Phòng, chống lãng phí: Tín hiệu tích cực
Hãy nhìn lại công tác phòng, chống tham nhũng những năm qua thì rõ. Mình tin khi người đứng đầu đất nước đã quan tâm, trực tiếp chỉ đạo thì cả hệ thống sẽ tích cực vào cuộc để bài trừ vấn nạn lãng phí. Đấy là tín hiệu tích cực...
Nhật Lân • 25/11/2024
Những ngày đầu của tháng 11/2024, rất nhiều những trang mạng xã hội và facebook cá nhân hào hứng đưa thông tin cuộc họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực ngày 30/10/2024 gắn với chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm “xác định phòng, chống lãng phí có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.
Một đồng nghiệp lớn tuổi cũng chia sẻ cảm xúc bản thân về nội dung này trên trang facebook cá nhân. Hỏi, anh thổ lộ: “Nhận xét của Tổng Bí thư về tình trạng lãng phí rất chính xác. Tình trạng lãng phí gây thiệt hại cho đất nước lớn hơn nhiều lần nạn tham nhũng, và đang hiện diện tràn lan ở mọi chốn, mọi nơi…”.
Anh mở cho xem bài viết “Tổng Bí thư chủ trì họp Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực” trên trang thông tin điện tử của Ủy Ban Kiểm tra Trung ương ngày 30/10/2024. Theo bài viết, trong phát biểu tại cuộc họp này, Tổng Bí thư đánh giá: “Lãng phí là vấn đề rất lớn, phạm vi rất rộng, thiệt hại còn lớn hơn rất nhiều lần so với tham nhũng, tiêu cực; đã có nhiều chủ trương, giải pháp về vấn đề này nhưng chưa hiệu quả”. Và có chỉ đạo: “Vừa tiếp tục đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vừa phải quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh phòng, chống lãng phí; xác định phòng, chống lãng phí có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.
Ngược dòng thời gian, quả đã có nhiều chủ trương, giải pháp để phòng, chống lãng phí. Một ví dụ rất sát là ngày 11/10/2022, Đoàn giám sát của Quốc hội có Báo cáo số 330/BC-ĐGS kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021. Để rồi đến ngày 15/11/2022, Quốc hội đã quyết nghị ban hành Nghị quyết số 74/2022/QH15 đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Tại Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022, Quốc hội đánh giá kết quả thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021, chỉ ra những tồn tại, nguyên nhân, cụ thể các phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp chung về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; và còn thông tin chi tiết nhóm những công trình, dự án gây tình trạng lãng phí.
Như ở tỉnh Nghệ An, được Quốc hội thông báo có 95 công trình, dự án kéo dài nhiều năm, chậm triển khai “không chỉ làm ảnh hưởng đến quyền lợi, đời sống và sinh kế của người có đất bị thu hồi, còn gây thất thu ngân sách nhà nước và lãng phí trong sử dụng đất”. Trong đó, thuộc Danh mục 51 dự án, cụm dự án sử dụng vốn đầu tư công và vốn Nhà nước khác không hiệu quả hoặc lãng phí giai đoạn 2016 - 2021 có Dự án hồ chứa nước Bản Mồng.
Còn trong Danh mục dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng hoặc chậm đưa đất vào sử dụng giai đoạn 2016 - 2021 có nhiều dự án đã “rất quen” với báo chí như: Khu du lịch, dịch vụ hỗn hợp và nghỉ dưỡng Cầu Cau (xã Thanh An, huyện Thanh Chương), Trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê và căn hộ cao cấp BMC (phường Quán Bàu, TP. Vinh); Chợ và Trung tâm thương mại (xã Nghi Ân, TP. Vinh), Tổ hợp Trung tâm thương mại và chung cư cao tầng BMC (số 92, đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường Hưng Bình, TP. Vinh)…
Điều đáng nói là từ khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 74/2022/QH15 ngày 15/11/2022, đến nay thời gian đã thêm tròn 2 năm. Nhưng như với Dự án hồ chứa nước Bản Mồng (khởi công từ năm 2010 với số vốn ban đầu 3.744 tỉ đồng từ ngân sách nhà nước, đến năm 2017 phải bổ sung thêm 1.808 tỉ đồng, nâng tổng mức đầu tư lên 5.552 tỉ đồng), không chỉ tiếp tục bị xác định chậm tiến độ, gây lãng phí lớn cho ngân sách nhà nước; mà ngày 1/11/2024, Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố 8 bị can để điều tra về hành vi "vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" và "vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".
Hay những Khu du lịch, dịch vụ hỗn hợp và nghỉ dưỡng Cầu Cau, Tổ hợp trung tâm thương mại và chung cư cao tầng BMC…, dù dư luận bức xúc, báo chí phản ánh, thì vẫn nguyên trạng, chưa hề có sự thay đổi.
Trao đổi với đồng nghiệp những nội dung này, theo chiều hướng có những băn khoăn, nhưng với anh, khi Tổng Bí thư đánh giá công tác phòng, chống lãng phí “chưa hiệu quả”, chỉ đạo “phải quan tâm chỉ đạo đẩy mạnh phòng, chống lãng phí; xác định phòng, chống lãng phí có vị trí tương đương với phòng, chống tham nhũng, tiêu cực” thì rất tin tưởng sẽ có sự đổi khác tích cực.
Anh nói: Hãy nhìn lại công tác phòng, chống tham nhũng những năm qua thì rõ. Mình tin khi người đứng đầu đất nước đã quan tâm, trực tiếp chỉ đạo thì cả hệ thống sẽ tích cực vào cuộc để bài trừ vấn nạn lãng phí. Đấy là tín hiệu tích cực...