Thời sự

Đại biểu Quốc hội đoàn Nghệ An thảo luận về sửa đổi, bổ sung Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật

Thành Duy - Phan Hậu 28/11/2024 16:45

Chiều 28/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.

bna_3c5c981d4843f21dab52.jpg
Quang cảnh phiên làm việc ngày 28/11. Ảnh: Nam An

Đồng tình xã hội hóa hoạt động xây dựng, phổ biến, áp dụng tiêu chuẩn

Tán thành sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật, bà Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Nghệ An đã phát biểu thảo luận góp ý một số nội dung nhằm hoàn thiện hơn nữa hành lang pháp lý trong lĩnh vực tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật.

Trước hết, vị đại biểu đoàn Nghệ An đánh giá cao dự thảo Luật đã bổ sung quy định về xã hội hóa hoạt động xây dựng, phổ biến, áp dụng tiêu chuẩn và nhận định đây là bước đi chiến lược có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trước bối cảnh nguồn lực Nhà nước hạn hẹp và nhu cầu đa dạng của thị trường.

“Việc xã hội hóa hoạt động xây dựng, phổ biến, áp dụng tiêu chuẩn sẽ tạo ra một làn sóng mới, thu hút nguồn lực từ khu vực tư nhân vào hoạt động tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật góp phần nâng cao chất lượng và tính phù hợp của tiêu chuẩn với thực tiễn sản xuất, kinh doanh”, bà Thái Thị An Chung nói.

bna_e6fe14090156bb08e247(1).jpg
Bà Thái Thị An Chung - Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Nghĩa Đức

Tuy nhiên, theo nhận định của đại biểu, việc cụ thể hóa chính sách xã hội hóa trong dự thảo Luật còn mờ nhạt, mới chỉ dừng lại ở việc mở rộng các đối tượng được tham gia góp ý vào quá trình xây dựng tiêu chuẩn Việt Nam.

Do đó, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu thiết lập 2 loại tiêu chuẩn gồm: Tiêu chuẩn Quốc gia (TCVN) và Tiêu chuẩn hội, hiệp hội, ngành hàng (TCH) theo nguyên tắc: TCVN do Nhà nước xây dựng, tập trung vào các tiêu chuẩn liên quan đến quốc phòng, an ninh, còn các lĩnh vực khác yêu cầu cần phải chứng nhận sự phù hợp thì trao quyền cho các Hội, Hiệp hội được trực tiếp xây dựng, ban hành.

Đồng thời, cần quy định rõ điều kiện để Hội, Hiệp hội xây dựng tiêu chuẩn, quản lý chương trình chứng nhận tiêu chuẩn và trình tự thủ tục ban hành TCH; thiết lập cơ chế để Hội, Hiệp hội ngành nghề có đủ công cụ để giám sát chất lượng sản phẩm hàng hóa thông qua việc chấp nhận tiêu chuẩn Hội, Hiệp hội và cho phép các Hội, Hiệp hội đủ điều kiện ban hành các tiêu chuẩn sản phẩm và quản lý chương trình chứng nhận sản phẩm. Nhà nước bảo hộ TCH thông qua việc xác nhận quyền tác giả đối với TCH.

Đại biểu Thái Thị An Chung đề nghị đối với việc ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn; bên cạnh việc lưu ý đến các yếu tố đặc thù thì phải đảm bảo các nguyên tắc ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Xem xét ban hành số lượng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia phù hợp

Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Nghệ An cũng đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục nghiên cứu để nhận diện tiêu chí sản phẩm hàng hóa, dịch vụ nào mới cần quản lý bằng tiêu chuẩn, quy chuẩn nhằm giảm thời gian, chi phí phải bỏ ra để ban hành khối lượng văn bản lớn.

Đồng thời, cũng cần nhận diện, phân biệt rõ giữa tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật với điều kiện đầu tư kinh doanh để đảm bảo thống nhất, không chồng chéo giữa Luật Tiêu chuẩn- Quy chuẩn kỹ thuật với Luật Đầu tư. Vì qua nghiên cứu báo cáo trong hồ sơ dự án Luật cho thấy số lượng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia hiện rất nhiều.

Mặt khác, theo phản ánh của một số doanh nghiệp, hiệp hội cho thấy sản phẩm có quy chuẩn kỹ thuật đã được sản xuất trong các nhà máy có cơ sở vật chất và quy trình sản xuất được cơ quan chức năng đánh giá công nhận đủ điều kiện theo quy định của pháp luật, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc gia và quốc tế… nhưng lại phải công bố hợp quy cho từng sản phẩm thì mới được phép lưu hành.

Theo đại biểu Thái Thị An Chung, như vậy, quy định công bố hợp quy sản phẩm trước khi được phép sản xuất, kinh doanh sản phẩm là thừa và hình thức. Vì để công bố hợp quy sản phẩm, các tổ chức được chỉ định lại đến nhà máy đánh giá cơ sở, quy trình sản xuất và lấy mẫu thử nghiệm (nghĩa là làm lại công việc của tổ chức đã đánh giá công nhận cơ sở đủ điều kiện sản xuất, kinh doanh.

Mặt khác, quy định sản phẩm có quy chuẩn kỹ thuật phải công bố khi lưu hành, đã buộc 100% các lô hàng hóa sản phẩm nhập khẩu, chỉ hoàn thành thủ tục thông quan và được phép lưu hành khi có kết quả công bố hợp quy.

Điều này đã làm phát sinh bất cập là 100% các lô hàng hóa nhập khẩu vào nước ta phải kiểm tra chất lượng mới được phép thông quan, trong khi hầu hết các nước trên thế giới đều áp dụng phương pháp hậu kiểm hoặc thừa nhận lẫn nhau hoặc kiểm tra xác suất với tần suất không quá 5% số lô hàng nhập khẩu. Bên cạnh đó, doanh nghiệp phải tốn kém thêm nhiều chi phí cho thời gian chờ làm thủ tục và chi phí lưu kho, lưu bãi…

Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ tổng kết, đánh giá thêm việc thực hiện các quy định tại Điều 48 của Luật hiện hành và lắng nghe ý kiến phản hồi của các doanh nghiệp, Hội, Hiệp hội để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu. Ảnh: Nam An

Cũng liên quan đến dự thảo Luật, đại biểu Thái Thị An Chung đề nghị đồng tình với việc bổ sung quy định về “thừa nhận đơn phương kết quả đánh giá sự phù hợp” của các tổ chức quốc tế, nước ngoài.

“Tôi cho rằng, đây là một bước đi đúng hướng, giúp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp trong tình hình hiện nay, nhất đối với một số lĩnh vực công nghệ mới nổi mà nguồn lực trong nước chưa thể đáp ứng, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của sản phẩm Việt Nam trên thị trường quốc tế”, đại biểu nêu quan điểm.

Tuy nhiên, để đảm bảo hiệu lực thực thi của quy định này, bà cho rằng, cần nghiên cứu bổ sung các quy định cụ thể, bao gồm: Xây dựng cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành liên quan để đảm bảo tính thống nhất và hiệu quả trong quá trình thực hiện; đầu tư nâng cao năng lực của các tổ chức đánh giá sự phù hợp trong nước, nhằm rút ngắn khoảng cách so với các tổ chức quốc tế và tạo điều kiện thuận lợi cho việc thừa nhận lẫn nhau. Bên cạnh đó, cần có cơ chế giám sát và đánh giá thường xuyên hiệu quả của việc áp dụng quy định, để kịp thời điều chỉnh và bổ sung nếu cần thiết.

Thành Duy - Phan Hậu