Xây dựng Đảng

Phê chuẩn đồng chí Thái Thanh Quý thôi giữ chức Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An

Thành Duy 22/11/2024 09:12

Thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn vừa ký ban hành Nghị quyết về phê chuẩn việc thôi giữ chức Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội khóa XV tỉnh Nghệ An.

Đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương, Chủ tịch HĐND tỉnh làm Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An và các ĐBQH đoàn Nghệ An dự họp. Ảnh: Nam An
Đồng chí Thái Thanh Quý tại phiên làm việc ngày 4/11 trong Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ảnh tư liệu: Nam An

Theo đó, tại Nghị quyết số 1298/NQ-UBTVQH15 ngày 19/11/2024, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị phê chuẩn đồng chí Thái Thanh Quý thôi giữ chức Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV tỉnh Nghệ An do chuyển công tác.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Trưởng Ban Công tác đại biểu, Tổng Thư ký Quốc hội - Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An và đồng chí Thái Thanh Quý theo trách nhiệm thi hành Nghị quyết. Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Trước đó, ngày 25/10/2024, Bộ Chính trị ban hành Quyết định số 1620-QĐNS/TW về việc đồng chí Thái Thanh Quý - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An thôi tham gia Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy và thôi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An nhiệm kỳ 2020 - 2025; điều động, phân công đồng chí giữ chức Phó trưởng Ban Kinh tế Trung ương.

Mặc dù thôi giữ chức Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh khóa XV, đồng chí Thái Thanh Quý vẫn là ĐBQH thuộc Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An.

Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An hiện nay có 12 đại biểu. Thời gian tới sẽ kiện toàn Trưởng đoàn trong số các đại biểu của đoàn theo quy định.

Theo Nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội, Trưởng đoàn ĐBQH có trách nhiệm tổ chức để ĐBQH trong Đoàn thực hiện chương trình kỳ họp Quốc hội, Nội quy kỳ họp Quốc hội và các quy định khác về kỳ họp Quốc hội; tổ chức và điều hành hoạt động của Đoàn; giữ mối liên hệ với Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn ĐBQH và Tổng Thư ký Quốc hội.

Theo Luật Tổ chức Quốc hội, Đoàn ĐBQH là tổ chức của các ĐBQH được bầu tại một tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hoặc được chuyển đến công tác tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Đoàn đại biểu Quốc hội có nhiệm vụ và quyền hạn sau: Tổ chức để các đại biểu Quốc hội tiếp công dân; phối hợp với Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ ở địa phương tổ chức, bảo đảm các điều kiện để ĐBQH tiếp xúc cử tri với các hình thức phù hợp.

Tổ chức để các ĐBQH thảo luận về dự án luật, pháp lệnh và các dự án khác, dự kiến chương trình kỳ họp Quốc hội theo yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

Tổ chức hoạt động giám sát của Đoàn ĐBQH và tổ chức để các ĐBQH trong Đoàn thực hiện nhiệm vụ giám sát tại địa phương; tham gia và phối hợp với Hội đồng dân tộc, Ủy ban của Quốc hội trong các hoạt động giám sát tại địa phương;

Theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị của công dân mà đại biểu Quốc hội, Đoàn ĐBQH đã chuyển đến cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân có thẩm quyền giải quyết.

Yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân hữu quan cung cấp thông tin, báo cáo về những vấn đề mà Đoàn ĐBQH quan tâm.

Báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội về tình hình hoạt động của Đoàn ĐBQH và ĐBQH; chỉ đạo hoạt động của bộ máy tham mưu, giúp việc phục vụ hoạt động của Đoàn ĐBQH.

Thành Duy