Thời sự

Đồng ý chủ trương tổ chức lại Ban Quản lý Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ

Phạm Bằng 28/11/2024 17:44

Việc tổ chức lại Ban Quản lý Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ sẽ giúp triển khai thực hiện các nhiệm vụ quản lý khu lâm nghiệp một cách hiệu quả, liên tục, sớm hoàn thành các khung pháp lý đủ điều kiện thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Chiều 28/11, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An tiếp tục họp phiên thường kỳ tháng 11/2024. Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì, điều hành phiên họp.

Dự phiên họp có đồng chí Hoàng Nghĩa Hiếu - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; đại diện các Ban Đảng, Ủy ban Kiểm tra Trung ương phụ trách Đảng bộ tỉnh Nghệ An và các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy...

Tại phiên họp, trên cơ sở Tờ trình của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh và các báo cáo liên quan, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đồng ý chủ trương tổ chức lại Ban Quản lý Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ.

Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì, điều hành phiên họp Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thường kỳ tháng 11/2024. Ảnh: Phạm Bằng
Đồng chí Nguyễn Đức Trung - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì, điều hành phiên họp Ban Thường vụ Tỉnh ủy thường kỳ tháng 11/2024. Ảnh: Phạm Bằng

Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ được Thủ tướng Chính phủ thành lập tại Quyết định số 509/QĐ-TTg ngày 31/3/2021 với quy mô diện tích 618 ha trên địa bàn 2 huyện Nghi Lộc và Đô Lương.

Đây là khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao đầu tiên của cả nước với mục tiêu được kỳ vọng là đi đầu trong công cuộc phát triển lâm nghiệp theo hướng hiện đại, sản xuất các sản phẩm từ gỗ và lâm sản ngoài gỗ có chất lượng cao theo chuỗi liên kết giá trị.

Việc sớm hình thành và phát triển Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ sẽ góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi mục tiêu phát triển ngành Nông nghiệp đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 theo Nghị quyết số 39 của Bộ Chính trị, đưa tỉnh Nghệ An trở thành trung tâm sản xuất, chế biến và xuất khẩu gỗ lớn của khu vực Bắc Trung Bộ.

Theo Tờ trình của Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh, thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, UBND tỉnh đã ban hành Quy chế hoạt động của Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ và thành lập Ban Quản lý Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Cơ cấu tổ chức của Ban quản lý hiện nay gồm có 8 nhân sự, trong đó, lãnh đạo Ban hoạt động theo cơ chế kiêm nhiệm. Trưởng Ban do đồng chí Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm nhiệm, 1 Phó trưởng Ban do đồng chí Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phụ trách lĩnh vực lâm nghiệp kiêm nhiệm, 1 Phó trưởng ban do đồng chí Phó Chánh Văn phòng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiêm nhiệm và 5 cán bộ được điều động biệt phái và kiêm nhiệm.

Sau gần 3 năm hoạt động, Ban quản lý đã tham mưu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh triển khai một số nhiệm vụ quan trọng.

Phối cảnh không gian phân khu trung tâm sản xuất giống cây lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với diện tích 48 ha, tại xã Nghi Lâm (huyện Nghi Lộc).
Phối cảnh không gian phân khu trung tâm sản xuất giống cây lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao, với diện tích 48 ha, tại xã Nghi Lâm (Nghi Lộc).

Do Ban quản lý hoạt động theo cơ chế kiêm nhiệm nên quá trình triển khai thực hiện các nhiệm vụ gặp rất nhiều khó khăn, bất cập.

Theo Nghị định số 10/2024 của Chính phủ, Ban Quản lý Khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao “là cơ quan trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với khu công nghệ cao”.

Tuy nhiên, theo Quyết định số 3421 của UBND tỉnh, vị trí, chức năng hiện tại của Ban Quản lý khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao vùng Bắc Trung Bộ “là tổ chức trực thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Nghệ An, thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giao...

Vì vậy, để triển khai thực hiện các nhiệm vụ quản lý khu lâm nghiệp một cách hiệu quả, liên tục, sớm hoàn thành các khung pháp lý đủ điều kiện thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, xây dựng và phát triển khu lâm nghiệp theo quy định của pháp luật hiện hành là cần thiết.

Về biên chế khi tổ chức lại, UBND tỉnh sẽ trình Bộ Nội vụ, Chính phủ và Bộ Chính trị tăng thêm 15 công chức cho tỉnh Nghệ An để bố trí cho Ban quản lý; 2 hợp đồng lao động hỗ trợ phục vụ theo Nghị định 111/NĐ-CP của Chính phủ do UBND tỉnh giao theo kế hoạch hàng năm.

Trường hợp không được bổ sung biên chế, sẽ lấy biên chế công chức trong tổng số công chức trong các sở, ngành, đơn vị của tỉnh.

Tại phiên họp, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thảo luận, thống nhất thông qua Chương trình phát triển đô thị tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; danh mục dự án thu hồi đất.

Bên cạnh đó, cho ý kiến việc ban hành Chỉ thị của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác kết nối cung - cầu lao động, giải quyết việc làm, thu hút lao động cho các doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp FDI”; dự thảo Đề án, Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển văn hóa tỉnh Nghệ An đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và các nội dung thuộc thẩm quyền.

Phạm Bằng