Xã hội

Bất cập trong kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể ở Nghệ An

Minh Quân 28/11/2024 15:10

Dù đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận nhưng hoạt động kiểm kê các di sản văn hóa phi vật thể ở Nghệ An vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.

Kết quả tích cực

Từ năm 2011 đến nay, Nghệ An đã thực hiện 2 đợt kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, qua đó, ghi nhận 463 di sản, với 4.075 phiếu kiểm kê và lập danh mục. Các di sản này phân bố trên 21 huyện, thành, thị trong tỉnh.

Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại
Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Ảnh: Minh Quân

Vùng đồng bằng và trung du như Yên Thành, Đô Lương, Nam Đàn, Thanh Chương, Hưng Nguyên và thành phố Vinh là nơi tập trung nhiều di sản thuộc loại hình lễ hội và trình diễn dân gian đặc sắc, điển hình như Lễ hội Đền Quả Sơn, Lễ hội Đền Ông Hoàng Mười, các buổi trình diễn Dân ca ví giặm, tuồng, ca trù... Trong khi đó, các huyện, thị ven biển như Diễn Châu, Quỳnh Lưu, TX.Hoàng Mai, Nghi Lộc và TX. Cửa Lò nổi bật với những phong tục như tục thờ cá Ông, nghi lễ nghinh Ông, lễ cầu ngư, lễ xuất bến và hạ thủy...

Theo Luật Di sản văn hóa: “Kiểm kê di sản văn hóa là hoạt động nhận diện, xác định giá trị và lập danh mục di sản văn hóa.” Hoạt động kiểm kê không chỉ dừng lại ở việc đếm và lập danh sách, mà còn nhằm nhận diện, đánh giá các yếu tố và vấn đề liên quan để bảo vệ di sản, bao gồm: hình thức, đặc điểm, giá trị di sản; khả năng tồn tại, sức sống hoặc nguy cơ mai một của di sản".

Đối với di sản văn hóa phi vật thể, đối tượng kiểm kê bao gồm các loại hình: tiếng nói, chữ viết của các dân tộc Việt Nam; ngữ văn dân gian; nghệ thuật trình diễn dân gian; tập quán xã hội; lễ hội truyền thống; nghề thủ công truyền thống; tri thức dân gian…

Trong khi đó, các huyện miền núi như Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông, Quế Phong, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Anh Sơn... là không gian văn hóa của nhiều di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc. Di sản văn hóa phi vật thể ở vùng này phong phú về số lượng và đa dạng về loại hình. Trong đó, tiêu biểu nhất là loại hình nghệ thuật trình diễn dân gian với nhiều di sản phổ biến, mang đậm bản sắc văn hóa địa phương.

Điển hình như dân tộc Thái có các loại hình nghệ thuật như trình diễn cồng chiêng, nhảy sạp, khắc luống, múa xòe, chơi pí, khắp, lăm, nhuôn. Dân tộc Khơ Mú nổi bật với cồng chiêng, tơm, phí tơm, đao đao, khèn lá, khèn môi bằng nứa, cồng chiêng nứa. Dân tộc Mông sở hữu các di sản như khèn bè, sáo Mông, khèn môi, hát cự xia. Dân tộc Thổ hiện đang lưu giữ nghệ thuật ca truyền thống như tập tình tập tang, đu đu, trình diễn cồng chiêng, khèn so ma, các điệu múa cổ truyền và các làn điệu như dân ca điềng điềng, hát dạ ời.

Nghề dệt thổ cẩm của phụ nữ xã Tiên Kỳ (Tân Kỳ) - một di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số miền Tây
Nghề dệt thổ cẩm của phụ nữ xã Tiên Kỳ (Tân Kỳ) - một di sản văn hóa phi vật thể của đồng bào dân tộc thiểu số miền Tây. Ảnh: Minh Quân

Ngoài ra, các địa phương vùng cao còn bảo tồn nhiều di sản thuộc loại hình phong tục, tập quán như tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, nghi thức cưới hỏi, tục làm vía và buộc chỉ cổ tay, tục uống rượu cần… Cùng với đó là các di sản thuộc tri thức dân gian như các bài thuốc nam chữa bệnh, kinh nghiệm thực hành nghề mo...

Từ kết quả của các đợt kiểm kê, qua sự đánh giá, thẩm định của các ngành, các cơ quan, tổ chức liên quan, đến nay, Nghệ An có 1 di sản được UNESCO ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, đó là Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh.

Ngoài ra, có 9 di sản được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Lễ hội Đền Cờn (thị xã Hoàng Mai), Lễ hội Đền Quả Sơn (huyện Đô Lương), Lễ hội Đền Chín Gian (huyện Quế Phong), Lễ hội Đền Bạch Mã (huyện Thanh Chương), Lễ hội Đền Thanh Liệt (huyện Hưng Nguyên), Lễ hội Đền Ông Hoàng Mười (huyện Hưng Nguyên), nghi lễ Xăng Khan của đồng bào dân tộc Thái miền Tây Nghệ An, Lễ hội Đền Yên Lương (thị xã Cửa Lò) và Lễ hội Đền Nguyễn Cảnh Hoan (huyện Đô Lương).

