Thời sự

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nghệ An thảo luận tổ

Thành Duy - Thúy Vinh 23/11/2024 12:54

Sáng 23/11, Quốc hội tiến hành thảo luận tại tổ về Dự án Luật Quản lý và Đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số sau khi nghe tờ trình, báo cáo thẩm tra.

bna_30d876946003db5d8212.jpg
Đoàn ĐBQH Nghệ An thảo luận tại Tổ 3 cùng các đoàn: Bắc Giang, Quảng Ngãi. Ảnh: Nghĩa Đức

Tách bạch chức năng quản lý Nhà nước với quản trị doanh nghiệp

Dự án Luật Quản lý và Đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp quy định việc quản lý và đầu tư vốn Nhà nước tại doanh nghiệp; sắp xếp và cơ cấu lại vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp; thanh tra, kiểm tra, giám sát việc quản lý và đầu tư vốn, sắp xếp và cơ cấu lại vốn Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp.

Phát biểu thảo luận, bà Nguyễn Vân Chi - Phó Chủ tịch Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đại biểu đoàn Nghệ An đánh giá đây là Luật rất quan trọng song khó xây dựng vì có nhiều vấn đề cần tìm giải pháp hợp lý để vừa có tác dụng thúc đẩy, vừa đảm bảo quy định chặt chẽ đối với các doanh nghiệp Nhà nước.

bna_542d305c26cb9d95c4da.jpg
Bà Nguyễn Vân Chi - Phó Chủ tịch Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, đại biểu đoàn Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Nghĩa Đức

Một trong những vấn đề lớn mà vị đại biểu đoàn Nghệ An nhìn nhận là Luật phải tách bạch được giữa chức năng quản lý Nhà nước và chức năng đại diện chủ sở hữu vốn của Nhà nước với hoạt động quản trị của doanh nghiệp.

Tức là vẫn phải tạo cho doanh nghiệp một khoảng không gian nhất định để họ chủ động, tự quyết với các hoạt động quản trị của doanh nghiệp như các loại hình doanh nghiệp khác; nhưng mặt khác, đảm bảo vai trò, chức năng quản lý, đại diện vốn chủ sở hữu của Nhà nước.

“Đây là những nội dung rất khó và Luật phải giải quyết được vấn đề đó”, đại biểu Nguyễn Vân Chi nói và cho rằng, nội dung dự thảo Luật chưa giải quyết được các vấn đề này nên cần phải tiếp tục thảo luận kỹ để hoàn thiện.

bna_401f98108e8735d96c96.jpg
ĐBQH đoàn Nghệ An tại phiên thảo luận Tổ 3. Ảnh: Nghĩa Đức

Nêu quan điểm, khi đã tăng cường phân cấp, phân quyền phải gắn liền với nâng cao trách nhiệm; tuy vậy, theo đại biểu, dự thảo Luật vẫn quy định chung chung về nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của doanh nghiệp; chưa chỉ rõ ai thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn, dẫn đến khi xem xét trách nhiệm rất khó.

Hay dự thảo Luật cũng mới chỉ quy định về quyền và nghĩa vụ của người đại diện chủ sở hữu vốn tại doanh nghiệp có vốn Nhà nước đầu tư trên 50% đến dưới 100% vốn điều lệ; mà chưa có quy định đối với doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước hay đối với doanh nghiệp vốn Nhà nước từ 50% trở xuống.

Ngoài ra, đại biểu Nguyễn Vân Chi cũng nhận định, mối liên hệ giữa Luật này theo như dự thảo với các luật chuyên ngành khác như: Luật Đầu tư, Luật Xây dựng… vẫn chưa rõ.

Ban hành chính sách hấp dẫn thúc đẩy công nghiệp công nghệ số

Thảo luận về Dự án Luật Công nghiệp công nghệ số, quy định hoạt động công nghiệp công nghệ số; phát triển công nghiệp công nghệ số; quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến công nghiệp công nghệ số, Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, đại biểu đoàn Nghệ An tán thành việc ban hành; song đề nghị cần rà soát các quy định liên quan về dữ liệu số nhằm tránh trùng lặp với nội dung Luật Dữ liệu sắp ban hành.

bna_0c5c203936ae8df0d4bf.jpg
Thiếu tướng Trần Đức Thuận - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội, đại biểu đoàn Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Nghĩa Đức

Đặc biệt, nhấn mạnh dữ liệu hiện được xem là tài nguyên, tài sản, như vậy, liên quan đến quyền lợi tổ chức, cá nhân, do đó, ông đề nghị Luật cần quy định rõ hơn về quyền sở hữu, quản lý đối với công nghiệp công nghệ số và dữ liệu số; đồng thời đảm bảo quyền về tài sản.

Ngoài ra, vị đại biểu đoàn Nghệ An đề nghị xây dựng các quy định về chính sách hỗ trợ như: Vay ưu đãi, giảm thuế để phát triển doanh nghiệp công nghệ số, đặc biệt doanh nghiệp khởi nghiệp; thành lập các trung tâm đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số ở các tỉnh.

Đồng thời, cần xây dựng cơ chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp công nghệ; chính sách về đào tạo nhân lực, đưa vào chương trình giáo dục phổ thông nội dung về công nghệ số.

Thiếu tướng Trần Đức Thuận cũng đề nghị cần có quy định về cơ chế quản lý hạ tầng công nghệ quốc gia nhằm tránh độc quyền; kết nối Trung tâm Dữ liệu quốc gia với hạ tầng số; đảm bảo an ninh mạng…

Thành Duy - Thúy Vinh