Kinh tế

Người Mông Nghệ An 'thay áo mới' cho ruộng bậc thang

Xuân Hoàng - Quang An 29/11/2024 10:03

Vùng cao xứ Nghệ cứ đến dịp tháng 11 và 12 hàng năm lại khoác lên một vẻ đẹp trù phú. Đó là mùa đồng bào Mông lấy nước vào ruộng bậc thang để làm đất, chuẩn bị gieo cấy lúa vụ Xuân.

thang 8
Dịp này, đồng bào Mông ở xã biên giới Tri Lễ (Quế Phong) nhộn nhịp ra đồng lấy nước vào ruộng bậc thang để làm đất. Mỗi người một việc, ai cũng khẩn trương, thoăn thoắt cày cuốc, dọn đắp bờ, khơi thông nước để chuẩn bị vào mùa. Ảnh: Quang An
thang 9
Anh Lý Ca Dinh ở bản Na Niếng, xã Tri Lễ cho biết, gia đình anh có 3 thửa ruộng bậc thang, với diện tích 800m2. Mặc dù còn hơn 1 tháng nữa mới vào vụ gieo cấy lúa xuân, nhưng nay vợ chồng lấy nước vào ruộng, sử dụng cơ giới để làm đất. Với đồng bào vùng cao, sản xuất nông nghiệp để đảm bảo lương thực nên việc làm ruộng được ưu tiên hàng đầu để đạt năng suất cao. Ảnh: Quang An
thang 4
Trên mỗi đám ruộng bậc thang, hình ảnh thường thấy là chồng lái máy cày làm đất, còn vợ dọn bờ, điều tiết nước phù hợp vào những thửa ruộng. Ảnh: Quang An
thang 3
Chị Và Thị Cở, vợ anh Lý Ca Dinh cho hay, làm đất sớm mục đích là toàn bộ cỏ và gốc rạ được dập sâu vào đất, hoai mục. Đến ngày gieo cấy chỉ việc bừa lại một lần là được. Làm như thế này giảm sâu bệnh và cỏ dại, cây lúa phát triển tốt hơn. Ảnh: Xuân Hoàng
thang 6
Để điều tiết nước vào những cung ruộng bậc thang, bà con thường dụng ống nước bằng nhựa đặt qua bờ để dẫn nước từ ruộng trên xuống ruộng dưới. Cùng với việc đắp bờ cẩn thận, nên việc giữ nước trên mỗi đám ruộng được đảm bảo. Ảnh: Quang An
ruong 1(1)
Nguồn nước lấy vào ruộng được dẫn từ đập nước Kẻm Ải của xã Tri Lễ và một phần lấy từ nguồn nước chảy tự nhiên từ trong rừng ra. Nước vào ruộng đến đâu, bà con sử dụng máy làm đất đến đó. Ảnh: Xuân Hoàng
thang 5
Trước đây, bà con sử dụng sức trâu, bò để làm đất, còn ngày nay chủ yếu là sử dụng máy làm đất nên giảm sức lao động vào tiến độ nhanh hơn, đất cũng nhuyễn hơn. Ảnh: Xuân Hoàng
thang 1
Địa hình nơi vùng cao xứ Nghệ nói chung đồi núi, dốc quanh co, thế nên những thửa ruộng bậc thang, hay quá trình dẫn nước về ruộng đúng là cả một sự sáng tạo, chăm chỉ và khéo léo. Vùng cao vào vụ mùa lại lần lượt thay áo, vừa mang màu vàng đỏ của phù sa, vừa nhuộm màu xanh mơn mởn của mạ non, lại lấp lánh màu nước trong veo phản chiếu bầu trời. Ảnh: Xuân Hoàng
ruong 2(1)
Ông Lữ Văn Cương - Chủ tịch UBND xã Tri Lễ cho biết, địa phương có 450ha ruộng nước, chủ yếu là ruộng bậc thang. Hàng năm, bắt đầu từ cuối tháng 11, bà con nông dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc Mông ra đồng lấy nước vào ruộng, làm đất dọn bờ, xử lý đồng ruộng, chuẩn bị cho sản xuất vụ xuân. Vì thế, những ngày của tháng 11 và 12, trên các cánh đồng bậc thang trên địa bàn xã văng vẳng tiếng máy làm đất, tạo nên khung cảnh nhộn nhịp và đẹp mắt.
Theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp huyện Quế Phong, vụ xuân tới, toàn huyện gieo cấy 2.200 ha, chủ yếu là ruộng bậc thang. Khác với các đồng bào khác, bà con đồng bào Mông trên địa bàn huyện thường chăm lo ruộng đồng, nên năm nào cũng làm đất sớm, nhằm xử lý đồng ruộng chu đáo để bước vào vụ sản xuất thắng lợi. Ảnh: Xuân Hoàng

Xuân Hoàng - Quang An