Phóng sự

Trăn trở với cung đường sắt Cầu Giát - Nghĩa Đàn

Tiến Đông 24/11/2024 13:39

Tuyến đường sắt Cầu Giát - Nghĩa Đàn được xác định sẽ tiếp tục duy trì. Nhưng hướng đi nào cho tuyến đường sắt này sẽ là một câu hỏi cần giải đáp, sau hơn 10 năm dừng chạy tàu và khi toàn tuyến đã bị hư hỏng.

bna_ghep.jpg

Vang bóng một thời

Tuyến đường sắt Cầu Giát - Nghĩa Đàn có tổng chiều dài 30km được xây dựng năm 1966, bắt đầu từ ga Cầu Giát (Quỳnh Lưu), điểm cuối là ga Nghĩa Đàn (nay là thị xã Thái Hòa). Tuyến đường sắt này được xây dựng là một phần quan trọng trong hệ thống giao thông đường sắt Việt Nam thời kỳ chiến tranh chống Mỹ. Việc xây dựng và hoàn thành tuyến đường sắt trong bối cảnh đất nước đang căng mình đối phó với chiến tranh đã thể hiện nỗ lực vượt khó của nhân dân Nghệ An, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của nó đối với cuộc chiến thống nhất đất nước.

Sau khi hoàn thành, tuyến đường này được xem như huyết mạch thông thương giữa miền xuôi và miền ngược. Nó không chỉ phục vụ nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa giữa khu vực Tây Bắc với vùng đồng bằng của tỉnh Nghệ An mà còn đóng vai trò chiến lược trong việc cung cấp hậu cần cho chiến trường miền Nam.

Trong thời kỳ chiến tranh, tuyến đường sắt này đóng vai trò vận chuyển các nguồn lực hậu cần như lương thực, vũ khí và quân đội từ hậu phương ra tiền tuyến. Với địa hình miền núi phức tạp và sự tấn công không ngừng từ kẻ địch, việc duy trì hoạt động của tuyến đường là một kỳ tích của ngành đường sắt Việt Nam. Các nhà ga nhỏ trên tuyến đường đã trở thành các điểm giao nhận hàng hóa và tiếp tế, đảm bảo sự lưu thông không ngừng nghỉ giữa các khu vực chiến lược.

bna_57.jpg
Đường ray của tuyến này có khổ rộng 1m. Ảnh: Tiến Đông

Đến bây giờ, rất nhiều người dân dọc tuyến Quốc lộ 48 vẫn còn nhớ như in những chuyến tàu nối Cầu Giát (Quỳnh Lưu) lên đến Nghĩa Đàn, Thái Hoà. Ngày đó đường bộ chưa phát triển nên cứ đúng giờ, đoàn tàu lại chất đầy hàng hóa từ miền xuôi lên và vận chuyển lâm thổ sản… về ga chính để vào Nam ra Bắc. Khi tiếng còi tàu cất lên, người dân khắp các vùng Quỳnh Mỹ, Ngọc Sơn, Quỳnh Châu (Quỳnh Lưu) và Nghĩa Thuận, Nghĩa Mỹ (Nghĩa Đàn) lại khấp khởi quang gánh theo tàu ngược xuôi. Có thời điểm, đoàn tàu chạy 2 đến 3 chuyến mỗi buổi.

Tuy nhiên, sau thời kỳ đổi mới, tuyến đường này dần mất đi vai trò chiến lược. Đến năm 2012, các chuyến tàu trên tuyến đã chính thức dừng hoạt động do không còn hiệu quả về mặt kinh tế. Kể từ đó, toàn bộ tuyến đường sắt này rơi vào tình trạng xuống cấp nghiêm trọng. Nhiều đoạn ray đã bị vùi lấp, các nhà ga trở thành những công trình hoang phế, và cơ sở hạ tầng xung quanh không còn được duy tu bảo dưỡng, thay thế vật tư, ảnh hưởng đến công tác quản lý.

bna_67-718f8ca6a3a48a5a60a04e27631e3cdd.jpg
Tấm biển cảnh báo công trình xuống cấp đều được gắn tại các nhà ga trên tuyến đường sắt này. Ảnh: Tiến Đông

