Sức khỏe

5 loại rau mọc đâu cũng tốt được lương y sử dụng làm thuốc

Hạ An (Tổng hợp) 29/11/2024 14:45

Những loại rau dân dã này có thể mọc ở bất cứ đâu, rất rẻ tiền nhưng lại là những vị thuốc quen thuộc trong y học cổ truyền.

5 loại rau mọc hoang hoặc rất dễ trồng có thể dùng làm thuốc, lưu ý bạn cần tham khảo ý kiến bác sĩ Đông y trước khi sử dụng là rau sam, rau má, rau diếp cá, dền cơm, ngải cứu.

Rau diếp cá

Báo Sức khoẻ Đời sống dẫn lời BSCKII Huỳnh Tấn Vũ - Trưởng đơn vị Điều trị ban ngày, Bệnh viện ĐH Y dược TP.Hồ Chí Minh cho biết, cây rau diếp cá còn có tên là rấp cá, diếp cá, cây giấp cá, dấp cá, ngư tinh thảo. Tên khoa học là Houttuynia cordata. Họ lá giấp Saururaceae. Diếp cá được trồng hoặc tự mọc ở rất nhiều nơi. Đây là cây rất dễ tìm kiếm và giá thành rẻ.

Thành phần hóa học của cây rau diếp cá: Toàn cây diếp cá có chứa tinh dầu. Thành phần chủ yếu là aldehyd. Ngoài ra diếp cá còn chứa acid caprinic, laurinaldehyd, benzamid, acid decanoic, lipid và vitamin K… Lá diếp cá chứa β-sitosterol, alcaloid.

Tác dụng dược lý - công dụng của rau diếp cá: Rau diếp cá tác dụng lợi tiểu, thanh nhiệt, giải độc, tiêu thũng, sát trùng. Diếp cá được dùng trị bệnh trĩ, mụn nhọt, trẻ con lên sởi, viêm phổi hoặc phổi có mủ, đau mắt đỏ hoặc đau mắt do trực khuẩn mủ xanh, viêm ruột, bí tiểu tiện, kinh nguyệt không đều. Diếp cá còn dùng trị sốt rét, sài giật ở trẻ em, đau răng.‎

Rau diếp cá (trái) và rau sam.
Rau diếp cá (trái) và rau sam.

Ngải cứu

Theo Sohu, trong y học cổ truyền Trung Quốc, lá ngải cứu còn được gọi là “thảo dược cho sức khỏe phụ nữ”. Y học cổ truyền Trung Quốc cho rằng lá ngải cứu là loại thuốc giúp điều hòa kinh nguyệt, cầm máu, tác dụng làm ấm phần giữa cơ thể, loại bỏ cảm lạnh, sử dụng cho những phụ nữ bị khí hàn ứ đọng.

Nhiều phụ nữ gặp vấn đề như kinh nguyệt không đều và tay chân lạnh, uống trà ngải cứu rất có ích cho việc thuyên giảm các triệu chứng nêu trên. Ngoài ra, trà ngải cứu còn giúp làm ấm tử cung, từ đó giúp cải thiện sức khỏe sinh sản của phụ nữ. Khi trà ngải cứu thêm một chút gừng, đường nâu và táo đỏ sẽ dễ uống hơn, hiệu quả cũng sẽ tốt hơn.

Rau sam

Báo Vietnamnet dẫn lời dược sĩ Ma Thị Trang, Nghiên cứu viên Viện Y học Bản địa Việt Nam cho biết, tại Hà Lan, người dân dùng rau sam làm dưa chua, salad trộn dầu dấm.

Người Trung Hoa gọi rau sam là rau trường thọ. Trong khi đó, rau sam là loại rau mọc dại ở Việt Nam, ít người ăn. Rau này được người dân nhiều vùng trong nước dùng để chăn nuôi gia súc.

Rau sam là loại cỏ, cành mẫm nhẵn, rất quen thuộc ở nhiều vùng quê. Trước kia, rau sam được coi là rau dại, rau cứu đói ở các mùa hiếm rau. Tuy nhiên, ngày nay, các thực phẩm rau xanh nhiều nên loài rau này không được để ý đến. Thực tế, rau sam chứa nhiều chất quý, tốt cho sức khỏe.

