Kinh tế

Nghệ An triển khai Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030

Hoài Thu 26/11/2024 18:38

Ngày 26/11, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị triển khai Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và một số cơ chế, chính sách, định hướng phát triển lâm nghiệp trong giai đoạn 2026-2030.

toàn cảnh hội nghị
Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Hoài Thu

Tham dự, về phía Trung ương có đồng chí Trần Quang Bảo - Cục trưởng Cục Lâm nghiệp; PGS.TS Trần Đình Thiên - nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam. Đại diện lãnh đạo Cục Lâm nghiệp, Cục Kiểm lâm; đại diện các cục, vụ, viện, các cơ quan, đơn vị và các chuyên gia, nhà khoa học liên quan.

Các đồng chí: Nguyễn Văn Đệ - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh giai đoạn 2021-2025; Phùng Thành Vinh - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT; Nguyễn Danh Hùng - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, đồng chủ trì hội nghị.

dsc_3928.jpg
Các đồng chí chủ trì hội nghị. Ảnh: Hoài Thu

Xây dựng mục tiêu phát triển bền vững ngành Lâm nghiệp

Trên cơ sở hồ sơ Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và một số chính sách mới liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp vừa mới được Quốc hội và Chính phủ ban hành, Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai một số nội dung Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Nghệ An và thông qua một số chính sách mới có liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp.

Phát biểu khai mạc hội nghị, đồng chí Phùng Thành Vinh nhấn mạnh, quy hoạch lâm nghiệp quốc gia được phê duyệt đã tạo hành lang pháp lý để các địa phương xây dựng các chương trình đề án, kế hoạch, cơ chế, chính sách phát triển. Từ đó tạo thành phong trào thi đua sôi nổi, góp phần thiết thực vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển ngành lâm nghiệp theo đúng định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đặc biệt, quy hoạch cũng đảm bảo phù hợp với chỉ tiêu Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

PCt Nguyễn Văn Đệ
Đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững tỉnh giai đoạn 2021-2025 phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hoài Thu

Đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT khẳng định, Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia giai đoạn 2021-2030 là cơ sở thuận lợi để Nghệ An phát triển kinh tế rừng, phát triển ngành Lâm nghiệp theo định hướng kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, vẫn còn những khó khăn, vì vậy cần có những giải pháp, kế hoạch, lộ trình để triển khai hiệu quả.

Quyết định 895/QĐ-TTg Phê duyệt Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo quy định của Luật Lâm nghiệp và Luật Quy hoạch. Theo đó, tổng diện tích đất lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Nghệ An đến năm 2030 được quy hoạch 1.148.476ha (gồm: 171.062ha rừng đặc dụng, 370.405ha rừng phòng hộ, 607.009ha rừng sản xuất).

Triển khai hiệu quả các chính sách mới

Tại hội nghị, đồng chí Bạch Quốc Dũng - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm thông qua các nội dung triển khai quy hoạch Quyết định số 895/QĐ-TTg ngày 24/8/2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 trên địa bàn tỉnh Nghệ An, phân tích số liệu và thông qua một số định hướng quy hoạch lâm nghiệp của địa phương theo quyết định phê duyệt và một số chính sách mới có liên quan đến lĩnh vực lâm nghiệp.

đồng chí Phùng Thành Vinh phát biểu khai mạc Hội nghị Ảnh Hoài Thu
Đồng chí Phùng Thành Vinh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hoài Thu

Quy hoạch cũng đề ra tầm nhìn đến năm 2050 về quy hoạch phát triển lâm nghiệp về kinh tế, xã hội và môi trường.

Hội nghị được nghe ý kiến góp ý của nhiều chuyên gia, nhà khoa học, ý kiến từ các đơn vị, địa phương tham dự. Trong đó có nhiều ý kiến tâm huyết như: PGS.TS Trần Đình Thiên chia sẻ ý kiến về kinh tế lâm nghiệp nhìn từ góc độ nguồn nhân lực địa phương và quy hoạch lâm nghiệp quốc gia. Ông Nguyễn Tiến Lâm - Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và lâm sản ngoài gỗ tỉnh Nghệ An góp ý kiến về thực trạng và giải pháp cho ngành chế biến gỗ và lâm sản ngoài gỗ ở Nghệ An. PGS.TS Phùng Văn Khoa - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp Việt Nam đóng góp các giải pháp về phát triển nguồn nhân lực nhìn từ tài nguyên rừng của Nghệ An. Còn PGS.TS Hoàng Liên Sơn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh tế lâm nghiệp Việt Nam lại có những đóng góp ý kiến về mã số rừng trồng, giải pháp ứng dụng công nghệ số cho ngành Lâm nghiệp.

Cục trưởng Cục Lâm nghiệp
Đồng chí Trần Quang Bảo - Cục trưởng Cục Lâm nghiệp phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Hoài Thu

Đồng chí Trần Quang Bảo - Cục trưởng Cục Lâm nghiệp chia sẻ tại hội nghị về những điểm mới của Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia. Hiện nay, cơ chế, chính sách đã phân cấp thẩm quyền cho HĐND địa phương trong chuyển mục đích sử dụng rừng, mở ra không gian phát triển kinh tế, xã hội của các địa phương có diện tích rừng lớn, độ che phủ rừng cao như Nghệ An.

Lãnh đạo Cục Lâm nghiệp mong muốn tỉnh Nghệ An triển khai tốt Quy hoạch lâm nghiệp theo hướng trở thành hình mẫu phát triển kinh tế lâm nghiệp của cả nước. Cục Lâm nghiệp sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ địa phương thực hiện tốt các nội dung triển khai.

Định hướng Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn Nghệ An. Đồ hoạ: PV
Định hướng Quy hoạch lâm nghiệp quốc gia giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn Nghệ An. Đồ hoạ: PV

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Đệ - Phó Chủ tịch UBND tỉnh khẳng định, ngành lâm nghiệp có vai trò đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Với vị trí là một tỉnh có diện tích rừng lớn nhất cả nước, độ che phủ rừng năm 2023 đạt 58,33%, Nghệ An đóng vai trò trọng yếu trong việc bảo vệ tài nguyên rừng và phát triển bền vững kinh tế lâm nghiệp.

Để đạt được các mục tiêu đề ra theo nội dung của Quy hoạch lâm nghiệp Quốc gia và đồng thời áp dụng có hiệu quả một số cơ chế, chính sách, định hướng phát triển lâm nghiệp trong thời gian tới, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các cấp, các ngành và các địa phương thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm về bảo vệ và quản lý rừng bền vững. Duy trì diện tích rừng tự nhiên hiện có, tăng cường các biện pháp tuần tra, giám sát để ngăn chặn nạn phá rừng, khai thác rừng trái phép. Ứng dụng công nghệ như hệ thống viễn thám và GIS trong giám sát tài nguyên rừng, đảm bảo quản lý hiệu quả. Xây dựng các cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa lực lượng kiểm lâm, chính quyền địa phương và người dân trong việc quản lý rừng. Đồng thời, nâng cao năng lực, ý thức cộng đồng và ứng dụng khoa học công nghệ và số hóa ngành lâm nghiệp...

Hoài Thu