Giáo dục

Hội thảo quốc gia Khoa học xã hội và Nhân văn "Đào tạo - nghiên cứu - ứng dụng”

Mỹ Hà 30/11/2024 09:27

Sáng 30/11, Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn - Trường Đại học Vinh đã tổ chức Hội thảo khoa học quốc gia “Khoa học Xã hội và Nhân văn: Đào tạo - nghiên cứu - ứng dụng”.

Hội thảo là một trong những hoạt động ý nghĩa nằm trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 65 năm thành lập Trường Đại học Vinh (1959 - 2024). Tham dự hội thảo có các giảng viên, nhà khoa học đến từ nhiều cơ sở đào tạo trên cả nước, đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan.

dscf2973(1).jpg
Tiến sĩ Đinh Ngọc Thắng - Hiệu trưởng Trường Khoa học xã hội và nhân văn phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Mỹ Hà

Phát biểu đề dẫn khai mạc hội thảo, Tiến sĩ Hắc Xuân Cảnh - Phó Hiệu trưởng Trường Khoa học Xã hội và Nhân văn - Trường Đại học Vinh nhấn mạnh, Khoa học xã hội và nhân văn là một lĩnh vực đặc thù, là khoa học liên ngành nghiên cứu về những thay đổi và phát triển của các nền văn hóa, tư tưởng, xã hội, những triết lý, nguyên lý, những khía cạnh có giá trị liên quan đến con người, đến hoạt động của con người và những quy luật được tạo ra bởi các mối quan hệ của con người trong đời sống xã hội.

Cùng với Khoa học tự nhiên, Khoa học công nghệ và kỹ thuật, Khoa học xã hội và nhân văn đóng vai trò là nền tảng, tác động trực tiếp đến việc định hướng, hình thành nhiều giá trị của dân tộc.

dscf2986(1).jpg
Tiến sĩ Hắc Xuân Cảnh - Phó Hiệu trưởng Trường Khoa học xã hội và nhân văn phát biểu đề dẫn hội thảo. Ảnh: Mỹ Hà

Với những vai trò to lớn trong việc thúc đẩy sự phát triển của văn hóa, xã hội và con người, trong những thập niên gần đây, việc đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng Khoa học xã hội và Nhân văn ngày càng được quan tâm nhiều hơn và đã có những chuyển biến rõ nét. Tuy nhiên, so với Khoa học tự nhiên, Khoa học kỹ thuật và công nghệ, thì sự đầu tư cũng như những thành quả mà Khoa học xã hội và Nhân văn mang lại vẫn còn hết sức khiêm tốn. Công tác đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng Khoa học xã hội và nhân văn vẫn còn chậm đổi mới, chưa theo kịp sự phát triển của xã hội.

Tiến sĩ Hắc Xuân Cảnh cũng cho rằng, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với trí tuệ nhân tạo (AI) là nền tảng đã và đang đem đến những biến đổi lớn đối với đời sống xã hội, vừa đem lại nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với lĩnh vực Khoa học xã hội và Nhân văn.

dscf2975(1).jpg
Hội thảo quy tụ nhiều nhà khoa học, giảng viên đến từ nhiều trường đại học trên cả nước. Ảnh: Mỹ Hà

Việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo có thể làm thay đổi nhiều vấn đề về cách nghĩ, cách làm, cách giảng dạy và nghiên cứu trong lĩnh vực Khoa học xã hội và Nhân văn, đồng thời việc tìm ra những giải pháp để vượt qua những thách thức của cách mạng 4.0 cũng có thể xem là những khám phá mới mẻ, là vùng đất đầy tiềm năng cho nghiên cứu Khoa học xã hội và Nhân văn.

Điều đó cho thấy, một yêu cầu đặt ra hiện nay là cần phải đổi mới mạnh mẽ việc đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng Khoa học xã hội và Nhân văn để thích ứng với bối cảnh mới của thế giới.

Nhận thức được những yêu cầu cấp thiết hiện nay trong việc tìm ra những giải pháp mạnh mẽ để nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng Khoa học xã hội và Nhân văn, Hội thảo khoa học: “Khoa học xã hội và Nhân văn: Đào tạo - Nghiên cứu - Ứng dụng” là dịp để các nhà khoa học, những người giảng dạy, học tập và nghiên cứu nhìn nhận, đánh giá những thành tựu, hạn chế, khó khăn, vướng mắc của việc đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng trong lĩnh vực Khoa học xã hội và hân văn.

Trên cơ sở đó tìm ra những giải pháp nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của việc đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng nói riêng và phát huy vai trò thế mạnh của lĩnh vực Khoa học xã hội và Nhân văn nói chung.

bna_sinh-vien-truong-khoa-hoc-xa-hoi-va-nhan-van.-anh-ntcc(1).jpeg
Một giờ học của thầy và trò Trường Khoa học xã hội và Nhân văn. Ảnh: NTCC

Trước đó, để chuẩn bị cho hội thảo này, Ban Tổ chức hội thảo đã nhận được gần 50 tham luận của các nhà khoa học, nhà quản lý, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên, sinh viên... đến từ nhiều trường đại học, cao đẳng, các cơ quan nghiên trên cả nước như Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hòa, Hà Tĩnh, Nghệ An, Ninh Bình, Hà Nội... Tại hội thảo, các tham luận sẽ tập trung vào các vấn đề gồm: Đào tạo, nghiên cứu trong lĩnh vực Khoa học xã hội và Nhân văn; ứng dụng trong lĩnh vực Khoa học xã hội và Nhân văn.

Qua hội thảo, Ban tổ chức cũng mong muốn tiếp tục làm sâu sắc hơn thời cơ, thách thức và yêu cầu đối với Khoa học xã hội và Nhân văn trong bối cảnh chuyển đổi số và sự phát triển của trí tuệ nhân tạo. Đồng thời, làm rõ các cơ sở khoa học, căn cứ chính trị, pháp lý, trong đó làm rõ những yêu cầu có tính cấp thiết trong việc đổi mới hoạt động đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng Khoa học xã hội và Nhân văn trong giai đoạn hiện nay.

Ngoài ra, từ đánh giá thực trạng, yêu cầu, cơ hội, thách thức và những giải pháp thúc đẩy hợp tác quốc tế trong lĩnh vực Khoa học xã hội và Nhân văn sẽ gợi mở các kiến nghị về cơ chế, chính sách đối với các cơ quan quản lý để phát triển hoạt động đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng Khoa học xã hội và Nhân văn đáp ứng yêu cầu của bối cảnh mới./.

Mỹ Hà