Để dân ca ví, giặm được lan tỏa và trường tồn
Từ ngày 23 - 30/11, tại hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sẽ diễn ra các hoạt động kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Dịp này, Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Mỹ Hạnh - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An xung quanh những vấn đề liên quan.
Minh Quân (Thực hiện) • 23/11/2024
Từ ngày 23 - 30/11, tại 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sẽ diễn ra các hoạt động kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Dịp này, Báo Nghệ An có cuộc trao đổi với bà Trần Thị Mỹ Hạnh - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Nghệ An xung quanh những vấn đề liên quan.
* * * * *
P.V: Thưa bà, cách đây 10 năm, ngày 27/11/2014, tại phiên họp Ủy ban Liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 9 của UNESCO diễn ra tại Thủ đô Paris, Pháp, dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam đã chính thức được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Bà có thể điểm lại cho bạn đọc về ý nghĩa của sự kiện này?
Bà Trần Thị Mỹ Hạnh: Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh là một loại hình nghệ thuật chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân xứ Nghệ. Loại hình nghệ thuật này phổ biến trong đời sống của các cộng đồng, được thể hiện trong hầu hết mọi hoạt động đời thường, trong lao động, sản xuất như ru con, trồng lúa, dệt vải, đốn củi... Lời ca của dân ca ví, giặm ca ngợi những giá trị sâu sắc và truyền thống như sự tôn trọng với các bậc cha mẹ, lòng chung thủy, tận tụy vì người khác cũng như ngợi ca đức tính thật thà và cách cư xử tử tế giữa con người với con người. Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được lưu truyền rộng rãi ở các làng, thôn, xóm, khu dân cư của 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, chiếm vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa của người dân địa phương, làm nên bản sắc riêng của văn hóa con người nơi đây.
Năm 2014 là dấu mốc đặc biệt cho chặng đường dài hình thành, bảo tồn, phát huy dân ca ví, giặm của xứ Nghệ với danh hiệu Di sản văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại. Sự công nhận đó không chỉ tôn vinh tầm vóc, giá trị văn hóa mang bản sắc vùng miền, là hồn cốt của Nghệ Tĩnh - mạch nguồn tạo nên tình đất và tình người xứ Nghệ, mà còn vinh danh lớp lớp người dân Nghệ Tĩnh đã tạo ra, bồi đắp nên một di sản văn hóa đi vào lịch sử nhân loại. Kể từ đó, ví, giặm bước sang trang mới, được quan tâm, giữ gìn, phát huy đúng mực.
P.V: Qua 10 năm dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, cả 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh đã có những nỗ lực nào trong việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản này?
Bà Trần Thị Mỹ Hạnh: Chặng đường gần 10 năm kể từ khi được vinh danh đến nay chưa phải là dài, nhưng Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Văn hóa và Thể thao 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, chính quyền các địa phương đã rất quan tâm và có nhiều hoạt động phối hợp bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca ví, giặm. Riêng ở tỉnh Nghệ An, công tác quản lý nhà nước về di sản văn hóa nói chung, về dân ca ví, giặm nói riêng được chú trọng. Năm 2021, đề án “Bảo vệ và phát huy giá trị di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021 - 2025 được UBND tỉnh ban hành, tạo điều kiện cho việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp thiết thực cho sự phát triển của di sản. Cùng trong năm 2021, các chính sách hỗ trợ cho câu lạc bộ, các nghệ nhân đã được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, Nghệ nhân Ưu tú nói chung và lĩnh vực di sản dân ca ví, giặm nói riêng được ban hành và triển khai.
Cùng với đó là sự quan tâm triển khai các hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca ví, giặm ở cơ sở và trong cộng đồng. Từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh thành lập mới được 50 CLB dân ca ví, giặm, nâng tổng số CLB lên 140 CLB với gần 3.000 hội viên, đủ các ngành nghề và độ tuổi khác nhau cùng tham gia sinh hoạt. Vùng thực hành di sản được mở rộng đến cả các huyện miền núi cao như: Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong. Đến nay 21/21 huyện, thành, thị trên địa bàn tỉnh đã có CLB dân ca ví, giặm. Ngoài ra, toàn tỉnh hiện có 42 nghệ nhân dân gian được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam phong tặng; 52 nghệ nhân ưu tú và 1 nghệ nhân nhân dân được Chủ tịch nước phong tặng. Các CLB dân ca ví, giặm và nghệ nhân dân ca ví, giặm đều được hưởng chính sách hỗ trợ của tỉnh và của Nhà nước theo quy định.
