Kinh tế

Xuất khẩu nông sản Nghệ An còn khiêm tốn, nhiều sản phẩm giá trị chưa được nâng tầm

Thu Huyền 24/11/2024 06:31

Mặc dù có nhiều tiềm năng, lợi thế về phát triển nông nghiệp, nhưng hoạt động chế biến nông sản ở Nghệ An còn manh mún, quy mô nhỏ, khiến nhiều giá trị nông sản chưa được nâng tầm. Tốc độ tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông lâm, thủy sản khiêm tốn…

Nỗ lực đưa nông sản tiếp cận thị trường thế giới

Với mục tiêu đưa nông sản Việt ra thị trường thế giới, Công ty cổ phần Vilaconic đã và đang tích cực tham gia các hoạt động kết nối cung cầu, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa chiến lược tiếp cận đúng đắn thị trường có tiêu chuẩn cao như: EU, Mỹ, Nga, Nhật Bản… Đây cũng là cách để bạn hàng quan tâm nhiều hơn đến nông sản Việt Nam.

Công ty VIlaconic làm việc với khách hàng
Công ty VIlaconic làm việc với khách hàng, mở rộng thị trường. Ảnh: TH

Ông Nguyễn Quốc Hưng – trợ lý Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vilaconic cho biết: 10 tháng đầu năm, Vilaconic đã xuất khẩu khoảng 62.000 tấn gạo với kim ngạch 40 triệu USD tới hơn 50 quốc gia trên thế giới, trong đó, có 38.000 tấn gạo sang Philippines trị giá 22,8 triệu USD. Vừa qua, chúng tôi đã tham gia cùng Hiệp hội Lương thực sang thăm Philippines. Vừa rồi, trong chuyến thăm Philippines, ngoài mặt hàng gạo chủ lực, chúng tôi mở rộng thêm thị trường gạo cao cấp, các nông sản khác như hạt tiêu, tinh bột sắn,…

Đây là cơ hội quan trọng để kết nối và quảng bá thương hiệu đến thị trường Philippines – một trong những đối tác chiến lược hàng đầu của Việt Nam về xuất khẩu gạo. Vilaconic đã quảng bá thành công sản phẩm, khẳng định thương hiệu gạo Việt và cam kết đẩy mạnh thương mại song phương.

đóng gói sản phẩm gạo tại công ty Vilaconic
Đóng gói sản phẩm gạo tại Công ty Vilaconic. Ảnh: TH

Lâu nay, với sự nỗ lực của các sở ngành, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, nhiều mặt hàng nông sản OCOP như trà sen, tinh bột nghệ… đã tiếp cận được với các bạn hàng thị trường EU, Nga, Thái Lan. Tại các cuộc làm việc với tham tán các nước do Sở Công Thương phối hợp tổ chức, nhiều chủ cơ sở tiếp cận, tìm hiểu thị trường để đưa sản phẩm vươn tầm thế giới.

Chẳng hạn như sản phẩm bột ngũ cốc Hadalifa. Nhận thấy tiềm năng từ đất nông nghiệp và nông sản Việt - đặc biệt là ngũ cốc, tháng 8 năm 2020 anh Hoàng Xuân Tuấn và chị Phan Thị Liên ở phường Nghi Hòa, thị xã Cửa Lò, đã dành hết tâm huyết để xây dựng thương hiệu ngũ cốc dinh dưỡng Hadalifa.

Gạo Vilaconic xuất đi nhiều thị trường trên thế giới
Gạo Vilaconic xuất đi nhiều thị trường trên thế giới.

Chị Phan Thị Liên - Giám đốc Công ty Hadalifa cho biết, sau hơn 4 năm hoạt động, công ty liên kết với các hợp tác xã xây dựng vùng nguyên liệu sạch 240ha đảm bảo chủ động nguyên liệu, được trồng và chăm sóc theo tiêu chuẩn nông sản sạch tại các huyện trong tỉnh, gồm: Đậu đen, đậu xanh, mè đen, đậu trắng, đậu đỏ, đậu ngự, kê nếp…, kết hợp một số hạt nông sản cao cấp tại các tỉnh miền Trung Tây Nguyên: Điều, hạnh nhân, mắc ca.. và một số hạt nhập khẩu. Cùng với nâng chất lượng sản phẩm, công ty cũng trăn trở tìm đầu ra, có mặt ở hầu hết các hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa trong, ngoài tỉnh, đưa sản phẩm tiếp cận thị trường trong và ngoài nước. Hiện sản phẩm của công ty là bột ngũ cốc được sản xuất từ nông sản sạch trong tỉnh đã xuất khẩu sang Thái Lan, Nga và tiếp tục tiếp cận một số thị trường khác.

hàng ngũ cốc xuất sang Nga
Hàng ngũ cốc xuất sang Nga.