Bà Phan Thị Anh – Trưởng phòng Quản lý di sản văn hóa (Sở Văn hóa và Thể thao) chia sẻ: “Có thể thấy Nghệ An sở hữu số lượng lớn các di sản văn hóa phi vật thể, đa dạng về loại hình và đặc sắc về giá trị, hiện đang được bảo lưu và trao truyền. Quá trình thực hiện kiểm kê đã giúp các cấp chính quyền địa phương nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác này và dành sự quan tâm cũng như nguồn lực đáng kể để triển khai”.

Nhận diện khó khăn, bất cập

Tuy nhiên, đại diện Phòng Quản lý di sản văn hóa cho biết, công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn vẫn gặp nhiều khó khăn và bất cập. Là lực lượng trực tiếp tham gia kiểm kê, một số cán bộ văn hóa, đặc biệt ở cấp xã, còn hạn chế trong việc nhận diện di sản văn hóa phi vật thể cũng như hiểu rõ nội dung kiểm kê.

Trước mỗi đợt kiểm kê, ngành Văn hóa từ tỉnh đến huyện đều tổ chức các buổi tập huấn cho cán bộ văn hóa cấp xã. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, một số cán bộ văn hóa xã vẫn nhầm lẫn giữa di sản văn hóa vật thể và phi vật thể, chẳng hạn như nhầm lẫn bia đá, sắc phong với di sản phi vật thể. Ngoài ra, một số nghề truyền thống đã không còn được thực hành hoặc bị cấm vẫn bị đưa vào danh mục, như nghề sơn tràng (khai thác gỗ), nghề săn bắn, nghề nung gạch thủ công….

Anh Nguyễn Hồng Hiền – cán bộ Trung tâm Văn hóa – Thể thao và Truyền thông huyện Con Cuông.

Đại diện phòng văn hóa – thông tin các huyện miền núi cho biết, đời sống kinh tế khó khăn của đồng bào dân tộc thiểu số cũng khiến việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể chưa được chú trọng. Thậm chí, một số cộng đồng vẫn thực hành di sản mà không nhận thức đó là di sản, như tục cúng họ, tục cướp vợ của người Mông, tục chôn cất cá Ông của cư dân vùng biển, lễ bốc mộ của người dân tộc Thổ, tục làm vía buộc chỉ tay, hay lễ tạ ơn cha mẹ của người Thái…

Ngoài ra, sự bất đồng ngôn ngữ trong quá trình kiểm kê cũng gây ra nhiều khó khăn. Một số di sản chỉ được ghi chép bằng tiếng địa phương mà không kèm chú thích tiếng Việt, dẫn đến khó khăn trong việc tổng hợp thông tin, ví dụ như: Hằng vắn, Xến bản, Xến mường, Oọc cắm, Oọc khọ, Boọc mạy, Păm tài...

Cùng với đó, công tác kiểm kê đòi hỏi nhiều kinh phí và thời gian để thực hiện các hoạt động như điền dã, phỏng vấn, ghi âm, ghi hình, chụp ảnh, lập bản đồ... Tuy nhiên, nguồn kinh phí dành cho hoạt động này chưa đảm bảo, khiến thời gian tìm hiểu, sưu tầm tại các thôn, làng bị hạn chế, làm ảnh hưởng đến chất lượng và kết quả kiểm kê.

Lễ tế tại Lễ hội Đền Yên Lương - một trong 9 di sản văn hóa phi vật thể ở Nghệ An được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia
Lễ tế tại Lễ hội Đền Yên Lương - 1 trong 9 di sản văn hóa phi vật thể ở Nghệ An được đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Ảnh: Đình Tuyên

Hơn nữa, di sản văn hóa phi vật thể chủ yếu được truyền lại qua hình thức truyền miệng, truyền nghề từ người này sang người khác, mà không được ghi chép dưới dạng văn bản, làm tăng nguy cơ thất truyền. Trong khi đó, công tác tư liệu hóa thời gian qua mới chỉ được triển khai đối với một số loại hình di sản, ở quy mô nhỏ lẻ, rời rạc và thiếu tính toàn diện.

Trao đổi về công tác kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, bà Trần Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao cho biết, do những khó khăn, hạn chế trong công tác kiểm kê và thu thập tư liệu về di sản văn hóa phi vật thể, phần lớn các huyện chưa đề xuất được những biện pháp bảo vệ khả thi, phù hợp với tính chất và đặc thù của từng loại hình di sản. Trong khi đó, di sản văn hóa phi vật thể không dễ dàng hình thành, nhưng lại rất dễ bị mai một.

Thời gian tới, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh công tác kiểm kê, ngành Văn hóa – Thể thao sẽ đề xuất và tham mưu các cơ chế, chính sách đầu tư phù hợp nhằm bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể. Đồng thời, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ về kiểm kê và lập hồ sơ di sản văn hóa cho cán bộ cơ sở. Ngoài ra, việc nghiên cứu và triển khai các giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số sẽ được đẩy mạnh để bảo tồn và phát huy hiệu quả giá trị di sản văn hóa, bao gồm cả di sản văn hóa vật thể và phi vật thể.

Bà Trần Thị Mỹ Hạnh - Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Nghệ An.

Minh Quân