Công tác truyền dạy di sản được triển khai thường xuyên bằng nhiều hình thức: Sinh hoạt trong gia đình, cộng đồng và câu lạc bộ; tổ chức dạy học trong trường phổ thông; đào tạo trong Trường Cao đẳng văn hóa nghệ thuật; dạy hát trên sóng phát thanh truyền hình; tập huấn cho giáo viên và các CLB tại các huyện, thành, thị… Công tác nghiên cứu, tư liệu hóa di sản cũng được chú trọng với trên 50 bài viết về lý luận, âm nhạc, kịch bản chuyển thể lồng điệu về dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, 3 phim tư liệu khoa học, 3 phóng sự về bảo tồn và phát huy di sản, 01 đề tài nghiên cứu khoa học về không gian diễn xướng trong dân ca ví, giặm; 2 hội thảo khoa học “Tương lai nào cho ví, giặm” và "50 năm kịch hát dân ca Nghệ Tĩnh- xu thế hội nhập và phát triển"…
Trong công tác tuyên truyền, quảng bá di sản, từ năm 2014 đến nay tỉnh đã tổ chức được 3 cuộc liên hoan dân ca ví, giặm cấp liên tỉnh và đặc biệt là Festival dân ca ví, giặm vào năm 2023; xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, viết bài, đưa tin về dân ca ví, giặm trên các trang website, trên các phương tiện thông tin đại chúng; phối hợp xây dựng phóng sự, phim tài liệu, phát hành đĩa CD, VCD ca nhạc về dân ca ví, giặm... Dân ca ví, giặm cũng được tham gia giao lưu, biểu diễn tại các liên hoan, ngày hội, festival… của các tỉnh, thành phố trong cả nước. Một số nghệ sĩ đã được tham gia đoàn công tác của tỉnh đi giao lưu biểu diễn nghệ thuật ở các nước châu Âu, Đông Nam Á…
Mặt khác, ngành văn hóa cũng đẩy mạnh hoạt động sân khấu hóa dân ca ví, giặm trên sân khấu kịch hát Nghệ Tĩnh, đưa kịch hát dân ca đến gần hơn với quần chúng. Các vở diễn “Sáng mãi niềm tin”, “Điều còn lại”, “Hoa lửa Truông Bồn”, “Cánh cò trong bão”… của Trung tâm Nghệ thuật truyền thống Nghệ An đã thể nghiệm thành công sân khấu hóa dân ca Nghệ Tĩnh và phục vụ nhu cầu thưởng thức nghệ thuật của quần chúng nhân dân. Nhiều vở diễn, chương trình đạt giải cao trong các cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp toàn quốc.
Nhìn chung, thông qua các hoạt động này của ngành Văn hóa từ tỉnh đến cơ sở, ví, giặm đang ngày càng gắn bó trực tiếp với cuộc sống sinh hoạt thường ngày của người dân xứ Nghệ, tạo nên sức sống và sự lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng. Đặc biệt, vai trò của cộng đồng trong bảo vệ, phát huy dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh ngày càng được phát huy.
P.V: Tuy đã đạt được những thành tựu nhất định nhưng việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức?
Bà Trần Thị Mỹ Hạnh: Hiện nay, các làn điệu dân ca cổ (nguyên gốc) cũng như cách thức trình diễn của dân ca ví, giặm dần bị mai một trong cộng đồng. Lực lượng nghệ nhân dân gian nắm giữ, thực hành các bài bản cổ ngày càng ít do tuổi cao, không đủ sức để thực hành và truyền dạy. Bên cạnh đó, lớp trẻ lại ít người hào hứng với loại hình di sản này nên sự kế thừa chưa nhiều. Một số người thực hành hiện nay không nắm vững kỹ thuật trình diễn và nội dung các bài bản truyền thống. Môi trường và không gian diễn xướng thay đổi, không còn điều kiện để thực hành những bài bản cổ. Việc cải biên hoặc “sáng tác” không nắm vững những bài bản cổ đã làm thay đổi, thậm chí làm sai lệch di sản.
Bên cạnh đó, hoạt động tuyên truyền, quảng bá dân ca ví, giặm trên các nền tảng mạng và thông qua các hoạt động giao lưu văn hóa ở trong, ngoài tỉnh và ở nước ngoài còn hạn chế, chưa tạo được sự lan tỏa sâu rộng. Việc huy động kinh phí xã hội hóa các hoạt động văn hóa văn nghệ nói chung, với dân ca ví, giặm nói riêng còn hạn chế, chủ yếu phụ thuộc từ ngân sách nhà nước.
