cao Văn Năm thì chỉ trên dưới chục người. Bởi, nghề này vất vả, bất kể ngày nắng hay mưa, ngày Đông giá rét, công việc săn chuột đồng của ông bắt đầu từ giữa trưa kết thúc vào nửa đêm về sáng. Ông phải lặn lội đêm hôm trên những cánh đồng hoang vắng ở quanh vùng, thậm chí sang cả Nghi Lộc, Yên Thành...

Đổi lại, thu nhập từ nghề săn chuột đồng cũng khá ổn. Theo đó, vào mùa săn chuột đồng (kéo dài từ tháng 8 đến hết tháng 12 âm lịch), mỗi ngày ông săn được khoảng 25-30 kg chuột sống, bán với giá 120.000 đồng/kg chuột nhỏ làm thức ăn cho rắn, 35.000-50.000 đồng/kg chuột to, già.

chuột béo
Chuột được các đại lý thu mua ngay trong ngày, thợ săn chuột có "tiền tươi" sau khi bán. Ảnh: T.P

Trung bình, mỗi ngày ông cũng có thu nhập 700.000 đồng – 1 triệu đồng, đủ trang trải cuộc sống gia đình. "Bẫy được bao nhiêu, bán ngay cho đại lý thu mua trong làng, cầm ngay "tiền tươi" nên không lo chuyện đầu ra", ông Năm chia sẻ.

Hiện nay, thịt chuột đồng đã lên hàng đặc sản, được một số nhà hàng, quán nhậu ưa chuộng. Nghề săn chuột đồng cũng vì thế mà phát triển, vừa giúp nhiều người có thu nhập khá, vừa bảo vệ mùa màng khỏi nạn chuột gây hại. Nhờ có những người thợ săn chuột như ông Năm, cánh đồng xanh tươi hơn, người nông dân cũng yên tâm hơn khi chuẩn bị cho những vụ mùa bội thu.

bna_11.jpg
Những người xem săn chuột là nghề mưu sinh như ông Cao Văn Năm không nhiều. Ảnh: T.P

Theo thống kê, chuột là loài gây hại và khó quản lý nhất trong số các loài địch hại đối với sản xuất nông nghiệp. Từ một đôi chuột bố mẹ, qua một năm sinh sản phát triển thành dòng họ cháu chắt lên đến…2.000 con! Chuột trưởng thành rất nhanh, kể từ lúc mới sinh đến hai - ba tháng tuổi đã trở thành chuột bố mẹ. Chuột phá hoại tất cả các mùa vụ trong năm, ở tất cả các loại hoa màu và trên khắp mọi cánh đồng.

Thanh Phúc