Xã hội

Bài cuối: Tiếp tục đồng hành, hỗ trợ và sẻ chia

Diệp Thanh 29/11/2024 09:21

Từ việc thay đổi nhận thức và triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, Dự án “Nâng cao năng lực cán bộ và nhận thức người dân trong việc cải thiện tiếp cận dịch vụ hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em chịu ảnh hưởng bởi bạo lực giới” đã thay đổi cuộc đời của nhiều nạn nhân, cứu rỗi nhiều gia đình. Tuy nhiên, với thực tế còn nhiều nhức nhối và xu hướng bạo lực mới, rất cần sự vào cuộc đồng bộ bằng nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng này.

emagazine_baonghean.vn.png

BÀI CUỐI:
Tiếp tục đồng hành, hỗ trợ và sẻ chia

Từ việc thay đổi nhận thức và triển khai nhiều giải pháp đồng bộ, Dự án “Nâng cao năng lực cán bộ và nhận thức người dân trong việc cải thiện tiếp cận dịch vụ hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em chịu ảnh hưởng bởi bạo lực giới” đã thay đổi cuộc đời của nhiều nạn nhân. Tuy nhiên, với thực tế còn nhiều nhức nhối, rất cần sự vào cuộc đồng bộ bằng nhiều giải pháp để ngăn chặn bạo lực gia đình.

Chương mới cho những phận đời

Sau 3 năm triển khai Dự án “Nâng cao năng lực cán bộ và nhận thức người dân trong việc cải thiện tiếp cận dịch vụ hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em chịu ảnh hưởng bởi bạo lực giới”, thực trạng bạo lực tại 2 xã Quỳnh Thắng, Quỳnh Lương đã có nhiều thay đổi. Cụ thể, số phụ nữ, trẻ em đã từng chịu ít nhất một trong các hành vi bạo lực giới giảm từ 57,6% xuống còn 23%; 97,1% người bị bạo lực biết cần tìm đến ai hoặc đến đâu để được trợ giúp...

Kết thúc dự án, 900 người chịu ảnh hưởng bởi bạo lực đã nhận được hỗ trợ, 80% cán bộ được nâng cao kiến thức, 200.000 người dân được cải thiện thái độ và nhận thức về bạo lực giới. Những nút thắt dần được gỡ, những đau đớn dần được thay thế…

tổng kết Hagar Ảnh Mỹ Hà
Dự án đã mang lại nhiều kết quả tích cực sau 3 năm thực hiện. Ảnh tư liệu: Mỹ Hà
Một tiểu phẩm nói về vấn đề bạo lực giới do các hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ Nghệ An biểu diễn. Ảnh Mỹ Hà
Một tiểu phẩm nói về vấn đề bạo lực giới do các hội viên Hội Liên hiệp Phụ nữ Nghệ An biểu diễn tại Hội thảo tổng kết dự án. Ảnh tư liệu: Mỹ Hà

Chị N.T.L (xã Quỳnh Lương) thổ lộ: “Nhờ tham gia câu lạc bộ “Sức sống mới”, tôi có được những trải nghiệm chưa từng có, lần đầu tiên trong đời tôi được sống là chính mình, nhìn thấy những ưu điểm của mình, biết yêu thương bản thân nhiều hơn, tự tin hơn. Câu lạc bộ là một môi trường an toàn và tích cực để những người bị bạo lực được hàn gắn tổn thương, học hỏi và cùng nhau vượt qua bạo lực. Mỗi lần đến với chị em là một lần tôi có thêm niềm vui, hy vọng”.

Tâm sự của chị N.T.L cũng là cảm nhận của rất nhiều nạn nhân bạo lực gia đình sau khi tham gia dự án. Hơn hết, họ đã biết quan tâm, chăm sóc và tôn trọng cơ thể mình hơn, biết cách bảo vệ mình trong những tình huống cụ thể.

Mô hình hỗ trợ sinh kế cho bà NTT xóm 8 xã Quỳnh Lương, Quỳnh Lưu
Mô hình hỗ trợ sinh kế mà dự án hỗ trợ cho bà N.T.T (xã Quỳnh Lương, Quỳnh Lưu) tiếp tục phát huy hiệu quả cho đến nay. Ảnh: Thanh Nga
Lồng ghép tuyên truyền phòng chống bạo lực gia đình dưới hình thức các cuộc thi Ảnh CSCC
Tuyên truyền phòng, chống bạo lực gia đình thông qua cuộc thi "Rung chuông Vàng" năm 2024 tại xã Quỳnh Thắng. Ảnh: CSCC

Tại câu lạc bộ “Nam giới trách nhiệm”, các thành viên được cung cấp các kiến thức về luật pháp, hiểu biết về bạo lực gia đình, định kiến giới và thực hành các kỹ năng về quản lý sự tức giận, kỹ năng giải quyết mâu thuẫn phi bạo lực, cách thức giao tiếp tôn trọng…

Những thành viên tham gia dự án còn được sử dụng những phương pháp trị liệu tâm lý, giúp nam giới nhận ra được những bất lợi thời thơ ấu trong mối quan hệ với hành vi bạo lực hiện tại, đồng thời tạo động lực và hướng dẫn họ những cách thức để chuyển hóa những hành vi tiêu cực/ định kiến tích cực. Không chỉ tu chí làm ăn, biết thương vợ con, các thành viên đồng đẳng nam còn đứng ra chia sẻ câu chuyện của mình cho những người chồng khác, sẵn sàng “vào vai” ông chồng vũ phu trên sân khấu tuyên truyền cho những người chồng khác.