P.V: Để di sản văn hóa ví, giặm trường tồn cùng dân tộc và văn hóa nhân loại, thời gian tới chúng ta cần có những giải pháp gì, thưa bà?
Bà Trần Thị Mỹ Hạnh: Thời gian tới, tỉnh Nghệ An sẽ đánh giá việc thực hiện Đề án Bảo vệ và Phát huy giá trị di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh tỉnh Nghệ An giai đoạn 2021-2025 và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Bảo vệ và Phát huy giá trị di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh tỉnh Nghệ An giai đoạn 2026-2030, qua đó nhằm huy động các nguồn lực (kinh phí, cơ sở vật chất, nhân lực...) cho công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa, trong đó có di sản dân ca ví, giặm.
Tỉnh sẽ tập trung triển khai có hiệu quả các chính sách, quy hoạch ngắn hạn và dài hạn về bảo tồn, phát huy giá trị dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, như: Hoàn thiện và đưa vào sử dụng Nhà hát dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh; chính sách hỗ trợ đối với nghệ nhân và câu lạc bộ dân ca ví, giặm; đưa quy hoạch bảo tồn và phát huy dân ca Nghệ Tĩnh vào trong quy hoạch kinh tế - xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch gắn với dân ca ví, giặm; tiếp tục tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức cho các tầng lớp nhân dân về các giá trị của dân ca Nghệ Tĩnh và trách nhiệm của cộng đồng trong bảo tồn, phát huy di sản.
Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác phát triển mạng lưới câu lạc bộ dân ca ví, giặm xuống từng thôn, xóm; duy trì tổ chức liên hoan, thi hát dân ca ví, giặm hàng năm. Tiếp tục triển khai có hiệu quả các hoạt động truyền dạy dân ca ví, giặm trong cộng đồng và các hình thức khác phù hợp. Chú trọng phục dựng không gian diễn xướng của dân ca ví, giặm, ưu tiên phục hồi, lưu truyền các bài hát và hình thức diễn xướng truyền thống đã bị mai một, đồng thời khuyến khích các tác phẩm tự biên. Xây dựng các vở diễn, các chương trình biểu diễn của các đoàn kịch hát phục vụ nhiệm vụ chính trị trong địa bàn tỉnh, biểu diễn, giới thiệu và quảng bá dân ca Nghệ Tĩnh ở các tỉnh thành trong nước và quốc tế.
Một giải pháp quan trọng khác là xây dựng dân ca ví, giặm thành sản phẩm du lịch đặc trưng của xứ Nghệ với nhiều hình thức: Tăng cường công tác tuyên truyền, quảng bá dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh thông qua Internet, hệ thống mạng xã hội. Xây dựng và đăng tải các video, hình ảnh… trình diễn dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh lên các lên các nền tảng mạng (kênh YouTube, website, trang fanpage…) để quảng bá trên toàn thế giới. Phát triển mạng lưới, cung cấp các dịch vụ, sản phẩm văn hóa dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh tại các khu, điểm du lịch; lựa chọn, đầu tư xây dựng thương hiệu cho ví, giặm và thương hiệu du lịch địa phương gắn với ví, giặm…
P.V: Dịp này, tại 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh sẽ có những hoạt động gì đáng chú ý kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm được UNESCO vinh danh, thưa bà?
Bà Trần Thị Mỹ Hạnh: Các hoạt động kỷ niệm 10 năm dân ca ví, giặm được UNESCO vinh danh diễn ra từ ngày 23 - 30/11, trong đó, tại tỉnh Nghệ An, có 2 hoạt động chính, gồm: Lễ kỷ niệm 10 năm di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh và Triển lãm “Sắc màu di sản văn hóa, thiên nhiên và sản phẩm thủ công truyền thống Việt Nam”. Bên cạnh đó, còn có các hoạt động đặc sắc như: Liên hoan Nghệ thuật dân gian truyền thống “Việt Nam - những sắc màu di sản”; Trao giải cuộc thi sáng tác soạn lời dân ca ví, giặm; Trưng bày nghệ thuật điêu khắc ánh sáng; Triển lãm “Áo dài Việt Nam”; các chương trình giao lưu nghệ thuật.
Tại tỉnh Hà Tĩnh có các hoạt động gồm: Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” và Cầu truyền hình chương trình nghệ thuật “Đôi bờ ví, giặm”; Liên hoan Di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNESCO ghi danh và Hội nghị - Hội thảo quốc gia đánh giá công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh.
P.V: Xin cảm ơn bà về cuộc trao đổi này!