“Để hỗ trợ xuất khẩu, tỉnh Nghệ An đặt mục tiêu 80% các sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu của Nghệ An tham gia các sàn giao dịch thương mại điện tử trong và ngoài nước, trong đó có các mặt hàng nông sản. Một trong các nhiệm vụ trọng tâm là tham gia các hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa trực tuyến, mở gian hàng các sản phẩm đặc trưng, chủ lực, OCOP, xuất khẩu chủ yếu của Nghệ An trên các sản uy tín trên thế giới. Đồng thời, hướng dẫn cho người sản xuất biết cách thu hoạch, chế biến thô, bảo quản, đóng gói… sao cho sản phẩm đạt tiêu chuẩn tốt nhất để xuất khẩu” - lãnh đạo Sở Công Thương cho biết.

Sản phẩm bột ngũ cốc Hadalifa tiếp cận thị trường Thái Lan. Ảnh: T.H
Sản phẩm bột ngũ cốc Hadalifa tiếp cận thị trường Thái Lan. Ảnh: T.H

Những năm qua, từ tiềm năng, lợi thế cũng như những nỗ lực, chính sách khuyến khích, hỗ trợ, lĩnh vực thu hút đầu tư vào nông nghiệp của tỉnh đã đạt được những kết quả đáng kể. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT - Võ Thị Nhung chia sẻ: Từ những nỗ lực của tỉnh, những dự án có số vốn đầu tư lên đến hàng trăm triệu USD đã được triển khai, góp phần hình thành nền nông nghiệp hiện đại, chất lượng với quy mô lớn, giá trị cao. Ngoài các dự án chăn nuôi bò sữa quy mô công nghiệp của Vinamilk, Tập đoàn TH sản xuất sữa, chế biến nước tinh khiết, nước hoa quả, trồng rau sạch, đã có thêm nhiều dự án đầu tư trong các lĩnh vực lâm nghiệp, chè, dứa, trồng cam, dược liệu, chăn nuôi...

Xuất khẩu nông sản thiếu và yếu

Tuy nhiên, nhìn số liệu kim ngạch xuất khẩu hàng năm cho thấy vắng bóng dáng của mặt hàng nông sản, kim ngạch mặt hàng này cũng rất thấp. Sức cạnh tranh của nhóm sản phẩm nông, lâm nghiệp, thủy sản vẫn chưa cao, hàng nông, lâm, thủy sản chủ yếu vẫn là sơ chế, nguồn nguyên liệu phân tán, một số nguyên liệu còn phải nhập từ tỉnh khác về, độ đồng nhất của nguyên liệu thấp…

Số liệu từ Sở Công Thương cho thấy, tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa 10 tháng ước đạt 2.640 triệu USD, tăng 33% so với cùng kỳ năm 2023, nhưng sản phẩm nông sản không nhiều, thiếu bền vững.

Trong ảnh- Nông dân xã Nam Cát, huyện Nam Đàn liên kết với doanh nghiệp thu mua lúa, bao tiêu sản phẩm. ảnh thu huyền
Nông dân xã Nam Cát, huyện Nam Đàn liên kết với doanh nghiệp thu mua lúa, bao tiêu sản phẩm. Ảnh: TH

Năm nay kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 42 triệu USD, tăng gần 100% do nguồn cung gạo trên thế giới thu hẹp, nhiều quốc gia cung ứng lớn buộc phải cấm và hạn chế xuất khẩu… dẫn tới xuất khẩu gạo Việt Nam có lợi thế. Ngoài ra, sắn và bột sắn đạt gần 70 triệu USD, tăng 40%; bò sữa: 2,4 triệu USD tăng mạnh (cùng kỳ chỉ 278 ngàn USD). Trong khi đó, nhiều sản phẩm nông sản có kim ngạch giảm như: Hoa quả chế biến và nước hoa quả: 19 triệu USD, giảm 1/2; thủy sản 86 triệu USD, giảm 40%; chè đạt 2 triệu USD, giảm 1/2.