Vào năm 2022, Công ty CP Đường sắt Nghệ Tĩnh (đơn vị quản lý tuyến đường sắt này), đã có báo cáo thực trạng toàn tuyến đường sắt để gửi cho Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Qua đó đã cho thấy một thực trạng thực sự báo động. Trên toàn tuyến dài 30km có đến 42 đường cong và 26 đoạn có độ dốc lớn. Tà vẹt bê tông đã thay thế cho hầu hết tà vẹt gỗ trước đây, nhưng trải qua thời gian dài không chạy tàu, không được duy tu bảo dưỡng nên tà vẹt đã bị rỉ, gãy, mất tác dụng. Nhiều đoạn, tà vẹt gỗ đã bị mục, bị vùi lấp dưới nền đất.

Toàn tuyến có 12 bộ ghi trong đó có 9 bộ ghi ray P24 và 3 bộ ghi ray P43, tình trạng các bộ ghi rất xấu, tà vẹt ghi đã mục nát, một số bộ ghi bị đất đá vùi lấp. Chưa kể còn có 7 cầu trong đó có 2 cầu dầm thép và 5 cầu bê tông máng đá ba lát. Thế nhưng các cầu này cũng đã bị hư hỏng, tà vẹt gỗ trên cầu hầu hết đã bị mục, nát.

bna_7(1).jpg
Một chiếc cầu trên tuyến đường sắt này đi qua địa phận xã Quỳnh Mỹ (Quỳnh Lưu), bằng mắt thường có thể nhìn thấy mố cầu đã bị nghiêng. Ảnh: Tiến Đông

Ngoài ra, trên tuyến này còn có 17 đường ngang, trong đó có 6 đường ngang cần chắn và 11 đường ngang biển báo. Hiện tại nhà chắn và các thiết bị, vật tư tại các đường ngang đã xuống cấp, hư hỏng một số đã được tháo dỡ.

Chúng tôi đã có một cuộc khảo sát thực tế trên toàn tuyến, và nhận ra thực tế ảm đạm trên tuyến đường sắt này. Mặc dù không còn hoạt động, tuyến đường sắt Cầu Giát - Nghĩa Đàn vẫn được duy trì dưới dạng "di sản" bắt buộc, nghĩa là các cơ quan quản lý đường sắt vẫn phải chịu trách nhiệm bảo vệ và duy trì một số cơ sở vật chất tối thiểu. Tuy nhiên, với việc duy trì lay lắt này không giúp tuyến đường này được đảm bảo hơn.

Toàn tuyến có 3 nhà ga: Nghĩa Đàn, Nghĩa Thuận và Quỳnh Châu; 6 nhà gác chắn và 4 nhà gác ghi. Nhưng thực tế, các công trình này cũng đã xuống cấp nghiêm trọng. Đặc biệt các ga đều chung tình cảnh bị lún, tường mái bị nứt, vữa tường bị bong tróc, các cột trụ, bong tróc lòi cốt thép hoen rỉ. Đến nỗi các cơ quan chức năng đều phải gắn biển cảnh báo nhà xuống cấp và cấm vào.

Đặc biệt trên tuyến này, nhiều công trình đã xâm lấn, xoá sổ nhiều đoạn đường sắt. Nhất là nhiều tuyến đường tỉnh lộ, quốc lộ thi công đã đè lên các đoạn đường sắt. Chưa kể, nhiều công trình dân sinh được xây dựng lấn chiếm, bao trùm lên cả hành lang của tuyến đường sắt Cầu Giát – Nghĩa Đàn.

bna_8.jpg
Đoạn cuối tại ga Nghĩa Đàn đã bị xâm lấn nghiêm trọng. Ảnh: Tiến Đông

Có thể hồi sinh?

Hiện tại, một câu hỏi được đặt ra là liệu có nên phục hồi tuyến đường sắt Cầu Giát - Nghĩa Đàn hay không? Một số ý kiến cho rằng việc cải tạo tuyến đường này có thể thúc đẩy kinh tế khu vực Tây Bắc Nghệ An và kết nối tốt hơn với các trung tâm kinh tế lớn.