Xác định năng lực kinh tế là một trong những yếu tố quan trọng để giúp người bị bạo lực tự tin, tự chủ cuộc sống, 100% thành viên tham gia dự án được hỗ trợ sinh kế và cung cấp kiến thức để phát huy hiệu quả nguồn hỗ trợ, giúp gia đình có thêm nguồn thu nhập. Trên cơ sở đề xuất của địa phương, Tổ chức Hagar cũng đã hỗ trợ nhiều trường hợp phụ nữ, trẻ em yếu thế, khó khăn, có nguy cơ bị bạo lực…

Để chấm dứt nỗi đau bạo lực gia đình

Ngày 18/5/2024, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 428/QĐ-TTg ban hành Kế hoạch triển khai thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành, trách nhiệm, cơ chế phối hợp của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan, tổ chức có liên quan, các địa phương trong việc tổ chức thi hành Luật Phòng, chống bạo lực gia đình trên phạm vi cả nước. Trước đó, 13/2/2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định phê duyệt Chương trình phòng, chống bạo lực gia đình trong tình hình mới đến năm 2025. Điều này cho thấy sự quan tâm của Nhà nước trước thực trạng bạo lực gia đình hiện nay.

tình hình bạo lực gia đình số liệu
Số liệu về tình trạng bạo lực gia đình 10 năm gần đây tại Nghệ An. Ảnh: CSCC

Bên cạnh việc triển khai Luật, các Nghị định, chính sách, phòng, chống bạo lực gia đình cần được quan tâm, quán triệt và thực hiện một cách quyết liệt tại các địa phương. Tại Nghệ An, để nâng cao địa vị, vai trò người phụ nữ, các cấp uỷ đảng, chính quyền, đoàn thể đã có nhiều giải pháp, cách làm phù hợp theo chức năng nhiệm vụ được giao. Cụ thể, Sở Văn hoá và Thể thao đã xây dựng được 59 mô hình “Phòng, chống bạo lực gia đình gắn với tuyên truyền giáo dục đạo đức lối sống trong gia đình”; Sở Lao động – Thương binh và Xã hội xây dựng được 4 mô hình “Nam giới tiên phong phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới”, 3 mô hình “Địa chỉ tin cậy, nhà tạm lánh tại cộng đồng”, 2 mô hình “doanh nghiệp tham gia phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới”…

Sự đồng bộ, quyết liệt trên đã từng bước hạn chế bạo lực gia đình, đưa bình đẳng giới đến từng làng quê, từng cộng đồng dân cư, từng mái nhà. Theo số liệu thống kê 10 năm trở lại đây, số vụ bạo lực gia đình trên địa bàn tỉnh giảm rõ rệt. Năm 2023, tỷ lệ người bị bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện được tiếp cận ít nhất một trong các dịch vụ hỗ trợ cơ bản đạt tỷ lệ 100%; Tỷ lệ người gây bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới được phát hiện được tư vấn tại các cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực đạt tỷ lệ 98,5%; Tỷ lệ nạn nhân được hưởng các dịch vụ hỗ trợ và tái hoà nhập cộng đồng đạt tỷ lệ 100%; tỷ lệ cơ sở trợ giúp xã hội công lập triển khai các hoạt động trợ giúp, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới trên địa bàn tỉnh đạt tỷ lệ 75%…

Trao giải cho các câu lạc bộ tham gia Cuộc thi tìm hiểu Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2024. Ảnh- Minh Quân
Trao giải cho các câu lạc bộ tham gia Cuộc thi tìm hiểu Luật Phòng, chống bạo lực gia đình năm 2024 tại Nghệ An. Ảnh tư liệu: Minh Quân

Bà Hoàng Thị Thu Hiền – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nghệ An chia sẻ: “Chúng tôi sẽ tiếp tục duy trì, phát huy hiệu quả các mô hình, cách làm hay trong thời gian qua và vận động sự vào cuộc, chung tay của toàn hệ thống, các tổ chức, cá nhân. Đồng thời, tranh thủ sự hỗ trợ của các chương trình, dự án cấp quốc gia và các tổ chức phi chính phủ về phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới nhằm mang đến những lợi ích tốt nhất cho phụ nữ và trẻ em”.

Diệp Thanh