Nghệ An là tỉnh đất rộng, người đông, sản xuất chủ yếu nông nghiệp và cũng là tỉnh có nhiều loại sản phẩm nông sản nổi tiếng được nhiều người tiêu dùng trong ngoài nước biết đến, như: Nhút Thanh Chương, tương Nam Đàn, cam Vinh, chè Gay, bột sắn dây, lạc sen… Song thực tế không có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Theo tổng hợp từ Sở Kế hoạch và Đầu tư, từ năm 2021 đến đầu năm 2024 có 24 dự án thuộc lĩnh vực nông nghiệp trong tổng số 373 dự án đã được cấp chủ trương, chứng nhận đầu tư, chỉ chiếm 6,43% dự án; tổng vốn 3.591,399 tỷ đồng/123.179,585 tỷ đồng, chiếm chưa đầy 3%.

chè thanh mai, thanh chương ảnh thu huyền
Nghệ An có diện tích chè lớn, nhưng sản phẩm chè chủ yếu chế biến thô, giá trị không cao. Ảnh: TH

Do sản xuất nông nghiệp phụ thuộc nhiều vào thời tiết, tính rủi ro cao, chậm thu hồi vốn. Trong khi đó, với khí hậu khắc nghiệt đặc trưng của Nghệ An, cùng với tình trạng biến đổi khí hậu ngày càng khốc liệt thì nông nghiệp luôn đối mặt với sự bấp bênh. Không chỉ rau, quả, mà doanh nghiệp trồng các loại cây trồng khác như cao su, chè cũng không ít lần lao đao vì nắng hạn, gió bão. Việc doanh nghiệp không mặn mà đầu tư vào nông nghiệp cũng chính là nguyên nhân khiến sản xuất lúa gạo ở Nghệ An vẫn đang chủ yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dân, hầu như ít được tiêu thụ ở các siêu thị, hệ thống phân phối lớn và đặc biệt là xuất khẩu.

Đối với sản phẩm lạc sen, dù Nghệ An có thương hiệu khá nổi tiếng nhưng lâu nay sản phẩm này vắng bóng trong bảng vàng xuất khẩu nông sản của tỉnh. Sản phẩm chủ yếu ở dạng sơ chế lạc nhân xuất khẩu và các cơ sở, hộ gia đình thu mua chế biến tiêu thụ lạc trên địa bàn tỉnh. Gần đây, rau củ quả cũng được phát triển khá tốt tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh, song sự liên kết giữa các nhà vẫn có lúc, có nơi chưa tốt, dẫn tới xảy ra phá vỡ hợp đồng…

Cũng chính vì công nghiệp chế biến chưa được đầu tư dẫn tới tốc độ tăng trưởng tổng kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản khiêm tốn, chỉ đạt 3-4%/năm.

bốc dỡ hàng hóa tại cảng cửa lò ảnh Việt Phương
Bốc dỡ hàng hóa tại cảng Cửa Lò Ảnh: TH

Theo Bộ Nông nghiệp và PTNT, đến năm 2030, phấn đấu công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản Việt Nam đứng trong số 10 nước hàng đầu thế giới, đủ năng lực chế biến, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp. Để đạt được mục tiêu trên, Bộ Nông nghiệp và PTNT định hướng cần tổ chức liên kết sản xuất trong chuỗi giá trị sản xuất - chế biến và tiêu thụ nông sản để nâng cao khả năng cung cấp nguyên liệu cho chế biến, đảm bảo đủ về số lượng và chất lượng, giá cả hợp lý và ổn định đối với tất cả mặt hàng.

Đặc biệt, phát triển các cụm liên kết sản xuất - chế biến và tiêu thụ nông sản tại các địa phương, các vùng có sản lượng nông sản lớn, thuận lợi giao thông, lao động, logistics, có tiềm năng trở thành cực động lực tăng trưởng cho cả khu vực. Ngoài ra, lựa chọn các doanh nghiệp “đầu tàu” có đủ năng lực về vốn, khoa học công nghệ và thị trường để dẫn dắt; hoàn thiện cơ chế chính sách để tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi… được xem là những giải pháp trọng tâm.

Thu Huyền