Một hướng đi khác là khai thác tiềm năng du lịch của tuyến đường. Với bề dày lịch sử và vai trò trong chiến tranh, tuyến đường sắt này hoàn toàn có thể trở thành một di tích lịch sử hấp dẫn, phục vụ mục đích giáo dục và du lịch. Các tour du lịch bằng tàu hỏa qua những cảnh quan miền núi Nghệ An, kết hợp với các điểm đến văn hóa và lịch sử trong khu vực.

bna_62.jpg
Ga Nghĩa Thuận. Ảnh: Tiến Đông

Qua tìm hiểu chúng tôi nhận thấy, thời gian gần đây, UBND thị xã Thái Hòa đã có nhiều văn bản kiến nghị đến cơ quan quản lý tuyến đường sắt này thực hiện một số điều chỉnh. Theo đó, do thời gian dừng hoạt động của tuyến đường sắt này đã quá lâu, vì thế đơn vị quản lý cần phải khẳng định có tiếp tục sử dụng hay không.

Theo UBND thị xã Thái Hòa thì: Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thị xã Thái Hòa được UBND tỉnh Nghệ An phê duyệt vào năm 2019 thì ga đường sắt Nghĩa Đàn được quy hoạch về phía Đông thị xã (gần đường Hồ Chí Minh). Ngoài ra, khu vực phía Đông thị xã Thái Hòa hiện đã có nhà ga Nghĩa Thuận với diện tích hơn 16.000m2, do đó đề nghị đến cơ quan chức năng làm rõ việc có tiếp tục sử dụng nhà ga này nữa hay không, nếu không sử dụng thì dự kiến sẽ bố trí nhà ga mới tại vị trí nào, quy mô diện tích bao nhiêu để thị xã có cơ sở bố trí vị trí, quỹ đất vào đồ án quy hoạch phân khu cho phù hợp...

bna_59.jpg
Cảnh tượng hiu hắt là điều dễ nhận thấy dọc tuyến đường sắt này. Ảnh: Tiến Đông

Được biết, đến nay thị xã Thái Hoà vẫn chưa nhận được câu trả lời dứt điểm từ các cơ quan chức năng cho những kiến nghị của mình. Điều này dẫn đến khó khăn, vướng mắc trong việc triển khai các quy hoạch cũng như đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trên địa bàn thị xã.

Theo Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường sắt thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường sắt Cầu Giát – Nghĩa Đàn vẫn tiếp tục được duy trì, hoạt động để đáp ứng nhu cầu vận tải trong tương lai.

Mới đây, trước kiến nghị của cử tri thị xã Thái Hòa về việc di dời nhà ga Nghĩa Đàn ra khỏi trung tâm thị xã do đã dừng hoạt động hơn 10 năm, gây ô nhiễm môi trường và lãng phí tài sản, đất đai, Bộ Giao thông vận tải đã có văn bản trả lời khẳng định, sẽ tiếp tục duy trì tuyến đường sắt này.

Theo Bộ Giao thông vận tải thì trong thời gian tới, Bộ sẽ chỉ đạo Cục Đường sắt Việt Nam, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và các cơ quan liên quan rà soát, nghiên cứu, đánh giá về nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa bằng đường sắt để xem xét, quyết định việc nâng cấp, cải tạo tuyến đường sắt Cầu Giát – Nghĩa Đàn nhằm khôi phục hoạt động chạy tàu.

Tuy nhiên, để khôi phục tuyến đường sắt này, là một vấn đề cần đánh giá thấu đáo, kỹ càng. Bởi cần một khoản đầu tư lớn, trong đó phải kể đến chi phí cải tạo hạ tầng, nâng cấp nhà ga, và mua sắm tàu...

bna_29.jpg
Nhiều đoạn đường sắt đã bị đường ngang dân sinh vùi lấp, nhưng những tấm biển cảnh báo như thế này vẫn còn tồn tại như là sự hoài niệm về những gì xưa cũ. Ảnh: Tiến Đông

Có thể thấy rằng, tuyến đường sắt Cầu Giát - Nghĩa Đàn, từ một "huyết mạch" giao thông chiến lược, giờ đây đang nằm im lìm giữa sự lãng quên. Việc bảo tồn và phát triển tuyến đường không chỉ là câu chuyện kinh tế mà còn là trách nhiệm với lịch sử và văn hóa. Dù tương lai ra sao, tuyến đường sắt này vẫn là một phần ký ức không thể xóa nhòa của người dân Nghệ An...

Tiến Đông