Hội thảo tìm giải pháp xây dựng Nghĩa Đàn thành khu nông nghiệp công nghệ cao
Tại hội thảo, các chuyên gia đã gợi mở những giải pháp để Nghĩa Đàn trở thành Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của Nghệ An.
Ngày 28/11, tại huyện Nghĩa Đàn, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với UBND huyện Nghĩa Đàn tổ chức Hội thảo “Giải pháp thúc đẩy phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn huyện Nghĩa Đàn”.
Tham dự hội thảo có đại diện các viện, vụ của các bộ, ngành Trung ương: Bộ KH&CN, Bộ Nông nghiệp và PTNT, Bộ Xây dựng, các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế, lãnh đạo một số học viện, trường đại học; lãnh đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh và huyện Nghĩa Đàn.
Thực trạng phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở Nghĩa Đàn
Tại hội thảo, các chuyên gia cho rằng, từ những thành tựu ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp trên thế giới và thực tiễn tại Việt Nam cho thấy, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là xu hướng chủ đạo và tất yếu của ngành Nông nghiệp để nâng cao giá trị gia tăng của nông sản.
Theo báo cáo của UBND huyện Nghĩa Đàn, giai đoạn 2020-2024, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của huyện đã có bước phát triển đáng kể. Nhiều giống cây trồng, vật nuôi có năng suất chất lượng đã được khảo nghiệm, ứng dụng, mở rộng (Bộ giống cây trồng, vật nuôi thay đổi rõ nét, trong trồng trọt đã có trên 90% diện tích lúa, 80% diện tích ngô, 60% diện tích mía, cây ăn quả,... được dùng bộ giống mới thích nghi với điều kiện thời tiết khắc nghiệt, có khả năng chống chịu dịch bệnh, năng suất cao, chất lượng tốt, mẫu mã đẹp phù hợp thị hiếu thị trường.
Trong chăn nuôi du nhập và chọn lọc ứng dụng nhiều giống vật nuôi mới, khắc phục hạn chế của giống địa phương.
Áp dụng các quy trình canh tác tiên tiến, sản xuất, trồng trọt theo quy trình VietGAP (37,1 ha cam, ổi, dưa lưới), chăn nuôi VietGAPH có mật ong, gà và lươn; Hệ thống thâm canh lúa cải tiến SRI, thâm canh, cắt tỉa tạo quả trái vụ hay sản xuất rau, củ, quả trong nhà lưới... Đến nay, toàn huyện có 10 nhà lưới với 16.000 m2 mỗi năm sản xuất được trên 50 tấn rau, củ, quả.
Chương trình cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp cũng được doanh nghiệp và nông dân áp dụng, tỷ lệ cơ giới hóa trong các khâu sản xuất tăng nhanh: khâu làm đất đạt đạt 85%, khâu thu hoạch đạt 63,5%, khâu vận chuyển ở nông thôn đạt 63%.
Một số quy trình canh tác tiên tiến như SRI, VietGAP, GlobalGAP, canh tác theo phương thức nông nghiệp sinh thái đã được triển khai thử nghiệm... Doanh nghiệp và nông dân đã bắt đầu tham gia chuỗi, đã quan tâm đến tín hiệu thị trường, xây dựng thương hiệu sản phẩm, đã hình thành vùng sản xuất quy mô lớn, tập trung (ngô, mía, sắn, sở, cam...). Chính vì vậy, năng suất hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp có bước phát triển khá.
Việc liên kết để phát triển nông nghiệp công nghệ cao được chú trọng. Điển hình như: Lliên kết sản xuất mía đường (NASU); Chế biến gỗ MDF với công suất lớn; Liên kết sản xuất rau, củ, quả sạch; Nhà máy nước ép hoa quả Núi Tiên; Nhà máy thức ăn gia súc công nghệ cao... Từ đó, phát triển sản phẩm hàng hóa theo chuỗi giá trị, phát huy những thế mạnh địa phương để xây dựng nhiều sản phẩm chất lượng, có thương hiệu và phát triển thị trường ổn định.
Nghị quyết số 39-NQ/TW ngày 18/7/2023 của Bộ Chính trị xác định phát triển hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh với trọng tâm là phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; công nghiệp chế biến nông, lâm sản, vật liệu xây dựng và du lịch sinh thái. Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, định hướng phát triển nông nghiệp và lâm nghiệp: Phát triển thành địa bàn phát triển nông nghiệp hàng hóa quy mô lớn gắn với công nghiệp chế biến”.
Nghị quyết số 26- NQ/TW ngày 30/7/2013 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển tỉnh Nghệ An đến năm 2020 xác định nhiệm vụ “Xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với trung tâm là Nghĩa Đàn nhằm khai thác tiềm năng nông nghiệp khu vực miền Tây, tạo ra sản phẩm có chất lượng, năng suất, hiệu quả và làm điển hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của vùng Bắc Trung Bộ”.
Quyết định số 1059/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 14/9/2023 về việc phê duyệt Quy hoạch tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định “Xây dựng và phát triển khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại huyện Nghĩa Đàn với diện tích khoảng 200 ha”.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Nghĩa Đàn lần thứ XXIX xác định mục tiêu “Xây dựng huyện Nghĩa Đàn trở thành huyện nông thôn mới và từng bước trở thành trung tâm kinh tế nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Nghệ An”.
Những gợi mở để Nghĩa Đàn trở thành Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao
Nghĩa Đàn được đánh giá là một địa phương hội tủ đủ tiềm năng, lợi thế: Đất đai, khí hậu, nhân lực, giao thông… là nền tảng vững chắc để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Do đó, UBND tỉnh lựa chọn huyện Nghĩa Đàn là địa điểm khảo sát xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh Nghệ An gắn với Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông, lâm sản trọng tâm thuộc hành lang kinh tế đường Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, theo nhận định của các chuyên gia, bên cạnh những kết quả đạt được, nông nghiệp công nghệ cao của Nghĩa Đàn còn có những tồn tại, hạn chế và đối mặt với những thách thức. Do đó, tại hội thảo lần này, các đại biểu đã tập trung làm rõ các vấn đề: Cơ sở lý luận và thực tiễn phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Mô hình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên thế giới;
Phân tích, đánh giá thực trạng, tiềm năng và cơ hội phát triển nông nghiệp ứng dụng cao ở huyện Nghĩa Đàn trên các phương diện: Những tiền đề cho phát triển nông nghiệp công nghệ cao ở huyện Nghĩa Đàn; Chính sách hỗ trợ của Trung ương, tỉnh phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Những vấn đề đặt ra trong phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở huyện Nghĩa Đàn.
Đồng thời, đề xuất các giải pháp phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở huyện Nghĩa Đàn. Trong đó, tập trung vào vấn đề: Quy hoạch và phát triển khu, vùng và sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Xác định đối tượng cây trồng, vật nuôi ứng dụng công nghệ cao. Xác định công nghệ cao chính ứng dụng trong nông nghiệp; Giải pháp về khoa học và công nghệ; Phát triển tiềm lực hỗ trợ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; Giải pháp về tài chính; Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực; Giải pháp thị trường tiêu thụ sản phẩm…
Hội thảo cũng được nghe những chia sẻ về kinh nghiệm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của một số tỉnh và các doanh nghiệp trong nước.