Nhiều nghiên cứu hiện đại cho thấy, rau sam có nhiều hoạt tính sinh học như Flavonoid, Coumarin, Monnoterrpene Glycoside, hợp chất Phennolic. Trong rau sam còn chứa nhiều axit béo như omega-3, vitamin, khoáng chất và một số hợp chất tốt cho sức khỏe.

Flavonoid là thành phần nhiều nhất ở rau sam tập trung ở lá và thân cây. Đây là chất có tính chống oxy hóa và chống viêm hiệu quả. Các nghiên cứu hiện đại đều chỉ ra rằng, Flavonoid giúp phòng, chống ung thư, bảo vệ hệ tim mạch, thúc đẩy hệ miễn dịch hoạt động chống lại nguy cơ nhiễm trùng đặc biệt đối với các đối tượng bị suy giảm miễn dịch. Flavonoid còn tốt cho phụ nữ giai đoạn mãn kinh, giảm hiện tượng bốc hỏa, khó chịu cho họ.

Rau sam còn sở hữu một số khoáng chất tốt như phốt pho, sắt, mangan, canxi, đồng… trong rễ, thân, lá. Lá của rau sam còn giàu selen, magiê, vitamin A, vitamin C.

Rau má

Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời Lương y Trần Đăng Tài cho biết, rau má mọc hoang tại khắp nơi ở Việt Nam và các nước vùng nhiệt đới như Lào, Campuchia, Indonesia, Ấn Độ. Tại một số nước, người ta chú ý nghiên cứu rau má để tìm tác dụng chữa bệnh hủi và bệnh lao.

Hiện vẫn chưa có nghiên cứu nào cho biết về việc uống rau má với lượng bao nhiêu và uống trong thời gian bao lâu thì gây hại cho sức khỏe.

Cũng theo các chuyên gia y học cổ truyền một thuốc nào đó có tốt đến đâu thì cũng không nên dùng quá nhiều. Nếu lạm dụng, rau má có thể gây hại cho gan, thận và các tế bào máu. Do đó, chỉ nên dùng với lượng vừa phải. Ngày dùng 30 đến 40g tươi, vò nát vắt lấy nước uống hoặc sắc uống.

Rau má còn gọi là tích tuyết thảo, phanok (Vientian), rachiek kranh (Campuchia). Tên khoa học Centella asiatica (L.) Urb., (Hydrocotyle asiatica L. Trisanthus cochinchinensis Lour.) Thuộc họ Hoa tán Apiaceae (Umbelliferae).

Rau dền cơm

Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn lời Bác sĩ Hoàng Xuân Đại cho biết, rau dền cơm hay còn gọi là rau dền gai (Amaranthus spinosus) mọc hoang dại ở những nơi đất bỏ hoang.

Rau dền cơm hay gai giàu dược tính nên được sử dụng làm thuốc; bộ phận sử dụng là rễ, thân và lá. Người ta thu hoạch rễ suốt năm, rửa thật sạch, cắt thành lát mỏng và phơi khô. Lá và thân non được ăn như rau xanh.

Thành phần hóa học ( theo Hooper): nước 52,10% (tươi), chất béo 2,21% (khô), alblumenoids 19,43% (khô), glucid 38.35% (khô), chất xơ thực phẩm 19,82% (khô), tro 20,20% (khô), Azote 3,11% (khô), phosphoric axít 1,13% (khô), silicates 1,90% (khô).

Đông y cho rằng dền gai có vị ngọt nhạt, tính hơi lạnh; có tác dụng thanh nhiệt, lợi tiểu, trừ thấp, ngừng tả. Thường dùng trị phù thũng, bệnh về thận, chữa lỵ và làm thuốc điều kinh. Phần cây trên mặt đất được dùng làm thuốc chữa bỏng, đắp tiêu viêm mụn nhọt. Lá có tính long đờm và được dùng trị ho và các bệnh về đường hô hấp. Hạt dùng để đắp, băng bó chấn thương.

Trên đây là 5 loại rau mọc đâu cũng tốt được lương y sử dụng làm thuốc. Nếu bạn muốn sử dụng những loại rau này làm thuốc hoặc sử dụng lâu dài thì cần tham khảo ý kiến của các bác sĩ trước khi dùng./.

Hạ An (Tổng hợp)